Wednesday, March 10, 2021

MỘT CÂU CHUYỆN BUỒN

 

Hôm qua nghe một chị hàng xóm ở quê kể vừa đi đưa tang chị G, một chị hàng xóm khác cũng ở quê xưa. Xa xôi quá rồi, ký ức chẳng mấy khi nhớ đến chị. Vậy mà, cái thời khắc cuối đời của chị Gbỗng làm tôi nhớ rõ mồn một cuộc đời của chị mà tôi đã từng biết.

Mẹ của chị G là một người đàn bà theo tôi là … sắc sảo. Hình bóng ông chồng bà nhạt nhòa nhưng dáng dấp và tính cách của bà vẫn rõ nét trong tôi. Bà có những đứa con, tên tuổi của những đứa con cũng là thể hiện một ước vọng hơn người. Tôi không tiện nêu tên ra, vì những gì tôi viết sẽ quá thật, nếu họ đọc được sẽ rất bất tiện… 

Mẹ chị G đánh bài rất giỏi. Giỏi ở đây có nghĩa là vừa lanh và không kém phần ma giáo, tức cũng giấu bài, cũng phù phép cho người khác thua. Tôi biết điều này vì má tôi là bạn đánh bài với bà. Và những đứa con của bà, chị em với chị G thì càng sắc sảo hơn nữa. Tôi chưa bao giờ thắng họ được trong những trò chơi nào kể cả búng dây thun. Và tất nhiên chuyện giấu bài và ma lanh thì những đứa con còn hơn bà mẹ một bậc. Có lần, Ch, em của chị G đã bán cho tôi một lọn chỉ thêu để lấy tiền mua tập, tôi ngờ nghệch mua giùm, ngờ đâu đó lại là cọng… len cuộn lại. Cái thời ai cũng khổ như nhau, nhưng chuyện đó không hiểu sao tôi cứ nhớ hoài, vì nó đã xảy ra khi tôi mới 10 tuổi. Một cô em của Chị G, nghe đâu bị sốc sau một cuộc tình có vấn đề tâm lý, sau đo 1thì đi tu. Tuy nhiên đi tu một thời gian thì có vẻ tâm lý lại bất ổn hơn, trở về nhà và có lúc hóa điên phải bị xích. Lại nghe có người nói khi đi tu lẽ ra lên làm phó trụ trì, nhưng có sự tranh chấp sở hữu gì đó cái ngôi chùa, rồi không được như ý, thế là hóa điên.  (Tôi kể lại chuyện  mấy chị em nhà chị G là có lý do, bởi tôi nghĩ họ cũng đóng vai trò không nhỏ trong cái chết của chị G hôm nay).

Trong mấy chị em, chỉ có chị G là người hiền nhất. Chị phụ với cha chị cặm cụi bào gỗ suốt cả ngày. Mặt mũi lại quá dưới trung bình, chỉ có nụ cười hồn hậu. Tôi thấy chị không hề bài bạc, hay ma lanh chút nào, và cũng chưa hề thấy chị chăm chút nhan sắc. Đã xấu mà tuềnh toàng, có lẽ chị chẳng bao giờ có chồng.

Vậy mà cuối cùng, dù muộn mằn, chị vẫn có chồng. Chồng chị là con trai của gia đình kế bên nhà tôi, anh B, một người đàn ông gầy còm và cặp kính cận thị chắc dày phải hai phân, thất nghiệp và lỡ thời, chỉ biết ở nhà sống bám cha mẹ. Gia đình anh B cũng thuộc loại khá giả, họ có căn nhà mặt tiền hai gian rộng 10 mét ngang. Hai người lấy nhau thì anh B sống nhờ sự tần tảo của chị G, và sau khi cưới chồng thì chị G giã từ những ván gỗ, những dăm bào thợ mộc. Chị bán một nhúm mớ hàng rong trước nhà, mực tẩm, bánh tráng, kẹo bánh, diêm quẹt. Tôi là bạn hàng ruột của chị về món mực tẩm và bánh tráng nướng. Tội nghiệp, khi có thai đứa con đầu lòng, vì cứ ôm trả lửa mà nướng bánh tráng chị đã bị hư thai. Những lần sau thì chị có hai đứa con gái.

