Ngày đó, con gái lớn của tôi về nói với mẹ, mẹ đi họp phụ huynh cho con. Lý do là học sút, điểm kém. Tôi đến chỗ họp, thấy có bạn tôi, cũng đi họp cho con trai, cũng với lý do ấy. Bạn tôi vốn là học sinh lớp chuyên, nên tôi tin rằng con trai bạn ấy chẳng thể nào là đứa học tồi. Chúng tôi nhìn nhau, cười đồng cảm. Bọn chúng ham chơi và...xui xẻo thôi, nhưng ảnh hưởng thi đua của cả lớp.
Con gái tôi đi học ở trường suốt cả ngày, học buổi sáng, học buổi chiều, và học thêm buổi tối. Không học thêm ư? Liệu có an yên được với các cô giáo của chúng nó không. Hồi đó chúng tôi gọi là 'cáo dô' chớ không gọi là cô giáo. Đi học thêm, thường được mớm đề trước, chỉ cần đi học thêm là biết làm bài. Không đi học thêm, thì không biết làm bài đâu, vì cái phần giải bài tập đó cô mang về lớp học thêm mới hướng dẫn, còn ở lớp thì chỉ qua loa mà thôi.
Một buổi chiều đó, cô giáo chủ nhiệm gọi điện thoại về nhà tôi, than phiền về sự học của con tôi. Cô giáo muốn tôi phải làm con tôi một trận ra trò. Tôi nói:
- Cô biết đó, cháu nó học cả ngày ở trường, buổi tối học thêm ở nhà cô, khuya về chưa bao giờ nó đi ngủ trước 2 giờ sáng, 6 giờ lại phải lo đến trường. Việc nó không làm bài được hay không làm bài là nhà trường chịu trách nhiệm phần lớn, vì tôi gặp con tôi mỗi ngày chỉ có vài tiếng lúc nó ăn uống, đủ để canh chừng nó không ngủ gục và đánh thức nó để không đi học trễ. Tôi đã làm hết sức bổn phận của phụ huynh rồi, cô gọi cho tôi cũng vậy thôi. Tôi không thể trừng phạt con tôi gì được đâu.
Thế là từ đó cô giáo chủ nhiệm không bao giờ gọi cho tôi nữa.
Rồi tới đứa con gái sau, tôi đã nghỉ việc nhưng một ngày tôi mặc đồ để chạy ngoài đường suốt từ sáng đến tối. Con tôi không có thời gian để tự chạy xe dù nó có chiếc xe đạp điện. Sáng tôi đưa con tới trường, trưa tôi đón về ăn cơm, đầu giờ chiều chở lên trường học tiếp. Khi thì môn kỹ thuật khi thì môn thể dục. Nếu buổi chiều nào không có những môn đó thì sẽ là học thêm môn Lý, môn Hóa, môn Anh Văn vv..
Buổi chiều vừa đón ra thì tôi chở con tấp vào quán phở gõ, làm vội tô phở với nước lèo hóa chất gì đó, rồi tới học thêm Toán. Đó là xuất 5-7 giờ. Ra khỏi lớp học thêm đó, tôi chở con tôi tới lớp học thêm Văn, làm thêm một xuất 7-9 giờ. Tối về nhà ăn hoặc uống sữa hay cái gì đó rồi è cổ ra làm bài tập và học các môn học gạo bài, sử địa, chính trị.... Những ngày tháng đó, đêm nào tôi cũng thức khuya để canh chừng con khỏi ngủ gục, và sáng nào cũng dậy sớm để canh chừng con thức học bài tiếp. Mỗi đêm ngủ 3 tiếng của hai mẹ con là chuyện bình thường.
Những khi con tôi không thuộc bài, mà sáng hôm đó e rằng có kiểm tra miệng, tôi viết sẵn cho con tôi một giấy nghỉ ốm, mà con tôi ốm yếu thật, học như vậy không ốm mới lạ. Giấy nghỉ ốm ghi là đêm hôm qua con tôi lên cơn hen suyễn, hôm nay đi học nhưng vẫn còn mệt, nếu cháu có biểu hiện gì bất thường, xin thầy cô cho cháu lên phòng y tế nằm nghỉ. Tờ giấy khống ấy, là tập sự gian dối đầu đời của con tôi, nhưng là kỷ niệm hạnh phúc của hai mẹ con tôi, để chống lại cái sự chạy thành tích nọ kia.
