“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngang Bằng Với Phạm Thiên", Tăng Chi Bộ Kinh.
Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ thấy rằng có con cái hiếu thảo là điều tuyệt vời nhất, hơn cả có những đứa con học hành giỏi giang bằng cấp đầy mình. Xã hội đầy rẫy những trường hợp giàu sang mà bất hiếu. Bất kỳ một đứa con nào biết suy nghĩ một chút, đều cảm thấy rằng mình đã từng bất hiếu, đã từng lo cho cha mẹ từ vật chất đến tinh thần không hề đủ đầy. Bởi nếu không vậy thì sao mỗi khi nghĩ đến mẹ cha là chúng ta mắt cay mũi cay.
Tôi nhớ, mỗi khi trong lòng có điều gì lo lắng, má tôi lại thắp hương trên bàn thờ ba tôi và thì thầm. Tôi cũng vậy, mỗi khi có điều gì lo lắng tôi cũng thắp hương trên bàn thờ ba má tôi và thì thầm. Ba má à, hôm nay con con thi tốt nghiệp, hôm nay con con nó bay mười mấy ngàn cây số... ba má phù hộ cho nó đầu óc sáng suốt, phù hộ cho nó bình an vv... Có khi đêm khuya rồi mà thấy con liên hoan hay công việc chưa về, tôi cũng thắp hương trên bàn thờ nhờ ba má trông chừng nhắc chừng. Rồi thấy vững lòng hơn, dù cái bấu víu đó mong manh và huyễn hoặc làm sao.
Nhưng ở đây tôi không định viết về chữ Hiếu, mà tôi muốn viết về bổn phận của cha mẹ. Tôi cũng không định nói về bổn phận nuôi dạy con nên người, đó là chuyện tất nhiên. Tôi chỉ muốn nói về chuyện "sống khôn thác thiêng".
Đọc trong văn chương, chúng ta thường thấy người ta thường hay khấn người đã mất "sống khôn thác thiêng" phù hộ cho con cháu. Vậy sống khôn thác thiêng là như thế nào? Trở lại với câu kinh trên "Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình có Phạm thiên". Nói đến Phạm thiên là phải nói đến từ - bi- hỷ- xả, muốn có từ - bi- hỷ- xả thì phải vắng mặt Dục ái và Sân. Cha mẹ được gọi là Phạm thiên của con là bởi vì cha mẹ thường nghĩ về con bằng từ - bi- hỷ- xả. Cha mẹ mong cho con được cái này cái kia, giây phút đó được gọi là vô lượng tâm, là phạm trú của cha mẹ đối với con, chính vì vậy cha mẹ được gọi là Phạm thiên của con.
Trong một số bài kinh, chúng ta vẫn thấy có những vị trời nhớ, nghĩ, nhìn thấy những người thân của mình (cha, mẹ, chồng, vợ, bạn, con cái...) đang lận đận tiến thoái lưỡng nan trong những vấn đề gì đó, và họ xuống, bằng một động thái nào đó giúp cho người kia tìm ra một phương hướng tu tập. Nếu chúng ta, những người làm cha làm mẹ biết trau dồi phẩm hạnh, có sự tu tập tứ vô lượng tâm, sống theo tinh thần thập thiện, thì dù chưa đắc đạo quả thì chốn về tất yếu sẽ là cõi thiên, hưởng cảnh quả phước như ý nguyện, và khi đó, nếu muốn cũng có thể giúp đỡ nhắc nhở cảnh tỉnh gì đó cho những người thân bằng hữu có nhân duyên nhiều đời với mình khi họ nghĩ tưởng đến mình trong cơn bối rối.
Nuôi con hiếu đạo, và sống tu tập tích đức, chính là sống khôn thác thiêng vậy.
No comments:
Post a Comment