(Donabrāhmanasutta)
~ Cũng lại là ông Dona, người phân chia xá lợi Phật ~
Chúng ta đã học một bài kinh về vị này rồi. Có một ông Bà-la-môn tên Dona. Có một trùng hợp lạ lắm, ‘dona’ nghĩa là ‘cái cân’. Ông là một học giả Bà-la-môn, chuyên gia về Veda nổi tiếng. Veda là thánh điển của Bà-la-môn giáo cũng giống như Bible Tân Ước, Cựu Ước của TCG vậy đó. Ông được nhiều rất người nể trọng, tiếng tăm lừng lẫy. Trong một lần gặp Phật ông đã trở thành vị thánh A-na-hàm. Khi Phật Niết bàn và làm lễ trà tỳ xong thì bảy quốc gia kéo đại binh tới tính làm một trận thư hùng để giành giựt xá lợi. Trong tư cách của một Phật tử, một thuyết khách một biện sĩ có uy tín, đứng trước mặt sứ thần các nước, ông nói:
-Kính thưa các vị, ngay thuở Thế Tôn sanh tiền Ngài luôn luôn kêu gọi tình thương thân tương ái, thương người được bao nhiêu thì thương, Ngài chưa hề nói gì đến chuyện kêu gọi binh đao, can qua chinh chiến. Thế mà hôm nay Ngài vừa nằm xuống, xá lợi còn đây, nắm xương tàn còn đó mà mọi người đã vội lãng quên lời dạy chí tình chí thiết ấy của Thế Tôn vì phần xá lợi để lại này. Thay vì cùng tôn thờ cùng sống theo tinh thần lời dạy của Ngài thì chúng ta vì xá lợi này mà đâm chém, can qua chinh chiến, máu chảy thành sông, xác chất thành núi, liệu chúng ta đã phụ lòng Thế Tôn và làm sai lời dạy của Ngài một cách mỉa mai và buồn cười hay không. Tức là đi thờ lạy một con người từ bi bằng cách lấy máu ra để đổi lấy nắm xương tàn của người đó.
Với những lời giải thích của ông, sứ thần các nước rụng rời tái mặt buông hết vũ khí và nhỏ nhẹ ngoan hiền ngồi xuống để ông lấy cân bằng vàng ra cân chia xá lợi ra bảy phần. Không có ông này là mệt vụ này rồi, Kusinārā sẽ bị dày xéo còn hơn Baghdad năm 2001 nữa. Ông này nổi tiếng lắm, ông là A-na-hàm không có ăn cắp ăn trộm, nhưng có điều, trong tinh thần một vị thánh, ông nghĩ rằng đây là lúc xá lợi chưa chia, là của chung, mà ông cũng là con (con tinh thần) của Ngài, nên trong lúc chia xá lợi, ông thấy có chiếc răng của Ngài, ông ghim trong tóc rồi chia tiếp. Đế Thích thấy sao cái răng mất tiêu, nhìn thấy trong búi tóc của ông này nên Đế Thích thỉnh riêng cho mình. Đế Thích lấy bằng thần thông thì chỉ có trời biết thôi. Ông Dona chia xong rồi rờ tay lên búi tóc mới biết là chiếc răng mất rồi, thế nên ông xin mấy vị sứ thần là “công tui chia mà không có gì hết thôi cho tui xin cái cân này để về thờ”.
Bối cảnh bài kinh này là lúc Thế Tôn còn sống, và lúc này ông chưa đắc gì hết. Ông đến hỏi Thế Tôn:
-Thưa Tôn giả Gotama, nghe nói Ngài chưa chào hỏi, đứng dậy, nhường chỗ cho ai hết, nhất là những vị Bà-la-môn lớn tuổi là những đối tượng rất được trọng vọng trong xã hội Ấn Độ đương thời, có phải như vậy không?
Đức Phật hỏi ông một câu:
-Theo ông, ông có nghĩ ông là một Bà-la-môn nằm trong số những người Bà-la-môn mà ông vừa nhắc hay không.
Ông Dona đáp:
- Dạ phải chứ, con đủ tiêu chuẩn là Bà-la-môn “chính hiệu con nai vàng”, con là nhiều đời dòng dõi Bà-la-môn không phải tạp chủng, con được đào tạo trong môi trường Bà-la-môn chữ nghĩa kinh điển đúng mực, tinh thông uyên bác giáo lý, như vậy con cũng xứng gọi là Bà-la-môn.
