Kinh Tạng thì có 25 cuốn, trung bình mỗi cuốn là 500 trang. Tìm hiểu tới nơi tới chốn thì chúng ta thấy rằng có một mối quan hệ rất chặt chẽ không thể tách rời giữa A-Tỳ-Đàm và Kinh Tạng. Đó là không có A-Tỳ-Đàm thì không hiểu được kinh tạng. Học gì thì học nhưng hãy nhắm tới 3 điều sau. Thứ nhất học để mà tìm mối liên hệ giữa 3 Tạng với nhau. Chứ còn học đến một lúc nào đó mà không tìm thấy quan hệ giữa 3 Tạng, học Tạng này bài xích Tạng kia là sai. Lời Phật là chỉ có một luồng thôi. Thứ hai, học để tìm thấy sự liên kết giữa lý thuyết và thực hành, giữa nhận thức và hành trì. Nếu học mà tới lúc nào đó mình muốn buông lúc nào thì buông, không thấy sự tương quan giữa cái học và cái hành là học sai. Thứ ba, học, hành và thấy có ý nghĩa ứng dụng là học đúng. Còn nếu học mà không thấy nó giúp mình được cái gì hết, không giúp mình hóa giải được vấn đề gì trong tâm tư và đời sống là mình học sai.
Như vậy, học giáo lý để tìm được mối tương quan giữa 3 tạng, học để tìm mối
tương quan giữa học và hành, và học để được an lạc. Học đạo mà được an lạc
là học đúng. Còn học làm sao mà giống như học Toán, Lý, Hóa chỉ nhét cho đầy
cái đầu mà không tìm được sự chuyển hóa cho bản thân là học sai.
Nếu chúng ta không tin Phật thì thôi, còn nếu tin Phật thì chúng ta phải
tin rằng thân người rất là khó được. Một ngày chúng ta sống với tâm hồn con
người không bao nhiêu hết, mà chúng ta sống với tâm hồn sa đọa thì nhiều.
Và chánh pháp khó gặp. Nếu thân người khó được thì có nghĩa là người lành
rất khó gặp.
Thân người khó được vì cái thiện khó làm lắm, và vì vậy người thiện khó
kiếm. Từ đó, chuyện gặp đức Phật, gặp giáo pháp của đức Phật hay người hoằng
dương giáo pháp càng hiếm. Bởi vì cái này dẫn tới cái kia. Cái thiện càng
hiếm thì người thiện càng hiếm, mà đức Phật là thiện của thiện càng hiếm
thay.
Cho nên, thân người thì khó được, chánh pháp thì khó gặp, nếu mình mang
thân người được gặp giáo pháp mà mù tịt giáo pháp thì quá uổng.
Theo trong A-Tỳ-Đàm, một công đức được thực hiện có trí tuệ đi kèm thì công
đức đó mới lớn.
Trí tuệ người này khác người kia, trí tuệ gồm: Văn, Tư, Tu. Trí văn là trí
tuệ có từ nghe, đọc, học từ người khác. Trí tư
là thấm thía, suy diễn, suy
luận trên nền tảng kiến thức. Trí tu là sự hiểu biết dựa trên nền tảng thực
chứng của thiền định, thiền tuệ.
Tại sao trí tu phải dựa vào thiền định, thiền tuệ? Bởi vì muốn đắc Sơ thiền
là phải trừ 5 triền cái. Trừ 5 triền cái thì trí mới sáng được, mới đắc được
Sơ thiền. Người đắc Sơ Thiền mới có điều kiện đắc Nhị, Tam, Tứ, Ngũ thiền.
Người đắc Nhị, Tam, Tứ thiền mới có khả năng thấy ra được cái điều người
không có thiền không thấy được. Đó là nói về thiền chỉ (thiền định).
Còn về thiền tuệ, xưa giờ mình không biết sự cấu tạo vận hành, cái duyên
khởi của thân tâm này. Khi mình học Phật pháp -- đặc biệt là A-Tỳ-Đàm rồi
ứng dụng vào pháp môn Tứ Niệm xứ thì mình thấy rõ bản chất, cấu trúc, vận
hành của thân, tâm này nó ra sao. Ta thế nào người khác như vậy. Và khi hiểu
chúng sanh được cấu tạo, được vận hành như thế nào thì mình hiểu luôn vũ trụ
được cấu tạo, vận hành như thế nào.
