(Ghi từ bài giảng Kinh Niệm Xứ by Sư Chánh Minh)
Thưa quí vị trong quá trình chúng tôi nghiên cứu tham khảo chúng tôi thấy được sự lợi ích rất lớn đối với những hành giả sơ cơ hoặc những hành giả đã tu tập lâu năm. Một trong những bài kinh rất đặc biệt về phần pháp hành đó là bài Kinh Niệm Xứ. Kinh này được ghi nhận ở trong Trung Bộ Kinh cũng có hoặc là ghi nhận ở trong Trường Bộ Kinh cũng có. Chúng tôi thấy rằng đây là bài kinh rất lợi lạc cho tất cả chúng ta nên chúng tôi xin trích giảng bài kinh Niệm Xứ này.
Với bài kinh này, chúng tôi đưa ra
những bản dịch:
Trước tiên là bản dịch của ngài HT
Giới Nghiêm, bản này đã lâu.
Thứ hai là bản kinh của ngài HT
Gandhasara, ngài này là đệ tử của ngài Mahasi ở Miến Điện. Ngài đã soạn ra bài
kinh niệm xứ này và được sư Bửu Nam dịch ra tiếng Việt. Ngoài xoay quanh hai bộ
ra chúng tôi cũng còn có phần Chú giải mà chúng tôi sưu tập được để làm giàu ý
nghĩa cho cái bài Kinh Niệm Xứ này.
Trước mắt chúng tôi sẽ đọc phần
duyên khởi của bài kinh niệm xứ:
Evaṃ me sutaṃ – ekaṃ samayaṃ bhagavā
kurūsu viharati kammāsadhammaṃ nāma kurūnaṃ nigamo. Tatra kho bhagavā bhikkhū
āmantesi – ‘‘bhikkhavo’’ti. ‘‘Bhadante’’ti te bhikkhū bhagavato paccassosuṃ.
Bhagavā etadavoca –
Bản dịch của HT Minh Châu như vầy:
“Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở xứ Kuru
(Câu-lâu), Kammasadhamma (kiềm-ma sắt đàm) là đô thị của xứ Kuru. Rồi Thế Tôn
gọi các tỳ kheo, các tỳ kheo vâng đáp Thế Tôn: Bạch Thế Tôn.
Đây là phần duyên khởi. Trong phần
duyên khởi này chúng tôi xin nói ra một số ý như vầy:
1. Bài kinh này thuộc dạng vô vấn tự
thuyết. (Không ai hỏi Đức Thế Tôn cả, Ngài tự thuyết lên).
2. Sutta.
Chữ 'sutta' mà chúng ta dịch là
‘kinh’ là cũng bị ảnh hưởng của người TQ rất lâu. Theo Pāḷi, ‘sutta’ nghĩa là
một ‘sợi chỉ’. Các Sớ giải Sư giải thích rằng cũng giống như người thợ mộc khi
muốn cắt, muốn cưa xẻ một miếng gỗ thì trước tiên người thợ mộc lấy mực và bằng
sợi chỉ đó búng mực lên trên thanh gỗ và cưa thanh gỗ theo như ý muốn của mình.
Như vậy chữ ‘sutta’ ở đây xem như là ‘mẫu mực’. Chúng ta quen với văn hóa của
người TQ nên chúng ta dịch ‘sutta’ là kinh. Theo văn hóa người TQ, chữ kinh có
ý nghĩa là một bộ sách đặc biệt, sách quý, sách khó kiếm. Trong kho tàng văn
học của TQ, có Tứ Thư Ngũ Kinh - những bộ sách lớn Khổng Tử, hoặc Lão Tử thì có
Đạo Đức Kinh, hay TrangTử đệ tử của Lão Tử thì có Nam Hoa Kinh. Như vậy Kinh là
chỉ cho bộ sách đặc biệt, sách quý, sách có nhiều sự minh triết nằm trong đó.
