Wednesday, March 10, 2021

NHÀ THỜ CHÁY

 



Nửa đêm bắc ghế lục tìm lại cuốn sách.

Sáng nay thức dậy, Sư hỏi Nhà thờ Đức Bà cháy tôi có khóc không. Tôi đáp yes. Sư cho tôi coi một fb nơi đó người ta thóa mạ những nghệ sĩ đã rơi nước mắt. Những người vô cảm ấy, họ làm sao hiểu được những sự gắn bó vô hình, những nỗi đau tâm hồn. Notre – Dame de Paris đã gắn bó một thời với tuổi thơ tôi khi óc tưởng tượng còn có thể thêu dệt những điều huyền hoặc. Một tuổi thơ cùng yêu, cùng si, cùng khóc với thằng gù Quasimodo.  Tôi đã ủ mưu toan tính hè này làm một chuyến Paris, và nơi đây là nơi đầu tiên tôi muốn đến. Vậy mà, không khóc sao được.

Nhìn nóc nhà thờ đổ xuống, tôi nhớ tòa tháp đôi ngày 11-9, tôi nhớ tượng Phật bị bọn Taliban phá hủy…, tôi khóc không chỉ thương cho ngôi thánh đường, mà còn khóc vì thương những thế hệ tương lai, vì cảm thấy sợ hãi cho mai sau khi những gì tượng trưng cho cái thiện, cái đẹp bị hủy diệt dần dần.



Nơi đó, người ta quỳ xuống cầu nguyện. Thật đẹp đẽ thay khi con người còn có đức tin. Tôi ngưỡng mộ họ. Người ta phải có một tiền nghiệp như thế nào, và một nhân cách như thế nào mới được sống ở một nơi xứng đáng với họ. Tôi không biết, nếu lúc đó tôi đang đứng ở nơi đó, tôi có quỳ xuống như họ không, ngay cả khi trước mặt tôi là một ngôi chùa đẹp.  Có lẽ không. Chừng ấy thôi, tôi cũng đã hiểu vì sao mình ngày ngày vẫn còn ở đây, đối mặt với bất ổn, bất an, bất toàn, bất trắc…

Và rồi lửa đã được ngăn chặn. Chúa đã nghe thấy họ chăng?

Tôi nhớ trong Kinh Đại Bát Niết bàn có một vị tỳ kheo tên Subhadda (trước là thợ hớt tóc) đi về chung với ngài Mahākassapa. Nghe Phật viên tịch, mọi người đều khóc, vị này vui và nói: “Việc gì phải khóc, kể từ nay về sau khỏe rồi, không ai la rầy.” Nghe câu nói đó, ngài Mahākassapa vốn là vị A-la-hán (không còn tâm sân, bất mãn, hờn giận) nhưng câu nói đó đối với ngài có lại tác động sinh lý , một cảm giác giống như ai đó lấy nắm tay đấm vào trái tim của ngài. Tôi là phàm phu, không dám chút gì so sánh, nhưng nay tôi cũng đã có cảm giác đau đớn tương tự.

Điều tôi muốn nói, tôi chợt vui một chút vì tôi vẫn còn biết đau lòng, và nơi kia, người ta vẫn còn biết đau lòng. Đáng sợ nhất là khi con người trở nên vô cảm!

17-4-2019

No comments:

Post a Comment

Sống khôn thác thiêng

“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...