Monday, September 12, 2022

Chia tay Đích Lư

Hình chụp bên cạnh tủ sách ở căn nhà cũ 40 Hồ Xuân Hương



Với bé Bống, trước nhà 9B Lê Chân

Chính thức tiễn em -- con chiến mã đã gắn bó 29 năm đến giờ.

Người ta bỏ ra 6 chẹo gưỡi năn nỉ xin cưới em. Hồi đó cưới em giá xem xém hơn 6 lượng vàng. Nhớ lúc đó chạy xe đến công ty, dựng xa xa riêng một mình không cho ai đụng em, chảnh pà cố luôn. Đã vậy còn gan cùng mình, nói với bạn bè: Giám đốc mà có mượn thì sẽ nói, thôi anh cầm đỡ mấy ngàn đi xích lô, xe em mới mua không cho mượn. Thề, chuyện có thiệt! Mà hồi đó giám đốc đi chiếc honda dame cùi bắp nữa chớ. Hình như ổng nghe được, ổng xuống nói, xe em mới mua hả, cho anh mượn chạy thử một vòng!!! :)))).
Hai lần em làm con Đích Lư quăng chủ, mà vẫn ổn. Bạn bè tỉnh xa ghé đến, chắc cũng khá quen thân với em, cũng vài lần độ chân cho mấy kẻ viễn du. Mấy mùa biển êm đến biển động dựng em ngay bờ biển rồi xuống bơi vòng vòng, chả sợ ai lấy.
Hôm nay thì "ta tiễn em về đi với người", chính thức từ giã loại xe chân thắng chân số. Có lẽ người ta sẽ đưa em vào bộ 'sưu tập' nào đó. Mong là em và chủ mới sẽ làm nhiều kỷ niệm với nhau và luôn an vui như chúng mình đã từng từ cái thuở hàn vi.

~ 12/9/2022,
(ngày lính Nga chạy trốn ra khỏi Ukraine)

Sunday, September 11, 2022

Trăng nước bạc màu

 


Chợt nhận được tin nhắn trong phone: "Anh đãi ông Địa một ly bạc xỉu". Lại nhớ nhà. Lục máy tính tìm cái hình chụp chung với... ông Địa hồi xa lắc lơ.

Năm 2003, có người thuê nhà để mở tiệm Net. Ông Địa nhập hộ khẩu vào nhà cùng với máy móc, bàn ghế. Vài ngày cứ là ông Địa được nải chuối, hoặc cà phê. Năm 2005, tiệm Nét đóng cửa. Mọi máy móc bán thanh lý chỉ còn lại ông Địa không ai mang đi. Dù gì thì ông Địa cũng ở đây làm khách (hay làm chủ nhà) hai năm rồi, lúc ế ẩm hay có vấn đề gì đó mọi người đều nghĩ đến ông và thì thầm một lời nhờ vả ông, nay không thể bỗng nhiên trục xuất ông ra đường. Thế là ông Địa ở lại. Nhà không có buôn bán gì, nên ông Địa cũng cam phận bị thất sủng.

Lâu lâu lại thoảng nghe mùi nhang, đó là lúc má lẩm cẩm bỏ đâu mất cái gì đó và lại nhờ ông Đia tìm giúp. Bé Bống hồi đó mất tập mất vở, cũng nhờ ổng kiếm gìùm. Thỉnh thoảng dọn dẹp nhà cửa, thấy bàn thờ ổng trống trải quá cũng mời ổng uống trước giùm ly cà phê.

Nhớ xưa đọc đâu đó (trong Phi Long Diễn Nghĩa thì phải) là bàn thờ ông Địa trước đây đặt trên cao, khi vua Càn Long vi hành Giang Nam vào một quán thiệt là đông khách, vua không còn chỗ ngồi, nhìn thấy ông Địa ngồi trên bàn liền sai người dẹp xuống dưới đất. Thế là sau đó không thể đưa được ông Địa lên bàn nữa bởi ông Địa không chịu lên, vì lệnh thiên tử ban ra là ông Địa phải ở dưới đất. Còn có một người bạn kể ông Địa rất thích nhìn các cô mặc mini jupe, nên ông đã chọn một chỗ ngồi cho phù hợp sở thích. Bởi vậy, nên quí bà quí cô mặc đầm cũng đừng có ngại khi tiếp cận ông Địa nha, no star where!

