Họ học chung một lớp từ cách đây hơn 40 năm. Họ chung nhau một thời tuổi trẻ quậy phá đầy kỷ niệm. Họ chung nhau một thời lớn lên khổ sở lầm than có, vàng son danh vọng có, họ cùng trải qua nhiều chế độ, nhiều trái ngang của thời thế. Ngoài họp lớp mỗi năm thì họ vẫn có những buổi họp mặt lẻ tẻ, chỉ với một lý do "vì ta còn sống". Chẳng hạn như một thằng bạn nào đó từ xa về. Một thằng nào đó vừa về hưu. Một thằng nào đó làm sui. Một thằng nào mất người thân. Cũng có khi là thằng nào đó li dị hoặc cưới vợ lần nữa...
Chúng tôi, các bà vợ của họ, không có gì chung. Chúng tôi giống nhau là một đời bếp núc, nhan sắc đã tàn phai theo tuổi tác. Giống thêm ở một điểm là dần dần trở nên... nhàn rỗi và vô dụng.
Lý do cuộc họp mặt lần này là một thằng vừa ký được cái hợp đồng quá lớn.
Tới trễ một chút. Thấy vắng vắng ai đó. Hỏi thăm. Một anh trả lời:
-Thằng đó hả, nó cánh cụp cánh xòe rồi đi gì nữa.
Tai biến, giờ không đi được nữa, liệt tay liệt chân gì đó. Vài ba câu thương cảm thằng bạn bỏ cuộc chơi. Mọi người hòa mình vào cuộc tám khác quên ngay thằng bạn cánh cụp cánh xòe.
Tôi nhập bọn với các bà. Họ đang xôn xao một chuyện gì đó, ánh mắt mọi người dồn vào một mái chòi xa xa.
Nơi đây là vườn xoài rộng, nằm trong diện quy hoạch của thành phố chờ đền bù. Khu vườn này nằm khuất xa cuối trong một góc cụt của thành phố biển. Chủ quán xây những nền xi măng nhỏ nhỏ khoảng 9 mét vuông dưới các gốc xoài lưa thưa, lợp mái, thành từng căn chòi, mỗi chòi cột hai chiếc võng cho khách khi mỏi lưng. Mọi người đang nhìn về một căn chòi có đôi nam nữ. Gã nam nhân đó cũng gần năm mươi, cô gái cũng trên ba mươi. Cô gái nằm trên võng, gã đàn ông quạt quạt cho cô gái, thì thầm gì đó, rồi cúi xuống hun. Cứ vậy. Phe phẩy quạt và hun.
Bên này cánh đàn bà thì thầm:
- Đây chắc bồ bịch gì chớ vợ chồng gì mà yêu thắm thiết vậy.
- Sao không thuê phòng không rẻ hơn sao ra tuốt ngoài này vậy ta. Giữa thanh thiên bạch nhật ai cũng thấy chướng quá.
- Sao bà biết phòng rẻ. Rẻ là bao nhiêu.
- Nửa tiếng bảy chục. Một tiếng là một trăm.
- Sao bà rành vậy?
- Thì ngay bên cạnh nhà tui. Thấy wài. Thằng con trai tới trước, đưa cái đuôi xe vô, biển số quay vô trong, đứa con gái từ từ đi bộ tới sau. Choai choai nhiều lắm. Cha mẹ khỏi kiếm được đi.
Tôi chen vô: giá đó lâu chưa chị?
- Lâu rồi, nhưng mấy năm nay cũng một giá, không có lên.
Nhóm bạn chồng tôi ngồi phía bên kia vẫn đang nói chuyện, cười to, nói lớn. Nhưng thỉnh thoảng vẫn liếc chừng các bà. Sợ các bà có gì không ưng bụng thì khi về nhà có khi bị nhéo bầm hông. Họ cũng liếc mắt và hóng theo xem chủ đề câu chuyện của các bà. Một anh nói với vợ:
- Gì mà nhìn người ta dữ vậy em, lát tối về anh quạt cho…
Các bà các ông cười nghiêng ngả. Bà vợ đỏ mặt.
Cặp tình nhân trọng tuổi kia chừng như không thể chịu nổi những đôi mắt mang hình viên đạn của nhóm các bà chúng tôi nên đã kêu trả tiền và lên xe rời đi. Các bà im lặng dõi theo cho đến khi họ mất hút. Chừng như luyến tiếc, họ nói thêm vài câu với chủ đề còn dang dở.
