(Trích bài giảng Vô Minh và Ái Dục)
- Thưa Sư, Sư nói là một đêm Sư ngủ chỉ hai ba tiếng, nhưng theo khoa học nói nếu loài người mà ngủ một ngày không đủ 8 tiếng thì đầu óc mình sẽ mụ mị; ngủ không đủ 8 tiếng một đêm thì mình sanh ra bệnh. Con bối rối không hiểu cái nào là đúng cái nào là sai.
Có hai con đường, tục đế và chân đế, con đường hiệp thế, con đường siêu thế. Khi một Bồ tát nhìn thấy cái thân này là giả tạm thì không dính mắc đeo níu cho lâu dài. Có như thế thì cứ thế mà dùng, hết thời gian thì thôi không dính mắc. Bồ tát xác định mình đi trên con đường như vậy, vượt ngoài khoa học, vượt ngoài hiệp thế của thế gian.
Còn trên con đường hiệp thế, con đường khoa học thì phải nuôi dưỡng. Quí vị thấy có hai loại người dùng xe, dùng xe dung dưỡng thì có xe xài lâu dài; xài quá mà không dung dưỡng thì xe mau hư cũ và liệng. Muốn dùng lâu dài thì chúng ta phải săn sóc, dính mắc, đeo đuổi và lo lắng cho nó mãi. Còn như chúng ta dùng nó khi cần rồi ra đi, không dính mắc thì trạng thái đó là không muốn, không cần lâu dài.
Trên con đường Sư nguyện thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác thì Sư phải trải qua 20 a-tăng-kỳ, chia ba giai đoạn, nguyện trong tâm 7 a-tăng-kỳ, nói ra lời 9 a-tăng-kỳ và được Phật thọ ký là 4 a-tăng-kỳ. Hôm nay Sư đã nguyện được ra lời. Hạnh nguyện trở thành bậc Chánh Đẳng Giác là sư đã qua được 7 a-tăng-kỳ trong tâm, và 9 a-tăng-kỳ hôm nay nói ra lời, Sư chỉ còn 4 a-tăng-kỳ nữa là Sư thành tựu viên mãn Niyatabodhisatta (Bồ tát vĩnh cửu). Sư đâu có bận tâm lo lắng săn sóc chiếc xe cũ kỹ này mãi. Nếu một người sống trăm năm thì cũng là một kiếp. Một a-tăng-kỳ tính từng kiếp, nếu một kiếp của sư là 35 năm, một kiếp của sư là 27 năm, một kiếp của Sư là 36 năm, nhiều ít cũng là một kiếp thì Sư cộng lại là một trăm năm Sư được ba kiếp, Sư đi nhanh hơn, và thành tựu lẹ hơn. Do đó, Sư dùng những gì Sư đang có để nắm bắt tới thành đạt đạo quả Chánh Đẳng Chánh Giác, chớ sư không nuôi dưỡng kéo dài trong trạng thái trôi lăn mà có khi sự cám dỗ lấn áp lôi ngược trở lại khi trí tuệ chưa đủ sắc bén nếu sư chưa là Niyatabodhisatta.
Xưa kia ngài Xá Lợi Phất nguyện Chánh Đẳng Chánh Giác nhưng ngài chưa tới giai đoạn Niyatabodhisatta. Trong một kiếp ngài nguyện xả thí ba-la-mật của bậc Chánh Đẳng Giác. Chư thiên trên trời xuống thử ngài. Ngài móc mắt ra cho. Họ quăng xuống chà đạp. Ngài không hoan hỉ, ngài cắt bỏ lời nguyện đó. Ngài nguyện Chánh Đẳng Chánh Giác mà hôm nay ngài trở thành chí thượng Thanh văn của Đức Phật mình. Rớt hạnh nguyện. Vì sao? Vì khi chúng ta chưa đủ nghị lực, chưa đủ chánh niệm, chưa đủ tâm niệm chúng ta vẫn rớt như thường. Sư cũng không ngoại lệ. Do đó, sư thúc ép để diệt ái, để chấm dứt dục.
