Thursday, March 11, 2021

THÁNG 11, NHỚ

 Tháng 11 và những ngày giáp tết tôi thường về thăm nghĩa trang Hà Dừa. Nơi ba tôi đã đi một chặng đường dài từ ngoài Nam Định và yên nghỉ cuối cùng tại nơi đây.

Nghĩa trang Hà Dừa giờ không còn um tùm như ngày xưa nữa. Nền đất trước kia mọc đầy cỏ hoang giờ đã được láng xi  măng gần hết. Đi vào nghĩa trang không có cảm giác heo hút lạnh lùng như ngày xưa khi nghe tiếng con gì bò sột soạt dưới cỏ. Một vài khoảnh đất còn trống đã được trồng những luống cúc vàng, có lẽ sẽ cho hoa rất đẹp vào mùa tết sắp tới.

Khu mộ của ba tôi chưa được lát xi măng trên nền, có lẽ kinh phí nhà thờ còn eo hẹp và huy động chưa đủ.

Ngồi xuống nhổ những bụi cỏ xung quanh, tôi chợt nhớ đến những người đã đi qua cuộc đời ba tôi, và theo đến tận giờ phút cuối cùng; người đậm, người nhạt trong trí nhớ tôi, nhưng có những người vẫn đi cạnh ba tôi sau khi ông đã từ giã cuộc đời.

Nhiều người đã nằm lại cùng trong nghĩa trang này, những người bạn cùng đi lễ, cùng tám chuyện thời sự, cùng đánh bài… Tôi cũng chợt nhận ra niềm vui giải trí của ba tôi ít ỏi và đơn điệu làm sao ngoài những người bạn ấy. 

Những người ấy đã đi bộ theo đoàn tiễn đưa ba tôi lần cuối một chặng đường dài hơn hai cây số.

Nhưng đó không phải là lần cuối cùng họ ở cạnh ba tôi.

Mỗi năm, tháng Lễ các linh hồn, tôi trở về thăm mộ thì bao giờ cũng thấy mộ được dãy cỏ sạch sẽ gọn gàng. Rồi cứ như thế mỗi năm, những người gắn bó với ba tôi, họ lặng lẽ làm việc đó, chỉ vì họ biết ba tôi.

Thật hạnh phúc khi ở bất cứ một làng quê Việt Nam nào cũng có những con người tốt bụng như thế, họ có cái tên rất mộc mạc như tấm lòng của họ: Ba Xê, Hai Xu…

Vì họ biết vị trí ngôi mộ, nên tết năm nào tôi cũng tìm đến họ nhờ quét vôi mộ cho ba tôi.

Mộ ba tôi nằm ngay bên cạnh bờ tre sông Hà Dừa. Một ngày tôi nằm mơ thấy ngôi mộ chuồi xuống lòng sông. Tôi muốn bốc mộ ba tôi đưa về nơi khác, nhưng sự việc hệ trọng như vậy khó quyết định bởi chỉ vì một giấc mơ. Bàn bạc mãi với anh chị tôi, cuối cùng chúng tôi gia cố ngôi mộ cẩn thận hơn. Đặt những viên đá chẻ xây một bức tường thành vững chắc cạnh bờ tre. Ngôi mộ xây nên thật khang trang, chúng tôi yên tâm vô cùng.

Vậy mà, một cơn lụt năm đó, đã xói mòn mờ sông, cuốn cả một rặng tre dày trôi theo dòng nước. Những ngôi mộ nằm “theo meo” bên bờ sông có nguy cơ trôi đi.

Đêm đó, trong cơn mưa gió, cha xứ cùng một số người quanh nhà thờ đã ra đó tìm cách ghìm bờ tre để giữ những ngôi mộ. Họ tìm được địa chỉ và báo tin cho gia đình tôi. Một cuộc bốc mộ cấp bách được tiến hành, không cần coi ngày giờ, chưa kịp tìm nơi cải táng nào, chỉ còn cách dời vào phía trong xa bờ sông hơn.

Mộ ba tôi được cải táng vào trong một ngôi mộ khác đã cải táng trước đó, nghe nói là người nhà dời lên phía trước cho gần người thân. Giống như chúng tôi đã mua một ngôi nhà cũ cho ba vậy, nhưng biết sao, giữa mùa lụt mưa dầm dề này.

Ngôi mộ mới được xây nên chóng vánh, bên cạnh là sau vườn của một nhà trồng hoa. Ở đó không có tàng lá tre lòa xòa che mát, nhưng ba tôi có thể nhìn thấy một khu vườn vàng rực hoa cúc mỗi mùa xuân.

 

Người dãy cỏ mộ cho ba tôi những năm trước cũng không còn nữa. Con của ông ấy cũng nhận quét vôi giúp nhiều năm sau đó cho đến khi chúng tôi xây lại mộ ba.

 

Ngoài ngôi mộ ba, nghĩa trang này cũng còn mộ chị tôi, đã mất khi mới 4 tuổi. Một lần về tết, tôi thấy mộ chị tôi được sơn lại một màu khác thay vì màu xi măng, nhìn sang một bên, tôi thấy có một ngôi mộ mới sơn đồng màu như thế. Tôi chợt hiểu, họ đã sơn lại ngôi mộ của thân nhân và sơn luôn nấm mộ nhỏ nhoi của chị tôi.

Về thăm nghĩa trang một buổi chiều gần tắt nắng, chỉ có một mình, nhưng tôi không cảm thấy đơn độc và sợ hãi sự chết. Nhìn những mộ bia quanh đây tôi nhớ và nghĩ đến nhiều người.

Người ta sẽ không bao giờ lẻ loi hoặc bị lãng quên ngay cả sau khi chết khi trong đời sống đã từng mang đến sự ấm áp cho người khác.

No comments:

Post a Comment

Sống khôn thác thiêng

“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...