Sau bữa cơm chiều là má sẽ cời hết tro trong hai chiếc lò. Rồi má dùng cái chổi nhỏ để quét sạch bụi trên cái bếp màu xi măng tối. Má sẽ nói, tối nay người ta đưa ông Táo nè. Nhà tôi không có cúng đưa ông Táo, nhưng má luôn hoài niệm về những lần đưa ông Táo nào đó ở nhà ngoại. Má vẫn hay bần thần vào những lúc như thế này. Rảnh rang, má lại làm mứt dừa, mứt gừng, kẹo hạt sen, bánh thuẫn. Chị Bích bên kho dầu vẫn hay qua nhà tôi giúp đổ bánh thuẫn. Chị rất thích công việc này, và luôn chứng tỏ mình lành nghề. Bánh thuẫn đổ xong thì má sẽ lót giấy báo trên một cái sàng tre. Chất bánh lên sàng và đặt trên bếp. Bên dưới là bếp không còn than cháy nữa, mà chỉ còn tro nóng. Má hong sấy những chiếc bánh này thật khô trước khi bỏ vào hũ cất để dành cho mấy ngày tết. Thỉnh thoảng má cũng hong những viên kẹo hạt sen cho thật khô theo cách này. Kẹo hạt sen làm bằng đậu tây, má nấu chín xay nhuyễn bằng cái cối xay cơm. Cái cối xay cơm có cái tay nắm màu đỏ, có từ khi chúng tôi còn chưa biết ăn cơm. Đậu chín sên với đường cho đến khi đặc lại, vê thành những viên tròn. Rồi má cắt tua rua những tờ giấy bóng kiếng màu đỏ hoặc giấy bóng đục nhiều màu, cho viên đậu vào gói và vặn lại hai đầu. Lâu rồi tôi không còn gặp lại loại giấy bóng kiếng này. Ngày xưa thời tiểu học tôi thường nhận được phần thưởng gói bằng giấy này, rất đẹp, rất bắt mắt. Không biết bây giờ còn ai làm kẹo hạt sen bằng đậu, và nếu có thì không biết sẽ gói bằng giấy gì.
Saturday, January 14, 2023
Hăm ba tháng Chạp, tôi nhớ.
Vào Sài Gòn thỉnh thoảng tôi vẫn đổ bánh thuẫn. Nhớ có lần đã mười hai giờ khuya, tôi hỏi, má ăn bánh thuẫn không. Ở đâu có mà ăn. Con làm đó. Má lồm cồm ngồi dậy, mặt rạng rỡ ăn một lần mấy cái bánh lúc gần một giờ sáng. Hai năm nay không còn má, khuôn bánh thuẫn đã bị nứt, tôi không còn ý định mua cái mới. Băng qua đường là siêu thị, bánh Danisa ngon hơn bánh thuẫn, và không phải khó khăn để bảo quản tránh yểu tránh mốc.
Có năm má nhìn tôi đổ bánh thuẫn, làm mứt dừa, mứt gừng, má nói, má không muốn làm mứt nữa. Má nói, ngày đó má cứ săm soi mấy chảo mứt, so sánh với hàng xóm xem nhà ai làm mứt trắng hơn. Cứ ngồi canh chảo mứt mà không về ở bên cạnh bà ngoại lúc bà ngoại qua đời. Từ đó mỗi lần làm mứt là những lần gợi cho má nhớ chuyện buồn. Tôi cũng nhớ một lần đang ngồi làm mứt, nhà chú Quang đối diện có tiếng lao xao. Đêm đó là hăm bốn tháng Chạp. Chú Quang ra đi. Có lẽ, ngày Tết thường là những ngày buồn.
Ở Sài Gòn đã năm cái Tết, tôi vẫn không hình dung rõ ràng Tết Sài Gòn ra sao. Vài lần đến Bến Bình Đông để ngắm hoa và dang nắng, chứ tôi chưa từng ra đường hoa để chụp cho mình một tấm hình. Tối nay, tôi ra Sài Gòn để một lần ngó cho kỹ cái tết Sài Gòn.
Ngày xưa Sài Gòn chiều thứ bảy là nam thanh nữ tú ăn mặc rất đẹp lả lướt trên phố. Chỉ cần mình đi phía sau lưng họ là hít hà nước hoa thơm ngát cả cây số. Tối nay ra phố người đông nghịt, khẩu trang kín mít vẫn nghe mùi bụi xe, đi một lát là cảm thấy như muốn ngộ độc khí thải. Đoạn đường về thì thoải mái nhẹ nhàng hơn, vì đi rất lâu sau… một chiếc lưng trần
Hai bên đường CMT8 người ta bày bán đầy lá dong và lạt. Con gái nói, con tưởng là lá chuối chớ. Tôi chưa từng gói bánh chưng nên các con tôi cũng không biết lá dong. Những hàng lá dong ế ẩm! Chắc rồi đây cũng chẳng còn ai ngồi gói bánh chưng khi siêu thị bán đầy, ép chân không thật đẹp thật sạch sẽ an toàn. Chạy mãi trên đường tìm hương Tết, chỉ thấy những quán xá ế ẩm và những khuôn mặt buồn bã âu lo. Đi ngang nhà văn hóa TN thì đông ngợp. Những cây mai giả vàng rực rỡ. Lớp lớp người chen chúc vào trốn khổ tìm vui. Đường hoa thì chưa bài trí gì. Vài anh công nhân đang sửa soạn cho những ngày sắp tới, đây đó dăm ba con mèo con. Chưa thấy “linh vật độc lạ” của Sài Gòn năm nay như thế nào.
Dừng đèn đỏ trên đường Pasteur, tôi thấy một người mẹ trẻ và đứa con ngồi ngay bên đường. Dưới ánh đèn đường, đứa con banh vở ra nắn nót trên giấy, người mẹ ngồi đếm lại những tờ vé số. Bên vệ đường CMT8, một người đàn bà ngồi đang bóc cái gói gì đó đưa lên miệng, có lẽ là bữa ăn chiều, đã hơn 8 giờ tối.
Khuya hăm ba tháng Chạp, tôi mở cửa ra ban công tưới cây. Một con bướm giật mình vỗ cánh bay lên đậu ngược trên trần nhà. Nhìn con bướm trong đêm, chẳng thấy có vẻ gì là hoa bướm mùa xuân. Gió xuân chẳng có, bướm xuân cũng không, vậy mà bỗng dưng nhớ vu vơ câu thơ của Lý Bạch: "Tá vấn thử hà nhật, Xuân phong ngữ lưu oanh" (Xin hỏi hôm nay là ngày nào, mà chim oanh trò chuyện trong gió xuân)
Sài Gòn, hăm ba tháng Chạp
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
Sống khôn thác thiêng
“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...
-
Nhặt một tấm hình cũ của hai chị em, nhờ AI sửa giúp. Thật khó nhận ra mình ngày ấy mà chị Phương Thảo nhìn hình thì nói vẫn nhớ những nét c...
-
“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...
No comments:
Post a Comment