
Hình nó selfie sáng nay tại quán bánh cuốn
Những ngày này thật khó mà có giây phút tĩnh lặng để viết về cảm xúc khi nó trở về. Thể theo lời yêu cầu của vài người bạn muốn biết chuyện học trung học ở một cảnh giới khác VN, nên cũng ráng gõ vài dòng, …

Hai chị em
Sau hai mươi lăm tiếng đồng hồ 3 chuyến bay, nó về đến Sài Gòn. Ngày nó đi có bố và chị tiễn thì ngày về cũng thế, mẹ vẫn không thể đón nó tại Tân Sơn Nhất. Vì vậy khi nó về đến Sài Gòn, dù có bố và chị, nó vẫn chưa có cảm giác trở về nhà. Hai ngày sau bay một mình từ SG về Nha Trang, xuống xe taxi, vào nhà là vào ngay buồng tắm dội nước cho bay cái nắng nóng, rồi lục cái tủ áo đã im lìm nhiều tháng qua tìm chiếc áo ngủ mặc vào, bật máy lạnh, bật laptop, duỗi dài người trên sofa rồi nói, đây mới là thật sự về nhà.
Vừa nằm ké bên cạnh nó trên sofa, nó ôm mẹ và nói: con khóc rồi nè. Mẹ cũng khóc. Nhìn giọt nước mắt của nó thì biết là cuộc sống ở Mỹ không phải lúc nào cũng đẹp như thiên đường. Nhưng thôi, đã qua rồi những ấm ức nếu có.
Bưng mâm cơm lên tận phòng cho nó, ăn xong nó đắm mình vào trò chơi audition, thỉnh thoảng lại ôm hun mẹ, nói thương mẹ quá, rồi khen “mạng nhà mình ngon hơn mạng Mỹ, chơi audition không bị lag như bên Mỹ”. Ui chao, cái mạng thỉnh thoảng bị cá mập cắn cáp mà nó lại khen cũng thiệt là lạ.
Muốn hỏi nó chuyện nọ chuyện kia, nhưng thật là buồn khi cái máy hình nó mang từ Mỹ về VN không bị mất mà lại bị mất trong hành trình từ Sài Gòn về Nha Trang. Mất hình nên không biết bắt đầu “phỏng vấn” nó từ chuyện gì.

Nó mang về làm quà cho mẹ là một thứ bột vitamin dùng pha nấu với sữa, món này nó học được từ gia đình người Mễ, và bộ measuring cup để đo lường khi nấu ăn. Bột sữa là món nó tâm đắc nên nó muốn mẹ được nếm cái món gắn bó với nó nhiều tháng ròng nơi nước Mỹ. Nó vào bếp, dùng measuring cup, đong đếm thế nào đó, rồi bào chế món này từ một nửa gói bột, 3 hộp sữa Hà Lan, đun liu riu trên bếp. Rót ra được 3 ly cho nó, bà ngoại, và mẹ. Bà ngoại ăn thử rồi nói: Chà, khó ăn quá! Mẹ nhìn tới nhìn lui nói để mẹ nhâm nhi từ từ, nhưng thật ra rất khó ăn, cuối cùng thì ăn chậm một chút lại thấy đặc giống như đậu hũ nhưng lại là hương vị sữa bột.
Bà ngoại nhìn bộ cup đo lường thì nói, “bày đặt quá, tao nấu cho tụi bây, nuôi tụi bây lớn có lường có gạt gì đâu...”
Lúc sắp về, nó nói sẽ bỏ bớt đồ lại ở Mỹ, cứ nghĩ nó sẽ mang sách vở về rất nặng, nào ngờ mở va li chẳng thấy cuốn sách nào. Hỏi,
- Vở con học đâu cho mẹ xem.
- Con đâu có mang về đâu mẹ.
- Rồi con bỏ ở đâu?
- Con bỏ ở trường.
- Rồi trường con làm gì với mấy cuốn vở đó.
- Làm gì con đâu có biết, vở con đẹp lắm đó nghen. Thầy cô đi ngang qua thấy chữ con đều đứng lại, cầm vở lên xem rồi khen.

