Thơ Dã Quỳ Nguyên Giang, nhạc Nhị Tường
Thursday, May 26, 2022
TAY MẸ NGÀY XƯA
TRẢ
Thơ Ngô Ngọc hà, nhạc Nhị Tường
Youtube: https://www.youtube.com/watch?v=si5SiQ2wAnA
Tải sheet nhạc: https://vietheravada.net/tho/tra.pdf
Trả Trả hết phiền ưu chốn chợ đời Trả người kỷ niệm dưới sương mơi. Trả bao mùa đợi hoa đào nở Trả những đêm chờ con chữ rơi. Trả nụ hồng xưa về cuối nẻo Trả vần thơ cũ lại chân trời. Trả ai câu hẹn tình tri kỷ Trả sạch nhớ thương, cạn tiếng lời! Tây Ninh, 03-05-2022 Huyền Không Đạo Hữu
Tuesday, May 24, 2022
LỄ TỐT NGHIỆP CỦA BỐNG
Cảm ơn con đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc với chứng chỉ đại học tối ưu (Summa Cum Laude). Và đã có job ngay khi vừa ra trường.
Con có biết là mẹ xem live của trường con mà mắt cứ mờ đi và sống mũi cứ cay cay miết
Ngày xưa mẹ chở con đi đến chùa nuôi trẻ em mồ côi, trên đường về, con nói rằng con ước gì con có nhiều tiền để cho họ. Đúng rồi con ạ, đồng tiền cho đi là đồng tiền mang lại hạnh phúc cho mình. Mẹ mong con vẫn giữ tâm hồn trong trẻo đó mãi. Không bao giờ manh nha trong lòng một chút tâm hại người, và sống thường xuyên chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh con nhé.
Cả nhà yêu con
22/5/2022
Saturday, May 21, 2022
ĐỂ TRẢ LỜI MỘT CÂU HỎI
Nhạc Nhị Tường
Thơ Toại Khanh
Em hỏi tôi ngày trở về cố quận Tôi trả lời đâu cũng chốn quê hương Em hỏi tôi bao giờ thôi lận đận Xin thưa em tôi suốt kiếp trên đườngFriday, May 20, 2022
NHỮNG SỢI DÂY MÀU VÀNG
Đó là một ngày, có thể nói là hạnh phúc
nhất trong đời của Bố Mẹ. Gánh nặng đã đặt xuống khi cách đây hai hôm Bống nói đã
thi xong môn cuối cùng và làm bài rất tốt. Bống cũng nói rằng Bống đã có job
luôn rồi. Phần còn lại là chọn áo quần
để xúng xính ngày lễ tốt nghiệp vào Chủ Nhật 22/5/2022.
Bống gởi cho mẹ xem hình bộ lễ phục sẽ mặc
ngày lễ tổng kết rồi giải thích những phụ kiện đi kèm bộ áo. Dây vàng là học
sinh giỏi, Bống được 2 sợi dây vàng, trường phát cho. Mẹ nói, cái này ai thích
thì mua cũng được hả. Bống nói, người ta coi điểm của mình, rồi phát free cho
mình sợi dây vàng này. Còn nếu muốn mua để lòe chơi thì phải ở trong hiệp hội
những học sinh giỏi mới mua được. Dây xanh với huy chương là của Honor Society,
một hiệp hội mà Bống đã tham gia khi học lớp 12 ở New York. Cái màu cam hình
tròn là tượng trưng ngành khoa học mà Bống học. Cái đồng xu tòn teng là của tổ
chức Honor Society v.v... Bống nói một lát mẹ quên hết trơn, mà có nhớ
thì mai kia mốt nọ cũng quên. Thôi thì có gì cứ ghết lên hết để mẹ ngắm.
Hôm trước Bống khoe có job, có thể
nuôi mẹ rồi, hôm sau Bống hỏi mẹ có kể cho Bố chưa. Mẹ nói Bố đi Nha Trang rồi,
mẹ không muốn text chat điều đó với Bố, mà Mẹ muốn đợi Bố về để nhìn biểu cảm
trên khuôn mặt Bố. Và rồi khi Bố về, Mẹ đã kể cho Bố. Mẹ nghe Bố hát suốt ngày,
đi ngang qua phòng Mẹ là Bố lại tấp vô nói về Bống. Thế rồi buổi chiều hôm sau,
Bố lục tủ của Mẹ lấy tập nhạc Bố đã tặng mẹ ngày rất xưa, để chụp hình làm
cover. Bố đi thu âm ngay một bài hát. Có vẻ như chưa bao giờ Bố hát hay như
thế, dù mới bị gãy 8 xương sườn cách đây ba tháng.
