Tuesday, March 9, 2021

XẢ THIỀN ĐI!


Có những người ngồi thiền, tới lúc đau quá, tê quá chịu không nổi, nghe vị thiền sư cho xả thiền, mừng lắm; cái đó là Hỷ thọ lên rồi đó.

Nhưng nếu còn khoảng 5 phút nữa mới xả thiền, mà tê nhức đau quá đau rồi, còn thiền sư cứ nhắm mắt hoài. Lúc đó tham của mình nó thúc đẩy lên: “Xả thiền đi, xả thiền đi”. Lạy trời lạy Phật ông thiền sư mở mắt giùm đi, mà ổng nhắm hoài. Lúc đó tâm mình cầu nguyện khấn vái, “Trời ơi, lạy trời thiền sư mở mắt giùm cho con đi, con gần chết rồi, gần chết rồi.”

Khi thiền sư mở mắt ra: “Do quả phước báu này xin nguyện làm nhân đến đạo quả niết-bàn...” Lúc đó mình mừng hông? Mừng! Hồi nãy thì tâm mình đang khó chịu mình sân, còn lúc mình muốn xả thiền mình xả được mình mừng thì lúc đó mình hỷ thọ.

Lúc đó Phật tử phải niệm liền cái tâm mình ở đó, không có bỏ qua cái tâm đó. Cái tâm mình lúc đó là Tâm tham Câu hành hỷ. Chớ không phải nghe xả thiền một cái mình mừng liền. Phải niệm, tham! Còn lúc chưa được xả thiền bực bội phải niệm: “Sân đó! sân đó!”. Phải niệm hết, chứ không là bài học chúng ta chưa làm xong ta chưa được nghỉ. Phải xong ta mới nghỉ. Phút chót chúng ta cũngphải niệm, chứ không phải xả ra là buông ra liền, lúc đó là quí Phật tử mất đi một cơ hội kiểm soát cái tâm của mình đó. Cái đó cũng phải niệm: Xả thọ! hỷ thọ! hoan hỷ! không hoan hỷ! thích thú! và không thích thú! bực bội! hay dính mắc! Lúc nào chúng ta cũng phải niệm cho bằng được cái tâm đó, không bỏ qua một sát-na tâm không bỏ qua một phút giây tâm thức nào cả. Đó gọi là có chánh niệm từ đầu, khúc giữa và khúc cuối.

Còn nếu quí Phật tử có chánh niệm khúc đầu, khúc giữa mà khúc cuối quí Phật tử bỏ mất là quí Phật tử thiếu chánh niệm liền. Nếu thiếu chánh niệm như vậy đó lâu dần vài tháng quen. Trước tiên ta tạo thói quen, sau thói quen tạo lại ta. Mà thường thường, pháp đến với mình không báo trước là một, đánh lén là hai, thứ ba là nó đến lúc nào chúng ta không biết gì cả. Người hành giả có sự khéo tu tập là luôn như người lính canh phòng ở biên giới không để phút giây sơ hở nào để địch đột nhập vào. Luôn luôn phải nhắc nhở tâm thức của mình là như vậy đó. Chứ để sơ hở một phút xen vô lúc đó mà quí Phật tử không niệm đó lâu ngày dài tháng, những phút giây đó, là đạo quả mà quí Phật tử mất cơ hội đó!
Như Sadi Sukha, một ngày chỉ ăn ngọ, tới giờ ăn cơm ngọ, ngài Xá Lợi Phất đã đem vật thực về tới phòng rồi. Mà Đức Phật nói, đạo quả của Sukha đã tới, nếu như gõ cửa để cho Sukha ra nhận vật thực thì coi như mất cái A-la-hán liền. Do đó Ngài phải để yên, chặn Xá Lợi Phất lại, nói chuyện với Xá Lợi Phất để cho Sadi Sukha tới đạo quả.