Cho nên sau này chúng ta bị ảnh hưởng, dịch sutta là kinh. Thì thôi, do cái
truyền thống như vậy, chúng ta quen rồi. Nhưng chúng ta phải coi lại, chữ Sutta
đây có nghĩa là cái mẫu mực – tức một sợi dây sợi chỉ làm mực để người thợ mộc
cưa xẻ theo đường chỉ đó. Cũng vậy, chữ sutta ở đây mang ý nghĩa là ‘mẫu mực’
trong pháp thực hành của Đức Thế Tôn.
3. Sattipatthana
Bài kinh này được gọi là
Satipatthana Sutta thì chúng ta đã tìm hiểu nghĩa chữ sutta rồi. Còn
Satipatthana nghĩa là gì?
Chữ ‘sati’ nghĩa là ghi nhớ, ghi
nhận. Chúng ta thường dịch là ‘niệm’. ‘Niệm’ nghĩa là ghi nhớ, ghi nhận.
Chữ patthana có nhiều ý nghĩa.
Patthana: nơi chốn, vị trí, khởi
điểm.
Nếu phân tích từ ra thì chúng ta có
chữ pa: khởi đầu; cùng khắp, đầy đủ. Thana: khởi điểm, chỗ ở, chốn.
Sattipatthana: nơi an trú của niệm,
hoặc nơi an trú của sự ghi nhớ hoặc là nơi khởi điểm của sự ghi nhớ, ghi nhận.
Bài kinh Sattipatthana Sutta là mẫu
mực của sự khởi đầu cho sự ghi nhớ, nơi để mà ghi nhớ (niệm xứ). Bài kinh này
mang tới rất nhiều lợi ích cho hành giả đang tu tập hoặc hành giả chưa tu tập
cũng có. Và chúng tôi gởi đến quí vị, dù chúng tôi cũng có thực tập theo pháp
môn niệm xứ của Đức Thế Tôn dạy, cũng thấy có những sự an lạc, sự ghi nhớ cũng
tăng tưởng, nhưng quý vị lưu ý một điều là chúng tôi không phải là một thiền
sư. Chúng tôi chỉ truyền đạt cho quí vị những sự sưu tập về kinh điển, về Sớ
giải của các vị cổ đức, liên hệ với cuốn sách Thanh Tịnh Đạo của ngài
Buddhaghosa. Quí vị đừng nhầm lẫn tôi là thiền sư, không phải, tôi chỉ là người
truyền đạt pháp học đến cho quí vị và từ đó quí vị tự mình thực hành theo lời
dạy của Đức Phật trong bài Kinh Niệm Xứ này.
Trước hết chúng ta có những từ như
sau:
Evaṃ me sutaṃ (như vầy tôi nghe)
4. Evaṃ: ‘như vầy’
Đây là một trạng từ và nghĩa của nó
là ‘như vầy’, như thế ấy. Từ Evaṃ này, theo bản Sớ giải của ngài Buddhaghosa,
được dùng trong bản kinh Điềm Lành (Mangalasutta) chẳng hạn, ngài Buddhaghosa
giải thích chữ evaṃ này có 8 ý nghĩa:
4.1. Evaṃ được dùng như một lời so
sánh.
Ví dụ như trong kệ ngôn Pháp Cú
chúng ta thấy rằng Đức Phật tán thán công hạnh của bà Visakha sau khi nghe giáo
pháp của Đức Thế Tôn xong bà lại thực hiện những công việc tốt, chẳng hạn như
vậy, và làm ra những điều thiện lành
evaṃ jātena maccena,
kattabbaṃ kusalaṃ bahu''nti
HT Minh Châu dịch:
Như thân người đang sống
tạo ra nhiều nghiệp thiện
Ở đây evaṃ được dùng như một sự so
sánh. “Evaṃ jātena maccena, kattabbaṃ kusalaṃ bahu''nti” tức là như thân người
đang sống tạo ra nhiều việc thiện. Đây là câu Pháp cú thứ 53 Trong Kinh Pháp
Cú.
