Chiều nay ngồi bên bàn ăn một cô bé nói với tôi, đàn ông có quần Tây âu phục mặc đẹp như thế mà đàn ông xứ này không mặc. Quả thật, trên sơ mi dưới cái củng trông họ ẻo lả làm sao. Hai hôm nay tôi cứ đếm xem có bao nhiêu người mặc quần âu. Đoạn đường dài vài chục km mà đếm được không hết đầu ngón tay.
Đàn ông con trai xứ này gầy gò đen nhẻm, chỉ mỗi cặp mắt to và lông mi cong. Đo đô áo, tức ngang vai chắc số đo khá hẹp so với VN. Những đứa trẻ thì gầy gò. Chiều nay đi thuyền ra giữa dòng để xem ngôi chùa bồng bềnh trên sông, những đứa bé gầy gò ấy đã đưa tay cho tôi nắm lấy để bước xuống thuyền. Bàn tay nhỏ bé nhưng giữ thăng bằng chắc chắn.
Rồi lúc tôi bước lên chiếc xe car khá cao, một cậu bé bán đậu phộng đã đưa tay vịn đỡ cho tôi. Một lần nữa tôi lại nương vào bàn tay bé nhỏ đen nhẻm. Tôi bước lên xe rồi vẫn thấy cậu bé đứng cạnh cửa, nói vói theo tôi cái gì đó, tôi rút ra 1000 Miến, (khoảng 15 ngàn VNĐ). Cậu bé nói ‘No’ không lấy. Em không ăn xin, em chỉ bán kẹo đậu phộng mà thôi.
Chiều nay học được chữ Sumoani. Mất nửa tiếng mới hiểu ra là gì. Shoe money nghĩa là trả tiền giữ giày. Nghĩa là ngoài việc chìa bàn tay ra đỡ cho mình em còn giữ giày cho mình nữa, và cũng giá 1000.
Vào các đền chùa nơi đây không được mang giày vì người ta muốn mình đi chân không chứ không phải mang giày là bất kính bởi tôi đã tháo giày ra cho vào giỏ và mang trên vai thì ok. Tóm lại là không được mang gì dưới chân kể cả vớ. ...
Nếu đã đến đây thì hãy nắm lấy bàn tay các em chìa ra, bàn tay nhỏ bé gầy gò nhưng chắc chắn. Không bị chèo kéo hay gạt lừa gì đâu. Họ nghèo đấy nhưng các đền tháp ngày càng cao dầy hơn vì họ giữ cái sự nghèo khó đó để dành vàng đem dát chùa để cho các chùa ngày càng cao thêm.
No comments:
Post a Comment