Sáng mồng Một đi ngang qua phòng chợt nghe
tiếng má:
- Tết nhứt gì tụi bay cũng có một bộ đồ mặc
wài.
Tưởng má lẫn rồi nói một mình. Bước vô phòng má
hỏi:
-Ủa, má nói chuyện với ai vậy?
-Thì mấy con chim kìa. Đảo lên đảo xuống đây
miết, tết nhứt gì tụi nó cũng có một bộ đồ.
Thở phào.
-À, con có phơi mấy hột cơm ở sân sau.
Má lại chép miệng:
- Mấy ngày tết má nhớ ông ngoại con quá. Hồi đó
mồng một Tết cứ ba giờ sáng là thức dậy mở tủ lấy ra mấy bộ đồ.
-Lấy đồ chi giờ đó vậy má?
-Thì lấy để lát nữa mặc, soạn sẵn cho má. Bộ đồ
bà ba đen. Má có một bộ đồ tết đó thôi chớ mấy. Bà ngoại con thì càm ràm: Đi
đâu giờ này mà lấy đồ. Nhà có gai hay sao mà lấy guốc đi bồm bộp vậy không
biết. Má mang cái đôi guốc đó đi một ngày về phòng cái chưn như hột bắp bóng
lưỡng, đau lắm, mấy ngày sau phải đi chưn không không mang dép được. Đâu có
giày mà đi, toàn đi guốc.
-Ủa, mà đi đâu cho tới phòng chưn vậy má.
- Thì đi bộ theo bà ngoại con, Tết mà. Bà ngoại
con đi qua Đại điền, thăm cậu Ba Đa, con của bà ngoại mà, có vàng có đồng gì
thì mang qua cho cậu Ba hết. (Cậu Ba Đa là “con em” của bà ngoại tôi, còn má
tôi là “con chúng ta” của bà ngoại. Còn “con anh” nữa. Cây phả hệ mà vẽ ra thì
chắc như rễ cây đa. Có lần một thằng cháu chỉ mới nghe sơ sơ mẹ nó nói với tôi
“bà ngoại em là bà nội của chị” phân tích lòng vòng một lát mối quan hệ giữa
“con em và con chị” nó nói “hiểu chết liền”).
Tôi hỏi:
- Má Ba, Cô 5, cô Ni (đều là những bà dì
nhưng cách gọi khác nhau) có đi không má?
- Má Ba thì ở nhà thủ, Cô 5, Cô Ni thì còn nhỏ.
-Rồi ông ngoại đâu mà chỉ có bà ngoại đi vậy
má?
- Ông ngoại ở nhà tiếp khách. Tết mà. Chiều ông
ngoại mới đi. Đi đâu. Đi lên nhà bà xã Ấm. Bà xã Ấm đẹp người lắm. Ông ngoại
con "quẹo quẹo" mà. Tết, ông ngoại mặc áo dài khăn đóng, đi chúc tết.
Đi về mệt cởi áo vắt vai, khăn đóng tháo ra xỏ vô tay như cái vòng. Hồi đó ông
ngoại con đào hoa lắm, mà toàn mấy người đẹp không. Bà xã Ấm có thằng con tên
Bồi, ở Pháp, giờ chắc cũng chết rồi. Bà xã Ấm nấu đồ cho ông ngoại ăn. Ông
ngoại quẹo quẹo mà bà ngoại đâu có biết đâu. Ông Ba Cà méc bà ngoại mới biết.
Không biết ổng cà lăm cà lặp mà làm sao kể cho bà ngoại nghe được không biết.
Ông Ba Cà cứ tối là lên nhà mình ngủ trên bộ ván ngựa trước nhà, nằm với con
chó Chô đó, rồi ba giờ sáng là theo ông ngoại đi phòng thành. Đi tuần theo ông
ngoại con, gõ mõ cho tụi Tây nó nghe nó biết. Ông ngoại con có uy lắm, chỉ có
ông ngoại mới được quyền mở cửa Hậu. Cái cửa Hậu nặng lắm, phải hai người dân
quân đẩy mới mở được chớ không là cái bánh xe nặng lắm. Mở chi má. Người ta đi
đò đưa, chở đồ trên núi xuống. Bến đò giữa là cửa Hậu đi ra đó. (Tôi nghe vu
vơ, mắt thì cắm vào facebook nên cũng nhớ bâng quơ mấy cái địa danh và tên
người). Bè về là nó thổi ốc bươu. Ông ngoại con nghe tiếng ốc bươu là nói: Chà,
bè về. Thế là ông ngoại con với Ba Cà đi ra đó. Đi ra đó rồi ông ngoại cho tụi
mọi khiêng đồ vô. Mây trắc, mây nước, trầu cau để một sân. Vậy mới có tiền, rồi
người ta cứ tới hỏi mượn tiền bà ngoại, cứ “bà Hai Xã cho mượn tiền”. Bà ngoại
con lên trên Thành Hồ, Phước Tuy cho người ta trồng mía, tới mùa lên chở đường.