Hoặc câu PC 52 cũng có chữ evaṃ
52. Yathā pi ruciraṃ pupphaṃ
vaṇṇa-vantaṃ sagandhakaṃ
Evaṃ subhā-sitā vācā
saphalā hoti pakubbato.
HT MinH Châu dịch là:
“Như bông hoa tươi đẹp,
có sắc lại thêm hương,
cũng vậy lời khéo nói,
có làm có kết quả”
Đây là nói về sự học pháp của bà
hoàng hậu Mallikā.
Có câu chuyện trong Sớ giải Kinh
Pháp Cú như vầy, vua Ba Tư Nặc quí trọng Đức Thế Tôn và hoàng hậu Mallikā cũng
giống như bà hoàng hậu Vāsabhakkhattiyā, hai bà này muốn học pháp cho nên thỉnh
cầu Đức Thế Tôn đến dạy pháp. Đức Thế Tôn nói với vua Ba Tư Nặc rằng Như Lai
rất nhiều công việc phải làm, không thể đi đến một nơi thường xuyên được. Vua
Ba Tư Nặc nói: Bạch Thế Tôn, vậy Đức Thế Tôn hãy ban cho một vị tỳ kheo đi tới
để giảng dạy pháp cho hai hoàng hậu là Mallikā và Vāsabhakkhattiyā. Đức Thế Tôn
dạy ngài Ananda đi tới dạy pháp. Trong quá trình học, hoàng hậu Mallikā chăm
chỉ học tập, thuộc trước nhiều kinh và thực hành theo, trong khi bà hoàng
Vāsabhakkhattiyā lại học hành chểnh mảng không chăm chú nên không thuộc kinh.
Khi Đức Thế Tôn hỏi lại ngài Ananda, ngài Ananda trình bày. Đức Thế Tôn nói lại
hai câu kệ này (Như hoa có sắc không hương / Lời khéo nói nhưng không thực hành
thì không kết quả), muốn ám chỉ cho sự thực hành của bà hoàng Vāsabhakkhattiyā,
bà này là con gái của vua Mahanama. Mahanama thuộc dòng hoàng tộc Thích Ca.
Bài kệ tiếp theo 52. Đức Phật khen
ngợi bà Mallikā mà HT Minh Châu dịch: “Như hoa có sắc lại có thêm hương, lời
khéo nói có thực hành thì có kết quả tốt.”
Như vậy ý nghĩa thứ nhất chữ Evaṃ là
có ý nghĩa so sánh.
4.2. Evaṃ được dùng như một lời chỉ
dạy.
‘evaṃ te abhikkamitabbaṃ, evaṃ te
paṭikkamitabbaṃ, evaṃ te āloketabbaṃ , evaṃ te viloketabbaṃ, evaṃ te
samiñjitabbaṃ, evaṃ te pasāritabbaṃ, evaṃ te saṅghāṭipattacīvaraṃ
dhāretabba’nti.”
“Ngươi phải cần ra đi như vầy, ngươi
phải cần trở về như vầy” . Chữ ‘evaṃ’ này nghĩa là lời dạy dỗ, lời chỉ dạy. Lời
dạy của vị thầy đối với những vị tân tỳ kheo. (Kinh Tăng Chi, Pháp 4 Chi, Kinh
Sóng biển). Những vị tân tỳ kheo mới xuất gia, người thầy chỉ dạy: Ngươi phải
nên đi như vầy, ngươi phải trở về như vầy, ngươi phải mặc y vai trái như vầy,
ngươi phải đắp y tăng già lê như vầy, ngươi phải ôm bát như vầy.” Chữ ‘evaṃ’ ở
đây mang ý nghĩa lời chỉ dạy.
(Bản dịch của HT Minh Châu:
"Thầy cần phải đi ra như vậy, Thầy cần phải đi về như vậy, Thầy cần phải
ngó tới như vậy, Thầy cần phải ngó quanh như vậy. Thầy cần phải co tay như vậy,
Thầy cần phải duỗi tay như vậy, Thầy cần phải mang y sanghati như vậy, mang bát
y như vậy".)
