NGUYỆN
Từ hôm trước tới nay chúng tôi nhận được
cũng bốn hoặc năm đề nghị về các đề tài khác nhau. Có người đề nghị tôi giảng về
chữ Pháp giống như bữa hổm tôi giảng chữ Duyên vậy đó. Có người đề nghị giảng
chữ Tu, có người đề nghị giảng chữ Thiền, rồi có người đề nghị tôi giảng về chữ
Nhẫn. Bữa nay thì các vị đề nghị chữ Nguyện, tôi thấy cũng hay.
Thôi thì thế này. Phật giáo Nam Tông
Việt Nam đang có Đại tang là sự ra đi của Ngài Hòa thượng Tịnh Giác. Tôi nhớ
hôm qua, nhìn hình ảnh chư tăng trong nước ghi sổ tang, tự nhiên tôi nghĩ ra
mấy câu thơ. Nếu mà là tôi thì tôi sẽ ghi mấy câu tức cảnh này:
Rừng còn, cây bỏ đi đâu
Cây to trốc gốc cho rầu thiền lâm,
Cây non chửa kịp nẩy mầm
Biết chờ cho đến bao năm hở trời
“Rừng còn, cây bỏ đi đâu” nghĩa là
PGVN vẫn còn đó, ngài là cây cổ thụ mà bỏ đi rồi. “Cây to trốc gốc cho rầu
thiền lâm”, trong rừng cây gì không trốc gốc mà lại trốc gốc cây to nhất trong
đó. “Cây non chửa kịp nẩy mầm”, người kế thừa như ngài cho đến bây giờ chưa có
thấy. “Biết chờ cho đến bao năm hở trời”, chờ cho đến bao năm nữa mới có được
một người như ngài.
Ngài có 3 điểm đặc biệt mà khi nhắc
đến ngài là phải nói đến. Đó là:
- Minh bạch: cuộc đời của ngài gói
tròn trong chữ minh bạch (giới luật trong sạch, tinh nghiêm, không tì vết).
- Khiêm nhu: ngài là người khiêm nhu.
Ai đã từng tiếp xúc với ngài Tịnh Giác ở ngoài đời thì đều biết. Chúng tôi cũng
có dịp gặp ngài vài lần, đặc biệt có lần đến đảnh lễ ngài ở Bangkok, tại cái
thất riêng của ngài ở trong chùa Samphraya, cũng như chúng tôi có dịp đảnh lễ
nhiều bậc tôn túc, vị nào cũng đáng kính hết, có vị thì mình nhìn thấy sợ khó
gần, nhưng có vị thì mình thấy gần gũi thương kính như ông nội của mình, có lỗi
lầm gì mình chạy đến nói thiệt thì ngài có cách để giúp cho mình qua cơn khó đó.
Có ngài thì mình sợ lắm, nhưng với ngài Tịnh Giác thì có gì khó khăn tôi chạy đến
gõ cửa kéo cái y của ngài.
-Ngài là ông vua Pāḷi của VN. Ngày xưa
thì có ngài Hộ Giác, nhưng ngài Hộ Giác tịch rồi. Giờ thì còn có ngài Hộ Pháp. Giữa
hai vị thì chúng tôi không có dám đánh giá ai, nhưng mà thành tựu về ngôn ngữ
Pāḷi thì ngài Tịnh Giác có bằng cấp, từng là thầy dạy, từng là giám khảo các kỳ
thi ở Thái. Tạm gọi, về mặt hành chánh, ngài là vị vua Pāḷi của Việt Nam.
Ngài khiêm tốn mà dễ gần lắm. Sự ra
đi của một nhân cách lớn như vậy đúng là sự mất mát lớn cho chúng ta. Có nhiều
dịp chúng tôi nói, có những người có mặt trên đời này chỉ là góp mặt chứ không
phải là đóng góp, cho nên cái chết của họ chỉ là sự vắng mặt chứ không phải là
sự mất mát. Nhưng có những người sự có mặt của họ là sự đóng góp, cho nên cái
chết của họ là sự mất mát. Và tôi vẫn thường nói một câu: giá trị của một người
chính là khoảng trống của người ấy để lại bao lớn, và có dễ dàng được lấp đầy
hay không. Một khoảng trống nhỏ quá thì cũng không đáng kể và một khoảng trống
dễ bị lấp đầy thì cũng không có gì đáng nói. Khoảng trống mà ngài Tịnh Giác để
lại lớn quá, phải nói là vô bờ, và muốn chỗ trống đó không phải là dễ. Muốn lấp
đầy chỗ trống, có lúc chúng ta phải xài đất, có lúc phải xài rác, và có lúc
phải xài tới đá. Đá có nhiều loại: đá cuội, đá ong, đá hoa cương, đá cẩm
thạch... khó lắm quí vị. Chẳng hạn như hôm nay người ta trùng tu các lâu đài,
những công trình kiến trúc lớn đẳng cấp thế giới như ở Ý, Tây Ban Nha, Pháp; hoặc
như nhà thờ Đức Bà ở Paris chẳng hạn, khi bị hư hao thì người ta phải đi tìm
những vật liệu tương ứng để lấp vào. Khó lắm. Ví dụ như ngày xưa ở đó người ta
đổ chì, thì bây giờ phải kiếm hàng tấn chì để đổ vào chỗ đó; hoặc phải đổ đồng
vào đó, hoặc đá hoa cương-- loại đá nhập từ Ý về. Chúng tôi cũng có dịp đến
Vatican, Vương cung thánh đường ở Mallorca Tây Ban Nha, nhìn cái nền đá của họ
thấy khiếp lắm. Từng cái hoa văn sử dụng các loại đá khác nhau. Nếu bị mẻ bị vỡ
thì phải kiếm cho được loại đó, màu đó, đo cắt và lấp vào. Làm sao mà nhìn vào không
thấy được sự khác biệt giữa cũ và mới. Cho nên có những khoảng trống muốn lấp
đầy không phải là dễ. Sự ra đi của ngài Tịnh Giác để lại cho chúng ta khoảng
trống không sao lấp đầy, ít nhất là cũng vài mươi năm sau.