Nhờ chữ đẹp kiếm được $30 đầu tiên trên đất Mỹ.
Cũng nhờ chữ đẹp, có người nhờ nó viết danh sách khách mời đám cưới và trả công cho nó $30. Thầy cô bên Mỹ chắc chẳng biết học trò bên này mấy năm ròng rã chỉ tập viết và lớn đầu rồi cũng còn bị kiểm tra vở. Nó nói mấy bữa đầu nó mang vở về nhà, nhưng sau thấy bạn bè đi học chỉ đi tay không, sách vở bỏ lại trường hết, mà vở cũng do nhà trường phát cho học chớ học sinh không phải mua vở.
- Rồi bài tập về nhà làm vào đâu?
- Giáo viên phát giấy làm bài.
Mẹ không thể tin nỗi chuyện đi học cả một năm trời mà không có một chữ mang về theo nghĩa đen. Mẹ hỏi cô Đông Phương, cô ĐP nói mỗi học sinh có một cái sọt để bỏ sách vở của mình vào trong đó, và trong năm học có hai lần phụ huynh được mời đến trường để lục cái sọt của con mình.
Nhớ những giọt nước mắt của nó lúc mới về, mẹ hỏi:
- Bên Mỹ con có hạnh phúc không, có điều gì lo lắng sợ hãi không?
- Hạnh phúc chớ mẹ, con không có lo lắng sợ hãi gì hết. Mọi người xung quanh ai cũng dễ thương và yêu mến con, chỉ có không có bạn bè thân như ở VN thôi.
- Giáo viên có dọa nạt hay khủng bố học sinh không. Có phạt học sinh không, nếu học hành dễ dàng như vậy thì chắc chẳng có lý do gì phạt?
- Không hề có đâu mẹ, chỉ có đứa nào quá đáng thì mới phạt.
- Quá đáng là thế nào?
- Có đứa nó đi học trễ, đóng cửa rồi, nó dọng cửa ầm ầm nên giáo viên tức giận kêu bảo vệ bắt nó ở ngoài luôn.
Đúng là xứ Mỹ, không thể tưởng tượng được cái sự học “lêu lổng” như thế.

Thành tích học tập
Tuy là cái sự học trên đất Mỹ dễ dàng dễ dãi như thế, nhưng nó vừa mới thoát khỏi “vòng kim cô” nên vẫn còn cái truyền thống cần cù như thuở còn bị kềm kẹp. Nó không mang về sách hay vở nặng nề, nó mang về một phong bì hồ sơ trong đó có những bảng danh dự mỏng mỏng (và mẹ nó ngậm ngùi khi thấy có những tờ thư mời phụ huynh đến để nghe thành tích của con mình). Đó chỉ là những tờ giấy khen có vẻ không nhiều ý nghĩa gì cho lắm đối với dân Mỹ. Có lần hỏi anh bạn ở Mỹ tờ giấy này có giá trị gì chăng, anh nói đùa: “Nạp lên Obama lĩnh được bữa ăn trưa”. Sau đó anh nói thêm, “nó chỉ dùng để khích lệ học sinh, khích lệ phụ huynh mà thôi. Sang năm lớp 12, sẽ có Obama ký presidents' awards vì Obama còn làm hết 2016”. Mà thật, để cho đứa con bé bỏng của mình đi nửa vòng trái đất, mỗi ngày gặp nhau chốc lát vì khác múi giờ, nếu không có những bằng tưởng lệ như thế này thì bố mẹ thật không biết có phải con mình đi học hay không khi sách vở cũng quăng lại những cái sọt trong trường. Nó nói “lên nhận bảng danh dự này thấy vinh dự lắm dù xung quanh toàn người xa lạ, bạn bè đều có bố mẹ đến dự, còn con giống trẻ mồ côi”. Một đứa bé 16 tuổi, mang nỗi nhớ gia đình trong tim, tự mình vận hành cuộc sống từ chuyện ăn sáng đến ăn tối với những bữa ăn không cơm hoàn toàn khác biệt, chống chọi với cái thời tiết khi thì rất lạnh, khi thì rất nóng, kể cả mưa gió (cây dù mang theo từ VN chỉ mới che nắng một lần đã bị gió đánh gãy), và trở ngại lớn nhất là ngôn ngữ, mà vượt qua được bao nhiêu học sinh để đứng trong top 10 của trường là chuyện “nếm mật nằm gai há phải một hai sớm tối”, rất đáng tán thán. Gần đây thấy báo chí rộ lên dè bỉu chuyện giấy khen của thần đồng ĐNN, thiết nghĩ, chỉ người trong cuộc mới hiểu được những tờ giấy khen đó có giá trị tinh thần như thế nào.

Thành tích chơi nhạc
Nói thì vậy, nhưng khi ôm được nó trong vòng tay thì mọi chuyện học hành hay thành tích của nó trở nên vô nghĩa, không hề chút nào muốn chia tay nó lần nữa. Ngoài việc nó trở nên nhanh nhẹn trong mọi việc, tự lập tự tin, dạn dĩ, quảng giao hơn, thì khi trở về nó vẫn y hệt như cũ, chẳng có dấu vết gì của nước Mỹ trên mình nó ngoài những dấu muỗi cắn dưới chân mà nó than thở sao muỗi Mỹ cắn miếng nào để dấu miếng đó. À, có khác một chút là khi mẹ hắt xì lần nào là ngay lập tức nó đáp “bless you”, rồi nói sao mẹ không nói “thank you”? Vừa “thank you” nó thì nó đáp “you are welcome” lẹ như cái máy. Mấy hôm nay trong nhà phải chịu đựng tiếng nhạc ầm ào trò chơi audition của nó mà muốn điên cái đầu, nhưng cứ nhìn thấy nó, nhỏ nhoi y hệt như ngày nào, hào hứng nhấp nhổm bên chiếc máy tính, rồi giữa khuya quay mặt qua nhìn nó nằm dài xõa tóc ngủ say trên giường lại thấy “như chưa hề có cuộc chia ly”.
#GiacmoMy/acmongMy
No comments:
Post a Comment