Hôm về lại nhà sau cơn bão khủng tháng 11, thấy chiếc dĩa trên bàn thờ ông Địa -- vốn khá nặng -- không hiểu sao bị lật úp xuống đất mà không bể; nơi ông Địa ngồi là cạnh giếng trời bên trên là lưới B40 ắt là gió luồn xuống mạnh lắm. Nhà cửa sau bão vẫn yên ổn, lòng cũng thầm cảm tạ ông Địa. Lần này bán nhà thì chắc chia tay ông thật sự rồi. Biết làm sao được đành ngâm nga câu hát "trăng nước bạc màu, người đành bỏ người như sương khói sau chuyến tàu"

Sunday, September 4, 2022

Kinh Thôn Tiên (Trung Bộ Kinh 116)

Kinh Thôn Tiên (Isigili Sutta). 

Thôn Tiên không phải là một thôn nào đó toàn tiên nữ. Mà 'thôn' ở đây có nghĩa là nuốt trộng, nuốt chửng, nuốt nguyên con, nuốt trọn gói.

Năm trăm vị Phật Độc Giác đã từng cư trú ở Isigili trong một thời gian dài. Người ta thấy họ khi họ vào núi nhưng vào khuất bên trong thì không thấy nữa nên nói rằng núi đã nuốt chửng các nhà hiền triết và vì vậy nó có tên là Isigili (Isī gilatī ti = Isigili).

Chú giải sư Buddhaghosa cho biết thêm rằng khi các vị Độc Giác Phật khất thực trở về thì tảng đá mở ra như một cánh cửa cho họ vào. Bên trong tảng đá họ đã tự làm cho mình nơi trú ẩn.
Bên cạnh "Thôn tiên" này có một tảng đá đen tên là Kālasilā

Kālasilā?
Trong Tiểu Kinh Khổ Uẩn, (Kinh Trung Bộ số 14), đoạn 179, có nói một số lượng lớn mấy ông theo Ni Kiền Tử (Nigantha) sống tại Kālasilā, không bao giờ ngồi xuống, trải qua những cơn đau quỷ khốc thần sầu, theo lời dạy của Nigantha Nātaputta. Đức Phật hỏi họ về những thực hành của họ và giảng cho họ bài Tiểu Kinh Khổ Uẩn và sau này Ngài kể lại cho ông hoàng Mahānāma nghe.
Link bài kinh đó ở đây: https://vietheravada.net/kinhdien/MNdoichieu/MN-14.htm

Isigili cũng là hiện trường vụ tự sát của hai vị Godhika và Vakkali và cũng là nơi bọn côn đồ tấn công sát hại ngài Moggallāna (Mục Kiền Liên). Chúng bằm nát ngài như tương, tưởng ngài chết, chúng bỏ đi. Ngài dùng định lực về đảnh lễ Phật và nhập diệt tại Kāḷasilā. Lễ trà tỳ ngài được tổ chức trọng thể. Phật cho thu gom xá lợi của ngài và dựng tháp thờ trong Veḷuna

Tìm hoài trên mạng không thấy hình Thôn Tiên Isigili mà chỉ thấy video mờ nhạt của ngọn núi, kèm theo hình những xá lợi của ngài Mục Kiền Liên. Link ở đây:
https://www.youtube.com/watch?v=NoJas_IrA0s

Nội dung bài kinh này nói gì? Đức Thế Tôn đã kể lại nguyên do ngọn núi có tên là Isigili, Ngài nêu lên danh hiệu của một số chư Phật độc giác, nói lên lời tán thán. Do câu Phật ngôn sau cùng của kinh nầy nên tại Tích Lan Kinh Thôn Tiên được trì tụng như một bài kinh cầu an.

