Thầy nói:
- Cái gì ta biết các con cũng biết, cho nên mình không có gì khác nhau hết. Có điều bữa nay ta có một câu hỏi muốn hỏi các con, coi như đây là kiến thức sau cùng mà ta muốn trao lại cho các con và giữa các con và ta không còn cái gì khác nữa hết.
Rồi ông thầy đọc một bài kệ:
Kalo ghasati bhutani
sabbaneva sahattana
yo ca kalaghaso bhuto
sa bhutapacanim paci.
Kalo ghasati bhutani: thời gian ăn sạch mọi thứ ở đời, ăn sạch tất cả chúng sanh trong đời.
sabbaneva sahattana: chẳng những ăn chúng sanh, nó ăn luôn mọi thứ ngoài chúng sanh, và sahattana, ăn luôn cả chính nó.
yo ca kalaghaso bhuto: ai là người ăn được thời gian?
sa bhutapacanim paci: và kẻ nào ăn được thời gian, và đốt cháy được cái đốt cháy chúng sanh.
Xưa nay mình nghe được là lửa đốt cháy mọi thứ, vậy mà có cái đốt cả lửa nữa, nghe có kỳ hông. Lửa đốt hết mọi thứ, vậy cái gì đốt luôn lửa, thay vì làm tắt lửa?
Ông thầy đọc bài kệ rồi nói học trò trả lời. Chú giải nói các học trò gồm 500 người, dassati visatiti sampiṇḍita , dasa: 10, visati: 20, dassati visatiti sampiṇḍita dịch sát tiếng Việt là tụ năm tụ ba chia thành từng nhóm (nhóm 10 người, 20 người) bàn bạc với nhau câu hỏi đó mà không ra đáp án cho câu:
“Thời gian ăn sạch mọi thứ ở đời, ăn luôn cả chính nó. Ai là người ăn được cả thời gian, và đốt được cái ngọn lửa vẫn đốt lấy muôn loài.”
Cuối cùng họ kéo nhau tới gặp sư phụ:
- Tụi con chịu thua, câu này kỳ quá, kỳ trong từ ngữ và kỳ trong ý tưởng.
Thầy giải thích:
Kalo ghasati bhutani, thời gian ăn sạch sinh mệnh của muôn loài, cái này chắc các con hiểu. Từ con giun con dế hay con voi con cá nhà táng, cho tới một đứa bé mới phôi vài tuần cũng phải chết. Sống được trăm tuổi hay ngàn tuổi gì cũng phải chết.
Sabbaneva, chẳng những vậy, nó ăn luôn mọi thứ khác ngoài chúng sanh, cây cỏ sông rạch nhà cửa núi con, theo năm tháng cái gì cũng biến diệt, cũng thay đổi hết. Nhưng, sahattana, nó ăn luôn chính nó, nghĩa là trải qua bốn mùa xuân hạ thu đông, đến mùa hạ thì mùa xuân không còn nữa, đến mùa thu thì mùa hạ không còn nữa. Chính thời gian giết thời gian là chỗ đó. Chưa hết, thời gian của hơi thở vào kết thúc ở thời gian của hơi thở ra, thời gian của hơi thở sau kết thúc thời gian của hơi thở trước. Chính thời gian giết thời gian là chỗ đó, nó ăn muôn loài và ăn chính nó. Thời gian sau xóa thời gian trước. Nhưng hai câu sau mới chua.
yo ca kalaghaso bhuto,
Ai là người ăn được thời gian? Ông thầy là người có học Phật pháp, học trò thì không học. Trong Chú giải giải thích, chính vị A-la-hán là người ‘kalaghaso’ -- người ăn được thời gian. Nghĩa là vị đó không còn tiếp tục nữa. Mọi thứ kết thúc ngay sau sát-na Tâm-viên-tịch. Mình thì còn có sớm có muộn, có lâu có mau, có xuân hạ thu đông, nhưng đối với một người đã viên tịch niết-bàn thì làm gì còn sớm muộn nhanh chậm, xuân hạ thu đông. Cho nên, thời gian nuốt sạch mọi thứ nhưng riêng vị A-la-hán thì ăn luôn thời gian đó.
sa bhutapacanim paci.
Chính vị A-la-hán là đốt sạch ngọn lửa đã đốt chúng sanh. Ngọn lửa đốt chúng sanh chính là ngọn lửa tham ái, vị A-la-hán là người đốt được tham ái. Vị đó có ngọn lửa đốt luôn được lửa (lửa trí tuệ, lửa thánh đạo đốt lửa tham ái). Bài kệ nghĩa như vậy. Thời gian ăn sạch mọi thứ ở đời, ăn luôn cả chính nó. Ai là người ăn được cả thời gian, và đốt được cái ngọn lửa vẫn đốt lấy muôn loài. 500 vị học trò chỉ học Tam Vệ Đà của Bà-la-môn nên làm sao biết được ý nghĩa của câu kệ này. Lúc đó học trò mới thấy thì ra cái biết của mình chẳng là gì so với ông thầy hết. Người hiểu được câu kệ này là hiểu được bao nhiêu chuyện liên quan với nó nữa mà xưa giờ mình không được biết. Hồi đó đến giờ mình chỉ là kiến bò miệng chén thôi.
#NKCBK
See Less
No comments:
Post a Comment