Wednesday, December 22, 2021

KESAMUTTI (KĀLĀMA SUTTA)

Kinh Tạng thì có 25 cuốn, trung bình mỗi cuốn là 500 trang. Tìm hiểu tới nơi tới chốn thì chúng ta thấy rằng có một mối quan hệ rất chặt chẽ không thể tách rời giữa A-Tỳ-Đàm và Kinh Tạng. Đó là không có A-Tỳ-Đàm thì không hiểu được kinh tạng. Học gì thì học nhưng hãy nhắm tới 3 điều sau. Thứ nhất học để mà tìm mối liên hệ giữa 3 Tạng với nhau. Chứ còn học đến một lúc nào đó mà không tìm thấy quan hệ giữa 3 Tạng, học Tạng này bài xích Tạng kia là sai. Lời Phật là chỉ có một luồng thôi. Thứ hai, học để tìm thấy sự liên kết giữa lý thuyết và thực hành, giữa nhận thức và hành trì. Nếu học mà tới lúc nào đó mình muốn buông lúc nào thì buông, không thấy sự tương quan giữa cái học và cái hành là học sai. Thứ ba, học, hành và thấy có ý nghĩa ứng dụng là học đúng. Còn nếu học mà không thấy nó giúp mình được cái gì hết, không giúp mình hóa giải được vấn đề gì trong tâm tư và đời sống là mình học sai.

Như vậy, học giáo lý để tìm được mối tương quan giữa 3 tạng, học để tìm mối tương quan giữa học và hành, và học để được an lạc. Học đạo mà được an lạc là học đúng. Còn học làm sao mà giống như học Toán, Lý, Hóa chỉ nhét cho đầy cái đầu mà không tìm được sự chuyển hóa cho bản thân là học sai.

Nếu chúng ta không tin Phật thì thôi, còn nếu tin Phật thì chúng ta phải tin rằng thân người rất là khó được. Một ngày chúng ta sống với tâm hồn con người không bao nhiêu hết, mà chúng ta sống với tâm hồn sa đọa thì nhiều.

Và chánh pháp khó gặp. Nếu thân người khó được thì có nghĩa là người lành rất khó gặp.

Thân người khó được vì cái thiện khó làm lắm, và vì vậy người thiện khó kiếm. Từ đó, chuyện gặp đức Phật, gặp giáo pháp của đức Phật hay người hoằng dương giáo pháp càng hiếm. Bởi vì cái này dẫn tới cái kia. Cái thiện càng hiếm thì người thiện càng hiếm, mà đức Phật là thiện của thiện càng hiếm thay.

Cho nên, thân người thì khó được, chánh pháp thì khó gặp, nếu mình mang thân người được gặp giáo pháp mà mù tịt giáo pháp thì quá uổng.

Theo trong A-Tỳ-Đàm, một công đức được thực hiện có trí tuệ đi kèm thì công đức đó mới lớn.

Trí tuệ người này khác người kia, trí tuệ gồm: Văn, Tư, Tu. Trí văn là trí tuệ có từ nghe, đọc, học từ người khác. Trí tư  là thấm thía, suy diễn, suy luận trên nền tảng kiến thức. Trí tu là sự hiểu biết dựa trên nền tảng thực chứng của thiền định, thiền tuệ.

Tại sao trí tu phải dựa vào thiền định, thiền tuệ? Bởi vì muốn đắc Sơ thiền là phải trừ 5 triền cái. Trừ 5 triền cái thì trí mới sáng được, mới đắc được Sơ thiền. Người đắc Sơ Thiền mới có điều kiện đắc Nhị, Tam, Tứ, Ngũ thiền. Người đắc Nhị, Tam, Tứ thiền mới có khả năng thấy ra được cái điều người không có thiền không thấy được. Đó là nói về thiền chỉ (thiền định).

Còn về thiền tuệ, xưa giờ mình không biết sự cấu tạo vận hành, cái duyên khởi của thân tâm này. Khi mình học Phật pháp -- đặc biệt là A-Tỳ-Đàm rồi ứng dụng vào pháp môn Tứ Niệm xứ thì mình thấy rõ bản chất, cấu trúc, vận hành của thân, tâm này nó ra sao. Ta thế nào người khác như vậy. Và khi hiểu chúng sanh được cấu tạo, được vận hành như thế nào thì mình hiểu luôn vũ trụ được cấu tạo, vận hành như thế nào.

Cho nên bắt buộc chúng ta phải có 3 loại trí Văn Tư Tu. Công đức của mình khác nhau tùy thuộc Văn, Tư, Tu của mình nhiều ít sâu cạn rộng hẹp thế nào. Ví dụ, cũng cùng bỏ tiền ra xây chùa, in kinh, đúc tượng, đúc chuông, nhưng người có kiến thức Phật pháp họ làm với nhận thức khác với người chỉ thuần túy niềm tin.

Nếu mình đến với Đạo bằng sự nhận thức, sự hiểu biết thì mai này trời có sập xuống mình vẫn cứ thờ Phật, vẫn cứ thờ Pháp. Còn nếu như mình đến với Đạo chỉ thuần túy niềm tin, mai này niềm tin của mình bị trục trặc bị thử thách là mình buông Đạo ngay. Khi mình đến với đạo thuần túy là niềm tin thông qua một cá nhân, một tập thể nào đó thì một lúc nào đó khi cá nhân, tập thể đó không được như mình nghĩ qua con mắt quan sát hay qua thị phi tai tiếng thì lập tức toàn bộ niềm tin Tam Bảo bị sụp đổ ngay. Bởi vì niềm tin Tam Bảo của mình ngay buổi đầu được thiết lập xây dựng trên nền tảng niềm tin thuần túy, niềm tin thiếu trí. Cho nên, đây là lý do vì đâu chúng ta phải học giáo lý.

Chỉ có học giáo lý chúng ta mới có cái nhìn khác đi về thế giới này. Bởi vì thế giới này ra sao, tùy thuộc cái nhìn của mình. Cũng cuộc đời này, cũng trái đất, hành tinh này, cũng cây cỏ, đất đá, đại dương kênh rạch, sông ngòi, con người, chim muông này… nhưng anh mù bẩm sinh cảm nhận thế giới khác, anh bị điếc bẩm sinh cảm nhận thế giới khác, anh bị tâm thần bẩm sinh cảm nhận thế giới này khác nhau. Chưa hết, người bị bao tử, bị bệnh trĩ, bị sỏi thận cảm nhận thế giới này khác với người thường xuyên bị nhức đầu, chóng mặt, cao máu. Khi chúng ta có một vấn đề về tâm sinh lý -- thân thì bệnh, tâm có mối âu lo nội kết nào đó -- thì cái nhìn chúng ta về thế giới đương nhiên không giống người khác. Lúc bấy giờ chúng ta nhìn qua lăng kính của bản thân.

Phật pháp cũng vậy. Khi biết Phật pháp thì cái nhìn chúng ta về bản thân, về những người chung quanh, về thế giới, về vũ trụ, về dòng chảy luân hồi đương nhiên có khác. Vì Phật pháp cung cấp cho ta một cái nhìn. Kiến thức nào cũng vậy hết, thêm một kiến thức -- về hóa chất, vật lý, đại số, hình học, lượng giác v.v... -- thì cái nhìn của mình về thế giới chắc chắn khác người ta. Đơn cử cái khoản logic. Với cái logic trong đầu, cái thằng giỏi Toán Lý Hóa nó suy nghĩ và nhìn thế giới khác người khác cho dù trước mắt nó học xong chỉ về làm chuồng gà chuồng heo cho vợ. Đó là chuyện ngoài đời. Còn trong Đạo, khi mình có kiến thức Phật pháp thì cách nhìn hay cảm nhận của mình về bản thân, về cuộc đời đương nhiên phải khác đi. Đạo Phật cung cấp cho mình cái nhìn. Thứ nhất là sự cảm thông, chia sẻ. Thứ hai là khả năng khả năng thông thoáng, không bị giam hãm trong các định kiến. Học Phật cho đúng là không bị giam hãm trong định kiến. Thứ ba là vượt thoát khỏi cảnh giới, trình độ hiện tại của bản thân. Đây là điều rất đặc biệt. Vì cái nguy nhất của thế giới phàm phu là ‘đụng đâu dính đó’. Sinh ra, lớn lên trong môi trường hoàn cảnh nào thì thường người ta bị giam hãm dính mắc, bị vướng kẹt trong đó, người ta không nghĩ đó là cái nhà tù của mình. Bi kịch của chúng sanh phàm phu là sinh trưởng trong môi trường nào thì thường bị giam nhốt trong môi trường đó. Kể cả những người có bằng cấp có học vị, giàu có, tiếng tăm, quyền lực, uy tín. Họ tưởng thế giới của họ ngon lành hơn thế giới của người nghèo người dốt. Chẳng qua là nhà tù của họ lớn hơn và sợi dây đang xích xiềng họ bằng vàng, chỉ vậy thôi. Phòng giam 10 mét vuông hay 100 mét vuông chỉ khác nhau rộng hẹp, nhưng vẫn là nhà giam. Sợi dây xích dầu bằng sắt sét rỉ hay bằng vàng khối chỉ khác nhau về chất liệu chớ vẫn giống nhau về tác dụng, đó là giam hãm một đời người. Cái nguy hại nhất của phàm phu là hài lòng với nhà giam chính mình. Mình bị giam nhốt trong sự hài lòng, mình bị giam nhốt trong sự bất mãn tức là bị giam nhốt trong cái thích và cái ghét. Khi mình ghét cái gì dầu người hay vật thì lúc đó, mình đã tự giam nhốt trong một thế giới định kiến, thành kiến. Và khi mình thích cái gì mình cũng tự giam nhốt mình trong thế giới của định kiến.