Đức Phật nghe xong, Ngài nhắc một loạt tên những vị Bà-la-môn được xem là tác giả của thánh điển Veda. Giống như bên Thiên Chúa Giáo bây giờ mà nhắc đến Thomas d'Aquin, Tusi, những nhà thần học Trung Cổ, hoặc bên PG có ngài Buddhadatta, Buddhadasa, Dhammapāla, Buddhaghosa ai cũng phải biết, bên PG Bắc Tông thì Mã Minh, Vô Trước, Long Thọ, Huệ Năng, Thần Tú… nói ra ai cũng biết. Dân Bà-la-môn mà nói ra 8 tác giả lớn của Veda mà không biết thì dốt lắm. Ngài hỏi ông Dona có biết những ông này không, Dona thưa biết, Ngài hỏi, biết là biết làm sao. Chỗ này chú giải cho chúng ta biết một chuyện vô cùng kỳ thú mà trong room này bắt buộc phải biết.
Chúng ta biết rằng Bà-la-môn giáo có trước thời Đức Phật. Theo trong kinh nói, từ vô thỉ luân hồi hễ còn có Phạm thiên còn có người tu thiền thì còn có Bà-la-môn giáo, vì Bà-la-môn giáo là một hệ thống tư tưởng triết học vừa là tôn giáo tín ngưỡng của những người thừa kế chưa tới nơi tới chốn của những vị tu thiền. Ví dụ ông A chán đời vô núi tu thiền, không đắc đạo nhưng đắc thần thông. Với thần thông đó, ông có thể nhìn thấy được rất nhiều chuyện nơi này nơi kia mà người ta không biết, từ nho, y, lý, số, tức từ vấn đề chữ nghĩa, thuốc men phong thủy, tử vi, cho đến ngay cả những vấn đề kiến trúc nghệ thuật âm nhạc thơ ca v.v.... Người có thần thông ở một nơi mà biết rất nhiều chỗ. Họ đem cái biết đó dạy cho những người thông tuệ để những người này đem kiến thức đó xây dựng xã hội. Đây là điều mà Phật tử VN lười đọc sách nên không biết. Quí vị không biết vì đâu mà lại lòi ra những thứ thuốc Bắc. Thời xưa không có máy móc, mà người ta biết được cũng cùng cây đó nhưng lá thì độc còn củ thì chữa bệnh; lá chữa bệnh A mà rễ chữa bệnh B; lá đó dùng với liều lượng nào chữa bệnh gì và liều lượng dưới mức đó thì chữa bệnh gì v.v... Những chuyện đó chỉ có những vị đắc thiền biết mà thôi. Rồi những chuyện hơi kỳ quái như “long đàm hổ huyệt” , tiền Chu Tước, hậu Huyền Vũ, Tả Thanh Long, hữu Bạch Hổ , đất nào là đất kết, đất nào là long mạch… cũng chỉ những vị đắc thiền mới biết. Tại sao những vị này đi dạy chúng sinh? Bởi các vị ấy thấy cả một xã hội loài người u mê mông muội không biết gì. Vì vậy các vị dạy cho họ để ai tu được thì tu, ai huệ căn kém quá thì ít ra cũng có cái nghề để sống và đủ để dùng kiến thức này xây dựng một xã hội văn minh. Thế là những kiến thức về kiến trúc, hội họa, âm nhạc, y học, thiên văn, phong thủy, khí tượng v.v... là do các vị đắc thiền dạy cho. Tại sao đến nay chúng ta không biết đến nguồn gốc này? Bởi vì quá lâu đời. Ông tổ đầu tiên dạy, rồi ông tiếp theo còn biết chút đỉnh về sư phụ của mình, nhưng khi đi vào trong dân gian, người ta dựa vào cái biết đó và kết hợp với những kinh nghiệm truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác, một trăm năm, hai trăm năm, một ngàn năm, hai ngàn năm. Bây giờ tất cả những kinh nghiệm nào để xây dựng Kim Tự Tháp bên Ai Cập, Machu Picchu bên Peru hay nền văn minh Inca bên Nam Mỹ nói chung thì người ta không còn biết gốc tích nữa, người ta chỉ biết rằng đó là do những tù trưởng bộ lạc hay vị kiến trúc sư tài ba nào đó của những vùng đất đó nghĩ ra. Họ không biết gốc nguyên thủy là từ những vị đắc thiền. Nguồn gốc ấy được biết đến là từ Ấn Độ, và những vùng đất khác. Nhưng đặc biệt riêng tại Ấn Độ thì nguồn gốc này được sử sách kinh điển ghi chép. Sử sách ghi chép những chuyện này được gọi là Veda. Chữ Veda từ chữ gốc là ‘Vid’, có nghĩa là ‘knowledge’, ‘kiến thức’, ‘sự hiểu biết’. Chữ ‘Veda’ có nghĩa gốc là ‘kho tàng kiến thức’, người đời sau không biết, thấy chữ Veda cứ nghĩ đó là cái tên. Veda là tập đại thành kiến thức được truyền từ đời này qua đời khác. Tổng cộng trong đó có 18 chuyên ngành gồm võ thuật, bùa chú, phong thủy, tử vi, âm nhạc, thi ca, hội họa, kiến trúc v.v... kể cả binh pháp. Hồng đồ đại lược chính sách an bang tế thế đều nằm cả trong đó. Ngày xưa học xong 18 chuyên ngành của Veda, kẻ nào là hoàng tử thì sẽ có đủ sức trở về thành một vị đế vương, trở thành một vị nguyên soái đứng giữa ba quân trận tiền điều động binh sĩ, kẻ đó mà làm dân thì có thể thành thương gia, đại gia, bán buôn. Nhưng dần dần theo năm tháng thì bị những người kế thừa dốt nát, họ đã bóp méo, đã sửa sai, đã làm hỏng đi nội dung của Veda. Chẳng hạn như trong bài kinh này.