4.3. Evaṃ được dùng như lời tán thán
“Taṃ kho pana bhavantaṃ gotamaṃ evaṃ
kalyāṇo kittisaddo abbhuggato”, tạm dịch “Tiếng đồn tốt đẹp như vầy được truyền
đi về Đức Thế Tôn Gotama”. Câu này được dịch ra từ bài kinh Các Vị Ở Kesaputta,
Tăng Chi, 3 Pháp. Một thời Đức Thế Tôn đi tới xứ Kesaputta, đây là xứ của người
Kalama. Trong sớ giải nói những người Kalama này thuộc dòng dõi chiến sĩ, tức
dòng dõi Sát đế lỵ và thị trấn Kesaputta là trú xứ của dân Kalama này. Người
dân Kalama này nghe nói Đức Thế Tôn đến, họ muốn đi nghe Đức Thế Tôn nên truyền
tai nhau “Tiếng đồn tốt đẹp như vầy, Đức Thế Tôn là bậc Chánh Đẳng Giác v.v...,
được truyền đi về Đức Thế Tôn Gotama”
4.4. Evaṃ được dùng với ý nghĩa như
lời thóa mạ.
“evamevaṃ panāyaṃ vasalī yasmiṃ vā
tasmiṃ vā tassa muṇḍakassa samaṇassa vaṇṇaṃ bhāsati.” Trong mỗi thời mỗi dịp,
kẻ hạ tiện này nói lời tán thán sa-môn trọc đầu.
Lời kinh này được ghi trong Tương
Ưng Kinh, Phẩm Bà-la-môn, bài kinh 160.
Câu chuyện này như sau, một nữ
Bà-la-môn tên là Dhananjàni, là vợ của Bà-la-môn thuộc dòng họ Bhàradvàja. Bà
là một đệ tử tín thành nơi Tam Bảo, mỗi khi bà có cảm hứng lên bà thường tán
thán Đức Thế Tôn, đảnh lễ Đức Thế Tôn ngài là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác
v.v... Trong khi chồng bà là Bà-la-môn Bhàradvàja tự hào về dòng dõi của mình,
không có niềm tin vào Đức Thế Tôn. Có lần Bà-la-môn Bhàradvàja mời 500 vị
Bà-la-môn tới nhà để làm lễ cúng dường. Biết vợ mình mỗi khi cảm hứng lên thì
tán thán Đức Thế Tôn “Con xin đảnh lễ Đức Thế Tôn, ngài là bậc A-la-hán Chánh
Đẳng Giác” nên ông dặn vợ: Khi tôi mời 500 vị Bà-la-môn này tới, bà không nên
tán thán sa-môn Gotama nữa. Bà Dhananjàni nói rằng, ông cấm thì cấm chứ tui
không thể nào không tán thán Đức Thế Tôn được. Sớ giải nói bà Dhananjàni đã
chứng quả Dự Lưu. Ông chồng hăm dọa, bà nói là tui đâm bà chết. Bà Dhananjàni
nói dù ông có đâm tôi, đánh tôi, giết tôi, ông cứ làm, chớ tôi không có cách
nào không tán thán Đức Thế Tôn được hết. Nghe vậy ông Bà-la-môn chịu thua.
Nhưng khi mời 500 vị Bà-la-môn đến trai đàn, bà bưng cơm nước lên, bà giựt mình
một cái là bà tán thán Đức Thế Tôn bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. 500 Bà-la-môn
kia đang ăn, nhổ bỏ thức ăn ra và nói bị làm nhục bởi Bà-la-môn Bhàradvàja nên
tức giận bỏ về. Ông Bhàradvàja cũng giận, nói, ta sẽ đi tới, ta sẽ luận chiến
với sa-môn Gotama. Bà Dhananjàni khuyến khích bằng cách khiêu khích: Tôi không
thấy trong thế gian này một sa-môn Bà-la-môn nào có thể luận chiến mà thắng
được Đức Thế Tôn. Ông muốn đi thì đi đi. Ông Bhàradvàja đến gặp Thế Tôn, sau
khi chào hỏi xong, ông ngổi xuống hỏi pháp: Thưa sa-môn Gotama, sát vật gì được
lạc, sát vật gì không sầu… Ông hỏi rất nhiều. Đức Thế Tôn vẫn dạy, này
Bà-la-môn, ai sát phẫn nộ thì được lạc, ai sát phẫn nộ thì không sầu. Quí vị có
thể xem trong Tương Ưng Kinh tập 1, bài 160.