Để đáp lại đề nghị của quí vị, tôi
sẽ nói về chữ Nguyện trong bài giảng trưa nay mà chúng tôi đã bắt đầu khi nói
về công hạnh, hành trạng của HT Tịnh Giác.
Trong Kinh Thánh Cầu, Trung Bộ Kinh,
Đức Phật dạy rằng, tất cả chúng sanh ở đời này có điểm bắt đầu giống nhau. Sự
xuất hiện đầu đời, thì ai cũng vậy, dầu đó là vị Chánh Đẳng Chánh Giác hay là
chúng sanh bé mọn nhất trong vũ trụ, đều có điểm giống nhau là có mặt trong
cuộc đời này giây phút đầu tiên. Nhưng sau giây phút xuất hiện đầu tiên đó thì tùy
theo bản hoài, bổn nguyện của mỗi người mà chúng ta có phần hành trình còn lại
giống hay khác nhau, cao hay thấp, thiện hay ác. Điều đó nằm trong chữ Nguyện.
Cách đây bốn A-tăng-kỳ và một trăm
nghìn đại kiếp, có một vị đạo sĩ nhìn thấy Đức Thế Tôn Nhiên Đăng 32 hảo tướng,
và một lượng thánh chúng đông đảo vây quanh, ngài phát bồ đề tâm, nguyện trở
thành vị Chánh Đẳng Chánh Giác. Và kể từ giây phút được Đức Thế Tôn Nhiên Đăng
xác nhận rằng, “con sẽ trở thành vị Chánh Đẳng Giác giống hệt như ta trong
tương lai”, từ giây phút đó, ngài làm việc gì công đức nào cũng dồn hết cho bổn
nguyện trở thành một Phật tổ tương lai.
Cho nên trong Chú giải có câu nguyện mà bổn sư chúng tôi là ngài Tịnh Sự
dịch ra văn vần như sau:
Phước lành con đã tạo ra,
Các đời quá khứ hay là đời nay.
Nghiệp chưa cho quả phước nào,
Nguyện thành Pháp độ để vào thiện căn.
Sau này dù tạo mấy lần,
Từ đây cho đến vô sanh Niết bàn.
Hễ làm chuyện tốt sẵn sàng,
Những điều lợi ích thành đoàn nhân duyên.
Giúp cho phiền não sớm yên,
Trợ mau giải thoát kế liền kiếp sau.
Nghĩa là kể từ lúc mình có trí tuệ
thấy được sự hiện hữu của tấm thân này trong trời đất này là một gánh nặng, là
cái khổ, kể từ lúc nhận ra điều đó thì mình nguyện rằng, tất cả những công đức
lớn bé nào mà con làm được, xin chuyển hết vào công đức vô lậu, phước báu
ba-la-mật.
Thay vì ngày xưa giờ con làm được
việc lành gì để cầu danh cầu lợi, cầu quả nhân thiên, làm trời làm người, làm
vua chúa công hầu khanh tướng, mỹ nhân hoàng hậu v.v..., nhưng kể từ hôm nay
các công đức lớn bé từ chuyện xây chùa, in kinh, dựng tháp, nuôi dưỡng tăng
chúng, giúp đỡ từ kẻ cơ nhỡ nghèo khó cho đến con chó con mèo con heo con vịt….
tất cả đều dồn hết cho bổn nguyện giải thoát. Thì kể từ đó, tất cả công đức của
chúng ta được xem là công đức ba-la-mật. Ba-la-mật từ chữ Parami. Parami =
param (bờ kia/ bờ giải thoát) + i (đi đến/to go), nghĩa là Parami cũng là như
mọi công đức nhưng được gọi là Parami vì nó là nguồn động lực đưa chúng ta sang
bờ giải thoát.
Nói tới chữ Nguyện, chúng ta phải
nhắc đến nhiều khía cạnh để có thể hiểu sâu sắc cái chữ này. Ở chỗ này, mình không
kể người tật nguyền, chỉ nói người lành lặn. Lành lặn nghĩa là sinh ra có đủ
mắt tai... tức là thính giác, khứu giác, thị giác, xúc giác v.v... đầy đủ. Cái
điểm giống nhau giữa chúng ta là chúng ta có đủ sáu căn, nhưng có điểm khác nhau
là chỗ này: tùy thuộc rất nhiều yếu tố, rất nhiều điều kiện, hoàn cảnh của mỗi
người mà cặp mắt của chúng ta, lỗ tai của chúng ta thấy nghe được cái gì. Tôi e
rằng không giống nhau.
Tùy thuộc chuyện chúng ta sinh ra
trong quốc gia nào, trong cơ chế chính trị văn hóa xã hội như thế nào, chúng ta
sinh trưởng trong một gia đình như thế nào mà con mắt chúng ta có gì để thấy. Có
những cái thằng Tí thấy mà thằng Tèo không thấy. Thằng Tí cả đời bán mặt cho
đất, bán lưng cho trời, chỉ biết sình lầy nước đọng ruộng lúa cá tôm…; cũng
sanh ra 6 căn nhưng do điều kiện hoàn cảnh mà thằng Tí chỉ biết có thế. Còn
thằng Tèo trên phố thì được thấy “ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Con Lan, con
Cúc, con Đào, con Yến cũng vậy, có đứa chỉ là nội trợ ở nông thôn nghèo, nhưng
có đứa thì có điều kiện được biết nào Paris, Rome, London, Zurich.. để nó thấy
được nghe được những thứ mà những đứa kia không có điều kiện. Điều đó ở ở đâu
ra? Do bổn nguyện nhiều đời.