Như mình lúc đó, ủa tới giờ ngọ mà sao giờ chưa ai đem cơm tới cho mình, thì mình đi…, đi hiệp thế rồi! Mình phải đi tiếp, nếu không quen là lúc đó mình trở ra hiệp thế liền. Nếu mình quen, mình cứ chánh niệm những phút giây cuối này, là lúc đó mình đi tới siêu thế được đó. Vì sao? Vì mình khắc phục những cái tâm hiệp thế đang thúc đẩy, đòi hỏi mình ngay lúc đó đó là mình qua được ngay giai đoạn siêu thế chớ gì nữa! Lúc đó nó lòi ra bản chất của nó, nó hiển lộ ngay tập tính, nó hiện bày ra cái thói quen, tập khí, tâm tánh của mình tại nơi đó. Chứ thường thường nó không hiện bày đâu. Bốn mươi lăm phút đầu quí Phật tử không thấy nó hiện bày đâu, 50 bắt đầu hiện rồi đó, 55 bắt đầu dạng lên rồi đó, 57 là bắt đầu hiện rõ rồi đó. Vậy mà nghe nói xả thiền trời ơi mừng quá. Thế là hiệp thế!!!!

Niệm là điều quan trọng, nhưng niệm không phải là điều chính yếu. Sư khẳng định với quí Phật tử như vậy. Nếu quí Phật tử không thấy được cấu trúc đó thì quí Phật tử sẽ lầm ghê lắm. Một số hành giả đi vào con đường hành thiền, họ luôn luôn đề cao vấn đề chánh niệm, là sammasati, lúc nào cũng chánh niệm chánh niệm chánh niệm, nhưng nhìn thật rõ vào chân đế, là Đức Phật Ngài nói vẹt màn vô minh; vẹt màn vô minh thì không phải là chánh niệm mà khi vẹt màn vô minh, minh sanh thì vô minh diệt, đó là trí tuệ. Cho nên, quí Phật tử sẽ thấy, chánh niệm là điều cần thiết, nhưng nó không phải là điều chánh yếu. Trí tuệ phối hợp với niệm mới là điều cần thiết. Điều đó là điều chánh yếu.

Do đó, các hành giả mình cứ giữ chánh niệm giữ chánh niệm như thế thì mình chỉ là thiền Chỉ chứ không phải là thiền Quán. Nếu là thiền Quán thì lấy trí tuệ nhìn thấy bản chất sanh diệt, bản chất của pháp đang hiện bày. Lúc đó mới là thiền Quán. Mà thiền Quán không phải ở nơi chánh niệm, mà phải là Trí tuệ phối hợp với Chánh niệm.

Nếu như quý Phật tử đi tới phút chót cuối cùng xả thiền vẫn là chánh niệm, là ngay tại đó quí Phật tử vẫn đang đi thiền Chỉ và giữ tới đó là hiện bày một tâm Tham chứ không phải là một tâm Thiện. (Như vậy là) mình tu ngồi thiền không phải là Thiện mà lúc đó là Tham, dính mắc.

Trí tuệ là buông bỏ, mà mình đeo mình giữ như vậy là bất thiện, là Tham.

Học Abhidhamma là lột vỏ cái tâm thức của mình ra, chứ không phải đứng ở ngoài mà thêu dệt cái tâm mình như thế nào. Không được, phải thấy rõ được sự thật. Ngay khi đó là tâm thiện hay bất thiện ta phải nắm liền. Nếu quí Phật tử không nắm cái đó, thì quí Phật tử cứ trôi lăn dưới trạng thái là hình thức trong tu tập nhưng không phân biệt được tâm thức loại nào, do vậy quí Phật tử không tích dần những gì cần thiết, và lượm những gì cần thiết, chúng ta sai lầm mê chấp, đi hoài mà không có kết quả là như vậy.

Khi quí Phật tử ngồi thiền, quí Phật tử muốn cái gì khởi sanh lên, quí Phật tử nói: Muốn à, là Tham! Mình thấy thích là Hỷ. Mà không thích, trạng thái mệt mỏi không muốn, là Xả. Đọc niệm liền: -Tham à, tham à, tham à; (hoặc: Nghỉ à, nghỉ à, nghỉ à - không muốn hành nữa mà muốn nghỉ; Xả à, xả à, xả à … )

Khi quí Phật tử niệm ngay cái đó, cái tham biến mất; là quí Phật tử đang có cái thiện, mất cái bất thiện. Còn nếu quí Phật tử đeo đuổi theo nó nhìn ngó nó hoài, là quí Phật tử đang đua theo bất thiện. Như vậy làm sao quí Phật tử có đạo quả?
#SưSánNhiên 

No comments:

Post a Comment

Sống khôn thác thiêng

“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...