Nghe xong bài giảng của Đức Phật,
ông Bà-la-môn Bhàradvàja chứng Dự lưu và xin xuất gia, một thời gian sau ông
chứng quả La-Hán.
4.5. Evaṃ được dùng như một lời nhận
lãnh
'Evaṃ bhante ti kho te bhikkhū
Bhagavato paccas- sosuṃ.”
“Thưa vâng Bạch Thế Tôn, các tỳ kheo
ấy vâng đáp lời Đức Thế Tôn như vậy.”
Điều này chúng ta sẽ thấy trong
những bài kinh, trước khi thuyết giảng pháp thoại Đức Thế Tôn hay nhắc nhở các
vị tỳ kheo, “Này các tỳ kheo, hãy khéo tác ý, Như Lai sẽ giảng…” Và các chư vị
tỳ kheo đáp lời Đức Thế Tôn như trên. Trường hợp này Evaṃ được dùng xem một lời
nhận lãnh. “Thưa vâng Bạch Thế Tôn, các tỳ kheo vâng đáp Đức Thế Tôn như vậy”.
Như trong bài kinh này, chúng ta
cũng thấy đoạn nhân duyên phía sau cũng như vậy. Đoạn duyên khởi HT Minh Châu
dịch: Đức Thế Tôn gọi các tỳ kheo, này các tỳ kheo, các tỳ kheo vâng đáp Thế
Tôn, Bạch Thế Tôn.
4.6. Evaṃ được dùng như một lời thừa
nhận
‘‘Evaṃ byā kho ahaṃ, Bhante,
bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi”. “Thật sự như vậy, Bạch Thế Tôn, theo con
hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng.” Câu này được ghi trong bài kinh
(Mahātaṇhāsaṅkhayasutta, 38. Ðại kinh Ðoạn tận ái)
Chữ 'Evaṃ được dùng như một lời thừa
nhận.
Trong bài kinh này nêu lên một sự
kiện như sau: vị tỳ kheo Sati, con của người đánh cá, vị này khởi lên ác tà
kiến rằng: Theo như ta nhận biết, pháp của Đức Thế Tôn có một cái thức; thức
này dong ruổi từ kiếp này sang kiếp khác không bao giờ thay đổi.
Sở dĩ vị tỳ kheo này khởi lên một ác
kiến như vậy bởi vì do nghe Đức Thế Tôn thuật lại những tiền nghiệp của ngài,
tức câu chuyện Bổn sanh. Như vậy mới hiểu lầm, cho rằng Đức Thế Tôn xác nhận có
một cái thức thường hằng bất biến di chuyển từ kiếp này sang kiếp khác như vậy.
Các vị tỳ kheo nói rằng, này hiền
giả Sati, chớ xuyên tạc Đức Thế Tôn như vậy. Đức Thế Tôn không thuyết như vậy,
mà Ngài dạy rằng các thức này sinh lên bởi do duyên. Tuy nhiên, những vị tỳ
kheo này không làm cho vị Sati bỏ ác kiến được, nên mới trình lên Đức Thế Tôn.