Đường chở về mấy lu lận, bán không được, tới mùa rắn mối nó chết trong đó,
không biết làm sao, chừng cất cái nhà, đổ cái đó ra trộn ba ta, đâu có xi măng
đâu, trộn cất nhà. Chu, bà ngoại giỏi lắm, đến sau Tây nó tấn công lại bà ngoại
mới về. Đi vô quen với ông Bứa, thầu cơm nhà binh, gánh mấy gánh cơm lận. Bữa
nào lính nó đi hành quân, cơm ăn không hết, bà ngoại gánh về phơi, mau khô lắm.
Còn cơm mà má đi rửa cà mèn, Tây nó đổ thúng này thúng kia, tụi nó trộn xúp vô
ăn thì phơi lâu khô lắm.
-Rửa cà mèn cho Tây hả má?
- Ờ, chỗ cây cóc đó. Nhà ông thầy Thuyết, nhà
bà Minh bà Trang ông Lễ đó, hổng có nuôi heo mà cũng giành rửa cà mèn. Bà ngoại
thì nuôi heo nhiều, rồi còn bán quán nữa. Chỉ có cái sân gạch, với cái cót quầy
lại. Cơm phơi thấy ớn luôn. Phơi xong rồi con biết bán ai không. Bán cho bà Ba
Xá, cứ đầy bao bố to cơm khô là bán. Cơm cháy thì bà ngoại trữ lại, chờ có giá
với khan hiếm thì bán, còn cơm đó thì bán trước cho bà Ba Xá nuôi heo.
Ông ngoại có uy lắm. Có chuyện gì thì ông Đội
nhì phòng thành kêu ông ngoại ra, ông Đội nhứt thì coi nhà lao. Ông đội nhì
nói, có cái đám lưu manh (mà hồi đó không có dùng cái tiếng lưu manh), ăn trộm
nào ở ngoài Bình Định vô, ông coi đó. Nghe ông Đội nhì báo tin tức là ông ngoại
kêu ông hương kiểm Ngô. Ông Hương kiểm Ngô cha của bà Lì bán khoai lang, ở phía
sau nhà cô giáo Vân đó, giỏi võ lắm, ổng ra mà có cái đám ăn trộm nào là diệt
liền.
-Diệt là sao má, là giết người ta hay bắt ở tù?
-Hổng có, ổng chỉ lấy cái uy của ổng thôi, ổng
ngày xưa cũng đi ăn trộm hay sao đó, giỏi võ lắm, chỉ cần nghe tiếng ổng tới là
tụi trộm cướp lánh đi phương khác hết, tụi nó ở chỗ xóm ông Biện Ba ngoài Thành
đó, chớ trong Thành thì chưa mất đồ. Ông Hương kiểm Ngô ra đó hăm bốn tiếng
đồng hồ là tụi nó rút đi nơi khác. Thành ra, có chuyện gì là bà ngoại hỏa tốc
xuống nhà ổng kêu: Chú Mười Ngô lên đây. Nói vậy là ổng biết có công tác rồi
đó.
- Hồi đó má không có áo dài Tết hở má? Tôi chuyển
đề tài.
-Làm gì có. Có cái áo dài đi học thôi, mà đâu
phải may đâu, mua lại của người ta, màu xanh, vải tôn đờ len. Đi rước Bảo Đại
này kia kia nọ hay lễ hưng quốc khánh niệm cũng có cái áo dài đó thôi. Rồi về
treo đó. Áo dài vá vai mà, chớ làm gì có áo dài. Bà ngoại đâu có may. Tây nó đi
hành quân ra ngoài Tuy Hòa, nó lấy áo quần của người ta về bán lại cho bà
ngoại. Bà ngoại mua cho mấy đứa con mang. Má tội nhất trong nhà là mau lớn nhất
nên phải bận mấy cái đồ đó. Đồ ở ngoài Tuy Hòa, vùng tạm chiếm mà làm gì có áo
quần tốt. Còn mấy đứa ngoài thành như bà Hồng Yến, may đồ tập thể dục quần đùi
áo cánh trắng để tập dợt chào hoàng đế Bảo Đại. Bảo Đại, người ta xây cho ổng
cái lư bồng trước vườn ngự uyển, cho học trò đi qua chào. Học trò sắp hàng đi
qua chào ổng, đi lớp lớp từng từng vậy đó. Bà ngoại không có may đồ trắng mà
may cho má cái đồ rằn, má cũng mặc rồi lẫn trong đám đó đi ngang qua ngó ổng.
Lính Tây thì nó sắp ghế ngồi trên cửa Tiền ngó xuống. Đúng là thời nô lệ có
khác. Nó thì phải có ghế đẩu ngồi trên cao, dân thì ở dưới này sắp hàng tập rồi
đi. Má cũng có cái áo dài màu “ru” mua ở đâu không biết, bận xùng xình. Ngày
Hưng quốc Khánh niệm, mồng hai tháng năm năm Nhâm Tuất, mừng ngày lễ ông Gia
Long phục quốc đó, học trò tan rồi, cô giáo dặn tan lễ là về, không được coi.