Tiếp theo, cùng thấy cùng nghe những
thứ giống nhau, nhưng do trình độ văn hóa, sở thích, khuynh hướng tâm lý, môi
trường giáo dưỡng của mỗi người không giống nhau, cho nên dẫn đến cái chuyện có
kẻ thích đi bảo tàng để xài con mắt, có kẻ thích đi vào nhạc viện để xài lỗ
tai, kẻ thích đi vào nhà hàng ăn uống, có kẻ thích mát xa, thích chăn êm nệm
ấm, có người thích dầu thơm, có người thích vòng vàng nữ trang, có người thích
nhà cao cửa rộng, người thích du lịch, người thích sưu tập bảo vật, đồ cổ.
Nghĩa là cũng có 6 căn giống nhau mà tùy vào sở thích, cộng với điều kiện, cộng
với tiền nghiệp của mỗi người, mà trước 6 trần cứ cho là giống nhau (cùng thấy
cùng nghe một âm thnh hình ảnh) mà có người thích tranh lập thể, có người thích
trừu tượng, có người thích tranh tả thực, có người chỉ mơ có bộ tranh đông hồ, hoặc
có bộ hình người mẫu để treo trong nhà. Có người thích bức tranh thủy mặc, tranh
sơn thủy… Cùng là thích nhìn ngắm nhưng tùy trình độ. Có người chỉ thích màu
trắng đen, thích thư pháp, thích tranh thủy mặc thôi. Có người thì phải sặc sỡ
lòe loẹt màu mè mới thích. Đó là nói về chuyện thế gian.
Bây giờ nói qua đạo, trong số những
người có cơ duyên gặp được Phật Pháp, do bổn nguyện nhiều đời, bản hoài sinh tử
mà cách người ta đến với đạo cũng không giống nhau. Ví dụ có người đến với đạo
chỉ làm một việc khấn khứa cầu nguyện, có người đến với đạo chỉ làm con mọt
sách nghiên cứu giáo lý kinh điển, có người chỉ thích bố thí mà thôi. Thấy người ta hành thiền, quăng tiền ra; thấy
người học đạo, quăng tiền ra; thấy tăng ni đói rách, cũng quăng tiền ra, đại
khái vậy, đời họ chỉ có bố thí mà thôi. Có người thích ngồi thiền, ngay cả khi bố
thí cũng chỉ thích bố thí cho thiền sinh, hành giả, thiền sư, trường thiền thôi.
Ngay cả xây dựng chùa miểu loanh quanh trong thập thiện mà có người thích phục
vụ, có người thích bố thí, có người thích nghe pháp, có người thích thuyết
pháp, có người thích học đạo, người thì thích điều chỉnh tri kiến v.v...
Đó là thiện dục giới, bây giờ qua
tới đáo đại -- thiền định.
Do bổn nguyện của mình mà có người đụng
đâu chết đó. Đụng đâu chết đó là sao? Ngồi thiền, hồi đó đến giờ tâm lăng xăng
phiền não, bây giờ tâm nó lắng yên. Thở ra biết thở ra, thở vào biết thở vào,
thở ra biết thở ra... Khi mà nó lắng đọng như vậy thì hiển nhiên đương nhiên là
an lạc. Có kẻ đụng đâu dính đó đứng đâu chết đó, nghĩa là sao? Cho đến bao giờ
chưa là Thánh thì bất cứ một giai đoạn nào thì nó cũng chỉ là trạm dừng qua đêm
thôi. Chưa là thánh nhân, chưa là Tu-đà-hoàn thì bất cứ một thành tựu một sở
đắc một sở chứng nào của chúng ta cũng chỉ là trạm dừng qua đêm. Mình có là đại
thí chủ bỏ bạc tỷ cúng dường thì cũng chỉ là một trạm dừng trên con đường đưa
đến giải thoát. Nhưng khổ thay, có không ít người khi thấy mình đã là thí chủ
đại gia thì chìm sâu trong đó, cái mặt hất hất kên kên. Cứ tưởng mình đã đạt
đến đỉnh cao của công đức. Đó là cái sai. Có người thích học giáo lý, học được
ba mớ cứ tưởng đó là top, là đỉnh sau cùng của đạo nghiệp. Có người ngồi thiền nghe
nhẹ nhẹ mát mát tưởng là ‘tới’ rồi, tự nhiên trở nên dễ ghét.
Cho nên, cái thiện dục giới (thiện loanh
quanh liên hệ đến 6 trần, thiện liên hệ vật chất), hay thiện thuần túy tâm linh
-- thiện đáo đại (thiện liên quan đến các tầng thiền định đem lại, từ Sơ thiền
đến Phi-tưởng-phi-phi-tưởng) thì cũng do bổn nguyện, bản hoài mỗi người.
Đó là nói về định. Bây giờ qua tới
tuệ.
Họ thấy, họ biết, tất cả công đức,
sơ ý một chút thành ra phước hữu lậu, tiếp tục quẩn quanh trong ba cõi nhân
thiên, họ mới đi đến giai đoạn hai tu tập thiền Định. Cuối cùng đến giai đoạn
ba là tu tập thiền Tuệ, họ “biết hết á, buông hết á, biết cái gì cũng đồ giả
hết, nhưng riêng chánh niệm của mình là đồ thiệt”. Có động trời không, cái gì
cũng giả hết, nhưng chánh niệm của mình là thiệt? ‘Thiệt’ nghĩa là đó là cái gì
đó mà mình có quyền tự đắc tự hào tự kiêu tự tôn tự đại…
Dầu có đắc A-la-hán đi nữa cũng
không phải là cái gì để mình tự đắc tự kiêu hết. Bởi vì vị A-la-hán là người
trị liệu xong xuôi một căn bệnh trầm kha nan y tuyệt chứng từ vô lượng kiếp,
bây giờ các ngài uống đúng thuốc mà hết bệnh. Thử hỏi người hết bịnh thì có cái
gì hay để mà tự hào tự đắc. Quả vị thánh nhân mà còn không phải là cái để tự
hào tự đắc thì nói gì ba cái kết quả cỏn con, bé xíu, tí tẹo.