Tuổi thanh xuân Sư chưa có gia đình, với tuổi trẻ đó, nếu ăn no ngủ kỹ khó mà diệt dục. Trên lý tưởng khoa học, Libido tăng trưởng, làm sao chúng ta qua được sự mộng tinh, làm sao qua được việc lu nước đầy thì sẽ tràn. Do đó, trên con đường tu học của Sư không cho phép Sư ăn đồ bổ. Chưa bao giờ Sư ăn chuối. Potassium là cần có, nhưng “ăn chúi là nó nhũi” (cười). Do đó Sư không bây giờ ăn chuối. Bác sĩ nói mỗi ngày ăn một trái táo là xa rời bác sĩ, chưa bao giờ Sư ăn táo. Những cái đó là Sư phải diệt.
Ngài Tịnh Sự thầy của Sư nấu cơm xong, lấy cơm ra bỏ vô cái vải mùng vắt hết, vắt nước ba lần bốn lượt, nước ngọt ra hết, còn lại cái bả mới dùng. Ngủ là lấy cà phê uống. Đói lấy chuối và bánh tráng chấm với sữa sống để mà ăn, để mà diệt. Đó là con đường phải tu tập. Chiến thắng ái dục, sự đòi hỏi của cám dỗ, khó lắm. Tuổi thanh xuân tràn đầy sức sống, sắc đẹp hiện hữu, tài sản của gia đình sư cũng đang có mà Sư gác bỏ ra đi tu tập. Bao nhiêu là sự cám dỗ! Và đến ngày hôm nay, ngồi tại đây chưa phải là xong, 70 tuổi chưa biết mình lành. Do đó, diệt dục là điều quan trọng. Ngủ ít mới chấm dứt được cái dục. Ăn no ngủ kỹ là tăng trưởng dục, không bao giờ thắng được giặc Dục. Chiến thắng ngàn ngàn quân giặc không bằng chiến thắng chính mình, đó là chiến thắng tối thượng, Đức Phật nói rõ như vậy. Đồ ăn là dục, đồ ngủ là ái, ái dục đòi hỏi, ta không chiến thắng được nó sao gọi là giải thoát. Ta chưa giải thoát được làm sao ta nói ta độ chúng sanh vào con đường giải thoát. Ta còn nghiện ngập, ta còn dính mắc, ta còn tham đắm, mà ta nói giải thoát tham sân si thì đó là lý tưởng trên lý thuyết, chỉ nói suông mà thôi, năng thuyết bất năng hành.
Sư đã trao đổi rất nhiều những bậc tôn túc trí giả, các ngài đều phải như vậy cả. Ngài Tịnh Sự khi còn sống nặng 32 ký lô, và khi ngài chết là 28 kg. Sư bồng lên nhẹ bẫng. Khi Sư đưa ngài vô bệnh viện Sài Gòn, bác sĩ Bạch khám nghiệm ra ngài có 6 loại bệnh: ung thư ruột, ung thư bao tử, suy tim nặng, lao phổi, xơ gan và trạng thái gọi là hoại diệt các tế bào máu. Bác sĩ Bạch đưa thuốc cản quang vào ruột già của ngài, để thấy những cái bướu nổi trong bụng nhưng Ngài vẫn là như vậy, một ngày ngài ngủ một tiếng đồng hồ, dưỡng sinh là ngài đem dụt bỏ, ăn thì ngài bỏ chất bổ, chỉ ăn chất bã. Khi buồn ngủ thì cà phê đem tới cho ngài phải đắng để cho ngài thức. Hai mươi chín ngày mới đi cầu một lần. Mỗi một lần đi là phải lavement (thụt tháo), phải móc cho được phân ra. Phân ra như cục sỏi cục sạn chứ không nhuận tươi như mình được. Ngài không bao giờ dùng yogurt để nhuận trường.