Các con hãy nghe bài hát,
để thấy chút tình mà Bố Mẹ gởi gắm vào trong đó.
Con nghe bài hát đi rồi sẽ thấy ước mơ đơn giản của Bố Mẹ đã vì các con mà gián đoạn bao nhiêu năm. Con có nhớ bài thơ viết về căn nhà “9B Đường LC” mà mình hay hát nhái theo bài Romeo et Juliette (Nào có đâu nhiều thời gian để yêu, lúc ta cùng nhau, sống trong căn nhà, 9B đường Lê Chân). Từ lúc mua căn nhà đó xong Bố Mẹ đã tưởng nghỉ ngơi sau khi có một số tiền nhàn rỗi đã mua miếng đất ở Phước Đồng với mục đích sau này làm một căn nhà như bài hát trên. Thế rồi Belle đi học Sài Gòn. Bố mẹ đã bán miếng đất đó đi và mua căn nhà cho Belle ở và học. Rồi đến miếng đất bên bờ biển mình cho bà Tư Mộc thuê để Bống có tiền đi học, đó là nơi mà mẹ vẫn mong sẽ ở đó cuối đời. Mẹ mong mỗi sáng thức dậy đi bộ thể dục trên cát dọc theo mép nước biển. Ùm xuống nước bơi một vòng. Sau đó lên nhìn người ta đánh cá vào mua vài con cá nướng hay nấu ngọt qua ngày tháng. Chỉ đơn giản vậy thôi mà cuối cùng thì cũng bán hết tất cả. Và bán luôn cả căn nhà từ đường bà ngoại dành phần cho mẹ. Chỉ để cho Bống có một ngày như ngày hôm nay!!!
Những mơ ước của Bố Mẹ rồi cũng cứ mai một dần, kể lại như một kỷ niệm xưa mà thôi. Mọi thứ đều vô thường, kể cả những ước mơ những mộng mị. Bố Mẹ không hề nuối tiếc điều gì cả. Vẫn còn một căn nhà cho chúng ta trong Sài Gòn này, cho bất cứ khi nào ngựa hồng mỏi vó, con muốn trở về quê hương. Tại căn nhà này, mẹ vẫn cất tất cả những kỷ niệm của các con, sách vở học từ cấp 1, kể cả kỷ niệm… mối tình đầu của các con mẹ cũng giữ giùm. “Về đây với những thương yêu hàng ngày” bất cứ khi nào con muốn....
Thế là Bố Mẹ đã xong nhiệm vụ. Hai con đứa
nào cũng đã tốt nghiệp đại học, có thể tự kiếm cơm nuôi sống bản thân, tự điều khiển
cuộc đời của mình. Bố vẫn còn đam mê với những công trình toán học. Nhưng Mẹ thì
sẽ không làm việc nữa, mẹ muốn thảnh thơi sống một tuổi già ngông ngênh theo ý
mình muốn. Cảm ơn các con đã không phụ lòng Bố Mẹ.
PS, Mẹ thật nôn nóng đến ngày Chủ Nhật để
ngắm Bống trong bộ áo cử nhân :)
Sài Gòn, khuya 20/5/2022
Wednesday, May 18, 2022
MẠT PHÁP
MẠT PHÁP
Mạt pháp, nghĩa là kinh tạng sẽ bị lãng quên, giáo pháp không được người ta tầm cầu nghiên cứu học hiểu và hành trì.
Chỉ cần gõ mấy chữ "lễ Phật Đản 2022" trên Facebook thì sẽ thấy đó đây hình ảnh tưng bừng lễ Phật Đản. Rất nhiều hình ảnh cho tôi cái cảm giác đang có một thứ đạo nào đó thật quái dị mà người ta tưởng là đạo Phật.
Ngài -- Đức Phật -- khi còn là thái tử đã lặng lẽ bỏ cung vàng điện ngọc ra đi trong đêm, 6 năm khổ hạnh rừng sâu. Giờ đây người ta rước ngài lên xe hoa rực rỡ chở về nơi rực rỡ hơn cung vàng điện ngọc. Rồi người ta làm sân khấu sặc sỡ lòe loẹt, treo đèn kết hoa và tổ chức văn nghệ múa may quay cuồng nơi đó.