Cho nên đây là lý do vì đâu chúng ta phải học giáo lý. Học để tự tháo cởi, tự giải thoát, tự khai phóng bản thân mình. Đừng bao giờ nghĩ học Phật pháp vì nghe nói Phật pháp là lời Phật. Mà Phật là vĩ đại, Phật là linh thiêng, vậy học lời Phật có phước. Vậy là chết rồi. Đức Phật không muốn mình học Ngài như học bùa. Không phải. Ngài chia sẻ cho mình những tia sáng, những góc nhìn. Ngài chia sẻ cho mình những chiều cao, chiều sâu, chiều rộng để mình nhìn thế giới tốt hơn. Mình khổ là vì mình hiểu lầm. Mình khổ là vì mình tự giam nhốt mình trong môi trường sinh trưởng. Mình học Phật pháp thì Phật pháp cung cấp cho mình cái nhìn vượt thoát khỏi định kiến. Điều đó rất quan trọng.

Chúng ta sẽ học Kinh Tạng bằng Commentary, sớ giải của kinh, không phải học Kinh Tạng thông qua tư kiến người giải thích. Ai đó nói rằng “ôm chặt từng trang kinh là chấp thủ” thì tôi cũng đành chịu. Nhưng phải nói rằng, nếu đọc Kinh Tạng mà không thông qua Chú giải, mạnh ai muốn giải thích kiểu nào tùy ý thì đạo Phật mất từ lâu rồi.



KINH KALAMA.

Bài kinh này còn có tựa nữa, bà con có thể Guk chữ ‘Kesamuttisutta. Bài kinh này có hai tựa: Kalama sutta và Kesamutti sutta.

Kesamutti: không có tóc, người không có tóc.

Nội dung bài kinh này được rất nhiều người Âu Mỹ xem là cánh cửa dẫn vào đạo Phật. Bởi vì, tuyệt đại đa số người Âu Mỹ lớn lên trong bối cảnh văn hóa Cơ Đốc. Ai lớn lên trong bối cảnh văn hóa Cơ đốc giáo đều biết câu này của Thánh kinh: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Trong khi Phật giáo có câu ngược lại “Chớ vội tin những gì được truyền khẩu, truyền tụng, được đồn đại, kể cả những điều được xem là dòng thông tin chính thống được ghi chép trong kinh điển khả kính thiêng liêng. Cũng đừng vội tin vì điều đó được truyền dạy bởi một người mình gọi là sư phụ. Cũng đừng vội tin chỉ vì điều đó hợp với nền tảng kiến thức xưa giờ của mình, hợp với kiểu suy tư của mình. Cũng đừng vội tin vì điều đó được rao giảng bởi một người mình nhìn qua đã thấy thích. Đây mới là điều đặc biệt. Coi chừng những điều mình tin chỉ vì nó được phát biểu bởi những con người nhìn qua đã thấy thích.

Tôi không theo dõi showbiz Việt Nam, nhưng có một người ngẫu nhiên tôi biết và có cảm tình. Đó là Tinna Tình. Nói theo ngôn ngữ thế gian, cô này đẹp. Không biết bây giờ cô làm nghề gì, nhưng vì nhân duyên sao đó mà hôm nay cô trở thành môn đồ của Phật giáo Mật Tông. Cái mà tôi thích cổ không phải chỉ vì cổ đẹp. Giọng nói của cổ là xuất sắc rồi. Tôi quý cổ vì cổ là người Việt Nam và duy nhất đầu tiên -- có thể không phải cuối cùng -- có khả năng học thuộc lòng vô số thần chú bằng tiếng Phạn. Cổ phát âm tiếng Sanskrit rất chuẩn. Thuộc làu làu. Và tôi thích thầy Pháp Hòa lắm. Mặt thầy đẹp mà lành lắm. Thầy không phải đẹp như tài tử nhưng ánh mặt, nụ cười, giọng nói, cách diễn đạt của thầy mình tin được. Một người nói chuyện chừng mực, cẩn trọng, có trách nhiệm lắm. Tôi mới nghĩ trong bụng: Chết rồi, nếu mình không có biết gì hết mà mình gặp 2 vị sư thái và sư tổ này là mình mê chết luôn, dám ho ra tôi cũng ghi âm về mà nghe lắm.

Một lần, Thế Tôn đi đến một địa phương, dân chúng nhìn thấy Ngài là họ chịu rồi. Họ nhìn thấy mấy chục hảo tướng lộng lẫy, lung linh, lấp lánh, rồi thấy tăng đoàn đoan nghiêm pháp tướng, lục căn thanh tịnh, họ chịu quá. Họ ra tiếp đón Thế Tôn và tăng đoàn.

Họ thưa với Ngài: Chúng con ở đây có cơ hội gặp gỡ rất nhiều các vị tôn sư của các đạo giáo mà khổ nỗi vị nào cũng nói mình là số 1 hết. Hôm nay chúng con gặp Thế Tôn, chúng con muốn hỏi, chúng con phải làm sao khi có quá nhiều chọn lựa như vậy? Chúng con rất hoang mang, xin Thế Tôn giúp chúng con.

Đức Phật trả lời:  Các ngươi hoang mang là đúng, phân vân lưỡng lự là đúng. Ai trong hoàn cảnh đó cũng phải vậy thôi. Tuy nhiên, đây là những điều các ngươi cần tâm niệm:

1. Chớ vội tin những điều gì đó vì đó là lời truyền khẩu.

“Này đại chúng Kālāma, chớ vội tin điều gì chỉ vì đó là lời truyền khẩu. Chớ vội tin chỉ vì đó là truyền thuyết; chớ vội tin chỉ vì đó là điều truyền tụng; chớ vội tin chỉ vì điều đó được truyền thừa trong kinh điển…”

Nếu quý vị để ý, ở đây chúng tôi cố ý để 4 chữ ‘truyền’: truyền khẩu, truyền thuyết, truyền tụng truyền thừa.

Từ điểm A dời qua điểm B gọi là truyền.

Ví dụ trong tiếng Hán có chữ  ‘cổ’ ( 古), trên là chữ ‘thập’ () , dưới là chữ ‘khẩu’ (). Chuyện gì được khoảng 10 cái miệng nhắc tới nhắc lui truyền qua truyền lại là thành ra chuyện xưa. Dễ nhớ lắm. Thế giới này là sự trao truyền và tiếp nhận. Tôi có thể khẳng định toàn bộ nền văn minh nhân loại là hành trình của trao truyền và tiếp nhận thôi. Kẻ trước nói cho kẻ sau, cứ thế mà làm nên văn minh, dầu đó là triết học, đạo học, khoa học, văn hóa, tôn giáo, chính trị hay bất cứ lãnh vực nào trên thế giới tất thảy đều là hành trình của trao và nhận. Vấn đề là kẻ trao không phải kẻ nào cũng giống nhau, và trình độ người nhận không phải lúc nào cũng giống nhau. Đây chính là đỉnh điểm của tất cả vấn đề.