Tóm lại, tùy thuộc bổn nguyện bản
hoài mỗi người mà chúng ta đi được bao xa. Người thích cầm nắm thì đụng cái gì
cũng cầm nắm. Người thích nấn ná thì không đi xa được, chân đi mà lòng còn ở
lại. Bổn nguyện cao nhất của người tu Phật là hướng đến sự buông bỏ tất cả.
Buông bỏ tất cả nghĩa là bỏ hết nhân xấu quả xấu. Bỏ hết nhân xấu thì đúng rồi,
nhưng nhân lành dứt khoát phải trau dồi. Trau dồi để làm gì? Không phải để
hưởng quả lành trong các cõi nhân thiên, mà họ làm nhân lành để không còn sanh
tử trong ba cõi sáu đường nữa. Đừng hiểu lầm: ủa nếu nói vậy thì người hiểu đạo
không hành thiện sao? Vẫn làm chứ, nhưng hành thiện không phải để cầu quả báo
nhân thiên, mà là để hướng đến chấm dứt triệt để rốt ráo sự có mặt trên đời này
trong bất cứ hình thức nào.
Chúng ta không thể nào sống thất
niệm sống thiếu niệm mà hiểu được rốt ráo lời Phật. Bởi sự thật đầu tiên, quan
trọng đầu tiên mà được Đức Phật đặc biệt nhấn mạnh nêu bật đó là Ngài xác định:
mọi thứ ở đời là khổ. Một người chỉ học giáo lý, thuộc lòng Tam tạng mà sống
thất niệm thì họ không có cơ hội thấy được sự thật đầu tiên mà Đức Phật đã dạy
– mọi thứ là khổ. Chỉ có người sống chánh niệm, (nãy thở ra bây giờ thở vô, nãy đang vui bây giờ buồn, nãy thiện bây
giờ ác, nãy dễ chịu bây giờ khó chịu…) mới có cơ hội để thành tựu trí tuệ
minh sát. Trí tuệ minh sát là thấy được những gì Đức Phật đã dạy trong giáo lý
Bốn Đế.
Ngài dạy rất rõ, mọi thứ ở đời là
khổ. Bắt đầu Ngài kể chi tiết, xong Ngài tóm gọn lại. Sanh già đau chết là khổ,
muốn không được là khổ, thương phải xa ghét phải gần là khổ. Nhưng Ngài chốt
câu cuối mới quan trọng “saṅkhittena
pañcupādānakkhandhā dukkhā.” -- sự có mặt của năm uẩn là khổ. Chỗ này quan
trọng nhất, nhưng đa phần người ta nói đến khổ người ta chỉ nói đến già đau
chết thương phải xa ghét phải gần… là khổ, nhưng câu chót của Ngài mới quan
trọng: Sự có mặt của năm uẩn là khổ. Để thấy được cái này, phải sống chánh
niệm. Phải sống chánh niệm mới thấy rằng thực ra cái mình gọi là hạnh phúc sung
sướng nó chỉ tồn tại đúng một sát-na rồi nó tiếp nối bằng một sát-na khác. Nếu
niềm vui đó, sự sung sướng đó kéo dài thì cũng chỉ là sự lắp ráp ghép nối của
vô số sát-na tâm lý. Còn nếu đó là nỗi khổ niềm đau, là sự lo buồn sợ hãi, đau
khổ, ghen tuông, đố kỵ khó chịu v.v... thì cũng là sự tiếp nối của vô số sát-na
đau khổ. Và những gì mà chúng ta thấy là mình hay mình giỏi, cái gì mình dựa
vào đó để tự hào, tự mãn, tự đắc, tự kiêu, tự tôn, tự đại… tất cả chỉ tồn tại đúng
một sát-na, rồi nó được tiếp nối bởi một thứ khác. Cái gì mình ghét sợ nhất
cũng chỉ tồn tại đúng một sát-na, mà cái gì mình thương thích nhất cũng chỉ tồn
tại đúng một sát-na mà thôi. Và để thấy được cái này, anh phải sống chánh niệm.
Sống chánh niệm quan trọng lắm. Làm sao có thể sống đúng như vậy? Quay trở lại,
(chủ đề bài học hôm nay) phải là Bổn Nguyện.
NGUYỆN là gì? Nguyện là sự xác định
một ước muốn trong tâm lý để tạo thành một ấn tượng tinh thần, ấn tượng tâm lý
trong tương lai.
Nguyện quan trọng lắm. Ngay bây giờ
mình không có khả năng đắc thiền, không có khả năng ly dục nhưng cứ nguyện. Có
bốn điều nguyện quan trọng, hãy xăm lên chỗ trang trọng nhất:
1/ Đời đời kiếp kiếp, hễ còn sanh tử,
xin cho con gặp minh sư thiện hữu.
2/ Đời đời kiếp kiếp xin cho con có điều
kiện làm các công đức.
Dầu con giàu hay nghèo sang hay hèn.
Hễ có cơ hội làm công đức là tự nhiên con phải có cơ hội. Đang đói như quỷ
nhưng hễ gặp hiền thánh là lập tức con có được
trái chuối củ khoai trong tay để làm phước; có miếng vải nhỏ để cúng cho
ngài làm tọa cụ.
3/ Nguyện cho con đời đời gặp được đối
tượng đáng cúng dường, lễ bái.
4/ Nguyện cho con đời đời có được khả
năng ly dục, chứng thiền dễ dàng.