Bốn mươi năm độ sinh, Ngài một bát 3 y, chân đất đi khất thực. Giờ lũ chúng sinh nhân danh con Ngài ăn mặc vàng đỏ như... tề thiên, múa lân, diễu hành trên phố.
Trong đời của mỗi vị Phật có tối thiểu một lần họp mặt đại chúng tỳ kheo vào Rằm tháng Giêng, tất cả đều tập họp lại đó để nghe Đức Phật thuyết cương lĩnh giáo pháp:
Không làm các điều ác,
thực hiện các hạnh lành,
giữ gìn tâm trong sạch,
sa môn thường kham nhẫn
không hãm hại một ai,
sống thu thúc lục căn,
uống ăn thường tiết độ,
sống nhàn tịnh độc cư
tỉnh thức không mê ngủ.
Cương lĩnh giáo pháp của Ngài: thu thúc lục căn, sống tri túc, nhàn tịnh, độc cư, tỉnh thức... đó mới là tỳ kheo. Còn nay thì sao? Hình như những người chúng ta gặp và vẫn tưởng, dường như không phải....
Lời trăn trối của Ngài trong kinh Đại Bát Niết Bàn còn đó, mà chẳng ai nghe:
- Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích làm thế sự, không hoan hỷ làm thế sự, không đam mê làm thế sự, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
-Này các Tỷ-kheo, khi nào chúng Tỷ-kheo không ưa thích quần tụ, không hoan hỷ quần tụ, không đam mê quần tụ, thời này các Tỷ-kheo, chúng Tỷ-kheo sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm.
Một số bạn tôi nhìn thấy những thước phim, ảnh này mà bày tỏ sự ngạc nhiên cùng bất mãn. Không có gì lạ đâu, Ngài cũng có nói giáo pháp của Ngài vẫn còn đó nhưng sẽ có ngày không còn ai biết đến, và người ta sẽ biết theo dạng "hàng nhái". Hình tướng người tu sĩ Phật Giáo cũng sẽ dần khác xưa.
Này các bạn tôi, nếu trong lòng các bạn cảm thấy có gì bất mãn, chướng ngại với hình thái đạo Phật và người đại diện cho tăng đoàn hôm nay, hãy nhớ rằng, chúng ta chỉ có một Bậc Đạo Sư duy nhất, và đạo Phật là những lời dạy của Ngài. Hãy ghi nhớ câu cuối cùng của Ngài,-- “vayadhammā saṅkhārā, appamādena sampādetha.”-- các pháp là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có dể duôi. (Nghĩa là mọi thứ trên đời này đều không bền vững, sẽ biến hoại, sẽ không thường còn; hãy nỗ lực tu tập, hãy thận trọng, không sống dễ dãi, không sống tùy tiện, không sống khinh suất hay sống bất chấp...)
Vesak 2022
Sunday, May 1, 2022
VỤN VẶT THÁNG NĂM
Tháng năm không phải là tháng năm mà là tháng Năm. ^^
Tháng Năm có ngày lễ Mẹ. Tháng Năm có… sinh nhật tôi, cũng
là cái ngày tháng để nhớ đến khổ nạn của người mẹ.
Trong một cuộc ‘trà dư tửu hậu’ với mấy người bạn gái, tôi hay nói đùa với mấy
đứa bạn sanh toàn vịt giời, mấy bà ở ác mới đẻ con trai. Bạn đẻ con trai tức tối,
sao lại nói vậy. Ừ, người ta hay nói “con trai nhờ đức mẹ, con gái nhờ đức cha.”
Hãy khéo ăn ở để con trai nhờ phước của mẹ.
Trong một bài giảng nào đó, sư GN phủ nhận câu nói trên. Nghiệp
của mỗi người do tự thân tạo tác chớ ai mà gánh nghiệp hay trả nợ cho ai. Không
sai. Nhưng vì ngài chưa từng có vợ, cũng như chưa có gia đình, nên không hiểu
được tường tận sâu sắc câu nói con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ.
Nếu bạn là người cha người mẹ -- cha mẹ một cách đúng nghĩa
-- thì sẽ thấy làm cha làm mẹ không có gì khó bằng thân giáo. Buổi sáng ngày lễ
như hôm nay chẳng hạn, ai cũng muốn nằm chảy thây cầm cái phone bấm xem
facebook. Nhưng người mẹ phải ngồi dậy, phải xếp giường chiếu phẳng phiu, phải rửa
dọn thau chén nếu đêm qua chưa kịp rửa, phải chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà. Người cha cũng thức sớm chăm chút đôn đốc đứa con ham học bớt chơi.