Khi Đức Phật kể lại cho Bà-la-môn Dona rằng: “Bà-la-môn hôm nay là Bà-la-môn thối nát. Tám vị Bà-la-môn tác giả của Veda mà ta xướng danh ở đây nguyên thủy họ là ai? Họ là người đắc thiền, có thần thông, họ dùng kiến thức thần thông của họ kết hợp kiến thức mà họ biết được khắp ba đời mười phương, cộng với…”
Cộng với những gì? Đọc vô đây mới thấy sợ:
Te kira dibbena cakkhunā oloketvā parūpaghātaṃ akatvā kassapasammāsambuddhassa bhagavato pāvacanena saha saṃsandetvā mante ganthesuṃ.
Tương truyền rằng, các vị Bà-la-môn ấy sau khi dùng thiên nhãn của mình quan sát khắp mọi chuyện trong trời đất, với lòng bi mẫn, lòng thương đời, đã đối chiếu, tỷ giảo với giáo pháp của Đức Phật Ca Diếp, cộng với kiến thức của họ bằng thiên nhãn của người có thần thông, họ biên soạn thành bộ Veda.
Aparāpare pana brāhmaṇā pāṇātipātādīni pakkhipitvā tayo vede bhinditvā buddhavacanena saddhiṃ viruddhe akaṃsu.
Nhưng xui một chỗ là những vị Bà-la-môn đời sau đã làm hỏng đi nội dung đó, đã biến một nội dung rất gần với Phật pháp trở thành mâu thuẫn với Phật pháp bằng cách đưa vào đó những hình thức tầm bậy tầm bạ như hiến tế, sát sanh, mỗi lần cúng thần là phải giết bao nhiêu trẻ con, bao nhiêu heo, bò, dê, ngựa… Rồi lâu ngày về sau họ sửa nội dung hướng dẫn cách tu thiền, tại sao phải ly dục, làm sao để đắc thiền Sắc, 4 tầng thiền Vô sắc. Sửa riết đến thời Đức Phật của mình thì Veda chỉ còn lại một phần rất nhỏ nói về chuyện tu tập tâm linh, phần còn lại là nói về Thập bát ban. Thập bát ban là 18 chuyên ngành nói trên. Sau khi Phật niết-bàn vài trăm năm đến một hai ngàn năm thì nội dung còn tệ hơn nữa, chỉ còn lại những bài ca tụng thần thánh, van xin cầu khẩn; như hôm nay chúng ta không còn học Tam Tạng mà chúng ta chỉ chú trọng những bài kinh nào có nội dung kêu gọi Tam bảo, chư thiên hộ trì cho mình thôi. Y chang như bên Bà-la-môn kia vậy quí vị. Mình nhìn vào nội dung kinh tụng của mình hôm nay thì mình nhớ ngay số phận của Bà-la-môn giáo đời xưa. Có nghĩa là nội dung tu tập tinh thần tâm linh không còn nữa và bị thế chỗ bằng chuyện bái sám tụng niệm cầu khẩn van xin khấn khứa. Đau lòng như vậy đó quí vị.