Kẻ trao có nhiều loại. Có người trao châu ngọc quý kim bảo thạch, có người trao toàn thuốc độc. Kẻ nhận cũng vậy, có nhiều khi người ta trao quý kim bảo thạch mà mình không biết, cách đón nhận theo hướng của mình diễn dịch, có khi lấy chậu vàng đựng phân cũng có.

Đức Phật xác nhận thế giới này là thế giới của trao và nhận. Mình là người nhận thì mình phải cẩn thận.

Etha tumhe, kālāmā, mā anussavena, mā paramparāya, mā itikirāya, mā piṭakasampadānena, mā takkahetu, mā nayahetu, mā ākāraparivitakkena, mā diṭṭhinijjhānakkhantiyā, mā bhabbarūpatāya, mā samaṇo no garūti.

Anussavena’ nghĩa là nghe nói qua nói lại.

Ở nhà có chuyện buồn, nghe ai đó nói lên miểu bà chúa xứ cầu linh lắm, nghe nói có cái chùa nào cầu linh lắm, nghe nói có ông thầy bói thầy bùa, phong thủy gì đó linh lắm. Nghe nói qua nói lại, rồi chạy theo gọi là anussavena.

Paramparāya.

Anussavana có nghĩa là nói qua nói lại tạm thời thôi, nhưng paramparāya là cái lâu ngày đi vào trong dân gian, như thành ngữ, tục ngữ, ca dao, nó cũng có sức hút lớn lắm. Tự nó có sức thuyết phục và gần như mặc định. Có nghĩa là cái gì được truyền khẩu lâu đời nó cũng trở thành một thứ tôn giáo, một thứ kinh điển dân gian, chứ không phải không.

Nhiều câu mình học được từ trong chùa hay ngoài xã hội lúc đầu chỉ là câu tiện miệng người ta nói thôi. Lâu ngày được nhắc đi nhắc lại thành suông miệng. Từ tiện miệng chuyển qua suông miệng. Cuối cùng nó thành câu cửa miệng. Ví dụ đây là những câu hãy cẩn trọng khi nói: Đời cha ăn mặn đời con khát nước; Con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ; Nhất nhơn hành đạo cửu huyền thăng; Phục vụ chúng sanh cúng dường chư Phật; Hạnh hiếu là hạnh Phật; Dẫu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phước cứu cho một người;

Câu “Đời cha ăn mặn đời con khát nước” nguyên thủy chỉ dùng để nhắc định lý nhân quả thôi. Thế giới này là hành trình thừa tiếp. Mỗi người đến và đi để lại di sản gì đó thì đời sau theo đó mà tiếp nhận truyền thừa. Những gì mỗi người dựa vào đó mà sống được thì cũng được truyền lại từ thế hệ trước. Và dầu muốn dầu không, khi chúng ta tắt thở, chúng ta cũng để lại cái gì đó, hoặc tốt hoặc xấu cho đời sau. Câu “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” phải hiểu mới vậy thì mới chuẩn. Đằng này lại bị người ta hiểu lệch. Mà khổ thay cái lệch đó được kế thừa bền bỉ, bền vững. Người ta hiểu nhầm là nếu cha mẹ thất đức thì con lãnh đủ. Từ đó nó đẻ ra câu “Con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ”…

Xem tiếp ở đây: http://vn.nhungkyniemxua.com/ 

Saturday, December 18, 2021

THỦY THƯỢNG PHIÊU

Ông tác giả người Mỹ bắt đầu bài viết đó bằng đôi dòng nhắc sơ về những tín ngưỡng dân gian ở vài nơi trên thế giới, chẳng hạn tục thờ bò của Ấn Độ. Tiếp theo là chuyện kể về một miền đất có tên gọi là Asu nơi tuyệt đại đa số cư dân có truyền thống tôn thờ một loài thú kỳ lạ mà họ gọi là con Rac. Tác giả mô tả khá kỹ lưỡng về loài thú đặc biệt này qua những chi tiết rất đặc biệt, nửa lạ nửa quen: Tùy thuộc nhiều yếu tố, tuổi thọ một con Rac là bất định, đặc biệt nó chỉ uống để sống và thỉnh thoảng cần được chăm sóc để khỏi ngã quỵ bất ngờ. Và điều quan trọng là chất bài tiết của con Rac rất độc hại cho người và cả thiên nhiên. Biết vậy nhưng dân Asu cứ cưng chiều nó như báu vật, nhà nhà đều có nuôi ít nhất một con...

Cuối bài viết, tác giả đột nhiên cho ta hay rằng nãy giờ ông ta vừa viết về nước Mỹ, vùng đất mà ông gọi ASU chính là tên gọi USA viết ngược, và giống thú Rac kia chính là chiếc xe hơi (CAR) gọi theo tiếng Anh.

Khi ta tự ám ảnh bởi ý tưởng rằng mình đang đọc về một miền đất lạ có một loài thú lạ, với những tập tục lạ, cộng thêm phần khơi mào của bài viết nói về tục thờ bò của người Ấn Độ, thì khó có ai đủ tỉnh táo để nhận ra trò đùa của người viết. Đã vậy, chữ Rac trong bản tiếng Anh ngó cũng bình thường như mấy từ Rat, Cat đều là tên gọi những loài thú. Thế là... ta cứ yên tâm đọc tiếp mà không hề có một cảnh giác nào. Sức mạnh của thành kiến ghê gớm đến vậy. Rõ ràng tác giả đã mô tả con Rac kia bằng tất cả những chi tiết của một chiếc xe, có điều là cố tránh những thuật ngữ kỹ thuật, vậy là đọc đến gần hết bài độc giả cứ hồn nhiên tưởng đó là con gì.

Trong một bài viết trước đây, bài Vọc nước giỡn trăng, tôi có nói đến một tuyệt kỹ trong sách võ hiệp Kim Dung là Thủy Thượng Phiêu, tuyệt kỹ của Cầu Thiên Nhậm, một cao thủ chỉ đứng sau Ngũ Bá. Đó là khả năng khinh công thượng thừa có thể di chuyển trên mặt nước như chạy trên đất. Và tôi cũng đã dựa vào đó mà nhắc đến khả năng nhìn ngắm thực tại mà không chìm đắm trong đó để có thể thấy ra những khía cạnh khác nhau của thực tại, một điều không thể thực hiện khi ta một mực bám chặt vào đó bằng một sự ngây ngô phiến diện. Một câu nói, một âm thanh, lẽ ra có thể được ghi nhận bằng nhiều cách, nhưng không phải ai cũng làm được chuyện đó.

Tôi gọi khả năng đó là Thủy Thượng Phiêu với một lời giải thích là ta hãy tự bốc hơi khỏi những thói quen nặng nề để có thể nhìn xuống vấn đề. Sau đây có thể xem là những bài tập. Trước hết ta đọc bằng mắt rồi tự nghiệm xem có phải mình đang bốc hơi khỏi lớp vỏ ngôn ngữ để hiểu ra một vấn đề khác:

- VỢ LY CHỒNG TÁCH (đọc theo giọng Bắc): Có thể tuyệt đại đa số người Việt Nam đọc thấy 4 chữ này trước hết sẽ nghĩ ly và tách ở đây là hai vật dụng để uống nước và đã nghĩ vậy thì họ không hiểu 4 chữ này nói gì. Nhưng những người Việt từng đi làm mấy công ty điện tử của Mỹ thì hiểu ngay rằng LY ở đây là Assembly, một tiếng lóng để gọi công việc lắp ráp linh kiện điện tử và TÁCH ở đây là ám chỉ Technician, kỹ thuật viên. Ở đây vấn đề không chỉ là biết ngoại ngữ hay không, mà là ta có từng nghe qua hai công việc đó để có thể vượt thoát sự ám ảnh của chữ nghĩa.

- CON GÌ CÀNG LỚN CÀNG NHỎ: Chỉ cần ta bị ám ảnh bởi ý nghĩa thông thường của chữ CÀNG là sự phát triển theo tỷ lệ thuận thì khó lòng nghĩ ra lời giải cho câu đố này. Người biết tiếng Anh sẽ dễ dàng nghĩ 2 chữ CÀNG trên đây là The More... The More... Khi dịch ra tiếng Anh kiểu đó thì đến chết ta cũng mù tịt câu đố. Nếu bình tâm, ta sẽ nhớ ra nghĩa thứ hai của chữ CÀNG. Và đó mới là ý nghĩa cần có ở đây để ta có thể hiểu đó là con cua.