Lời ăn tiếng nói của người mẹ người cha phải nhẹ nhàng, giận
mấy cũng không văng tục chửi thề. Để chi? Để đứa trẻ lớn lên trong một nền tảng
gia phong vững vàng, nó sẽ có một đời sống ngay ngắn và nền nếp, nó sẽ có một
ký ức tuổi thơ êm đềm, nó cảm thấy hạnh phúc. Cái ký ức hạnh phúc sẽ đi theo nó
suốt cuộc đời. Hạnh phúc -- hay là phước -- là ở đó chớ đâu. Cái nếp nhà chính
là phước của đứa con. Đừng cho rằng ta đã qua cái tuổi tìm đôi tìm lứa, không cần
phải giữ thói nhu mì, thích sống sao thì sống, thích phá ai thì phá. Con cái
chúng ta đang ngó chúng ta từng giờ, chúng ta là cái gương sống gần gũi nhất của
chúng. Nếu ai sống cùng cha mẹ một thời gian dài, sẽ thấy có những xốc nổi
trong đời lẽ ra sẽ gây lớn chuyện, đã nhờ ba mẹ mà hóa giải mọi bề.
Cứ mỗi lần gặp khó khăn trong đời, là tôi lại cứ nhớ về ba
má. Cố nhớ ba má đã từng sống như thế nào với những biến cố, từng xử trí những
vấn đề khó khăn như thế nào trong cuộc sống mà bắt chước xử lý. Khi đó, tôi biết
con tôi mai kia cũng sẽ nhớ bố mẹ đã sống như thế nào, đã tháo gỡ những khó
khăn trong đời sống như thế nào. Để phước cho con là như vậy, tuyệt đối đừng
coi thường thân giáo – mà thể hiện rõ ràng nhất là qua thân ngữ ý.
Cha mẹ luôn mong chúng ta sống đàng hoàng và hạnh phúc, cũng
như chúng ta luôn mong mỏi con mình sẽ có đời sống đàng hoàng và hạnh phúc. Nếu
chúng ta không sống đàng hoàng và hạnh phúc, chính là chúng ta đã bất hiếu; nếu
chúng ta không coi trọng chuyện thân giáo, thì cũng đừng mong mỏi sẽ giáo dục
được con cái, và cũng khó mà chắc chắn con mình sẽ hạnh phúc trong hiện tại,
nói chi là mai sau.
Không tin, hãy nhìn lại đời sống của mình hôm nay, rồi sẽ thấy
biết ơn cha mẹ nhiều hơn.
Tháng 5/2022
30 tháng 4, tôi lại lẩm cẩm nhớ.
-Nhớ căn nhà sau hai ngày chạy giặc quay về thấy bị dọn trống trơn, chỉ còn thấy một đống sách vở và những bản danh dự bị cháy dang dở. Những bản danh dự được nhận hàng tháng trước lớp, từ tay thầy Giùm - thầy hiệu trưởng.
- Nhớ má dắt lên xe "đa xu" đi ra Lam Sơn thăm ba ở tù.
- Nhớ ba ra tù bị xe bộ đội tung sưng bầm tím đen nửa khuôn mặt. Nhớ cái thuở cầm đũa chưa chắc đã cầm chiếc banh rửa từng vết thương mủ xanh trên lưng của ba.
- Nhớ phòng khách căn nhà 14 Quốc Lộ 1 có bộ salon, một chiếc paravant chắn sau cửa sắt kéo lúc nào cũng để mở, và chiếc divan để khách mệt nghỉ tạm. Sau này đồ đạc bị dọn sạch qua lối cửa sau nên còn chiếc divan do to quá tháo đi không được.
