Tuesday, March 9, 2021

CÓ CẦN THIẾT KHÔNG?


Có em inbox cho tôi một bài viết dài thoòng của ai đó rồi ghi: "Khi nào cô rảnh cho con xin chút ý kiến về bài viết này". Mới đầu tôi định lơ đi, nhưng sau đó, tự nhiên lại muốn chia sẻ cái câu thần chú lúc nào cũng ở trong đầu tôi vào giai đoạn này: “Có cần thiết không”.

Cả đời Đức Phật, Ngài chỉ suy nghĩ những điều cần thiết, nói điều cần thiết, làm điều cần thiết, đi đến nơi cần thiết, gặp người cần thiết… Chúng ta học bao nhiêu bài pháp từ Ngài nhưng chẳng bao giờ chịu học cái bài thân giáo đó của Ngài.

Đến một lứa tuổi nào đó -- tuổi 50, tuổi xuống đồi chẳng hạn-- mọi thứ đều phải luôn đặt ra một câu hỏi “có cần thiết không”. Có cần thiết phải mua món đồ đó không, có cần thiết phải có mặt ở buổi họp mặt nơi đó không, có cần thiết phải ra đường uống ly cà phê với người đó không, có cần thiết phải ăn cho được món đó không, có cần thiết phải quấy rầy thời gian của ai đó không, có cần thiết phải sắm món nữ trang, mua bức tượng bức tranh đó không v.v...

Và nếu nó không liên quan vấn đề sinh tử, thì tất nhiên là không cần thiết rồi. Mọi sự không cần thiết đều là mất thời gian chính mình và người khác. Thời giờ của mình mình mất đã đành rồi, làm phiền người khác thì tuyệt đối không nên. Và tất nhiên là ai cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày, mình có rảnh thì tự mình chơi trò rảnh rang, đừng làm mất thời gian của người khác bằng những tin nhắn vô bổ, nhất là đừng kêu ai đó đọc cái này cái kia khi họ đã là người lớn và khi họ không yêu cầu hay đặt hàng mình. Kêu ai đó đọc cái gì đó có khác nào nói rằng, tôi đã đọc cái này, bạn chưa đọc ư, đọc đi chứ, sao lại không đọc. Nhưng mà, làm sao mình biết rằng khi mình đang quan tâm vào những thứ vớ vẩn thì thời gian đó người ta đang đọc cái gì, đang tranh thủ từng hơi hít vào thở ra, đang trên một cái máy thể dục hay một cái giá để làm vật lý trị liệu; họ đang thưởng thức cuộc sống bên người thân, hay phải chăm sóc người bệnh, hay họ chắt mót từng chút một thời gian để dùng vào những chuyện cần thiết tâm đắc cho cuộc đời của họ. Can thiệp vào thời gian của người khác là điều cực kỳ vô lý.

Chúng ta không nhận ra mình rất lạ lùng khi share/copy hết những cái gì gọi là lý tưởng sống, phương châm sống, cách sống, để lấy đó làm… an tâm, trong khi trong đầu thì không có một phương hướng hành động theo những phương châm đó. Rồi ngày cứ qua đi. Tôi đã thấm thía điều bi hài này khi mở cuốn sổ danh ngôn ra và thấy ở tuổi năm mươi mình vẫn còn dại khờ cái điều mà mình đã chép một cách hoành tráng ở tuổi mười lăm.

Có cần thiết không? Hãy tự nói với mình câu đó từng ngày, và chấn chỉnh cuộc sống của mình ngay từ bây giờ, nó sẽ ngăn chặn được những sự cố sự kiện bất như ý ghê lắm lắm.

Chắc có ai đó đang cười, bày đặt quá, nói được mà có làm được không. Đúng là như thế, ngay cả trước khi viết cái tút này tôi cũng phải tự hỏi mình “có cần thiết không”, hay là im lặng cho… hùng tráng.

Đúng là cần thiết, bởi vì kèm theo đây là bonus một đoạn kinh rất gần gũi thực tiễn trong đời sống:

“Chư Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, khi chưa thành Chánh Giác và còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Ta sống suy tư và chia hai suy tầm”. Chư Tỷ-kheo, phàm có dục tầm nào, sân tầm nào, hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ nhất; phàm có ly dục tầm nào, vô sân tầm nào, vô hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ hai.

Chư Tỷ-kheo, rồi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Khi dục tầm khởi lên, Ta tuệ tri: “Dục tầm này khởi lên nơi Ta, và dục tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai, diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn”. Chư Tỷ-kheo, khi Ta suy tư: “Dục tầm này đưa đến tự hại”, dục tầm được biến mất, Chư Tỷ-kheo, khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại người”, dục tầm được biến mất. Chư Tỷ-kheo, khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại cả hai”, dục tầm được biến mất. Chư Tỷ-kheo, khi Ta suy tư: “Dục tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết-bàn”, dục tầm được biến mất. Chư Tỷ-kheo, như vậy Ta tiếp tục trừ bỏ, xả ly và đoạn tận dục tầm…”

No comments:

Post a Comment

Sống khôn thác thiêng

“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...