Đức Thế Tôn bảo rằng, này các tỳ
kheo, hãy nhân danh ta gọi tỳ kheo Sati tới. Vị Sati tới, Đức Phật hỏi, này
Sati, có phải được nghe nói rằng ngươi có tà kiến như vậy hay không. Ngài Sati
đáp, ‘‘Evaṃ byā kho ahaṃ, Bhante, bhagavatā dhammaṃ desitaṃ ājānāmi”. “Thật sự
như vậy, Bạch Thế Tôn, theo con hiểu pháp Thế Tôn thuyết giảng như vậy.” Chữ
'Evaṃ’ ở đây được dùng như một lời thừa nhận.
4.7. Evaṃ được dùng như một lời thân
tình
Đây là trường hợp thanh niên Subha
Todeyya muốn nghe pháp.
Sau khi Đức Phật viên tịch, ngài
Ananda khi trở về hương thất của Đức Thế Tôn dọn dẹp xong xuôi thì thanh niên
Subha Todeyya sai một thanh niên Bà-la-môn tới thỉnh ngài Ananda tới để mà cúng
dường và nghe pháp. Ngài Ananda mới nói rằng, tôi đang mệt mỏi, phải cần dùng
sữa tươi, ngày mai tôi sẽ đến. Lời thỉnh cầu của thanh niên đó được dịch ra như
vầy:
-Và như vậy, lành thay, nếu tôn giả
Ananda có lòng từ mẫn đến trú xứ của thanh niên Subha Todeyya.
Chữ ‘Evaṃ’ ở đây mang ý nghĩa một
lời thân tình. Mà ở trong tập Anagatavamsa (Vị lai sử) thì thanh niên Subha
Todeyya này được ghi nhận là một vị Phật Chánh Đẳng Giác trong tương lai. Trong
tập này ghi nhận 10 vị Phật Chánh Đẳng Giác trong tương lai, nhưng những tên đó
chúng tôi nhớ không hết vì có những tên Bà-la-môn rất lạ. Chúng tôi có thể nhớ
được một số vị, ví dụ như ngài Ajita (Āsajjī?) là vị tỳ kheo trẻ nhất, trong
bài kinh Cúng Dường Phân Biệt , chính là tiền thân của Đức Phật Mettaya sau
này, hoặc vua Ba Tư Nặc cũng là vị Chánh Đẳng Giác tương lai. Hoặc là con voi
Nalagiri mà Devādatta thả ra để hại Đức Thế Tôn cũng thành vị Chánh Đẳng Giác
tương lai; hoặc là con voi Nalagiri trong khu rừng sau khi Đức Phật từ bỏ kinh
thành Kosambi do hai nhóm tỳ kheo tranh chấp nhau vì chuyện không đáng tranh
chấp. Đức Phật can ngăn nhưng cả hai cố chấp cứng đầu không chịu nghe. Đức Phật
bỏ vào rừng Parileyaka một mình, có con voi tới phục vụ Ngài trong ba tháng như
vậy. Trong bộ Anagatavamsa có ghi con voi Parileyaka có hậu thân là vị Chánh
Đẳng Giác trong tương lai.
Chàng thanh niên Bà-la-môn Subha
Todeyya cũng trở thành một Đức Phật trong tương lai. Muốn nghe pháp của Đức
Phật và ngài Ananda đi tới giảng pháp vào ngày mai. Bài kinh này được ghi nhận
trong Trung Bộ Kinh (Subhasutta)
8. ‘Evaṃ’ được dùng như lời ghi nhớ
‘‘Samattā, bhante, samādinnā ahitāya
dukkhāya saṃvattantīti. Evaṃ no ettha hotī’’ti.
“Bạch Đức Thế Tôn, được thực hiện,
được chấp hành đưa đến bất hạnh đau khổ ở đây đối với chúng con là như vậy.”
Lời này được ghi nhận trong bài kinh
Các vị ở Kesaputta (Tăng Chi Kinh, Pháp 3 Chi), Đức Phật giảng cho nhóm dân
Kalama. Đức Phật giảng bài kinh đó như vầy: Tham sân si là bất thiện, vô tham
vô sân vô si là thiện. Đức Phật hỏi: Này những người Kalama, nếu các ngươi chấp
hành, thực hiện về tham sân si thì như vậy có đưa đến bất hạnh đau khổ hay
không?