Đồng ý rằng tu thiền là phải do mình
nỗ lực ngay bây giờ. Nhưng lời nguyện rất quan trọng. Bằng chứng là cũng chính vì
lời nguyện trở thành Phật tổ mà một vị Bồ Tát đã có được hướng đi vạch sẵn
trong vô số kiếp luân hồi và cuối cùng với lời nguyện ấy, cộng với công đức dọc
đường đã tạo mà vị ấy trở thành vị Phật tổ.
Trong khi đó một người thiếu bổn
nguyện thì tất cả công đức bị rời rạc rơi rớt đổ tháo hết. Quả trổ thì hưởng
quả trổ thì hưởng, nếu có điều kiện thì làm thêm công đức mới, bằng không thì
cứ cắm đầu làm xấu làm bất thiện. Riêng người có bổn nguyện thì cứ đời đời sanh
ra họ bắt được tần số, làn sóng của hiền thánh, của minh sư thiện hữu.
Làm cách nào mình có thể xài iPhone,
iPad của người ta? Phải có password. Dù gần gũi cách mấy mà không có password passcode
thì chịu thua, không có vào được máy của họ. Ở đây cũng vậy, tất cả hiền thánh
ra đời là mình phải có password của họ, để chi, để nghe họ nói mình hiểu. Trong
những năm tháng tôi đi dạy học, tôi thấy có biết bao nhiêu người mình giảng
rách cổ họng mà họ không có cách nào hiểu được. Trong khi có thằng Tèo thằng Tý
mình chỉ nói qua một lượt là hiểu, giống như mình nói chuyện với họ tám kiếp
rồi, nói qua một lần là hiểu. Khi người không hiểu hỏi lại, tôi chỉ thằng Tý
thằng Tèo nói giải thích cho họ đi, tôi không có siêng nữa. Nhiều khi học thầy
không tày học bạn là vậy đó, cái duyên nó không có cho phép.
Rất nhiều người không chịu nổi sự
thật này: có mặt trên đời này là khổ. Họ nói nếu có mặt mà giàu, giỏi, đẹp thì
đâu có khổ. Nói cạn lời với họ mà họ không có hiểu. Tôi cho ông đẻ bọc điều,
gia đình tỷ phú, có ăn học, thu nhập cả trăm triệu, sống 98 tuổi. Nhưng ông
tưởng tượng trong 98 năm đó giây phút ông vui được bao nhiêu. Năm ông 98 tuổi
ông có còn biết là ông mấy tuổi, ông tên gì không? Có ông đó 98 tuổi, trong nhà
hay ra đường ổng cũng đều kêu vợ là Honey, Sweet Heart. Bạn bè con cháu hâm mộ
lắm. Cụ ông 98 cụ bà 95 mà mấy năm naylúc nào cũng gọi nhau là Honey, Honey
(cưng). Một ông bạn nói, tuổi này mà ông còn kêu bả là Honey sao. Ông 98 nhìn
quanh quất rồi nói nhỏ: tui quên tên bả rồi, kêu Honey cho chắc ăn.
Quí vị thấy chưa, đời sống như ý rồi
đó, nhưng đến 95 tuổi rồi thì ra làm sao. Đó là giải thích cho cái đầu toàn đất
sét, chứ thật ra trong kinh nói, chỉ cần anh sống chánh niệm, tại đây ngay bây
giờ (right here right now) sẽ thấy.
Nói về cái thân, cái thân này là
gánh nặng. Vì có thân này mà nó có chuyện ngồi lâu nó mỏi, nó tê, nó nhức; vì
có thân này mà nó ngứa, nó nóng, nó nực; vì có thân này mà nó có đói khát, có tiêu
tiểu. Vì có thân này mà nó có chuyện đi lâu mỏi chân, nằm hoài quẩn chân. Vì có
thân này mà nó mới kéo theo bao nhiêu hệ lụy khác trong cuộc đời trần ai khoai
củ này. Khi anh thất niệm thì anh sống như là một đứa bé, anh không biết cái gì
hết. Anh cứ chăm bẵm, nghĩ cái gì đến cái anh thích, anh quên cái chung quanh,
anh thấy đời là hạnh phúc. Nhưng nếu sống chánh niệm, anh không đi tìm cái
thích, không trốn chạy cái ghét, anh sống chánh niệm với bản thân anh tại đây
bây giờ, anh coi cái gì đang diễn ra trong thân này.
Nói về cái tâm. Trong một ngày anh
ngủ 8 tiếng thì còn lại 16 tiếng. Trong 16 tiếng anh thức, có bao nhiêu giây
phút anh vui? Toàn là stress. Cái này làm cho anh vui, cái kia làm cho anh
buồn, cái nọ làm cho anh giận, anh căng thẳng. Đó là chưa nói tới cái thiện,
chỉ nói tới cái vui thôi. Chưa nói tới nhân lành, chỉ nói tới cái quả lành
thôi, trong 16 tiếng anh thức anh vui được bao nhiêu phần trăm thời gian trong
tổng thời gian? Trong 16 tiếng anh vừa
đau khổ, vừa bất thiện. Đó là nói một ngày. Một tháng cũng cứ vậy mà tính. Một
năm, một thập niên cứ như vậy mà tính. Cuối cùng là một đời, anh sống 80 tuổi,
anh trừ ra giây phút mà anh đau khổ, anh sợ hãi, anh căng thẳng, anh nhức đầu,
anh toan tính, anh lên máu đau tim cho ba cái chuyện tình cảm, tiền bạc, xã
hội, quyền lực… anh vui được bao nhiêu? Vì mình u mê quá, mình rất là gần với
con thú, cho nên mình cả ngày chỉ nhắm đến chăm bẵm cái mình thích. Cà ngày cứ
trốn khổ tìm vui, trốn chạy cái mình ghét, đi tìm cái mình thích. Tại sao mình
làm được chuyện này? Tùy căn cơ, bản hoài, bổn nguyện của mình.