Xem bài kinh ở đây:
https://vietheravada.net/kinhdien/MNdoichieu/MN-116.htm

Nghe tụng Pali bài kinh này ở đây:
https://www.youtube.com/watch?v=imxq-Cr_P80

KỆ TỤNG
Khi ở thành Vương xá
Từ đỉnh núi Thôn tiên
Phật chỉ các ngọn núi
Vây quanh thành Vương xá:
Ve-bhā-ra (Phụ trọng)
Pan-da-va (Bạch thiện)
Ve-pu-lla (Quảng phổ)
Gijja-kā-ta (Linh thứu)
Những núi này xưa kia
Ðều mang những tên khác
Duy có tên Thôn tiên
Trước sao nay vẫn vậy.
Do đâu có tên này
Là I-si-gi-li (Thôn tiên)?
Xưa năm trăm Ðộc giác
Tu trong này khá lâu.
Họ đã vào trong núi
Rồi không thấy trở ra
Nên quần chúng bảo nhau:
Núi này nuốt (thôn) ẩn sĩ.
Và Phật kể danh xưng
Mười ba vị độc giác
Ðã trú trong núi ấy
Cùng nhiều ẩn sĩ khác.
Họ là những tinh hoa
Của tất cả hữu tình
Ðã nhổ mũi tên khổ
Và dứt sạch tham ái;
Ðã tự mình chứng đắc,
Ðã đoạn tận tái sinh
Ðã từ bỏ chấp thủ
Nguồn gốc của khổ đau;
Ðã đánh bại quân ma,
Ðã đoạn trừ tai nạn
Có can đảm phi thường
Thọ hình hài sau chót
Những con người vô cấu
Ðã đoạn hữu kết sử,
Ðã thắng mọi chiến trận
Ðã đạt đến Niết-bàn.

Thương

 




Thương con một nụ cười hiền
Thương con sớm bỏ cõi phiền mà đi
Thương anh đời chẳng thiên di
Nụ cười nắng lóe, bờ mi canh trường

(Thương về cháu Khánh Trang 1/10/1989 - 24/8/2022)



Saturday, September 3, 2022

Tạm biệt.. và cảm ơn Trang

 