Cho nên bắt buộc chúng ta phải có 3 loại trí Văn Tư Tu. Công đức của mình
khác nhau tùy thuộc Văn, Tư, Tu của mình nhiều ít sâu cạn rộng hẹp thế nào.
Ví dụ, cũng cùng bỏ tiền ra xây chùa, in kinh, đúc tượng, đúc chuông, nhưng
người có kiến thức Phật pháp họ làm với nhận thức khác với người chỉ thuần
túy niềm tin.
Nếu mình đến với Đạo bằng sự nhận thức, sự hiểu biết thì mai này trời có
sập xuống mình vẫn cứ thờ Phật, vẫn cứ thờ Pháp. Còn nếu như mình đến với
Đạo chỉ thuần túy niềm tin, mai này niềm tin của mình bị trục trặc bị thử
thách là mình buông Đạo ngay. Khi mình đến với đạo thuần túy là niềm tin
thông qua một cá nhân, một tập thể nào đó thì một lúc nào đó khi cá nhân,
tập thể đó không được như mình nghĩ qua con mắt quan sát hay qua thị phi tai
tiếng thì lập tức toàn bộ niềm tin Tam Bảo bị sụp đổ ngay. Bởi vì niềm tin
Tam Bảo của mình ngay buổi đầu được thiết lập xây dựng trên nền tảng niềm
tin thuần túy, niềm tin thiếu trí. Cho nên, đây là lý do vì đâu chúng ta
phải học giáo lý.
Chỉ có học giáo lý chúng ta mới có cái nhìn khác đi về thế giới này. Bởi vì
thế giới này ra sao, tùy thuộc cái nhìn của mình. Cũng cuộc đời này, cũng
trái đất, hành tinh này, cũng cây cỏ, đất đá, đại dương kênh rạch, sông
ngòi, con người, chim muông này… nhưng anh mù bẩm sinh cảm nhận thế giới
khác, anh bị điếc bẩm sinh cảm nhận thế giới khác, anh bị tâm thần bẩm sinh
cảm nhận thế giới này khác nhau. Chưa hết, người bị bao tử, bị bệnh trĩ, bị
sỏi thận cảm nhận thế giới này khác với người thường xuyên bị nhức đầu,
chóng mặt, cao máu. Khi chúng ta có một vấn đề về tâm sinh lý -- thân thì
bệnh, tâm có mối âu lo nội kết nào đó -- thì cái nhìn chúng ta về thế giới
đương nhiên không giống người khác. Lúc bấy giờ chúng ta nhìn qua lăng kính
của bản thân.
Phật pháp cũng vậy. Khi biết Phật pháp thì cái nhìn chúng ta về bản thân,
về những người chung quanh, về thế giới, về vũ trụ, về dòng chảy luân hồi
đương nhiên có khác. Vì Phật pháp cung cấp cho ta một cái nhìn. Kiến thức
nào cũng vậy hết, thêm một kiến thức -- về hóa chất, vật lý, đại số, hình
học, lượng giác v.v... -- thì cái nhìn của mình về thế giới chắc chắn khác
người ta. Đơn cử cái khoản logic. Với cái logic trong đầu, cái thằng giỏi
Toán Lý Hóa nó suy nghĩ và nhìn thế giới khác người khác cho dù trước mắt nó
học xong chỉ về làm chuồng gà chuồng heo cho vợ. Đó là chuyện ngoài đời. Còn
trong Đạo, khi mình có kiến thức Phật pháp thì cách nhìn hay cảm nhận của
mình về bản thân, về cuộc đời đương nhiên phải khác đi. Đạo Phật cung cấp
cho mình cái nhìn. Thứ nhất là sự cảm thông, chia sẻ. Thứ hai là khả năng
khả năng thông thoáng, không bị giam hãm trong các định kiến. Học Phật cho
đúng là không bị giam hãm trong định kiến. Thứ ba là vượt thoát khỏi cảnh
giới, trình độ hiện tại của bản thân. Đây là điều rất đặc biệt. Vì cái nguy
nhất của thế giới phàm phu là ‘đụng đâu dính đó’. Sinh ra, lớn lên trong môi
trường hoàn cảnh nào thì thường người ta bị giam hãm dính mắc, bị vướng kẹt
trong đó, người ta không nghĩ đó là cái nhà tù của mình. Bi kịch của chúng