- VỢ BẦU CHỒNG BÍ: Bầu bí ở đây không phải hai thứ trái ta vẫn nấu canh. Bị ám ảnh bởi ý nghĩa của hai chữ bầu bí cạnh nhau, ta không sao hiểu ra cái ý nhị của 4 chữ này là khi người vợ có mang thì coi như ông chồng phải kiêng khem việc gần gũi, vậy là bí quá đi mất!

- VẬT GÌ CÀNG KÉO CÀNG NGẮN: Vấn đề ở đây không phải ở hai chữ CÀNG nữa, mà là chữ KÉO. Trong tiếng nói bình dân của người Việt trong nước bây giờ, rít một hơi thuốc lá còn được gọi là kéo một hơi thuốc lá. Nếu quên mất nghĩa hai này rồi loay hoay với mấy chữ còn lại thì chịu.

Những trường hợp sau đây cũng tương tự như vậy, nghĩa là người ta phải biết vượt thoát những gì là khuôn sáo, lề thói, tập tính thì mới có thể hiểu ra:

- VỢ CẢ, VỢ HAI, CẢ HAI ĐỀU LÀ VỢ CẢ: Vấn đề nằm ở cách hiểu mấy chữ CẢ.

- HÔM QUA QUA NÓI QUA QUA MÀ QUA KHÔNG QUA: Vấn đề nằm ở các nghĩa khác nhau của chữ QUA.

Dĩ nhiên trên đây không phải là những vấn đề Phật pháp. Tất cả chỉ là những dẫn chứng để ta tự thấy mình đã làm sao để hiểu được cái ẩn ý trong ngôn ngữ. Đó chỉ là những ví dụ. Không phải chỉ chừng đó là đủ để giác ngộ. Tôi nhớ trong triết Tàu có thuật ngữ Hình Nhi Thượng được dùng để gọi những ý nghĩa hay khía cạnh tiềm ẩn hoặc nằm ngoài lớp vỏ ngôn ngữ, hình ảnh buộc người ta phải dụng công và sáng ý mới thấy ra. Trong tiếng Việt có thành ngữ Đọc giữa hai hàng chữ cũng nhằm ý đó và người Tây phương thì vẫn bảo những gì ta nghe thấy qua một lần thường chỉ là phần nổi của một khối băng sơn, nghĩa là chưa đủ để kết luận điều gì hết.

Trong niềm thành tín của một người tin Phật, tôi cho rằng mỗi lời nói của Thế Tôn đều đạt mức Cần và Đủ. Thừa hay thiếu không phải ngôn phong của bậc đại giác như đức Phật. Lời Phật từ đó phải được chiêm ngắm, thấm thía bằng con mắt thứ ba nằm giữa cặp mắt thịt của mỗi người. Và theo tôi, cái độc đáo của một câu nói là sự hàm súc. Hàm súc mà rối rắm quá thì cũng chưa phải tuyệt cú. Cái tinh diệu trong ngôn ngữ phải là lời ít ý nhiều và để cảm nhận được những câu cú kiểu đó, ta cũng cần phải dụng công. Đó cũng là sự hợp tác, cộng hưởng giữa người đầu bếp và người thưởng thức. Tôi biết cách nấu thì anh cũng phải biết cách ăn chứ. Thực bất tri kỳ vị thì hoang phí quá. Nỗi ấm ức của anh đầu bếp lúc này cũng đau như của anh nhạc sĩ trong hoàn cảnh đờn gảy tai trâu.

 Một trong các hiện tượng thiên nhiên mà tôi yêu nhất có lẽ là sự bốc hơi của nước. Nó là một sự hóa kiếp từ kiếp đời ô trọc nặng nề sang một hóa thân bềnh bồng phiêu lãng. Đồng thời, tôi còn cố hiểu bốc hơi là sự rời bỏ những gì bình phàm, dung tục và cả sự ước lệ, sáo mòn để nhìn lại mọi sự từ những chiều cao mới. Tôi dốt nhưng lại sính dùng những chữ nghĩa cầu kỳ trong truyện kiếm hiệp, nên ở đây cố tình dịch sai và hiểu rộng chữ bốc hơi thành ra thủy thượng phiêu, nghĩa gốc là trôi nổi trên nước hay không chìm vào nước.

Cuộc trầm luân là một biển lớn, mỗi phận đời là những bèo bọt nổi trôi, những giọt nước sinh hóa theo quy tắc trùng trùng duyên khởi, sóng sau dồi sóng trước. Nếu có được khả năng bốc hơi theo chiều hướng tích cực nhất thì những giọt nước kia dĩ nhiên sẽ có một ngày bay về trời thẳm, tham dự vào những đám mây phiêu bồng rồi lại hóa kiếp về sông, về biển tiếp tục lợi tha cho đến ngày đại công cáo thành. Mong lắm thay!

by Toại Khanh

Nguồn: Vietheravada.net/van



 

SÔNG ĐỜI

(Buổi tối tình cờ thấy một câu chuyện đẹp và một cái bình hay)



Hắn sống bằng nghề chèo đò, nghèo xơ xác. Một sáng trú mưa trong ngôi miếu cổ, hắn đã gặp được cao nhân là một cụ già nửa tăng nửa tục, trang phục nâu sồng như người ở chùa lại có búi tóc trên đầu. Nhìn ngang ngó dọc ai cũng phải nhận ông có tiên phong đạo cốt.

Vị cao nhân nghe hắn than thở đã nghiêm mặt quan sát tướng mạo hắn một lát rồi phán:

- Năm nay ngươi 47 tuổi, 10 năm nữa chắc chắn sẽ giàu sụ. Nhưng số ngươi cũng ngặt, cứ 1 năm đại phú sẽ làm 1 năm tuổi thọ. Ta chỉ biết thế, không thay đổi gì được.

Hắn thoạt nghe mình sẽ thoát kiếp cùng đinh thì nhất thời mừng rơn, lạy tạ cao nhân rồi ra quán rượu gần đó dốc túi uống một bữa thật say.

Nửa khuya giật mình thức giấc, hắn nằm bên thềm quán rượu ngó lên trời thẳm. Gió khuya mát rượi, lan man thổi qua bến sông nơi hắn đang nằm. Thiệt ngộ, hắn lần đầu bỗng thấy cuộc đời đẹp lạ, đáng yêu, đáng sống. Hắn nghĩ đến một ngày có được mái nhà lộng lẫy bên sông, thay cho con đò nát mà bao năm qua hắn vừa xem là mái nhà trú thân, mà cũng là phương tiện độ nhật. Rồi hắn sẽ cưới được cô hàng nước góa chồng phổng phao mà hắn vẫn thương thầm lâu nay... Hắn còn nghĩ ngợi mộng mơ bao điều ngọt ngào khác nữa rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay, với nụ cười trên môi, trong bóng tối mông lung của đêm trăng đầu tháng.

Trong giấc ngủ, hắn tiếp tục chiêm bao thấy mình là một phú ông giàu có nhất vùng với người vợ trẻ là cô hàng nước xinh như mộng.

Vậy rồi một ngày, tấm thân già của hắn đổ bệnh phải nằm liệt giường. Được vợ sớm hôm chăm sóc bên gối, hắn vẫn ngày một còm cõi gầy rộc. Rồi một chiều mùa đông lạnh giá, hắn nghe tiếng gào khóc thê lương của nàng giữa gian nhà mênh mông. Trong mơ, hắn hiểu mình vừa chết.

Không đành lòng mất sạch mọi thứ mà mình đã một đời mơ ước, hắn nghe đau xé ruột rồi bỗng vùng dậy khỏi áo quan.

Thì ra đó chỉ là cơn ác mộng. Hắn mừng lắm. Mừng vì mình không phải là ông nhà giàu trong giấc chiêm bao và cô hàng nước kia chắc chắn vẫn còn đó cho hắn hy vọng. Hắn nhớ lại mấy lời của vị cao nhân rồi giật mình.

Không, thà hắn tiếp tục nghèo khổ để sống đói rách rồi mỗi ngày mấy bận nhìn trộm cô hàng nước, chuyện gì sau đó cũng mặc, còn hơn giàu có rồi yểu mệnh, rồi vĩnh viễn mất hết mọi thứ khi lòng vẫn chưa cam.

Sáng sớm hôm sau hắn chạy một mạch ra ngôi cổ miếu đầu làng để gặp lại vị cao nhân hôm qua. Nhưng ông không còn ở đó nữa.