Tạm biệt..
và cảm ơn Trang
=====
Tối qua sau khi xong trương trình livestream, tôi bị shock một lúc khi nhận được tin Trang Dao, một trong những quản lý của Dr. Wynn Tran Youtube và moderator của Dr Wynn Tran Group, qua đời .
Cách đây 2 năm, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu đỉnh điểm và khi kênh Youtube/Facebook ngày càng có nhiều người theo dõi, tôi đăng tin tuyển moderator và trợ lý cho kênh thì tôi nhận được tin nhắn của Trang. Sau phỏng vấn, tôi nhận Trang vào làm ngày vì Trang thông thạo 3 thứ tiếng: Anh-Pháp-Việt. Trang giúp cải thiện các tương tác trên kênh Youtube, làm một số video sub tiếng Pháp cho các bài nói chuyện của tôi. Tôi thật sự bất ngờ vì kỹ năng IT và quản lý của Trang. Để giúp quý khán giả dễ tìm câu hỏi đã đặt, Trang cẩn thận gõ lại từng câu hỏi sau mỗi chương trình.
Mỗi lần livestream, nhất là trong đại dịch Covid-19, hàng ngàn câu hỏi khắp nơi đổ về, Trang và các bạn trong team cẩn thận lựa ra những câu hỏi trực tiếp hay nhất, liên quan nhất và có thể giúp nhiều người nhất đưa vào inbox cho tôi trả lời.
Trang đã thầm lặng giúp đỡ cộng đồng như vậy trong lúc cô phải chịu đựng những cơn đau kinh khủng, hành hạ cơ thể khi chống chọi với căn bệnh ung thư máu giai đoạn cuối.
Có lần Trang hỏi tôi về Thủy "Muối", một người bạn thân đã sáng lập tổ chức Ung Thư Thủy Muối (SCI). Tôi trả lời là khi nào có dịp gặp tại Canada thì tôi sẽ kể về Thủy. Giờ đây thì cơ hội đó không còn nữa. Tôi muốn nói rằng Trang và Thủy là những người bạn tôi quý nhất vì cả hai đều sống hết mình vì mọi người.
Các vị trí quản lý và moderator ở Dr. Wynn Tran yoututbe/facebook đều là thiện nguyện nên chỉ có những ai thật sự rất tâm huyết cho cộng đồng mới dành thời gian phụ giúp. Với gần 1 triệu người theo dõi trên youtube/facebook, tôi không thể làm tốt việc của mình nếu như không có Trang và các bạn trong team Dr. Wynn Tran giúp đỡ.
Cảm ơn Trang đã cùng tôi giúp đỡ cộng đồng trong đại dịch Covid-19, giúp tôi hơn 100 video về Covid-19.
Cảm ơn các bạn Team Dr. Wynn Tran gồm Thuy Duong (Vietnam), Nhi Truong (USA), Nguyen Nguyen (USA), Minh Tran (Australia), và bác Thien Ho (USA) đã và đang giúp chương trình Dr. Wynn Tran ngày càng tốt hơn.
Để tưởng nhớ Trang, trong chương trình livestream thứ Sáu tuần tới, tôi sẽ nói về ung thư máu. Mong gia đình và người thân của Trang sớm vượt qua mất mát này.
BS Wynn Tran, Los Angeles, Hoa Kỳ

Friday, September 2, 2022

NAKED




Ta đến trần gian không mảnh vải
Cũng sẽ ra đi với tấm thân trần
Ta đến trong hình hài yếu ớt
Cũng chẳng hề mạnh mẽ lúc ra đi.
Hành trang khi đến chẳng có gì.
Rồi khi đi cũng chẳng mang theo được.
Tắm lần đầu phải nhờ tay ai đó
Rồi lần cuối cùng cũng chẳng biết ai lo
Đời là vậy! Sao ác ý đố kỵ.
Sao hận thù, sao ích kỷ mưu toan.
Kiếp nhân sinh hữu hạn, chớ đa đoan
Hãy thở cười với tâm tình bi mẫn
(Nhị Tường dịch)

-----------
You came naked,
You will go naked.
You arrived weak,
You will leave weak.
You came without money and things,
You will leave even without money and things.
Your first bath? Someone washed you,
Your last bath? Someone will wash you.
This is life!!!
So why so much malice, so much envy, so much hate, so much resentment and so much selfishness?
BE KIND to everyone, smile often and do good deeds. Remember our time is limited on Earth don’t waste it in uselessness

Thursday, September 1, 2022

Cát bụi mệt nhoài.

Lúc đó đã gần trưa, có chuông điện thoại. Là anh tôi gọi. Vừa bấm nghe, bên kia anh tôi khóc òa, to lắm: "Tuyền ơi, anh đau khổ quá!". Tôi hơi mất bình tĩnh, hỏi anh có chuyện gì?

Anh nói: Bé Khánh Trang mất rồi!