Tôi không thích mấy những cuộc vui như thế này. Ngồi mấy tiếng đồng hồ để nhậu để tám quả là xa xỉ thời gian. Các bà vợ khác thường gặp nhau hơn tôi. Ngoài những lần gặp cùng với các ông chồng, họ có những phi vụ kinh doanh, làm ăn, hoặc đi cà phê cà pháo với nhau. Những câu chuyện của họ giống như những bộ phim truyền hình vài trăm tập mà tôi đã không có dịp theo dõi những tập đầu. Nghe chẳng hiểu gì. Tôi ngồi đó, thỉnh thoảng đưa máy hình chụp họ vài tấm. Họ nói chuyện say sưa, bộc lộ cảm xúc hồn nhiên, hết mình. Nhìn họ mình như đang coi một bộ phim mà diễn viên không diễn, họ đóng thật. Một anh ngồi lặng lẽ nướng những con mực. Ngày xưa đi học chắc cũng là một người ít ỏi nhất lớp bị bạn bè chèn ép. Giờ gần 60 rồi mà vẫn bị chèn ép. Lần họp mặt nào, tôi cũng thấy anh chọn làm những việc khó khăn không ai thèm làm. Ngồi bên bếp lửa nóng. Tỉ mẩn nướng từng con cá con mực, con sò. Mặc cho bạn bè khác thảnh thơi nói chuyện cười ngả nghiêng. Vậy mới là thương bạn bè, có dịp được phục vụ cho bạn bè là cứ lặng lẽ chịu thương chịu khó. Một lần trong nhóm có người mất mẹ, những người khác đến viếng thắp cây nhang rồi đi, riêng anh thì xách áo tràng đến ở lại tụng kinh cho mẹ bạn mấy ngày. Hôm nay thì anh ngồi sau lưng bạn bè, nướng cho hết mấy ký cá, mực. Cuối buổi, hết mồi, anh lại lang thang đâu đó ở phía cuối khu vườn rồi hái một trái xoài, mang đến bảo vợ gọt cắt ra cho bạn bè nhậu tiếp.
Tôi lóng tai nghe xem cánh đàn ông nói chuyện gì. Nghe loáng thoáng là gan nhiễm mỡ.
- Tuổi này thằng nào không gan nhiễm mỡ.
- Thôi, đừng bắt nó uống nhiều kẻo bữa sau không thấy mặt nó nữa.
- À bữa tao vô bịnh viện thăm thằng K… chắc nó không qua khỏi (họ đang nói về một ai đó đang thoi thóp ở bệnh viện)
- Thằng T giờ sao rồi sao không thấy tới?
- Nó đang chán đời. Quan lớn mà. Mới vừa về hưu hôm trước hôm sau bị bọn ở xã chèn ép liền.
- Thằng Đ sao mặt mày buồn từ sáng giờ?
- Thằng con tao sắp lấy vợ nữa…. Con vợ trước cuỗm của nó một mớ tiền.
- Mày sao ốm vậy. Có bịnh gì không?
- Bịnh thì không bịnh, có điều, dạo này ba đứa con tao lớn hết rồi có vợ có chồng hết rồi mà giờ không đứa nào làm ăn ra làm sao hết, cả ba đứa quay về bám vợ chồng tao mày ơi. Con mà, đâu có bỏ được.
Trong gia đình, các bà thường là những người có vẻ chịu trách nhiệm lo toan nhiều hơn, nhưng trong những cuộc vui như thế này, nghe câu chuyện của các ông lại thấy họ tỏ ra là những người lo lắng nhiều hơn, ưu tư về gia đình, thời thế.
Tôi nhìn qua các bà, hai chị thì đang phiêu với bài karaoke Niệm khúc cuối. Quán ở đây cung cấp mỗi chòi một cái loa. Họ chỉ mang cái ipad tới để chọn bài hát. Vườn rộng, mỗi chòi một loa, thi nhau hát. Có khi thì không ai hát, khi thì chòi nào cũng hát rộ lên như bầy ve.
Một chị mân mê vạt áo của chị ngồi bên cạnh:
-Áo này mặc mát phải không. Em cũng có một cái. May mà hôm nay em mặc áo này là đụng hàng với chị rồi.
Hai chị kia ngồi ngó mặt nhau:
Em xăm lông mày ở đâu, chỉ chị với, lông mày chị rụng hết rồi…
Còn tôi thì ngồi phá mồi, ngó họ và có cái note xàm xí này ^^
No comments:
Post a Comment