Hắn thất thểu quay về đưa đò và thật lạ, từ ngày ấy, người ta thấy hắn như thành ra một con người khác. Đưa đò được bao nhiêu tiền, hắn chia đều ra 3 phần. Một phần đưa cô hàng nước cất hộ, một phần đem cho lũ trẻ ăn mày ở chợ, còn lại bao nhiêu hắn rủ đám trai làng chiều chiều ra quán đánh chén đến khuya rồi ngủ luôn bên thềm quán. Không còn ai nghe hắn than nghèo, cũng không nhắc gì đến ước mơ đổi đời như trước nữa. Cứ nghe ai nhắc đến chữ giàu hắn lắc đầu nguầy nguậy:

- Để chết à? Nghèo mà trăm tuổi vẫn hơn!

Không ai hiểu tại sao hắn cứ có dịp lại nhắc hoài câu nói ấy nhưng câu chuyện về hắn dần dần trở thành giai thoại một vùng. Không biết rồi hắn có lấy được cô hàng nước hay không, chỉ nghe người ta kể lại rằng ông lão thọ nhất làng này trong suốt trăm năm nay chính là anh chèo đò trong câu chuyện ấy. Ông thọ trên trăm tuổi và cái chết đẹp như thơ. Một chiều uống vui ba cốc rượu với bạn bè, rồi dựa lưng vào cột đình mà đi, môi vẫn mỉm cười. Ai cũng tưởng là ông đang ngủ.

Truyện ngắn của Toại Khanh

(Chuyện Phiếm Thầy Tu new version)

Nguồn: Vietheravada

 



Wednesday, December 8, 2021

Bồ Tát

Bồ Tát -- tiếng Pāḷi là Bodhisatta, tiếng Sanskrit là Bodhisatvā

Bodhi: giác, giác ngộ; satta, satvā: chúng sanh hữu tình

Người Trung Hoa phiên âm ra là Bồ Đề Tát Đỏa ( chữ satvā đọc là ‘sát toa’); gọi gọn lại là Bồ Tát

Bồ Tát = Giác Hữu Tình: là chúng sanh ý thức được giác ngộ. Chỉ mới ý thức thôi, đang trên đường tìm cầu sự giác ngộ, chứ không phải là chúng sanh đã giác ngộ. Họ ý thức sự giác ngộ này trên ba cơ sở: Bịnh,  Lão, Tử. Và thế là họ đi tầm cầu con đường thoát ra khỏi Bịnh, Lão, Tử.



Tuesday, November 30, 2021

Dông dài trai tăng

Mẹ tôi lấy chồng năm hai mươi tuổi. Ở cái tuổi mà như ai đó từng ví von quăng con búp bê là đi lấy chồng. Đó là một năm sau khi ba tôi từ ngoài Bắc vào.

Khi tôi sinh ra thì ông bà ngoại đã mất. Tôi chưa từng được nghe kể lại rằng ngày ấy ông bà ngoại có la mắng mẹ không khi mẹ lấy một người theo đạo Thiên Chúa. Tôi chỉ biết nhà ngoại là gia đình thâm tín Tam Bảo. Những người dì của tôi ăn chay một tháng mấy ngày, nhà ngoại tôi có cúng dường đất cho một ngôi chùa. Và giờ đây vùng đất bên hông chùa ấy cũng là nơi an nghỉ của ông bà ngoại, cậu, mợ tôi.

Ký ức về tuổi thơ, tôi chỉ còn nhớ những ngày Chủ Nhật, ngày lễ Phục Sinh hay Giáng Sinh, mẹ tôi ngồi trước bàn trang điểm, mặc áo dài, thoa son đánh phấn, nước hoa thơm lừng. Tôi chạy đến bên cạnh mẹ để mẹ xịt cho tí nước hoa lạnh lạnh trên đầu. Và rồi một lát sau, ba đưa mẹ và tôi đến nhà thờ.

Thế rồi tôi lớn lên trong mười điều răn của Chúa. Đạo Phật của tôi chỉ là những lần về nhà ngoại ăn đám giỗ, nhìn các dì mặc chiếc áo tràng thắp hương trước bàn thờ tổ tiên.

Khi tôi vào lớp 6, ngôi trường tôi học nằm bên cạnh chùa. Đạo Phật trong tôi là một bà bán chè trong đất chùa. Hết tiết học là tôi chạy ra đó, ngồi trên cái băng ghế dài, thưởng thức ly chè đá lạnh. Nhiều lúc tan học tôi không về nhà, mà lê la bên hành lang hông chùa, xoãi người nơi hàng hiên gạch hoa mát lạnh láng bóng, dưới giàn hoa sử quân tử thơm ngát. Thầy trụ trì (HT Trừng San) thấy vậy dắt vô sau liêu cho ăn cơm cháy, dạy đọc kinh Sám Hối, đọc Chú Đại Bi.

Hết cấp II, lên cấp III, tôi thảng hoặc ghé lại ngôi chùa xưa. Và rồi tôi quên mất những bài kinh, chỉ thỉnh thoảng thèm miếng cơm cháy. Tôi lại đi lễ nhà thờ. Chỉ để nghe hát thánh ca, quỳ trước bàn Chúa mà tôi chỉ thích ngắm những bình hoa thật đẹp các Xơ cắm nơi bàn thờ. Thế rồi, lần xưng tội cuối cùng của tôi khi đó là trước lễ cưới vài hôm, năm 1988. Sau đó, Chúa cũng như chùa, đã trở thành một quá khứ nhạt nhòa.

Rồi một ngày của năm 1999, do duyên tình cờ tôi vấp phải một trang web Phật Giáo. Cũng bởi có một giấc mơ lui tới một ngôi chùa, và có những nhân vật rất quen thuộc nào đó trong mơ cứ theo tôi nhiều năm tháng. Tôi đi tìm ngôi chùa trong mơ của mình trên mạng. Tôi đọc, tôi làm website Phật Giáo, và cũng qua muôn trùng nhân duyên, cuối cùng khá muộn màng, tôi tiếp cận được PG Nguyên Thủy, dù rằng hơn một lần chạm mắt, chạm tay vào giáo lý này trước đó. Cũng từ ngày đó bỗng có nhiều bạn bè bên nhóm PGNT hơn.

Một ngày tình cờ, đi cùng nhóm bạn, tôi có duyên gặp và đảnh lễ ngài HP. Ngài nhìn tôi và bỗng hỏi tôi có tin vào kiếp trước kiếp sau không. Riêng ngài, ngài tin vào điều đó. Cho tới hôm ấy tôi mới nhận ra ngôi tịnh xá ngài ở, hệt như trong giấc mơ đã theo tôi nhiều năm.

Một lần, tôi cũng tháp tùng đoàn hành hương dâng y bên Miến Điện. Dù học Phật đầy đầu, đi chung chuyến với họ, hình thức trang phục màu trắng giống nhau, cũng đặt bát, cũng dâng y, nhưng khi đó tôi mới thấy rõ sự lạc loài của mình. Tôi thấy mình khác mọi người từng chi tiết nhỏ về tâm lý.

Rồi cách đây mấy hôm, Đông Phương, một cô bạn 'trong pháp' chơi với nhau trên 20 năm bỗng share một câu tút "4 năm qua mau. Dì mình bây giờ đã là Sư Cô". Rồi thì cách đây mấy tháng, một người bạn cũ có bố vừa qua đời, xem hình trên FB thì bố bạn cũng là một tu sĩ. Rồi thì vài người bạn FB cũng xuống tóc cát ái từ thân, hỏi ra thì cũng có mẹ có cha, có chị có em đi tu. Mới hôm qua kia, VV, một cháu trên FB nói chuyện, hồn nhiên kể về một người thân "Sư con đó cô...". Nói tóm lại, ai cũng có một truyền thống gia đình, bà ngoại đi chùa dắt mẹ đi chùa, mẹ đi chùa dắt con đi chùa... Chỉ có tôi, lý lịch trích ngang là trụi lủi đơn độc, để thâm nhập vào giáo pháp này phải mất đến gần mười mấy năm.