Người dân Kalama đáp rằng, Bạch Thế
Tôn nếu được thực hiện, được chấp hành như vậy thì tham sân si này sẽ đưa đến
bất hạnh đau khổ. Ở đây đối với chúng con là như vậy.
Như vậy chữ ‘Evaṃ’ ở đây được dùng
như lời ghi nhớ. Người dân Kalama đã trả lời như vậy.
Chữ ‘Evaṃ’ trong bài kinh này (Kinh
Niệm Xứ) mang ý nghĩa nào?
Xin thưa chữ ‘Evaṃ’ (như vầy) trong
bài kinh này hiểu theo 3 ý nghĩa:
(1) Chấp nhận.
Ngài Ananda chấp nhận bài kinh này
đã được nghe. Tức là bài kinh này đã được ngài Ananda nghe.
(2) Thân tình
Lời dạy của bậc Đạo sư rất là vi tế,
rất là nhiều góc độ, Đức Thế Tôn là bậc thiện thuyết ở giai đoạn đầu, thiện
thuyết ở giai đoạn giữa, thiện thuyết ở giai đoạn cuối. Lời văn cũng như ý
nghĩa đều đầy đủ, thích hợp với khuynh hướng của từng chúng sanh, làm cho người
nghe được hoan hỉ, chấp nhận đây là lời dạy của Đức Thế Tôn.
Ngài Ananda chỉ ra rằng, điều này
không phải do tôi tự nói hay tự có, mà là lời do Đức Thế Tôn ban cho. Điều này
không phải xảy ra chỉ có một lần đối với tôi mà là rất nhiều lần.
Hầu như lần kết tập Tam tạng thứ
nhất, những bài kinh do ngài Ananda trùng tuyên có câu này: Evaṃ me sutaṃ, tôi
được nghe như vầy, như vầy tôi nghe.
Chữ Evam ở đây như một sự thân tình.
Do gần gũi Bậc Đạo Sư nên mới nghe được điều Bậc Đạo sư đã dạy như vậy.
(2) Ghi nhớ.
Ngài Ananda nêu lên khả năng ghi nhớ
của mình. “Tôi đã nhớ như vậy.” Chính Đức Thế Tôn cũng tán thán về sự ghi nhớ
của ngài Ananda: “Trong các vị đệ tử tỳ kheo của Như Lai, đầy đủ về sự ghi nhớ,
này các tỳ kheo, tối thắng là Ananda.” (Điều này nằm trong Tăng Chi Kinh, Pháp
1 Chi. Phẩm Người Tối Thắng.)
Ngài Ananda nêu lên cụm từ ‘Evaṃ me
sutaṃ’ là với ý nghĩa sách tấn, khích lệ cho các tỳ kheo nên suy ngẫm những ý
nghĩa sâu thẳm, vi diệu về lời dạy của Đức Thế Tôn. Lời dạy của Đức Thế Tôn
được tôi (Ananda) ghi nhớ không bị sai lệch về lời văn cũng như ý nghĩa.
Như vậy trong chữ Evaṃ trong bài
kinh này có ba ý nghĩa: (1) Chấp nhận lời dạy của Đức Thế Tôn, bậc đã giác ngộ;
(2) Thân tình gần gũi thân cận mới được nghe điều này; (3) Ngài Ananda cho biết
khả năng ghi nhớ của ngài.
Khi đọc một bài kinh, đọc “Evaṃ me sutaṃ” mà chúng ta hiểu được ý nghĩa này thì mình sẽ có cảm giác là mình đang gần gũi Đức Thế Tôn, và mình phải nỗ lực làm sao để mình ghi nhớ được bài kinh đó, những ý nghĩa thâm sâu vi diệu trong đó. Cho nên, chỗ này ngài đưa ra cụm từ đó để sách tấn cho mình suy ngẫm những ý nghĩa đó trong lời dạy của Đức Thế Tôn.