Sau khi Đức Phật kể cho ông Dona nghe. Ngươi xưng là Bà-la-môn mà có biết chuyện này không, ngươi biết Bà-la-môn của ngươi tào lao cỡ nào không, và ở đây ngươi có biết Bà-la-môn có nhiều hạng: Bà-la-môn đồng đẳng với Phạm thiên, Bà-la-môn đồng đẳng với Chư thiên, Bà-la-môn có giới hạn và Bà-la-môn vượt qua giới hạn và cuối cùng tệ lậu nhất là Bà-la-môn mà như nô lệ Chiên-đà-la vậy, ngươi có biết không.
Những điều này bà con tự đọc, tôi chỉ nói vắn tắt cho bà con nghe thôi. Ngài nói cho ông Dona gốc tích vì đâu mà có chữ Bà-la-môn:
- “Liệu các ngươi bây giờ được danh nghĩa Bà-la-môn mà các ngươi có được bằng cái móng tay của các Bà-la-môn ngày xưa hay không, các ngươi đã phá hủy toàn bộ truyền thống tâm linh tốt đẹp, các ngươi đã không còn tiếp tục gìn giữ huyết thống tâm linh của tổ tiên đời trước. Các ngươi phải biết rằng nội dung thực tế Bà-la-môn có nhiều loại lắm. Thứ nhất, Bà-la-môn đồng đẳng với Phạm thiên nghĩa là Phạm thiên ly dục, các ngươi cũng phải ly dục thì mới gọi là tương đương với Phạm thiên.”
Ngài kể rằng, buổi đầu Bà-la-môn nguyên thủy học với thầy xong xuôi là đi xuất gia, rồi chứng thiền, đó gọi là Bà-la-môn tương đương với Phạm thiên. Hạng thứ hai là học với thầy xong xuôi, đi về lấy vợ, xong rồi bỏ vợ bỏ con đi xuất gia. Hạng thứ ba là cũng có vợ có con không đi xuất gia được nhưng đối tượng này ổn định, thương ai thương một người chứ không lang chạ. “Thương thì chỉ một mà thôi, phải đâu xe lửa mà lôi một đoàn”. Hạng thứ tư là tệ nữa, cũng đi theo thầy học Veda nhưng về thì hạng nào cũng lấy hết. Những hạng trước đến với phụ nữ để chỉ tìm đứa con nối dõi tông đường, còn hạng này thì coi phụ nữ là phương tiện để thỏa mãn dục tính. Hạng cuối cùng thứ năm còn tệ nữa, đã không hành phạm hạnh, coi phụ nữ là phương tiện thỏa mãn tình dục đồng thời còn tìm mọi cách để mà ngụy biện, khỏa lấp, thanh minh, giải thích rằng lửa đốt vật dơ vật sạch gì đi nữa thì trước sau lửa vẫn thanh tịnh. Với tâm hồn như tôi, tôi có sống như thế nào đi nữa, tôi có sống chung chạ với bao nhiêu người đi nữa, ai dơ thì dơ chớ ‘trẫm’ vẫn trong sạch. Hạng thứ năm này tệ nhất, chuyện xấu nào cũng làm nhưng luôn luôn tìm mọi cách để ngụy biện.
Sau khi kể cho ông Dona nghe xong, Ngài hỏi: Thấy chưa, hôm nay liệu cái danh xưng Bà-la-môn các ngươi có xứng đáng với 8 vị tiền bối mà ta vừa kể hay không, và Ngài xướng danh ra: Atthaka, Vàmaka, Vàmadeva, Vessāmitta, Yamadaggi, Angīrasa, Bhàradvàja, Vāsettha, Kassapa, Bhagu. Tám vị này là những vị có từ thời Đức Phật Ca Diếp, họ đã dùng thần thông, kiến thức của một người thoát tục, cộng với giáo pháp họ học được để viết ra thánh điển Bà-la-môn. Tại sao họ viết ra? Bởi vì:
- Họ biết rằng thánh điển Veda tồn tại song song với Tam Tạng thì chắc chắn khi tuổi thọ chánh pháp mãn rồi Tam Tạng người ta không biết nữa nhưng ít ra dấu vết của Phật pháp vẫn còn vương vãi phảng phất bàng bạc đâu đó trong dân gian.