Nhớ má qua hàng xóm thấy bộ bàn ăn gỗ Cẩm Lai và 6 chiếc ghế của nhà mình, má đòi về, đặt ở phòng khách thế vào chỗ của bộ salon trước đây. Cũng kể từ ngày đó phải ăn cơm dưới đất, mỗi người ngồi trên một chiếc đòn ngồi bằng gỗ, chính giữa là cái mâm nhôm. Những cái chén kiểu chất đầy trong tủ cùng những con búp bê Nhật cũng không còn, cả nhà ăn cơm bằng chén đất của nhà hàng xóm khác thương tình cho. Phía sau cái tủ chén to ấy là căn phòng dành cho bà Ba, người giúp việc, sau này đổi vài người giúp việc và cả khi không còn người giúp việc nữa nơi đó vẫn gọi là "buồng bà Ba")
Má đi xuống chợ Đầm mua đồ lặt vặt về bày lên chiếc divan đó bán kiếm sống qua ngày. Trong những món đồ má bán có những viên kẹo xổ lãi màu hồng hình dáng giống viên phấn nụ. Một bữa thèm kẹo lấy ăn một viên, kết quả là có mấy con lãi đũa to như chiếc đũa chui ra ngứa ơi là ngứa. Lấy tay nắm kéo con lãi ra mà nó cứ trơn tuột chạy ngược vào. Má dùng miếng giấy báo kẹp lại kéo ra. Từ đó chừa không dám ăn vụng kẹo xổ lãi.
-Nhớ căn phòng thuốc của ba với tủ kính chất đầy những cuốn Agenda ba từng ngày viết, có lẽ ba viết từ lúc di cư năm 1954, đã bị đốt hết chỉ còn sót lại cuốn năm 1960. Nhớ cái giường khám bệnh cho khách nệm dày và êm mà không đứa nào dám nằm. Nhớ những chai thuốc thật to với viên màu hồng Chloroquin và màu trắng Fansidar, những bệnh nhân của ba sau ngày ấy sao toàn da xám môi thâm run rẩy vì sốt rét. Nhớ cái điện thoại màu đen đặt trên bàn kính chữ U. Lần duy nhất được cầm lên khi nó đổ chuông là khi ba má vắng nhà, nghe giọng Huế của ông quận trưởng Hồ Trang.
-Nhớ hết phòng khách phòng ăn đến nhớ phòng ngủ. Nhớ cái bàn trang điểm của má có 3 tấm gương gấp, bên cạnh tủ áo gỗ hương thật to. Đứng trước bàn có thể soi được cả sau lưng. Bàn trang điểm đầy những lọ sơn móng tay đủ màu, những chai nước hoa, và những hộp kem dưỡng da hiệu Esoterica. Chưa từng xài loại kem này nhưng vẫn không quên mùi hương của nó trên khuôn mặt của má. Mỗi lần ba đi Sài Gòn về là mua cho má một xấp áo dài. Áo dài của má ngập tủ cũng mất trong lần chạy giặc đó. Kể từ ngày đó má mặc toàn áo bà ba và quần vải ú tám. Một lần năm chín mấy, tôi đi An Giang mua về cho má chiếc quần đen vải “mỹ a sa tanh” gì đó mà má cũng không dám may mặc, sợ bị dòm ngó....
Kể mãi chắc mòn... bàn phím.
Đã 47 năm kể từ ngày đó mà tôi vẫn nhớ như in. Tôi đã sống qua nhiều căn nhà trong cuộc đời mình, nhưng cứ mỗi lần trong mơ, lại thấy đang sống trong căn nhà số 14 ấy. Có lẽ bởi đó là chấn động đầu đời của một đứa trẻ thơ, có lẽ đó là sự ám ảnh không nguôi của một đứa trẻ bị cướp đi con búp bê duy nhất của mình. Cũng từ ngày đó, tôi không còn con búp bê nào cả. Cho đến khi đi làm, tôi dành tháng lương đầu tiên để mua một con búp bê Liên xô mắt nhắm mắt mở.
Hôm qua, con gái gọi điện thoại: Mẹ, phường kêu nhà mình treo cờ. Tôi lặng lẽ lấy lá cờ ra và hai chiếc kẹp giấy ra kẹp ngoài ban công. Nhóc tì 5 tuổi chạy theo sau lưng. Cái gì đẹp vậy bà? Con thấy đẹp hả. Nó gật đầu. Vừa kẹp xong trời mưa. Nó nói, bà ơi, đem nó vô, ướt hết rồi kìa. Không sao, nó ướt rồi nó lại khô thôi. Nó hư sao bà. Các pháp hữu vi đều vô thường! Tôi nói với nó cũng nói cho chính mình.
(Hình: cuốn Agenda và mấy tấm danh thiếp của ba may mắn còn sót lại)
30/4/2022
Sống khôn thác thiêng
“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...
-
Nhặt một tấm hình cũ của hai chị em, nhờ AI sửa giúp. Thật khó nhận ra mình ngày ấy mà chị Phương Thảo nhìn hình thì nói vẫn nhớ những nét c...
-
“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...