sanh phàm phu là sinh trưởng trong môi trường nào thì thường bị giam nhốt
trong môi trường đó. Kể cả những người có bằng cấp có học vị, giàu có, tiếng
tăm, quyền lực, uy tín. Họ tưởng thế giới của họ ngon lành hơn thế giới của
người nghèo người dốt. Chẳng qua là nhà tù của họ lớn hơn và sợi dây đang
xích xiềng họ bằng vàng, chỉ vậy thôi. Phòng giam 10 mét vuông hay 100 mét
vuông chỉ khác nhau rộng hẹp, nhưng vẫn là nhà giam. Sợi dây xích dầu bằng
sắt sét rỉ hay bằng vàng khối chỉ khác nhau về chất liệu chớ vẫn giống nhau
về tác dụng, đó là giam hãm một đời người. Cái nguy hại nhất của phàm phu là
hài lòng với nhà giam chính mình. Mình bị giam nhốt trong sự hài lòng, mình
bị giam nhốt trong sự bất mãn tức là bị giam nhốt trong cái thích và cái
ghét. Khi mình ghét cái gì dầu người hay vật thì lúc đó, mình đã tự giam
nhốt trong một thế giới định kiến, thành kiến. Và khi mình thích cái gì mình
cũng tự giam nhốt mình trong thế giới của định kiến.
Cho nên đây là lý do vì đâu chúng ta phải học giáo lý. Học để tự tháo cởi,
tự giải thoát, tự khai phóng bản thân mình. Đừng bao giờ nghĩ học Phật pháp
vì nghe nói Phật pháp là lời Phật. Mà Phật là vĩ đại, Phật là linh thiêng,
vậy học lời Phật có phước. Vậy là chết rồi. Đức Phật không muốn mình học
Ngài như học bùa. Không phải. Ngài chia sẻ cho mình những tia sáng, những
góc nhìn. Ngài chia sẻ cho mình những chiều cao, chiều sâu, chiều rộng để
mình nhìn thế giới tốt hơn. Mình khổ là vì mình hiểu lầm. Mình khổ là vì
mình tự giam nhốt mình trong môi trường sinh trưởng. Mình học Phật pháp thì
Phật pháp cung cấp cho mình cái nhìn vượt thoát khỏi định kiến. Điều đó rất
quan trọng.
Chúng ta sẽ học Kinh Tạng bằng Commentary, sớ giải của kinh, không phải học Kinh Tạng thông qua tư kiến người giải thích. Ai đó nói rằng “ôm chặt từng trang kinh là chấp thủ” thì tôi cũng đành chịu. Nhưng phải nói rằng, nếu đọc Kinh Tạng mà không thông qua Chú giải, mạnh ai muốn giải thích kiểu nào tùy ý thì đạo Phật mất từ lâu rồi.
KINH KALAMA.
Bài kinh này còn có tựa nữa, bà con có thể Guk chữ ‘Kesamuttisutta. Bài
kinh này có hai tựa: Kalama sutta và Kesamutti sutta.
Kesamutti: không có tóc, người
không có tóc.
Nội dung bài kinh này được rất nhiều người Âu Mỹ xem là cánh cửa dẫn vào
đạo Phật. Bởi vì, tuyệt đại đa số người Âu Mỹ lớn lên trong bối cảnh văn hóa
Cơ Đốc. Ai lớn lên trong bối cảnh văn hóa Cơ đốc giáo đều biết câu này của
Thánh kinh: “Phúc cho ai không thấy mà tin”. Trong khi Phật giáo có câu
ngược lại “Chớ vội tin những gì được truyền khẩu, truyền tụng, được đồn đại,
kể cả những điều được xem là dòng thông tin chính thống được ghi chép trong
kinh điển khả kính thiêng liêng. Cũng đừng vội tin vì điều đó được truyền
dạy bởi một người mình gọi là sư phụ. Cũng đừng vội tin chỉ vì điều đó hợp
với nền tảng kiến thức xưa giờ của mình, hợp với kiểu suy tư của mình. Cũng
đừng vội tin vì điều đó được rao giảng bởi một người mình nhìn qua đã thấy
thích. Đây mới là điều đặc biệt. Coi chừng những điều mình tin chỉ vì nó
được phát biểu bởi những con người nhìn qua đã thấy thích.