Không thể để con cháu mình phải mất ngần ấy thời gian. Vì thế tôi nhờ Silavati Nhi, một bạn đạo trên FB thiết cho tôi một lễ trai tăng. Dã Quỳ biết được hoan hỷ hòa âm rùm rụp luôn. Tôi muốn mai sau bé Khải Như sẽ nói với mọi người, con theo PGNT bởi vì ngoại con đi chùa dắt mẹ con đi chùa, mẹ con đi chùa dắt con đi chùa. Vì vậy hôm nay, giữa Sài Gòn đang bùng lên lần thứ tư cơn đại dịch Covid, tôi dắt các con tôi đến Thiền Viện Nguyên Không...

Thành kính tri ân tất thảy, không thể kể xiết _()_ 
 -------


TB:
Những ghi chú của Nhi:
- Em nấu buổi sáng bún bò - Trưa nhà bếp nấu - Và dâng 1 bộ y
-Vật dụng dư bao nhiêu là dồn cho bữa trưa ạ
- (Chiều hôm qua) Nhà bếp đi chợ dùm rồi, ướp này nọ xong rồi, chiều hầm xương
Sáng mai nổi lửa lên!
(Sáng nay)
-Em hùn làm món canh đu đủ nè
-Mứt dừa là chị bếp làm
-Em gái em làm mâm trái cây và bánh

Dưới đây là hình ảnh và videos Silavati Nhi gởi cho:


Buổi sáng:










Buổi trưa 











































Cơn mê chiều

- Có phải mẹ yêu bố vì giọng ca không? Một lần Belle hỏi.

Nếu chỉ vì một giọng ca hay mà rước cả... một tấm ngũ uẩn về nhà thì thật là hoang phí cuộc đời đó con ạ. Bố một thời nhận bao nhiêu huy chương bạc vàng đồng chì kẽm gì đó mà ru hoài con chẳng ngủ. 

Nói gì thì nói, từ một học sinh trung học đoạt giải nhất đơn ca trường Quốc Học Huế, cho đến khi trở thành một PGS TS Toán, giọng ca sau bao nhiêu năm vẫn cứ là hay. 

Cơn Mê Chiều. Nhạc Nguyên Minh Khôi, QS Ta trình bày



Sunday, October 3, 2021

BÂY GIỜ LÀ THÁNG MƯỜI...

(Truyện của chị Tuyền)

 Mới vừa viết xong truyện ngắn này, hư cấu từ những dữ liệu thời sự. Cái tựa cũng chưa dứt khoát như thế nào. Truyện này khó đăng báo. Post lên cho ai thích thì đọc rồi sẽ lấy xuống.