Sư ngày hôm nay đâu có dùng yogurt, dùng rau cỏ được. Ruột của sư là bỏ. Bởi vì sư đã dùng elexir hai chai thuốc con rồng nên bây giờ ruột của sư là bỏ hết. Hôm nay sư mà ăn rau cỏ là hoại diệt liền. Do đó quí Phật tử thấy, sắc thân ta đang có đây, đó là chiếc xe cũ kỹ được ràng buộc bởi tứ thần túc mà thôi. Cho nên con đường tu tập nhắm tới là chúng ta phải đạt được. Xưa kia khi Tô Định đến thử thi thố tài bắn cung thì Trưng Trắc dạy Trưng Nhị, mục tiêu ta bắn không phải là những trái táo chín mà mục tiêu ta bắn là phải tới những mục đích mà ta cần phải có. Con đường tu của ta không phải là thành đạt danh xưng, được tán dương cúng dường bởi Phật tử mà con đường tu của ta là phải thành đạt giác ngộ, giải thoát và độ chúng sanh hữu duyên với mình. Sư chưa xong, sư chưa cho phép sư được ngủ ngon. Sư chưa xong, sư chưa cho phép sư được ăn no. Sư chưa xong, sư chưa làm xong nhiệm vụ “áo tu ai đã mặc vào, phải thông công hạnh nhắm vào việc chi, đạo đời hai ngã tình chi, gieo duyên Phật pháp sướng vui niết-bàn.” Con đường đó sư chưa xong sư còn phải làm việc. Trạng thái làm việc ở đây là luôn luôn trăm ngàn cái ái dục lôi kéo chúng ta lại con người phàm phu tục tử của mình nếu chúng ta chưa là bậc thánh nhân. Sư đâu dám khinh suất. Sư đâu dám nói là Sư đã thành. Trong ngày hôm nay sư đọc 6 lần Tam tạng kinh điển. Atthakatha, Nikaya, cũng như là Tika và Nissaya Sư đọc xuyên suốt 2000 cuốn sách trong bộ chú giải của ngài Buddhaghosa và Ledi Sayadaw, sư chưa cho phép sư đã xong. Chưa xong mà trong tay Sư hôm nay 2000 cuốn sách; sư đã dịch xong bằng bilingual tiếng Anh và tiếng Việt, xuyên suốt Tam Tạng Pāḷi tất cả 45 cuốn. Sư chưa xong, vì sao, vì Sư phải đạt tới bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Sư phải trở thành Aniyatabodhisatta và chuyển qua thành Niyatabodhisatta, Bất định Bồ tát đi tới Cố định Bồ tát, lúc đó Sư mới viên mãn thành tựu, lúc đó Sư mới dừng lại được, mà dừng ở đây là chỉ dừng lại trên con đường tu tập chứ chưa dừng lại trên con đường hạnh nguyện độ chúng sanh nữa kìa.
Do đó Sư thưa quí Phật tử, khoa học là đời, đạo là ngược đời. Quí Phật tử phải thấy vậy. Khi ta hành đạo tức là ngược đời. Đời là tham sân si, phải bám giữ nuôi dưỡng lâu dài. Đạo phải là vô tham vô sân vô si mới được. Người nào hành đạo thật sự, người đó phải biết con đường vô tham vô sân vô si. Người nào hành đạo mà mượn đạo tạo đời, người đó xen kẽ vừa tham vừa vô tham, vừa sân vừa vô sân, vừa si vừa vô si chứ chưa chắc họ xuyên suốt con đường giải thoát một cách quyết liệt được đâu.
Sư phải nói rõ ràng, đạo là phải ngược đời, đạo là phải diệt bỏ, đời là phải nuôi dưỡng, theo khoa học là phải ngủ 8 tiếng đồng hồ. Trước khi Sư vào con đường xuất gia, sư đã học năm thứ nhất của trường đại học y khoa. Mẹ của Sư muốn Sư là bác sĩ của trường đại học Montpellier, de Paris, phải là bác sĩ ở Pháp trở về. Còn ba Sư muốn Sư là pont reserche, kỹ sư cầu cống của trường Polytechnic. Khoa học là Sư nghiên cứu đầy đủ, Sư nghiên cứu không thiếu cái chi cả. Ngày hôm nay Sư còn đi sâu hơn về Nutrition những chất dinh dưỡng cần có để nuôi dưỡng cái thân này nữa. Nhưng, con đường đạo quả Sư phải nhắm tới, Sư phải diệt cái xác thân này và ra đi, không nuôi dưỡng xác thân này. Ngày hôm nay quí Phật tử thấy cái thân này của Sư đây chỉ là một hình tướng. Trong cơ thể Sư là tan nát, không phải là bền vững với sắc đẹp đang có này đâu. Lục phủ ngũ tạng của Sư Sư biết mà, Sư ngồi với Phật tử đây chứ hơi của Sư đã cạn kiệt. Có một tháng năm tuần, sư liên tục lên máy bay, xuống máy bay để đi giảng dạy. Không ngừng! Con đường đó là con đường Sư đã chọn lựa, thành Chánh Đẳng Chánh Giác. Mượn chúng sanh để bổ túc ba-la-mật. Thành tựu ba-la-mật trả nợ lại cho chúng sanh khi sự thành tựu viên mãn Chánh Đẳng Chánh Giác. Do đó con đường phải khắc nghiệt, phải diệt ái dục và vô minh. Phải giải thoát mới được. Sư không có cà phê, không có thuốc lá, không trà không rượu không bia, từ nhỏ tới lớn chưa bao giờ biết đụng tới những cái gì nghiện ngập. Do đó bác sĩ báo cho Sư biết cơ thể trong ngần như vậy dễ bị nhiễm hóa. Tim mạch của Sư đập thiếu nhịp, hơi thở không đủ không khí. Vẫn có như vậy. Trong tay Sư không dưới 5 bác sĩ, kiến thức khoa học y khoa Sư luôn luôn nghiên cứu. Sư có ba vị bác sĩ nổi tiếng nhất Hoa Kỳ, chuyên khoa về thần kinh, chuyên khoa về máu, chuyên giám tuyển sức khỏe các phi hành gia lên không gian. Đó là bác sĩ của sư, nhưng Sư từ chối.