Có ba cái quyết định cuộc sống của
quí vị: tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, môi trường sống.
Tiền nghiệp tức nghiệp thiện ác tạo
ra trong nhiều đời.
Khuynh hướng tâm lý quan trọng lắm.
Có người thích buông cái này bắt cái kia, thích cầm nắm sở hữu. Nhưng có người
bẩm sinh sợ cầm nắm. Tôi không nói thánh nhân ở đây, nói thánh nhân thì cao
siêu quá, tôi nói đến phàm phu. Mình thấy có nhiều người hạnh phúc vì có nhiều
cái trong tay. Đi shopping mà tay cầm càng nhiều thì càng sướng. Nhưng có người
đi phố mà cái tay rảnh họ mới sướng. Có người có dịp xài tiền thấy sướng, có
người thì tiết kiệm được là thấy sướng. Có người thấy cái nhà đầy ắp những thứ mình
thích thì mới sướng, nhưng có người mà cái nhà trống lổng mới là sướng. Có
người chỉ khoác cái jacket là đã thấy dư rồi. Trời lạnh phải khoác thôi chứ họ
chỉ muốn mặc tà lỏn áo ba lỗ thôi. Có người thì phải khoe mũ, hoa tai, nhẫn,
dây chuyền, kính, đồng hồ, khăn choàng
giày dép dây nịt… hàng hiệu, phụ kiện càng nhiều thì càng sướng
Trong đạo cũng vậy, có người chỉ
mong một ngày đừng có đói, chỉ cần cái bình bát thôi, tối ngủ đừng có lạnh là
thấy hạnh phúc. Nhưng có người thì mong phải có đạo nghiệp xênh xang. Phải có
chùa miểu, có đồ chúng, phải có những cái thành tựu mà mắt có thể nhìn thấy
được thì họ mới cam tâm. Mà đó là các vị cao tăng đó nghen. Có người chỉ mong sau
khi chết không có bỏ lại cái gì sau lưng hết, không có gì để tiếc nuối, không
có gì để sợ mất, đối với họ đó là hạnh phúc.
Như vậy đó, có người mong sở hữu nhiều, có người mong trụi lủi,
không nói là ai khùng đâu nghen. Đó là khuynh hướng tâm lý. Có hai kẻ đi phố, có
kẻ đi với cái tay rảnh thì càng thấy sướng, có kẻ ra phố về mà hai tay xách
càng nhiều thì càng sướng. Trong đạo nghiệp tu hành trong đời sống tâm linh
tinh thần cũng y hệt như vậy. Có kẻ thích cầm nắm, có kẻ thích buông bỏ, với
hai khuynh hướng tâm lý này, trên đường luân hồi đương nhiên dẫn đến hai hướng
hành động khác nhau. Một kẻ suốt đời luôn tập chú vào cầm nắm sở hữu, kẻ thì
buông, buông được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.
Trong kinh có nhiều chuyện thú vị
lắm. Có vị tỳ kheo đệ tử Đức Phật sống chỉ có tam y quả bát, khi bị bệnh người
ta cúng dường thuốc men, chỉ dùng cho hết để mà buông. Lần đó, chỉ vì đang bị
bệnh mà phải cầm một túi thuốc đi trên quãng đường một do tuần, vị đó nói với
sư bạn: Tại cái thân này mà tui phải cầm cái cục nợ này. Trong khi có những vị
thì y áo thực phẩm phải giữ đến mức luật phải cấm. Không phải khơi khơi Đức
Phật cấm, mà vì người ta giữ dư quá nhiều nên phải cấm. Trong khi vị này chỉ
cầm có một túi thuốc, cho maximum là khoảng một hai ký thuốc, đi có quãng đường
thôi mà chịu không nổi, bận tay quá. Thuốc chữa bịnh cho mình, bản thân mình
cũng đang bị bệnh, mà chịu không nổi.
Có một kiếp quá khứ, Bồ Tát Thích Ca
Mâu Ni là vị vua ở vương quốc rộng lớn lắm, giống như VN vậy đó. Ngài chán đời
ngài đi tu. Có một ông vua láng giềng của một nước nhỏ hơn, như Laos hay
Cambodia so với VN vậy đó, thấy vậy cũng bỏ ngôi đi theo Bồ Tát tu chung luôn.
Đất nước của ngài mà ngài bỏ, sá gì vương quốc của tôi. Ngài là sư huynh là
tiền bối, là đại ca luôn. Hai người tu trên núi, tứ bề thiếu thốn toàn tập.
Trên đó làm gì có đồ ngọt, chỉ phá tổ ong thôi. Làm gì có muối, làm gì có giấm,
làm gì có kim chỉ… Chỉ có hoa trái củ rể thôi. Hai huynh đệ tu ít lâu trên núi,
lâu lâu Bồ Tát đưa sư đệ đi xuống phố đi bát. Thiếu chất, nên xuống phố đi bát,
để cơ thể quân bình trở lại. Xuống phố ít lâu rồi hai anh em dắt nhau về núi.
Trên núi làm gì có muối. Trong lúc đi bát dưới phố được người ta cho túi muối.
Ông sư đệ, vốn là vua nước nhỏ, nhớ những ngày tháng không có muối, nên cất túi
muối lại, coi nó như báu vật. Bữa đó, hai anh em đi hái trái rừng về ăn, đang
ăn thì sư đệ nói: huynh chờ chút lấy muối ra. Cái này phải có muối mới dễ ăn.
