Ông tác giả người Mỹ bắt đầu bài viết đó bằng đôi dòng nhắc sơ về những tín ngưỡng dân gian ở vài nơi trên thế giới, chẳng hạn tục thờ bò của Ấn Độ. Tiếp theo là chuyện kể về một miền đất có tên gọi là Asu nơi tuyệt đại đa số cư dân có truyền thống tôn thờ một loài thú kỳ lạ mà họ gọi là con Rac. Tác giả mô tả khá kỹ lưỡng về loài thú đặc biệt này qua những chi tiết rất đặc biệt, nửa lạ nửa quen: Tùy thuộc nhiều yếu tố, tuổi thọ một con Rac là bất định, đặc biệt nó chỉ uống để sống và thỉnh thoảng cần được chăm sóc để khỏi ngã quỵ bất ngờ. Và điều quan trọng là chất bài tiết của con Rac rất độc hại cho người và cả thiên nhiên. Biết vậy nhưng dân Asu cứ cưng chiều nó như báu vật, nhà nhà đều có nuôi ít nhất một con...
Cuối bài viết, tác giả đột nhiên cho ta hay rằng nãy giờ ông ta
vừa viết về nước Mỹ, vùng đất mà ông gọi ASU chính là tên gọi USA viết ngược,
và giống thú Rac kia chính là chiếc xe hơi (CAR) gọi theo tiếng Anh.
Khi ta tự ám ảnh bởi ý tưởng rằng mình đang đọc về một miền đất
lạ có một loài thú lạ, với những tập tục lạ, cộng thêm phần khơi mào của bài
viết nói về tục thờ bò của người Ấn Độ, thì khó có ai đủ tỉnh táo để nhận ra
trò đùa của người viết. Đã vậy, chữ Rac trong bản tiếng Anh ngó cũng bình
thường như mấy từ Rat, Cat đều là tên gọi những loài thú. Thế là... ta cứ yên
tâm đọc tiếp mà không hề có một cảnh giác nào. Sức mạnh của thành kiến ghê gớm
đến vậy. Rõ ràng tác giả đã mô tả con Rac kia bằng tất cả những chi tiết của
một chiếc xe, có điều là cố tránh những thuật ngữ kỹ thuật, vậy là đọc đến gần
hết bài độc giả cứ hồn nhiên tưởng đó là con gì.
Trong một bài viết trước đây, bài Vọc nước giỡn trăng, tôi có
nói đến một tuyệt kỹ trong sách võ hiệp Kim Dung là Thủy Thượng Phiêu, tuyệt kỹ
của Cầu Thiên Nhậm, một cao thủ chỉ đứng sau Ngũ Bá. Đó là khả năng khinh công
thượng thừa có thể di chuyển trên mặt nước như chạy trên đất. Và tôi cũng đã
dựa vào đó mà nhắc đến khả năng nhìn ngắm thực tại mà không chìm đắm trong đó
để có thể thấy ra những khía cạnh khác nhau của thực tại, một điều không thể thực
hiện khi ta một mực bám chặt vào đó bằng một sự ngây ngô phiến diện. Một câu
nói, một âm thanh, lẽ ra có thể được ghi nhận bằng nhiều cách, nhưng không phải
ai cũng làm được chuyện đó.
Tôi gọi khả năng đó là Thủy Thượng Phiêu với một lời giải thích
là ta hãy tự bốc hơi khỏi những thói quen nặng nề để có thể nhìn xuống vấn đề.
Sau đây có thể xem là những bài tập. Trước hết ta đọc bằng mắt rồi tự nghiệm
xem có phải mình đang bốc hơi khỏi lớp vỏ ngôn ngữ để hiểu ra một vấn đề khác:
- VỢ LY CHỒNG TÁCH (đọc theo giọng Bắc): Có thể tuyệt đại đa số
người Việt Nam đọc thấy 4 chữ này trước hết sẽ nghĩ ly và tách ở đây là hai vật
dụng để uống nước và đã nghĩ vậy thì họ không hiểu 4 chữ này nói gì. Nhưng
những người Việt từng đi làm mấy công ty điện tử của Mỹ thì hiểu ngay rằng LY ở
đây là Assembly, một tiếng lóng để gọi công việc lắp ráp linh kiện điện tử và
TÁCH ở đây là ám chỉ Technician, kỹ thuật viên. Ở đây vấn đề không chỉ là biết
ngoại ngữ hay không, mà là ta có từng nghe qua hai công việc đó để có thể vượt
thoát sự ám ảnh của chữ nghĩa.