Sư không mong quí Phật tử noi theo con đường tu tập của Sư, Sư biết con đường của Sư đang đi là con đường của bậc Chánh Đẳng Giác, phải mau, không chểnh mãng được, không trễ được. Hai móng chân ngựa phải phóng nhanh trên đất chứ không phải đạp trên lòng đất mà ở trên đời. Sư không muốn như vậy. Ra đi mà. Do đó, một đêm Sư ngủ không đủ. Quí Phật tử nhìn, con mắt của Sư không bao giờ bớt đỏ. Hai tròng mắt Sư lúc nào cũng đỏ. Có nhiều loại thuốc cho Sư, đủ hết, nhưng cứ đỏ thẫm hoài như vậy. Do ngủ không đủ, điều tiết nhiều. Sư ngồi miệt mài trên computer, dịch kinh, trên bàn làm việc của Sư không dưới hai máy vi tính, không dưới 5 bộ Tạng. Một ngày Sư làm việc với 5 bộ Tạng, mỗi sáng Sư đưa ra năm người đánh máy mỗi ngày, Sư phải dịch Pāḷi ra tiếng Việt. VN chúng ta nghèo quá, thiếu thốn dữ lắm. Đồng bào chúng ta chưa có đủ Tam Tạng tiếng Việt Nam đâu. Qua Cam Bốt, Lào, Thái Lan, trong Tam Tạng đều có tiếng quốc ngữ của họ hết. Người VN chúng ta không có. Trong tủ Tam Tạng của chúng ta chưa có tiếng Việt là Sư chưa ngủ được ngon giấc . Do đó lương tâm trỗi dậy, niềm khao khát phục vụ Tam Bảo phải thực hiện, và hạnh nguyện Chánh Đẳng Giác mau sớm thành đạo quả. Sư không cho phép sư dừng lại và để ái dục thúc đẩy: thỏa mãn đi, nghỉ ngơi đi, tận hưởng đi.
Sư sinh ra trong gia đình thượng lưu sung sướng của xã hội Sài Gòn. Sư đi vào con đường tu tập, sư trở thành giáo thọ là được sự cung phụng đầy đủ của Phật tử, cũng như tăng ni học trò thương sư cúng dường cho sư. Sư có hết tất cả. Không riêng chỉ người VN mà những nơi khác cũng vậy. Sư tới Thái Lan, Sư ở chùa vua sãi Wat Bovoranives. Sư qua Miến Điện sư ở chùa lớn nhất của thiền viện Mahasi 610 chi nhánh. Sư là người cầm chìa khóa mở cửa tu viện Ānanda của đại đức Narada. Phật tử nào sống ở Sài Gòn chắc biết có thời gian mỗi chủ nhật ngài giảng tại chùa Xá Lợi. Khi trùng tu cái chùa của đại đức Narada tại Tích Lan ở Colombo, Sư là người VN mà mở cửa khánh thành ngôi chánh điện đó. Nhưng khi người VN còn thiếu thốn về kinh điển thì Sư chưa dừng lại để tận hưởng giấc ngủ của Sư được.
Ái dục cám dỗ mình ghê gớm lắm. Trẻ cũng ái dục, già cũng ái dục như thường. Ái dục đeo ta không phải một kiếp, ái dục không phải chỉ với tuổi trẻ mà buông tha người già đâu…
No comments:
Post a Comment