Hai lần trong đời, tôi chứng kiến hai người đàn ông khóc to nức nở như vậy.
Năm 1986, tôi và ba về Nam Định lần đầu tiên. Sau ba mươi hai năm, ông một thân một mình ra đi rồi trở về, ba tôi khóc òa, to lắm, vừa khóc vừa mếu máo: "Cô Tí ơi, con đã về đây. Thằng Nam của cô đã về đây".
Khi ấy tôi còn quá trẻ để hiểu tâm trạng của ba, để cảm nhận trong tiếng khóc ấy chứa đựng nhiều nỗi niềm, có cả ray rứt ân hận (vì đứa con duy nhất đã bỏ cha mẹ già ở lại mà vào Nam), và cả niềm vui trùng phùng, được tìm lại, tìm thấy, tìm gặp.
Còn bây giờ, tiếng khóc xé lòng của anh tôi là tiếng khóc đau đớn, mất mát không gì sánh được.
Tôi và em gái liền ra với anh để an ủi anh.
Anh vừa qua cơn bệnh nặng năm ngoái, đang trong quá trình hồi phục, sợ anh xuống tinh thần.
Khi một người ra đi thì những người còn lại sẽ nghĩ gì? Tôi nghĩ, có lẽ, không ngoài chuỗi hồi tưởng miên man về những kỷ niệm.
Đào Duy Khánh Trang là trưởng nữ của anh tôi. Tên của cháu ghép đôi hai địa danh thân thương quê nhà: Diên Khánh - Nha Trang.
Cháu đi học ở Canada năm 18 tuổi và ở lại làm việc đến khi cháu mất vì một căn bệnh hiểm nghèo ở tuổi 33.
Lần gần nhất tôi gặp cháu cách đây 12 năm trong đám cưới của anh cháu. Tôi mở máy tính xem chậm album hôm đám cưới. Cháu tôi, cô gái bé nhỏ, dịu hiền, xinh đẹp, có nụ cười thật tươi, rạng rỡ. Tôi lục tìm những tấm hình ngày cháu còn bé, nhỏ xíu, e thẹn dễ thương làm sao.
Rồi cô cháu chỉ liên lạc qua facebook.
Sống, làm việc ở Canada nhưng cháu rất quan tâm tình hình Việt Nam với những suy nghĩ tích cực và nhân văn. Thỉnh thoảng tôi và cháu có trao đổi những thông tin cháu chưa hiểu. Qua đó, tôi luôn nhìn thấy những suy nghĩ trong sáng và rất lạc quan của cháu. Cô cháu gái hiền hậu, thùy mị, thông minh và có trái tim nhân ái.
Tôi xem lại những album trên facebook của cháu. Tấm hình nào cũng xinh đẹp, căng tràn sức sống.
Tôi gửi cho anh tôi những tấm hình của cháu.
Anh nhắn: "Nhìn nụ cười tỏa nắng của con gái mà thương con vô cùng".
Gia đình lớn của chúng tôi, những ngày này rất buồn, không định viết, muốn để mọi thứ qua đi, nhưng thương cháu quá.
Chúng ta đến thế giới này để nói lời chia tay, mỗi người một cách. Dù biết là như vậy nhưng đau quá, xót quá.
Bé ơi, như một lời chia tay cô Tuyền thương yêu gửi đến con. Thân nhẹ nhàng như mây, con nhé.
(by Cô Tuyền)

https://www.lepinecloutier.com/necrologie-avis-de-deces/67932-khanh-trang-dao-duy?fbclid

Đọc Kinh Vương Tử Bồ Đề

 


Bài Kinh 85 Trung Bộ Kinh- Kinh Bồ Đề Vương Tử thú vị ghê. Mô tả gần như trọn gói quá trình chứng đạo và hoằng pháp đầu tiên của Đức Phật.