Thấy vị sư đệ đem muối ra, túm muối có chút xíu, nhưng sư huynh nghiêm mặt: Ở
đâu mà sư đệ có muối này? Sư đệ mới nói, bữa hổm xuống núi có người cho túm
muối nên đệ cất lại một miếng đem lên đây. Bồ Tát mới nói một câu thế này: Cả
vương quốc đệ bỏ được vậy mà có túm muối này đệ bỏ không được.
Đang giảng pháp, tôi đem kinh ra
nói, chớ tôi không hề kêu gọi quí vị bắt chước Bồ Tát triệt để rốt ráo như vậy.
Nhưng tinh thần câu chuyện rất là sâu. Nghĩa là, người có khuynh hướng buông
thì cái gì họ cũng buông hết. Đối với họ thì chuyện sở hữu một cái gì đó là
gồng gánh mang vác khiêng khuân. Trong khi đó, những người có khuynh hướng
thích cầm nắm thì khi tay không có gì là họ thiếu. Nhưng người có khuynh hướng
buông bỏ thì khi tay không cầm gì thì họ rảnh. Đó là do bản hoài, bổn nguyện nhiều
kiếp của họ.
Trong đạo cũng vậy, người thích cầm nắm thì đụng đâu dính
đó. Làm được tí công đức là dính trong đó, nghe được tí pháp là dính trong đó,
thiền được tí là dính trong đó, chánh niệm một tí là dính trong đó, định tâm
một chút là dính trong đó. Lẽ ra họ phải nhớ một chuyện thế này: đi toilet là phải
xài giấy, còn không nữa thì phải xài nước. Xong việc rồi, ra khỏi toilet thì nước
ấy và giấy ấy mình phải quên mất nó đi. Không có ai rửa xong, xài xong thì đem
ra ngoài cất. Xài xong thì liệng bỏ. Tất cả chỉ là ‘phương tiện giả nhất thời
chi dụng’. Đã là phương tiện thì chỉ xài nhất thời lúc cần thiết mà thôi. Tất
cả những gì chúng ta kiếm tìm sở hữu và sử dụng trong đời sống dầu là vật chất
hay tinh thần chỉ là phương tiện nhất thời, chỉ là chiếc bè để qua sông. Qua
sông rồi thì phải bỏ. Ai từng mua vé xe bus, xe điện, xe farm, máy bay, tàu
thủy thì biết, cái vé chỉ có giá trị khi chúng ta còn trong hành trình đó. Khi
đã rời khỏi phương tiện đó rồi thì tấm vé đó không có giá trị nữa. Đời sống này
là vậy đó, chỉ là một tấm vé mà thôi. Nhiều người không hiểu ra cái này. Tôi ở
Thụy Sĩ bị cái này hoài, coi đồng hồ còn có bốn phút là chuyến tàu mình cần sẽ
tới, vậy mà nguyên đám đông xếp hàng, vô office thì một đống người ở trỏng,
chạy ra máy thì đông quá mà có người đang cà rờ cà rờ. Giờ đó mà ngồi tìm từng
đồng xu để nhét vô máy. Chết rồi, trời đất ơi, hết giờ rồi. Nhiều lần vì mấy
người cà rờ cà mò đó mà tôi phải trễ chuyến tàu. Có nhiều khi mua được cái vé
vừa cầm thì tàu đã tới rồi. Muốn đứng tim, lên máu vậy đó. Dù trễ một chút đâu
có chết đâu, nhưng cái tâm lý người đi tàu ở Thụy Sĩ kỳ lắm. Cái chuyến này đi
hụt thì đi chuyến sau, vậy mà cứ phải đi
càng nhanh càng tốt. Mà đi đường về núi thì cũng chỉ ngồi nhìn trời nhìn đất
thôi nhưng mà phải đi chuyến sớm. Mua cái vé mệt muốn chết luôn, mà lúc lên tàu
chỉ có một việc thôi, chờ người soát vé tới và họ bấm. Trước khi họ bấm thì
không dám liệng. Họ bấm xong rồi thì mình thấy, trời đất ơi, chỉ vì giá trị chỉ
ba phút đến 5 phút mà hồi nãy mình muốn đứng tim giờ thì cái ông soát vé bấm
một cái là xong. Tất thảy những cái gì gian lao khó nhọc mà ngài Tịnh Giác, ngài
Hộ Pháp đã trải qua, quí vị nghe được là điếng hồn thôi. Xứ lạ quê người, ngôn
ngữ bất đồng, đụng chuyện không biết nhờ ai. Học hành khó nhọc gian lao. Xứ
người mà! Đến khi trở thành một bậc ‘chuyên gia’, thạc học bác lãm thì tuổi già
ập tới. Lúc đó nhìn lại, tất cả chỉ là tấm vé thôi. Ngài Tịnh Giác vừa rồi là
ngài mới xé vé liệng rồi đó. Giờ thì ngài qua kiếp khác là mua cái vé khác cho
chuyến tàu mới. Dĩ nhiên ở đây tôi đâu có nói hết từng sự việc, học mấy chục
năm ở nước người mà. Chỉ riêng cái khoản đi tìm đất Kalama, mấy lần qua ký tên,
qua coi thầy thợ, mỗi lần như vậy biết bao nhiêu là gian truân. Khi nào có khóa
tu thì mới có người đi chợ nấu ăn, còn bây giờ thì nhờ những người đi chung
trong đoàn, được mấy mống thay phiên nhau. Đi bộ trong kalama ra ngoài cái
thác, coi thử người ta bán cái gì, nếu không có thì phải đi xe ôm ra ngoài chợ.