- Có những chúng sinh có cơ địa tâm lý không cho phép họ tiếp cận Phật pháp. Họ không có đủ duyên để học Phật pháp trong biển Phật pháp, nhưng họ có duyên để học những mảnh vụn Phật pháp ở đâu đó trong một môi trường không phải Phật pháp. Ví dụ, có nhiều người nghe nói đến tăng, ni, thầy bà chùa miểu là họ chạy mất dép vì họ ghét thầy chùa, nhưng họ nghe nhạc Trịnh, họ đọc sách của Phạm Công Thiện, họ đọc thơ điên của Bùi Giáng họ thấy phảng phất trong đó có Phật pháp, thế là họ cũng bỏ túi được thế nào là tinh thần Bất nhị, Bát nhã, Tánh không, thế nào là vô thường, khổ, vô ngã và cũng biết lai rai thế nào là lục căn thanh tịnh thế nào là tứ đại giai không. Kêu họ đến với chùa mà chỉ, đây là quyển Trung Bộ, Trường Bộ, Tăng Chi, đây là Pháp Bảo đàn kinh, đây là Pháp hoa, Lăng nghiêm… họ đọc không nổi. Nhưng họ cầm quyển nhạc của Trịnh Công Sơn, cầm quyển sách của Bùi Giáng, cầm cuốn Câu Chuyện Dòng Sông của Trí Hải (Phùng Khánh), Phùng Thăng dịch họ lại đến với đạo được. Và tôi cũng có mặt trong số đó. Tôi đâu có ý đi học về đông y đâu, tôi làm gì biết thuốc Nam, thuốc Bắc, các đường kinh mạch… nhưng nhờ tôi đọc sách Kim Dung nên tôi mới ‘nhuyễn’. Đâu có khoái Đông Y nhưng nhờ đọc tùm lum nên giờ mới có một ít thuật ngữ, khái niệm, do học lai rai từ đâu đó. Các vị tác giả của Veda cũng nghĩ như vậy, họ xét thấy rằng sẽ có một ngày Phật pháp trở nên xa lạ khô khan, cứng lạnh khó gần với rất nhiều người, lúc đó sẽ có những người đến với Phật pháp bằng cách đi theo các đạo tào lao và tìm thấy trong đó những mảnh vụn rơi rớt vương vãi của PG. Đó chính là thiện chí của những vị tiền bối cựu trào của Bà-la-môn giáo. Tiếc thay dụng-tâm-lương-khổ của họ không được đời sau biết đến và nội dung cao đẹp của thánh điển Bà-la-môn Veda đã bị thay thế bằng những thứ rẻ tiền. Như HT Nhất Hạnh ở Làng Mai đã có lần nói:
-Tuệ giác của Đức Phật là tinh hoa của trời đất, từng lời dạy của Bụt là tinh hoa, mà buồn thay, theo năm tháng truyền thừa, du nhập, lời dạy tinh hoa ấy đã bị thay thế bằng những sản phẩm rất đổi ngờ nghệch ngớ ngẩn của phàm phu.
Chính ôn Làng Mai đã nói câu đó, tôi tuyệt đối đồng ý. Về cuối đời HT đặc biệt nghiên cứu về Tiểu Bộ nhất là Kinh Tập Sutta Nipāta, HT bị đột quỵ vào tháng 11 thì tháng 9 HT dịch lại bài Bát Nhã Tâm Kinh. Và trong suốt ba năm cuối cùng trước khi bị đột quỵ gác bút ngàn thu không còn cầm bút được nữa, HT đặc biệt dành cho Tiểu Bộ và dụng công nghiên cứu rất là công phu. HT đã tìm về suối nguồn nguyên thủy nhất, nhưng khổ thay HT không còn cơ hội nữa, không còn thời gian nữa.
Mong rằng bài giảng cho bài kinh này mở ra cho bà con một vài suy tư, xem PG mà quí vị đang đi theo có phải là PG kinh điển. PG đó là do quí vị tìm thấy thấm thía tiêu hóa hay do các tăng ni, thầy bà trao truyền. Và quí vị nên nhớ, thể chất cơ địa mỗi người khác khau, họ thấm thía Phật pháp theo kiểu của họ rồi truyền lại cho quí vị, và quí vị tiếp nhận sự trao truyền ấy thông qua thể chất cơ địa của quí vị, nó đã qua tám ngăn mười hai lớp như vậy thì có còn là PG Nguyên Thủy không. Thầy mình đã cảm nhận Phật pháp theo kiểu rất riêng của ổng rồi truyền lại và mình cảm nhận theo kiểu rất riêng của mình, thì liệu đó có phải là PG Nguyên Thủy tinh tuyền hay không. Vậy mà có kẻ hôm nay biết được ba mớ rồi cho đó là thước đo ngàn đời của chân lý, là pháp nhũ Phật thân -- liệu đây có phải là điều đáng sợ, đáng tiếc, đáng buồn cười hay không.
No comments:
Post a Comment