😛
BÂY GIỜ LÀ THÁNG MƯỜI...
Gom lá khô thành đống, chưa vội hốt chúng vào giỏ cần xé, Thúy dựng chổi bên gốc cây rồi đến ngồi trên thành hồ cá Koi. Phản xạ tự nhiên có điều kiện, lũ cá lượn ùa đến chỗ Thúy. Cô lấy hủ thức ăn vốc một nhúm rải xuống nước. Tiếng quẫy lạch xạch, lào xào chộn rộn là âm thanh nhộn nhịp hiếm hoi trong lúc này. Thúy nhìn ra đường, phố ngày bình thường rất sầm uất mà giờ đây yên ắng đến mức nghe được tiếng lá khô lăn trên vỉa hè, rõ tiếng thở dài của mình như đang nói chuyện với một ai đó vô hình. Mặt trời mùa này mọc lên ở hướng chính đông. Mùa hè đã trôi qua xa lắm rồi, là khi mặt trời mọc về phía bắc của hướng đông, nơi chỗ cô đang ngồi không bị nắng chiếu thẳng vào mà xiên vàng nhẹ tạo bóng đổ dài bàn ghế, cây cối trong sân lung linh, sinh động. Thúy không rành về khoa học để lý giải hành trình mọc và lặn chệch hướng của mặt trời qua bốn mùa. Thúy thích mùa hè với mặt trời mọc chệch về hướng tay trái. Từ một màu vàng nhẹ rồi ánh sáng trắng lóa dần là lúc quán bắt đầu rộn rịp. Có thể một ngày rất nóng và cơn mưa chiều hè “không đã” càng khiến oi bức hơn. Hay một ngày nắng dịu nhẹ, gió từ đâu đưa về mơn man, hứa hẹn một cơn mưa chiều dai dẳng đến đêm... Mùa trôi qua, ngày tháng như kẻ lữ hành bị đuổi rát trong cuộc đua bất tận, mới đó mà đã hơn ba tháng quán đóng cửa. Đôi mắt Thúy đảo một vòng, lũ bàn ghế phủ bạt buồn hiu hắt. Những cây mận đang mùa hoa tỏa hương nồng nàn về đêm, sáng ra rải thảm trắng thềm chỉ còn lại mùi thơm thoảng ngọt, quyến rũ nhẹ nhàng.
Tối qua Thúy gần như thức trắng. Mười một giờ chuẩn bị đi ngủ thì nhận được tin nhắn của Hùng: “Mai anh về, nhóm mười người, hết cách rồi!”. Dù biết trước sẽ có tin như thế này nhưng Thúy vẫn hơi hẫng. Cô bấm nút gọi. Hùng nói mọi thứ đã xong, giấy xét nghiệm Covid có giá trị trong 72 giờ vừa đủ thời gian về đến nhà nếu mọi thứ suôn sẻ. Hùng kể thêm về những người trong đoàn sẽ đi cùng anh, những chốt kiểm soát qua các tỉnh. Chúc Thúy ở lại giữ an toàn, dịch bệnh ngày càng phức tạp, không biết trước điều gì đâu. Thúy im lặng lắng nghe, cô nói câu cuối cùng trước khi cúp máy: “Em chuyển vào tài khoản cho anh một ít nhen”. Hùng bảo: “Anh còn đủ tiền về đến nhà. Em đừng gọi hay nhắn tin, anh sẽ chủ động cập nhật tình hình lúc nào thuận tiện”.
Ru lòng cố ngủ một chút nhưng nhắm mắt lại đầu óc Thúy càng tỉnh táo. Hùng lỡ chuyến về đợt trước vì phải chờ em trai cùng mấy người bạn. Đợt đó những đoàn người về quê tránh dịch xuôi chèo mát mái, được nhiều mạnh thường quân đón bên đường giúp chai nước, hộp cơm, khăn lạnh, đổ cho ít xăng, tặng ít tiền… Chính quyền các tỉnh hỗ trợ cho xe dẫn đường đưa đến ranh giới bàn giao sang tỉnh bạn. Giờ càng khó với nhiều lệnh cấm nghiêm ngặt. Nghĩ đến đó, vô thức, Thúy ngồi dậy qua bếp thắp cây nhang bàn thờ ông Địa. Cô khấn xin cho Hùng về đến nhà an toàn. Một ngàn năm trăm cây số đường dài với tâm lý căng thẳng, đối phó và còn thêm nỗi lo dính bệnh nữa.
Thúy lan man nhớ đến quê Hùng mà cô về thăm Tết năm ngoái. Một làng quê nghèo, nằm ở vị trí eo nhất trên bản đồ nhưng êm đềm, bình yên. Sáng se lạnh nhìn các cụ già trong làng áo dài, quấn khăn đen đi lễ nhà thờ. Trong màn sương sớm họ giống như những cái cây thông non di động, bé nhỏ mà mạnh mẽ. Lần đầu tiên, cô gái miền Tây thấm cái lạnh đến thấu xương thấu ruột và hiểu ra lý do vì sao thanh niên trong làng luôn muốn rời xứ lập nghiệp phương xa. Đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt đúng nghĩa chó ăn đá gà ăn sỏi. Ước mơ xây cho cha mẹ ngôi nhà gạch, mái bằng là mẫu số chung của trai làng khi vừa chạm ngưỡng mười tám. Có người chưa học hết phổ thông đã vội ra đi. Không hẳn mơ ước đổi đời mà vì muốn cắt đứt một thời niên thiếu cơ cực, tìm một chân trời rộng rãi, khác hơn. Hùng không giống họ, xong mảnh bằng xây dựng một ở trường cao đẳng trong tỉnh, anh quay về nhà với mộng ước được thấy làng quê xoay chuyển với nhiều ngôi nhà mới khang trang. Thế nhưng, một năm, hai năm… thời gian chẳng chờ đợi ai, càng mơ ước lại càng sốt ruột khi quê nghèo vẫn mãi quê nghèo. Sức lao động của con cái trong làng gửi về không thay đổi được bộ mặt làng quê. Chí lớn chưa về bàn tay không, một ngày hai anh em Hùng khăn gói vào Nam.
Rồi mộng ước cũng thành khi họ xây được cho cha mẹ ngôi nhà khang trang, có vườn cây, ao cá, mảnh ruộng con con làm cho vui, cho con cái an lòng cha mẹ có điều kiện an hưởng tuổi già. Đã đến lúc nghĩ đến việc riêng, Hùng đưa Thúy về nhà coi như ra mắt.
Mộng vừa dệt, dịch liên tiếp bùng phát nhiều đợt, các công trình xây dựng mà Hùng quản lý xập xình rồi đình lại. Chẳng ai nghĩ được gì trong lúc đăng đăng nỗi lo, đừng nói đến hôn sự trọng đại đời người!
Thúy có thuận lợi hơn Hùng. Trước hôm đóng cửa quán cà phê, cô Loan chủ quán sau khi tặng mỗi nhân viên nửa tháng lương, cô đề nghị Thúy ở lại trông quán trong thời gian cách ly, cô hỗ trợ một phần phí sinh hoạt. Thêm một người nữa là Sơn, bà con xa với cô Loan cũng quê miền Tây. Sơn còn đi học, những lúc rảnh mới phụ quán. Thúy gắn bó với cô Loan hơn chục năm sau khi học xong ngành pha chế ở một trường cao đẳng. Không bà con họ hàng nhưng cô Loan coi Thúy như con cháu trong nhà. Được một năm, thấy Thúy hiền lành chịu khó, làm ăn đâu ra đó, biết tính toán sắp xếp công việc khoa học, cô cho Thúy quản lý bộ phận pha chế; đồng thời cô sửa lại gian nhà phía sau bếp thành một căn phòng tiện nghi cho Thúy ở lại, thuận tiện việc quản lý cả hai ca.
Quán khá rộng, ước sáu-bảy trăm mét vuông nằm ở mặt tiền một con đường lớn vốn là nhà của ba má cô Loan. Anh chị em nhà cô Loan ai cũng giàu có, con cái sống ở nước ngoài, họ muốn giữ lại kỷ niệm của cha mẹ nên mở quán cà phê. Tiếng là cà phê chứ còn có nhà hàng ăn, karaoke, hát cho nhau nghe… Thúy chỉ phụ trách một khâu nhỏ (nhưng quan trọng) trong hoạt động của quán có ba mươi nhân viên chia làm hai ca.
Sở dĩ Hùng nấn ná giữa về hay ở vì Hải, em trai của Hùng còn vài công việc cần giải quyết ở một công ty sản xuất đồ gỗ cho đến khi công ty đóng cửa bởi lệnh phong tỏa. Mỗi ngày nghe tin trong xóm trọ người này người kia nhiễm Covid rồi ra đi khiến ai cũng hoảng sợ. Hùng kể chuyện, có ngày đến mấy chục ca dương tính, người đi cách ly bằng xương bằng thịt khi trở về chỉ là hộp giấy bìa carton, bên trong có hủ tro cốt. Tiếng khóc xé lòng, ai oán. Hùng nói, kiểu này không chết vì Covid cũng chết vì điên!
Cả sáng hôm đó Thúy cứ ra vô lòng vòng khắp quán, kè kè điện thoại trong túi. Cô Loan gọi báo tin cô và chị bếp dương tính, chuẩn bị đi cách ly. Chú Thiên cách ly ở nhà, thức ăn đủ cho một tuần, dặn Thúy và Sơn giữ liên lạc với chú. Khó tả được tâm trạng ngổn ngang của Thúy trong lúc này. Thúy lấy giấy ra ghi vội những lời dặn dò của cô Loan, chú nhiều bệnh nền, trường hợp khẩn cấp sẽ gọi cho ai, số điện thoại nào…bằng những dòng chữ ngoằn nghèo lên xuống, lộn xộn như tâm trạng của cô.
Mấy tuần trước cô Loan tham gia tổ chức một bếp ăn từ thiện ở chùa, nguồn lây từ đó chăng? Chỉ là ý nghĩ lướt nhanh qua trong đầu, lúc này không phải để truy tìm vết. Nhưng Thúy không biết mình cần phải suy nghĩ gì trong tâm trạng hoang mang, quá nhiều dữ liệu cần xử lý. Cả ngày hôm đó thỉnh thoảng Sơn video call cho chú Thiên. Chú bảo ra vô quanh nhà cho thoáng đầu óc. Gương mặt chú trên màn hình điện thoại bình tĩnh và mạnh mẽ.
Một ngày trôi qua với hỗn độn cảm xúc, Thúy lướt điện thoại hết trang này đến trang kia xem các clip tường thuật cảnh dòng người tháo chạy khỏi thành phố. Thúy căng mắt tìm trong vô vọng dòng người áo khoác, khẩu trang kín mít xem có ai giống Hùng hay không. Buổi tối, Thúy cầm điện thoại ngủ lúc nào không hay. Nửa đêm cô choàng tỉnh, ngơ ngác hồi lâu, Thúy mới xâu chuỗi lại sự kiện đã xảy ra trong ngày. Tin nhắn của cô Loan qua viber kèm theo tấm hình cô và chị bếp trong khu cách ly, Thúy đọc được nỗi lo và sợ qua gương mặt cô Loan chụp selfie. Cô thức và chờ đến sáng mới có tin nhắn của Hùng: “Bọn anh đang ở X., còn sáu mươi cây số nữa qua khỏi Đ. Hôm qua đoàn người bị chận lại dưới chân cầu vượt. Nhóm anh theo sau, đoán là không xong nên quay lại tìm đường khác. Trước thời điểm giấy xét nghiệm hết hiệu lực, ít nhất phải đi được hai phần ba đường. Một người dẫn đường xuyên rừng. Cả ngày chỉ đi được sáu mươi cây số. Nửa tiếng nữa tiếp tục hành trình, phải thoát khỏi rừng để ra quốc lộ. Hên xui!”.