Muốn coi quá, lật đật về thay áo dài ra bận bộ đồ cũ đi coi. Không dám vô hoàng
cung sợ lính quánh chết. Vậy mà leo lên mấy cây điệp ngó người ta làm lễ, hương
bái gì đó. Coi đã rồi về ông ngoại la quá chừng. Ông ngoại thì áo dài, áo rộng,
khăn đóng, đeo bài ngà đầy ngực ở trong đó cúc cung hương bái, hễ cứ hô “bái”
thì lạy xuống hết trọi trơn, như đám chết vậy.
Buổi chiều, biết sao không, lính nó mệt rồi, thế là má chui vô vườn ngự uyển
trước hành cung (quen kêu là hoàng cung), chu cha, hái ngâu ăn đã, ngâu chín
nhiều lắm. Hồi đó vườn ngự uyển đẹp lắm, có nhiều đàng mương sau hàng ngâu, bữa
nào mưa to hai ba bữa, rùa, ếch nhái ngoài cửa Tiền bò vô kêu ộp ộp. Đất trong
Thành linh thiêng nhất, cái ngày mà Việt minh nổi lên, í trời, sét đánh bể cây
đại kỳ. Cây đại kỳ to lắm. Sét đánh tét làm tư. Hương lão, ông già bà cả là vô
bái lạy cây đại kỳ. Cây đại kỳ mà trời đánh là biết có giặc rồi. Má vô coi thấy
rắn mối tắc kè chết quá chừng. Trời đánh mới sụp, sụp rồi Việt minh nổi lên đó.
Chỗ đó linh thiêng nhất. Hồi cái ngày máy bay rớt, rớt xuống nổ hai ngày hai
đêm, dân làng thấy có một người đàn bà bay lên đẩy cho chiếc máy bay rớt trên
núi Hòn Ngang, bên công giáo thì nói Đức mẹ, bên lương thì nói là bà ở Am bà.
Am bà linh lắm. Khắp vùng xung quanh kéo tới. Khói hương nghi ngút quanh năm.
Mỗi lần có tù nhân án tử hình sắp bị đem chém thì khuya hôm đó mấy cái gươm
dùng chém tù ở trong Am bà múa khua lắc cắc cả đêm. Ông từ gác ở đó biết là
sáng ngày thế nào cũng có người sắp bị chém. Mỗi lần có người sắp bị chém, dắt
ra ngoài hàng rào chém, ông ngoại là lý trưởng mà, phải dắt mấy người đó ra,
ông ngoại uống rượu, đâu dám ngó, mà phải đi ra chứng kiến. Má cũng đi theo
coi. Ông ngoại la quá đuổi về. Ông Mười Thọ bữa đó về kể, chém cái ông đó mà
không biết làm sao chém hoài không đứt, chém như bằm chuối vậy. Trần Quý Cáp
cũng chém tại đó.
Tôi lại đổi đề tài.
-Mồng một Tết bà ngoại đi suốt vậy hở má?
-Ờ, bà ngoại đi đánh bài. Ông Tư Ẩn đạp xích lô
vô chở bà ngoại đi. Hồi đó chưa có xích lô, sau này mới có xích lô, hồi đó ổng
kéo xe. Vô gác gọng xe kéo đó ngồi chờ, chở bà ngoại ra nhà Đồng An đánh bài.
Ăn cơm ở nhà Đồng An chớ đâu có ăn ở nhà.
-Đồng An nào má?
-Đồng An là anh rể của ông Bùi Ấm đó. Ăn cơm ở
đó, tới chiều thì ăn hay thua gì cũng ông Tư Ẩn kéo về.
Tám mươi mấy năm rồi, hồi đó thì không có áo
quần, giờ Tết ngồi đây nhìn người ta quần này áo nọ đi qua lũ lượt. Hồi đó bốn
tuổi đã đi chơi Tết rồi. Đi mà sợ con ngỗng ở nhà ông Đốc Thành, cha vợ bà Cúc,
vợ ông gì mà ở gần nhà mình ngoài Nha Trang mới vừa chết đó con? Ông thầy Ngân
hở má. Ợ. Áo quần đẹp, đi ngang đó phải chạy, hồi đó sợ con ngỗng nó cắn, nó cứ
chạy tới rìa rìa. Mà hồi đó, Tây nó tấn công, con gái đẹp ở Thành cho đi lánh
hết.
Rồi thì những cái tên ông Hai Trì, ông Hai Hòa, bà Tám Giảng… ôi, quá nhiều
những nhân vật quá xưa lần lượt được tái hiện.
Chỉ một thoáng chưa đến 30 phút buổi sáng mồng
Một mà ký ức của má tuôn tràn đến vậy. Chợt nhớ bài pháp nghe cách đây không
lâu, trong đêm đầu tiên thành đạo của Đức Phật, Ngài dùng túc mạng minh để nhớ
lại vô số kiếp đời sống, cái nhớ đó phải mất hẳn một canh đầu. Đó là bậc thánh.
Phàm phu mà ngồi nhớ mà thì phải là thiên thu không hết chuyện. Kể hoài mỏi tay
quá, thôi hẹn khi khác.
No comments:
Post a Comment