Anh B chồng chị G có một người em trai là anh T, sau đó cũng lấy vợ. Gian nhà rộng đó thế là có hai cặp vợ chồng chia nhau mỗi người một gian. Gian bên kia vợ chồng anh T mở tiệm may.  Đó là những gì tôi biết về chị khi tôi rời quê mà đi, cách đây 20 năm.

Hôm qua, tôi nghe chị hàng xóm cũ kể tiếp phần đời còn lại của chị G. Nghe xong mà tôi hết ăn cơm được. Con gái đầu của chị G cũng đã 40, đã có chồng. Anh B, chồng chị G chết đã lâu cũng vài năm. Chị G bằng một mánh khóe nào đó, đã đứng tên trên sổ hồng, sở hữu chủ căn nhà đó. Tôi nghĩ, một người đàn bà ngờ nghệch như chị mà làm được việc này là chuyện thật khó tin. Chuyện lộ ra, những người anh em của anh B đã kiện buộc người phải hủy sổ hồng, vì mẹ chồng chị vẫn còn sống, là chủ nhân hợp pháp của căn nhà. Rồi nghe đâu, sau khi bị mất căn nhà, chị G tìm cách kháng cáo kiện ngược lại, và cuối cùng đã thua kiện, nộp án phí kháng án sáu bảy chục triệu gì đó. Từ một người đàn bà tay trắng về nương tựa nhà chồng, chỉ biết nướng những cái bánh tráng, mà bỗng dưng ranh mãnh  như vậy tôi cho rằng có cả một “bộ tổng tham mưu” là bà mẹ và những đứa em gái, mà ngay từ nhỏ tôi đã thấy họ “không thuộc dạng vừa”.

Bởi vậy, “bạn lành” trong cuộc đời rất là quan trọng. Thiếu những người sáng suốt mà toàn những người đầy “tam độc tham sân si” bên cạnh thì cuộc sống của mình dễ bị xúi giục lâm vào cảnh bất trắc mà không hay.  Cả một bầy chị em gái 4,5 người với nhau ai cũng tuổi đời trên dưới 50 mà không ai cho chị một lời khuyên dừng lại. Biết sao được khi cái nền tảng gia đình đã đào tạo cho họ phải làm sao cho được “hơn người” mới vừa lòng.

Có lẽ, do căng đầu vì quá tiếc tiền, tiếc của, mọi rắp ranh đều thất bại, đối mặt với một tương lai u ám, chị G đã bị tai biến và nằm liệt giường. Những đứa con của chị, vì thế trở nên oán hận và chối bỏ luôn cả bà nội, chú, bác và cô của mình, chúng vẫn ở trong ngôi nhà đó nhưng luôn bày tỏ thái độ xấc láo khi bà nội hoặc chú bác ghé thăm. 

Cuối cùng, sau nhiều tháng nằm một chỗ, chị đã lở loét hết cả lưng và mất tri thức, chỉ sống đời thực vật, ngày hai bữa cháo do con đút cho. Rồi buổi sáng hôm ấy, đứa con đút cháo cho chị xong, có lẽ quên cho uống nước, bỏ ra ngoài. Buổi trưa quay lại đút cho chị cử cháo tiếp thì … cháo buổi sáng vẫn còn nằm trong miệng chị, còn tay chân đã lạnh hết rồi. Y sĩ đặt ống nghe. Tim chị đã ngừng đập từ lâu.

Do mối bất hòa với gia đình chồng, và sự hận thù của những đứa con, phía bên chồng chị dù đông chỉ gởi ít tiền phúng điếu và chỉ có một người anh chồng tiễn đưa. Không biết bầy chị em gái của chị đã nghĩ gì sau cái chết của chị.

 Cuộc đời của chị là một minh chứng rõ ràng cho sự hiện hữu là khổ. Chỉ vì để lo cho cái ‘hiện hữu’ này mà người ta đã phải giành giật, đã âm mưu, đã toan tính. Rồi cuối cùng cái thân xác nó cũng phản bội. Có thể chị đã chết vì ngạt mớ thức ăn ngậm đầy trong miệng. Cái chết của chị làm tôi không thể không suy nghĩ, ai dám tự tin mình sẽ tự lo được cho mình đến giờ phút cuối cùng của cuộc đời. Chết vì ngạt cơm ngạt cháo, điều đó có thể xảy ra cho bất cứ ai trong chúng ta. Nghĩ mà kinh hoàng sự hiện hữu. Kiếp sau, xin chớ làm người…

No comments:

Post a Comment

Sống khôn thác thiêng

“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...