-----
* Ông Vương Tử Bồ Đề này quy y Phật 3 lần khi còn trong bụng mẹ và khi bà vú ẵm nách (Đoạn 346).
Theo Chú giải, ông Vương tử Bồ-đề không con, mong muốn có một con trai. Ông nghe nói cúng Phật thì có thể thỏa mãn ước nguyện, nên trải một tấm vải trắng và nguyện: nếu Phật dẫm lên tấm vải, thì ông sẽ có con trai; nếu Phật không dẫm lên tấm vải thì không. Thế nhưng Phật đã không dẫm lên tấm vải, bởi biết do ác nghiệp quá khứ nên ông không thể có con. Kiếp xưa vợ chồng ông là thương buôn chìm tàu dạt trên đảo hoang. Không có gì ăn họ ăn toàn trứng chim suốt. Do tội ăn trứng, lúc ăn thì cũng biết mình ăn mầm sống, nên đời đời sinh ra không con. (Có lẽ bạn nào hiếm muộn cũng không nên ăn trứng). Hơn nữa, Ngài không làm như vậy bởi nếu thiên hạ cứ vì cung kính chư tăng mà được thỏa nguyện thì sau này họ sẽ không cung kính nữa nếu mong cầu của họ không được đáp ứng. (Đoạn 325)
------
Đoạn 327-328 nói về quá trình học với những vị thầy: Alara Kalama, Uddaka Ramaputta, chứng Phi tưởng phi phi tưởng.
Ngài học hết bài của mấy ổng, tốt nghiệp hạng xuất sắc, được giữ lại trường giảng dạy luôn. Ông thầy Uddaka Ramaputta nói: "Tôi như thế nào, Hiền giả là như vậy; Hiền giả như thế nào, tôi là như vậy. Nay hãy đến đây, Hiền giả, hai chúng ta hãy chăm sóc hội chúng này!"
Nhưng Ngài chê: "Pháp này không hướng đến yểm ly, không hướng đến ly tham, không hướng đến đoạn diệt, không hướng đến an tịnh, không hướng đến thượng trí, không hướng đến giác ngộ, không hướng đến Niết-bàn, mà chỉ đưa đến sự chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ".
Rồi Ngài bỏ đi tiếp.
-----
Ngài nghĩ rằng nếu muốn chứng đắc cần phải buông bỏ những khát vọng về thân cũng như về tâm.
"Cũng vậy, này Vương tử, những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn sống xả ly các dục về thân, những gì đối với các vị ấy thuộc các dục, như dục tham, dục ái, dục hôn ám, dục khác vọng, dục nhiệt não, về nội tâm được khéo đoạn trừ. Nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này thình lình cảm thọ những cảm giác chói đau, khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị ấy có thể chứng được tri kiến vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Và nếu những Tôn giả Sa-môn hay Bà-la-môn này không thình lình cảm thọ những cảm giác khổ đau, kịch liệt, khốc liệt, các vị này cũng có thể chứng được tri kiến vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Này Vương tử, đó là ví dụ thứ ba, vi diệu, từ trước chưa từng được nghe, được khởi lên nơi Ta."
Sau đó là quá trình hành xác, tu thiền nín thở, nhịn ăn vv.. đến sắp chết, chư thiên vẫn tìm cách duy trì sự sống của Ngài. Và cuối cùng Ngài ăn trở lại, vì có khổ hạnh đau đớn cũng không thể chứng đạo.
--------
Từ đoạn 335 bắt đầu nói về quá trình đắc chứng Tam Minh của Ngài.
"...Này Vương tử, đó là minh thứ ba mà Ta đã chứng được trong canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần."
Ngài dạy muốn tu chứng phải có 5 tinh cần chi:
1. Tin Phật;
2. Có sức khỏe, ít bệnh;
3. Trung thực không gian trá;
4. Siêng năng từ bỏ các bất thiện và tu tập thiện pháp;
5. Có trí tuệ về sự sinh diệt của các pháp.