Tôi nhớ đọc đâu đó, ngày xưa đàn ông để tóc dài, cột đuôi tóc trên trính nhà, lỡ học bài ngủ gục thì đuôi tóc giựt ngược sẽ tỉnh lại học tiếp. Má tôi ngày đó sợ anh tôi đi lính, đêm nào cũng lấy nước lạnh ngâm chân cho anh tôi, và khăn ấm lau mặt, để anh tôi học thi tú tài. Kết quả là anh tôi đậu ưu. Rồi tôi nhớ cứ mỗi lần nhạc hiệu đài BBC nổi lên là má tôi đặt trên bàn tôi một ly cà phê đen cho tôi thức khuya để học. Mà tôi cứ thi rớt đại học. Má tôi chẳng hề la mắng gì. Con gái học bao nhiêu chả được. Hơn nữa tôi lại rớt vì lý lịch. Mãi sau này tôi cũng kiếm được cái bằng đại học, tuy nhiên chả xài vào việc gì, chỉ để khoe má. Chuyện học hành lại phải cần sự đam mê, cho đến bây giờ tôi vẫn còn học, học cái gì mình thích. Nghĩ đến chuyện học hành, cứ nhớ kỷ niệm thân thương với cha với mẹ. Con gái tôi sau một thời gian quá sợ học hành, bây giờ lại tự mình tự nguyện ghi danh lớp học online ba tiếng đồng hồ buổi tối. Cháu gái tôi ngày đó học hành ạch đụi nặng nhọc, cũng bị cô giáo khủng bố bảo phải chuyển lớp khác, sợ ảnh hưởng thi đua của lớp, giờ lại sắp có bằng đại học thứ hai. Học hành chẳng bao giờ là quá muộn!
Ngày đó, khi con gái lớn của tôi gặp vấn đề với nhà trường. Về thở dài, than vắn với em nó. Hai chị em tâm sự với nhau. Em nó bày, hãy thú tội với mẹ đi để mẹ cứu cho. Và tất nhiên, tôi phải cứu. Con học giỏi thì cha mẹ nào lại không muốn, không hãnh diện, nhưng học giỏi không phải là tất cả mọi thứ của cuộc đời này. Phải làm sao cho con mình được sống cho ra sống mới là ý nghĩa cao nhất của đời sống.
Thời đó, ở Nha Trang có một cô giáo Thuận dạy Anh văn rất là tốt. Hầu như ai cũng muốn con mình học ở đó. Tuy dạy thêm nhưng cô giáo kiểm tra miệng và sách vở rất gắt gao. Em nào không thuộc bài thì chép phạt, không làm bài tập thì đuổi học, không chép phạt cũng đuổi học. Trời ạ, để cho con theo được cái lớp này, tôi phải... làm bài tập phụ con, và chép phạt luôn cho nó. Thời gian đi học không đủ lấy đâu thời gian chép phạt. Đó cũng là kỷ niệm ngọt ngào của hai mẹ con. Nhờ vậy, con tôi cũng bám trụ được cái lớp đó một thời gian dài, và cũng giật được cái giải tiếng Anh gì đó, để rồi nó vọt thẳng một lèo thoát khỏi cái nền giáo dục quái đản này.
Phải, đó là một nền giáo dục phải nói là quái đản. Ngày 20 tháng 11, tôi hỏi các con tôi có muốn đi thăm ai không. Tụi nó không nghĩ ra được một cái tên, ngoài một người thầy của nó đã đi về bên kia thế giới.
Với kiểu giáo dục hiện nay, cha mẹ không đứng về phía con, không chia sẻ đồng cam cộng khổ với con, cộng thêm sự khủng bố -- vâng, sự khủng bố -- của giáo viên, thì sẽ còn nhiều trẻ sẽ tự mình bay chuyến cuối cùng để giải thoát. Thời đó con gái tôi nói, cô GVCN con nói tụi con sẽ không bao giờ vô được đại học đâu. Vậy mà tụi nó đậu đại học cái vèo, còn cái em học sinh cá biệt con trai của bạn tôi đó nghe đâu bây giờ khá thành danh.
Vậy đó, không phải ai sinh ra cũng học giỏi, không phải ai học giỏi mới thành người. Làm cha mẹ đừng bao giờ quá ép uổng con cái, vì mỗi thời khắc của cuộc đời nó đều là cuộc sống nó đang sống. Hãy chỉ làm những kỷ niệm đẹp với con cái, dẹp chuyện thành tích của nhà trường qua một bên đi hỡi các bậc cha mẹ.
2/4/2022
No comments:
Post a Comment