Tôi không theo dõi showbiz Việt Nam, nhưng có một người ngẫu nhiên tôi biết
và có cảm tình. Đó là Tinna Tình. Nói theo ngôn ngữ thế gian, cô này đẹp.
Không biết bây giờ cô làm nghề gì, nhưng vì nhân duyên sao đó mà hôm nay cô
trở thành môn đồ của Phật giáo Mật Tông. Cái mà tôi thích cổ không phải chỉ
vì cổ đẹp. Giọng nói của cổ là xuất sắc rồi. Tôi quý cổ vì cổ là người Việt
Nam và duy nhất đầu tiên -- có thể không phải cuối cùng -- có khả năng học
thuộc lòng vô số thần chú bằng tiếng Phạn. Cổ phát âm tiếng Sanskrit rất
chuẩn. Thuộc làu làu. Và tôi thích thầy Pháp Hòa lắm. Mặt thầy đẹp mà lành
lắm. Thầy không phải đẹp như tài tử nhưng ánh mặt, nụ cười, giọng nói, cách
diễn đạt của thầy mình tin được. Một người nói chuyện chừng mực, cẩn trọng,
có trách nhiệm lắm. Tôi mới nghĩ trong bụng: Chết rồi, nếu mình không có
biết gì hết mà mình gặp 2 vị sư thái và sư tổ này là mình mê chết luôn, dám
ho ra tôi cũng ghi âm về mà nghe lắm.
Một lần, Thế Tôn đi đến một địa phương, dân chúng nhìn thấy Ngài là họ chịu
rồi. Họ nhìn thấy mấy chục hảo tướng lộng lẫy, lung linh, lấp lánh, rồi thấy
tăng đoàn đoan nghiêm pháp tướng, lục căn thanh tịnh, họ chịu quá. Họ ra
tiếp đón Thế Tôn và tăng đoàn.
Họ thưa với Ngài: Chúng con ở đây có cơ hội gặp gỡ rất nhiều các vị tôn sư
của các đạo giáo mà khổ nỗi vị nào cũng nói mình là số 1 hết. Hôm nay chúng
con gặp Thế Tôn, chúng con muốn hỏi, chúng con phải làm sao khi có quá nhiều
chọn lựa như vậy? Chúng con rất hoang mang, xin Thế Tôn giúp chúng con.
Đức Phật trả lời: Các ngươi
hoang mang là đúng, phân vân lưỡng lự là đúng. Ai trong hoàn cảnh đó cũng
phải vậy thôi. Tuy nhiên, đây là những điều các ngươi cần tâm niệm:
1. Chớ vội tin những điều gì đó vì đó là lời truyền khẩu.
“Này đại chúng Kālāma, chớ vội tin điều gì chỉ vì đó là lời truyền khẩu.
Chớ vội tin chỉ vì đó là truyền thuyết; chớ vội tin chỉ vì đó là điều
truyền tụng; chớ vội tin chỉ vì điều đó được truyền thừa trong kinh
điển…”
Nếu quý vị để ý, ở đây chúng tôi cố ý để 4 chữ ‘truyền’:
truyền khẩu, truyền thuyết, truyền tụng và truyền thừa.
Từ điểm A dời qua điểm B gọi là truyền.