Nếu như vậy thì vị ấy có thể đắc lậu tận trong bảy năm. Cũng có thể là sáu, năm, bốn, ba, hai, một năm, cho đến bảy tháng, sáu, năm, bốn, ba, hai, một, nửa tháng, cho đến bảy đêm ngày. Lại có thể có người được giảng dạy buổi sáng thì buổi chiều đã chứng đắc. (Đoạn 345)
------
Sau khi chứng đạo, Ngài thấy rằng thật khó mà nói cho thế gian hiểu đạo của Ngài.
"Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục. Ðối với quần chúng ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó mà thấy được định lý Idapaccàyata Paticcasamuppada (Y Tánh Duyên Khởi Pháp); sự kiện này thật khó thấy; tức là sự tịnh chỉ tất cả hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Nếu nay Ta thuyết pháp mà các người khác không hiểu Ta, thời như vậy thật khổ não cho Ta, như vậy thật bực mình cho Ta!"
Pháp do Ngài chứng mà Ngài còn thấy khó nói nữa, vậy mà các facebookers chúng ta biết tí xíu như hột mè lại cứ thích vanh vách giảng cho người này người kia kiểu khoe pháp. :)))
-----
Phạm Thiên Sahampati đã thỉnh Ngài thuyết pháp. Nếu không có ông này có lẽ chúng ta giờ cũng mù tịt về đạo Phật. Đời đời nhớ ơn ổng sống mãi trong đạo nghiệp của chúng ta. 🙂 . Ổng nói, căn cơ chúng sanh đủ kiểu đủ cỡ như hoa sen trong hồ, có người này người kia, xin Ngài hãy từ bi mà thuyết. (Đoạn 339). Nếu như ngài Sahampati xuống vào thời này, ắt sẽ nói, còn có loại sen đột biến nữa thưa Phật....
------
Và Ngài nói với Phạm Thiên Sahampati một bài kệ
‘Apārutā tesaṃ amatassa dvārā,
Ye sotavanto pamuñcantu saddhaṃ;
Vihiṃsasaññī paguṇaṃ na bhāsiṃ,
Dhammaṃ paṇītaṃ manujesu brahme.
Sở dĩ mình ghi Pali ra đây, vì bên PG Tích Lan cho rằng bài kệ này là gần giống như câu thần chú hộ thân, khi nào trong cuộc sống gặp sự rắc rối cần sự suôn sẻ, cứ chuyên tâm tụng câu này trong thời gian ngắn thì cái gì cũng xong. Nếu không giải quyết được thì tối thiểu cũng được sự yên tâm.
Nếu trong tiếng Việt có những bài thơ đọc từ dưới lên vẫn đầy đủ ý nghĩa và giữ nguyên nghĩa thì bài thơ Pali này cũng đặc biệt như vậy.
HT Thích Minh Châu dịch Việt:
Cửa bất tử rộng mở, cho những ai chịu nghe.
Hãy từ bỏ tín tâm, không chính xác của mình.
Tự nghĩ đến phiền toái, Ta đã không muốn giảng,
Tối thượng vi diệu pháp, Giữa chúng sanh loài Người.
(Ôi Phạm thiên)
Sư GN dịch:
"Cánh cửa bất tử nay đã được mở ra, những ai có tai để nghe xin mở rộng niềm tin của mình. Từ lâu lắm rồi (pagunam: thời gian rất dài) chỉ nghĩ đến chuyện mệt mỏi (Vihimsasaññī), nên ta đã không có nói pháp vi diệu cho chúng sinh, này Phạm Thiên (Brahme). Dịch ngược lại từ hàng cuối cùng lên nghĩa vẫn giống nhau: Này Phạm Thiên, từ lâu lắm rồi, chỉ nghĩ đến mệt mỏi, pháp này là pháp ngược dòng, nói cho người nghe không phải là chuyện dễ dàng, đơn giản, nên ta đã không có lòng nói pháp.
Câu Pāḷi này đặc biệt là dịch ngược từ hàng cuối cùng và chữ cuối cùng, câu số 1 xuống câu số 4 và câu số 4 lên câu số 1 đều nghĩa giống nhau; đọc ngược cũng được đọc xuôi cũng được, chính là lý do giúp cho mọi sự được suôn sẻ giống như bài kệ này, trên xuống hay dưới lên, kiểu nào cũng ok." (Trích NKCBK)
Đó là những gì thú vị của bài kinh. Mời quí vị thưởng thức Pali -Việt ở đây:

Sống khôn thác thiêng

“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...