Bài viết Đức Phật thời @ 4.0 bị nhiều người phản đối nhỉ. Họ cho rằng không nên hư cấu, rằng đây là lý do làm cho kinh bị mất gốc, bị xuyên tạc, bị biến chất, gây nguy hiểm v.v... . Xin thưa với những ai có những tư tưởng như vậy rằng họ đã học kinh không kỹ.
Tùy theo từng vị Phật mà tình tiết trong tạng Kinh không phải tuyệt đối giống nhau, tình tiết sẽ có-thể-thay-đổi, nhưng giáo lý cốt tủy của đạo Phật (Bốn Đế, Tam Tướng, Bát Chánh Đạo) không thay đổi.
Vì sao tôi nói tạng Kinh là có thể thay đổi? Bởi Đức Phật của mỗi thời đại sẽ khác nhau, ngay cả cây Bồ Đề cũng không nhất thiết phải là cái cây có lá hình tam giác và cái đuôi nhọn chẳng hạn.
Mỗi buổi sáng Đức Phật quán chiếu xem hôm nay mình sẽ độ ai, và Ngài quyết định gặp họ như thế nào, tùy môi trường sống và căn cơ của họ mà Ngài nói cho họ điều gì. Không phải Đức Phật thời đại nào cũng phải gặp đúng cái con người như vậy như vậy y như trong kinh của ba ngàn năm trước.
Chỉ có tạng Vi Diệu Pháp không thay đổi vì vị Phật nào cũng lên cung trời thuyết để trả ơn cho người mẹ sanh ra mình.
Nếu trong thời đại internet 4.0 này mà có một Đức Phật, tùy căn cơ của chúng sinh trong thời điểm đó, tùy môi trường sống của họ mà Ngài thuyết, thì chuyện Ngài nói với thị giả Ānanda như vậy cũng là chuyện bình thường, là điều có thể xảy ra. Ở đây, trên tựa đề bài đã nói "Đức Phật thời 4.0" rồi, và cũng không hề nói là “kinh nói”, không hiểu sao mọi người không đọc cái tựa đề để rồi phán; trong khi đó, cái ‘cốt lõi’ của câu chuyện là dù trong bất cứ hoàn cảnh nào Ngài dạy cũng phải sống chánh niệm!
Trong bài Kinh Đại Bát Niết Bàn có đoạn:
“Rồi Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
-- Này các Tỷ-kheo, những vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời quá khứ, những bậc Thế Tôn này đều có những thị giả tối thắng như Ananda của Ta. Này Tỷ-kheo, những vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác thời vị lai, những bậc Thế Tôn này cũng sẽ có những vị thị giả tối thắng như Ananda của Ta vậy.” Nếu như trong thời khoa học kỹ thuật hiện đại như thế này, và trong mùa dịch Covid chẳng hạn, buộc phải cách ly, thì lấy đâu ra chuyện gặp gỡ trên đường đi mà bảo "đừng nhìn họ, đừng nói chuyện với họ vv"?
Và Ngài dạy “Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ Kheo tỉnh giác khi đi tới, đi lui, tỉnh giác khi ngó tới, ngó lui; tỉnh giác khi co tay, duỗi tay, tỉnh giác khi mang áo sanghati (tăng-già-lê) mang bát, mang y, tỉnh giác khi ăn, khi uống, khi nhai, khi nếm, tỉnh giác khi đại tiện, tiểu tiện; tỉnh giác khi đi; khi đứng, khi ngồi, khi nằm, khi thức, khi nói, khi im lặng….” không lẽ nào khi gọi videocall không chánh niệm?
Pháp Phật là 'Ehipassiko' thách thức mọi thử nghiệm, Akaliko vượt ngoài khái niệm thời gian; thời đại này đã có thể học giáo pháp qua Zoom, qua Livestream rồi mà lẽ nào cứ bắt người ta phải chui vô rừng trở về thuở hồng hoang mà thực hành?
No comments:
Post a Comment