Chú Thiên gọi, nói Thúy bày cách nấu nui để ăn cả ngày. Thúy sốt ruột, ước gì mọc đôi cánh bay đến nhà cô Loan nấu cho chú bữa cơm.
Liền đó là tin nhắn của cô Loan, mừng là cô và chị bếp chưa có triệu chứng gì!
Tối muộn hôm ấy Hùng nhắn: “Nhóm bị giữ lại ở Đ. May mắn là đã ra khỏi rừng và có chiếc chiếu ngả lưng, quan trọng là có ổ cắm điện để sạc pin điện thoại. Ngày mai ra sao phó mặc cho số phận”.
Thúy không dám bấm gọi cho Hùng. Cô thở phào, tâm trạng cộ lúc này chỉ loanh quanh ý nghĩ, cứ người còn sống là được!
Trưa ngày thứ ba Hùng nhắn: “Vẫn còn ở Đ. đang chờ kết quả xét nghiệm, nếu an toàn sẽ được cho đi tiếp”.
Ba giờ sau, một tin nhắn tiếp từ Hùng: “Hai người trong nhóm đi cách ly rồi, bọn anh phải chờ qua hai lần xét nghiệm nữa mới được cho đi. Đường về nhà thăm thẳm, mịt mùng”.
Tối, chú Thiên gọi cho Thúy: “Sao chú thấy hoa mắt, chóng mặt và mệt lắm”. Thúy và Sơn như ngồi trên đống lửa khi không thể nào đến được với chú Thiên. Đêm chưa bao giờ dài như thế!
Sáng hôm sau chú Thiên gọi báo là ổn rồi, nấu được nồi cháo cho cả ngày.
Ngồi bên hồ cá Koi, nhìn lũ cá lượn lờ, Thúy nhớ hồi mới vào làm việc cho cô Loan, thấy chú Thiên cao to, mạnh khỏe, đẹp trai lắm. Nhìn vợ chồng chú, Thúy hay nghĩ, sao mà ông trời cho họ nhiều thứ quá, vợ chồng đẹp đôi, giàu có, hạnh phúc, con cái giỏi giang… Cô Loan lúc nào cũng rộn rã nói cười, người mới gặp dễ nghĩ cô hời hợt nhưng thấy vậy mà không phải vậy; trái ngược với chú Thiên ít nói, sâu sắc và ấm áp, nhìn là biết ngay.
Ba ngày sau nhóm Hùng được phép tiếp tục hành trình nhưng phải chờ nhập đoàn người đang trở về có cảnh sát giao thông áp giải qua chốt ranh giới. Nhờ có ba ngày “ăn không ngồi rồi” chờ đợi của Hùng mà Thúy mới biết chuyện nhóm Hùng bị lạc trong rừng cao su. Tối hôm ấy họ tìm được một cái láng bỏ hoang, mì gói, bếp ga mini mang theo nhưng không có nước để nấu. Nước mang theo dành để uống, vậy là cả nhóm gặm mì sống. Sợ nhất là hết pin dù ai cũng mang theo cục sạc dung lượng cao nhưng vơi gần hết bởi cả ngày loay hoay tìm đường trên bản đồ, theo dõi tin tức trên mạng để tính việc của mình, còn phải dùng đèn điện thoại. Đốt đống lửa giữa rừng cho có hơi người thì nửa đêm trời đổ mưa xối xả. Mười thằng co ro, thuốc lá cũng không còn để hút cho ấm. Quay tứ bề, trước mặt, sau lưng gì cũng là bóng đêm. Hỏi nhau, liệu việc trở về nhà có phải là giải pháp đúng. Cuối cùng kết luận, chỉ có con đường phía trước và đích đến là quê nhà, mọi nghĩ ngợi xa gần chỉ là ảo tưởng, phí thời gian. Lúc bị chận lại ở Đ., mọi hy vọng đường như tan biến khi nghe tin họ có thể sẽ bị trả về thành phố. Chính quyền ở Đ. lo sợ người đi qua mang theo dịch bệnh. Đường về nhà sẽ qua rất nhiều ranh giới giữa các tỉnh, họ không thống nhất phương án đưa đón nên mình chỉ biết chờ đợi. Đường nào cũng khó. Cả nhóm xác định, màn trời chiếu đất thế nào cũng phải về. Đường về nhà là con đường chính đáng của bất kỳ ai.
Nhờ nhập chung với đoàn người nên nhóm Hùng gặp nhiều thuận lợi. Có mạnh thường quân bên đường giúp hộp cơm, chai nước. Trở ngại cuối cùng là phải dừng ở Q. một ngày để chờ qua H. Những người có trách nhiệm ở H. khăng khăng đoàn người sẽ mang mầm bệnh vào tỉnh họ. Phải chờ họp bàn phương án giải quyết. Chỉ còn hơn ba trăm cây số đường về nhà nên ai cũng nôn nóng, nhiều người phẫn nộ la hét, mất bình tĩnh. Cuối cùng ổn thỏa. Ngả người lên chiếc giường sắt trong khu cách ly, hít mùi đất quê thơm nồng sau mưa mới biết mình còn sống và thực sự đã được về nhà dù từ đó về đến quê Hùng còn sáu chục cây số nữa.
Chị bếp có giấy ra viện trước cô Loan. Kết quả xét nghiệm của chị ghi là dương tính nhưng chỉ số CT lớn hơn 35. Lại thêm một kiến thức về bệnh dịch Covid mà Thúy phải tra Google. Cô Loan không có triệu chứng nhưng kết quả vẫn dương tính sau hai tuần. Chị bếp xin ở lại chờ ngày cô Loan ra viện, vì nếu về nhà chị phải cách ly tiếp hai tuần nữa mà chú Thiên lại có bệnh nền nhưng cô Loan không chịu. Cô nói, có người trong nhà với chú Thiên sẽ tốt hơn.
Ngày cô Loan ra viện cũng là ngày chú Thiên phải đi cấp cứu vì một cơn nhồi máu cơ tim. Chị bếp vào viện chăm chú Thiên được một ngày sau đó chú hôn mê phải vào phòng chăm sóc đặc biệt. Cuối cùng chú không qua khỏi. Bầu trời thành phố một màu xám chì nặng trĩu. Chú được đưa về nhà. Cô Loan khóc không thành tiếng, ra vô ngẩn ngơ như người mất hồn. Sơn và Thúy tất tả qua nhà cô Loan. Chỉ hai cây số mà đến bốn chốt gác kiểm dịch nội đô. Có lẽ chú Thiên phù hộ nên qua được dễ dàng. Sơn chở chị bếp đi lo các thủ tục mai táng. Cô Loan quyết mực kêu nhà đòn làm cho chú đầy đủ lễ nghi bình thường. Tuy nhiên không ai được phép tiễn chú ra nghĩa trang vì các quy định phòng dịch. Cô Loan, chị bếp, Thúy và Sơn theo dõi đoàn xe đi, lúc hạ huyệt… qua livestream của nhà đòn.
Sau đó cả bốn người đều phải xét nghiệm PCR. May quá không ai bị gì!
Đêm nào Thúy cũng video call với cô Loan. Trông cô suy sụp quá, giọng nói nghe khàn, đục vẻ như cô khóc rất nhiều. Cô Loan nói, tháng sau thành phố mở cửa thì tháng sau nữa cô mở lại quán chứ ở không vầy cô chết mất, Thúy à. Thúy đếm đốt ngón tay, nếu mọi sự theo tính toán của cô thì quán đóng cửa đúng nửa năm. Thúy nghĩ, nếu cô Loan không nhờ trông quán, một là Thúy về ở cùng với cô em họ, phụ cô ấy làm bánh bán online còn không cũng phải về quê. Việc làm không có, chỗ ở cũng không mà dịch thì biết đến bao giờ mới hết!
Thành phố có những ngày rất buồn, quá buồn khi chiều nào cũng mưa. Có hôm mưa buổi sáng tầm tã như mưa miền Trung tháng Mười. Ngồi trong quán nhìn ra sân ướt lướt thướt Thúy tự hỏi không biết mình đang buồn hay vui khi nghe tin thành phố mở cửa trở lại. Những con số tử vong đã giảm nhiều, tuy số ca nhiễm vẫn còn cao. Người còn người mất. Người sống sẽ còn vất vả nhiều bởi những lo âu về tương lai bất ổn và chắc chắn sẽ còn khó khăn nữa bởi sự đau thương chung của thế giới này!
Nghĩ về Hùng, Thúy biết mọi thứ chấm dứt. Anh sẽ không trở lại thành phố này nữa vì những dấu ấn khó quên của lần vượt thoát, cảm giác bị đẩy đến tận cùng. Hôm trước Hùng nói với Thúy, có lẽ anh và Hải sẽ làm gì đó ở quê. Còn lâu lắm để nói đến tương lai lúc này. Bình an hôm nay biết hôm nay, ngày mai là một ngày khác!
Lý lẽ của Hùng được bảo vệ một cách vững chắc khi làn sóng người trùng trùng chạy xe máy về quê tránh dịch lần thứ ba ngay khi thành phố vừa có lệnh mở cửa, vẻ như nhiều hơn hai lần trước. Thúy không biết Hùng có xem tin tức hay không nhưng với cô thật là những ngày khó quên. Thành phố này cần có thời gian để chữa lành những vết thương. Quá nhiều những mất mát đau thương, để lại vết hằn trong ký ức người ở lại, biết bao giờ nguôi ngoai.
“Thế rồi trời vào thu/Nhìn hàng cây trút lá/Những tháng dài chờ trông/Từ ngày anh vắng xa/Trên con đường em bước/Một chiếc bóng đơn côi/Bây giờ lá tháng Mười/Sao vẫn còn mưa rơi”. Thúy khóc mỗi khi nghe Khánh Hà hát đến đoạn này.
Mỗi sáng Thúy đạp xe lòng vòng trên những con đường trong thành phố. Phố vẫn đẹp với hàng cây xanh thẳm dài thật lãng mạn. Những tòa nhà kiến trúc Pháp như người chiến binh già trầm mặc mà kiêu hãnh khi nó đã tồn tại qua hàng trăm năm chứng kiến bao thăng trầm của thành phố.
Thúy dừng xe lại dưới tượng Đức Mẹ, cô chuyện trò thì thầm với chính mình rồi cô lại đạp xe đi. Lát nữa thôi những con phố sẽ thức dậy và con đường sẽ sôi động trong vũ điệu của ngày mới. Tháng sau cô Loan sẽ mở lại quán cà phê nếu không có gì thay đổi.
Mọi thứ đã qua rồi, ngày buồn đã qua rồi. Thành phố sẽ hồi sinh như nó đã từng sống lại qua bao biến động thời cuộc. Và, con người ta ai cũng cần mạnh mẽ để bước tới!
Sài Gòn, tháng 10 năm 2021
ĐÀO THỊ THANH TUYỀN

Sống khôn thác thiêng

“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...