- CON GÌ CÀNG LỚN CÀNG NHỎ: Chỉ cần ta bị ám ảnh bởi ý nghĩa
thông thường của chữ CÀNG là sự phát triển theo tỷ lệ thuận thì khó lòng nghĩ
ra lời giải cho câu đố này. Người biết tiếng Anh sẽ dễ dàng nghĩ 2 chữ CÀNG
trên đây là The More... The More... Khi dịch ra tiếng Anh kiểu đó thì đến chết
ta cũng mù tịt câu đố. Nếu bình tâm, ta sẽ nhớ ra nghĩa thứ hai của chữ CÀNG.
Và đó mới là ý nghĩa cần có ở đây để ta có thể hiểu đó là con cua.
- VỢ BẦU CHỒNG BÍ: Bầu bí ở đây không phải hai thứ trái ta vẫn
nấu canh. Bị ám ảnh bởi ý nghĩa của hai chữ bầu bí cạnh nhau, ta không sao hiểu
ra cái ý nhị của 4 chữ này là khi người vợ có mang thì coi như ông chồng phải
kiêng khem việc gần gũi, vậy là bí quá đi mất!
- VẬT GÌ CÀNG KÉO CÀNG NGẮN: Vấn đề ở đây không phải ở hai chữ
CÀNG nữa, mà là chữ KÉO. Trong tiếng nói bình dân của người Việt trong nước bây
giờ, rít một hơi thuốc lá còn được gọi là kéo một hơi thuốc lá. Nếu quên mất
nghĩa hai này rồi loay hoay với mấy chữ còn lại thì chịu.
Những trường hợp sau đây cũng tương tự như vậy, nghĩa là người
ta phải biết vượt thoát những gì là khuôn sáo, lề thói, tập tính thì mới có thể
hiểu ra:
- VỢ CẢ, VỢ HAI, CẢ HAI ĐỀU LÀ VỢ CẢ: Vấn đề nằm ở cách hiểu mấy
chữ CẢ.
- HÔM QUA QUA NÓI QUA QUA MÀ QUA KHÔNG QUA: Vấn đề nằm ở các
nghĩa khác nhau của chữ QUA.
Dĩ nhiên trên đây không phải là những vấn đề Phật pháp. Tất cả
chỉ là những dẫn chứng để ta tự thấy mình đã làm sao để hiểu được cái ẩn ý
trong ngôn ngữ. Đó chỉ là những ví dụ. Không phải chỉ chừng đó là đủ để giác
ngộ. Tôi nhớ trong triết Tàu có thuật ngữ Hình Nhi Thượng được dùng để gọi
những ý nghĩa hay khía cạnh tiềm ẩn hoặc nằm ngoài lớp vỏ ngôn ngữ, hình ảnh
buộc người ta phải dụng công và sáng ý mới thấy ra. Trong tiếng Việt có thành
ngữ Đọc giữa hai hàng chữ cũng nhằm ý đó và người Tây phương thì vẫn bảo những
gì ta nghe thấy qua một lần thường chỉ là phần nổi của một khối băng sơn, nghĩa
là chưa đủ để kết luận điều gì hết.
Trong niềm thành tín của một người tin Phật, tôi cho rằng mỗi
lời nói của Thế Tôn đều đạt mức Cần và Đủ. Thừa hay thiếu không phải ngôn phong
của bậc đại giác như đức Phật. Lời Phật từ đó phải được chiêm ngắm, thấm thía
bằng con mắt thứ ba nằm giữa cặp mắt thịt của mỗi người. Và theo tôi, cái độc
đáo của một câu nói là sự hàm súc. Hàm súc mà rối rắm quá thì cũng chưa phải
tuyệt cú. Cái tinh diệu trong ngôn ngữ phải là lời ít ý nhiều và để cảm nhận
được những câu cú kiểu đó, ta cũng cần phải dụng công. Đó cũng là sự hợp tác,
cộng hưởng giữa người đầu bếp và người thưởng thức. Tôi biết cách nấu thì anh
cũng phải biết cách ăn chứ. Thực bất tri kỳ vị thì hoang phí quá. Nỗi ấm ức của
anh đầu bếp lúc này cũng đau như của anh nhạc sĩ trong hoàn cảnh đờn gảy tai
trâu.
Cuộc trầm luân là một biển lớn, mỗi phận đời là những bèo bọt
nổi trôi, những giọt nước sinh hóa theo quy tắc trùng trùng duyên khởi, sóng
sau dồi sóng trước. Nếu có được khả năng bốc hơi theo chiều hướng tích cực nhất
thì những giọt nước kia dĩ nhiên sẽ có một ngày bay về trời thẳm, tham dự vào
những đám mây phiêu bồng rồi lại hóa kiếp về sông, về biển tiếp tục lợi tha cho
đến ngày đại công cáo thành. Mong lắm thay!
by Toại Khanh
Nguồn: Vietheravada.net/van
No comments:
Post a Comment