Ví dụ trong tiếng Hán có chữ ‘cổ’ ( 古), trên là chữ ‘thập’ (十) , dưới là chữ ‘khẩu’ (口). Chuyện gì được khoảng 10 cái miệng nhắc tới nhắc lui truyền qua truyền lại là thành ra chuyện xưa. Dễ nhớ lắm. Thế giới này là sự trao truyền và tiếp nhận. Tôi có thể khẳng định toàn bộ nền văn minh nhân loại là hành trình của trao truyền và tiếp nhận thôi. Kẻ trước nói cho kẻ sau, cứ thế mà làm nên văn minh, dầu đó là triết học, đạo học, khoa học, văn hóa, tôn giáo, chính trị hay bất cứ lãnh vực nào trên thế giới tất thảy đều là hành trình của trao và nhận. Vấn đề là kẻ trao không phải kẻ nào cũng giống nhau, và trình độ người nhận không phải lúc nào cũng giống nhau. Đây chính là đỉnh điểm của tất cả vấn đề.
Kẻ trao có nhiều loại. Có người trao châu ngọc quý kim bảo thạch, có người
trao toàn thuốc độc. Kẻ nhận cũng vậy, có nhiều khi người ta trao quý kim
bảo thạch mà mình không biết, cách đón nhận theo hướng của mình diễn dịch,
có khi lấy chậu vàng đựng phân cũng có.
Đức Phật xác nhận thế giới này là thế giới của trao và nhận. Mình là người
nhận thì mình phải cẩn thận.
Etha tumhe, kālāmā, mā
anussavena, mā
paramparāya, mā
itikirāya, mā
piṭakasampadānena, mā
takkahetu, mā
nayahetu, mā
ākāraparivitakkena, mā
diṭṭhinijjhānakkhantiyā, mā
bhabbarūpatāya, mā samaṇo no
garūti.
‘Anussavena’
nghĩa là nghe nói qua nói lại.
Ở nhà có chuyện buồn, nghe ai đó nói lên miểu bà chúa xứ cầu linh lắm, nghe
nói có cái chùa nào cầu linh lắm, nghe nói có ông thầy bói thầy bùa, phong
thủy gì đó linh lắm. Nghe nói qua nói lại, rồi chạy theo gọi là
anussavena.
Paramparāya.
Anussavana có nghĩa là nói qua
nói lại tạm thời thôi, nhưng
paramparāya là cái lâu ngày đi
vào trong dân gian, như thành ngữ, tục ngữ, ca dao, nó cũng có sức hút lớn
lắm. Tự nó có sức thuyết phục và gần như mặc định. Có nghĩa là cái gì được
truyền khẩu lâu đời nó cũng trở thành một thứ tôn giáo, một thứ kinh điển
dân gian, chứ không phải không.
Nhiều câu mình học được từ trong chùa hay ngoài xã hội lúc đầu chỉ là câu
tiện miệng người ta nói thôi. Lâu ngày được nhắc đi nhắc lại thành suông
miệng. Từ tiện miệng chuyển qua suông miệng. Cuối cùng nó thành câu cửa
miệng. Ví dụ đây là những câu hãy cẩn trọng khi nói:
Đời cha ăn mặn đời con khát nước; Con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức
mẹ; Nhất nhơn hành đạo cửu huyền thăng; Phục vụ chúng sanh cúng dường chư
Phật; Hạnh hiếu là hạnh Phật; Dẫu xây chín bậc phù đồ, không bằng làm
phước cứu cho một người;
Câu “Đời cha ăn mặn đời con khát nước”
nguyên thủy chỉ dùng để nhắc định lý nhân quả thôi. Thế giới này là hành
trình thừa tiếp. Mỗi người đến và đi để lại di sản gì đó thì đời sau theo đó
mà tiếp nhận truyền thừa. Những gì mỗi người dựa vào đó mà sống được thì
cũng được truyền lại từ thế hệ trước. Và dầu muốn dầu không, khi chúng ta
tắt thở, chúng ta cũng để lại cái gì đó, hoặc tốt hoặc xấu cho đời sau. Câu
“Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” phải hiểu mới vậy thì mới chuẩn. Đằng
này lại bị người ta hiểu lệch. Mà khổ thay cái lệch đó được kế thừa bền bỉ,
bền vững. Người ta hiểu nhầm là nếu cha mẹ thất đức thì con lãnh đủ. Từ đó
nó đẻ ra câu “Con gái nhờ đức cha, con trai nhờ đức mẹ”…
Xem tiếp ở đây: http://vn.nhungkyniemxua.com/