Không xa nhưng cũng phiền lắm. Tôi cho mình cực cái Kalama ba năm là maximum,
nhưng mình đã qua được một năm rồi, còn hai năm nữa. Vậy mà còn ngán, huống chi
là các ngài, hai mươi năm như vậy, cực biết chừng nào. Lúc ngài Tịnh Giác lấy
được cái bằng chứng chỉ Pāḷi tạm gọi là top, dù là lớp 8/9 nhưng trình độ của ngài
là ngài còn làm giám khảo chấm cho mấy vị lớp 9 được. Bởi vì ngài là lớp 8 thâm
niên công vụ, thượng sĩ già. Nhưng mà vì học tài thi phận, cuối cùng người ta
nản quá, người ta thỉnh ngài đi làm giám khảm cho lớp 9 luôn. Giỏi Pāḷi đến mức
như vậy. Ngài viết lách, đọc hiểu như một vị tỳ kheo đương thời Đức Phật, không
có trở ngại trong tiếng Pāḷi. Khổ một chỗ, ngài mê học, học tới lúc ngài muốn
ngừng lại để tu thiền để dịch kinh thì tuổi già ập tới. Ngài về nước ngài tiếc
công nên ráng dịch lại một số. Có in ra rồi, chẳng hạn như ngài muốn dịch lại
Trường Bộ Kinh, ngài đang làm lại một số bài thì ngài bịnh rồi mất luôn. Tất cả
những cái đó đều là tấm vé thôi quí vị.
Nhưng mà không sao, ngày nào chưa
chứng được Tu-đà-hoàn ( tôi không nói A-la-hán mà nói Tu-đà-hoàn, quả vị dự
lưu, đã đặt chân lên đó thì không chóng thì chầy cũng chấm dứt sanh tử thôi),
thì ngài lại tiếp tục cầm cái bổn nguyện của mình để đi. Cứ mỗi kiếp sanh ra
lại mua một cái vé. Cái vé đó bao nhiêu tiền thì khó nói. Sanh ra trong gia đình Thái Lan, gia tư sản
nghiệp ngon lành, có cha mẹ lo lắng, bịnh đau có người chăm sóc, muốn học
trường nào thầy nào, gõ cửa nơi nào gia đình lo hết, thì tấm vé đó rẻ. Ngài
Tịnh Sự ngày xưa qua bên đó gian khổ trăm bề, may nhờ có bà Phật tử mà chắc
cũng túc duyên tiền kiếp, bà đứng ra lo cho mọi chuyện ốm đau bịnh họan. Khi
ngài đậu thủ khoa A-Tỳ-Đàm rồi thì bà nói thẳng, ngài không tu nữa thì con gái
của bà là của ngài. Ngài lạnh gáy ngài vọt về nước luôn. Ngài Hộ Nhẫn cũng vậy,
cô công chúa Miến Điện cũng thương ngài lắm, nhưng thấy không xong là ngài bỏ
về nước. Mỗi vị phải có một bổn nguyện để theo đuổi.
Tu là buông. Nhiều người nghe thấy
chữ ‘nguyện’ nghĩ là nặng lắm, nguyện là phải cưu mang. Không phải. Nguyện là sự
chọn lựa. Không đi đường này mà là đi đường này. Khi khuynh hướng tâm lý của
mình là buông bỏ không phải cầm nắm thì ngay trong đời sống vật chất, ngay
trong quả lành hay quả xấu gì lòng mình cũng buông rồi. Hãy nhớ rằng khổ đến mấy cũng vô thường vô ngã, sướng
đến mấy cũng vô ngã vô thường. Đây là nói về quả (quả thiện quả ác).
Còn nói về nhân, làm được bao nhiêu
cũng hãy nhớ đây là cái vé để đi đò thôi. Dầu là tu tập thiền định hay tu tập
tuệ quán cứ luôn luôn nhớ rằng chưa chứng thánh thì mọi nỗ lực lánh ác hành
thiện chỉ là nỗ lực mua vé thôi. Nãy có nói rồi, mua dễ cách mấy hay mua khó cách mấy cũng chỉ là cái vé, bước
xuống tàu rồi là xong.
Tùy thuộc bản nguyện của mình mà mình có thiết tha làm thiện
lánh ác hay không.
Tùy thuộc bản nguyện
của mình mà kiểu tu tập không giống nhau.
Chính vì kiểu tu tập không giống
nhau cho nên ngày chứng thánh chúng ta cũng chứng thánh trong một điều kiện hoàn
cảnh môi trường không giống nhau. Chứng thánh được là tốt rồi, nhưng có điều,
có điều kiện vẫn tốt hơn thưa quí vị. Có người sanh ra thông minh bằng trời
nhưng ốm đau dặt dẹo. Có người thông minh bằng trời nhưng cực nghèo. Có người
giàu nứt đố đổ vách nhưng cái đầu chậm quá. Cứ như vậy được này thiếu kia làm
sao tu. Cái đầu chậm quá làm sao tu, đói rách tả tơi cũng khó tu. Đồng ý người
xuất gia không sở hữu tài sản, nhưng giữa hai vị tỳ kheo, người có phước vật
chất là thấy khác. Tự nhiên nó khiến, vị này không có tìm kiếm, nhưng tự nhiên nghiệp
đẩy đi đến chỗ nào đó được sinh hoạt thoải mái vật chất, hoặc cứ ở yên một chỗ
nhưng tự nhiên có kẻ tìm tới để hộ trì hỗ trợ. Còn người thiếu phước vật chất
rồi thì tự nhiên nó khiến cho ở cái chỗ thiếu thốn tùm lum, hoặc là ở chỗ ngon
lành mà không được sự dòm ngó chăm sóc của người khác. Tôi thiếu cái phước đó,
thiếu một cách đặc biệt. Tôi xuất gia từ ngày mười chín tháng hai năm tám mươi
tới giờ mà tôi bị cái nghiệp gì ngộ lắm. Bên VN, khi Phật tử cúng dường cái gì
đó mà không đủ chia cho mấy ông sư thì có hai cách giải quyết: xài chung, ví dụ
như gói trà, hộp sữa, xà bông. Có cái phải chia như dao cạo râu, khăn mặt khăn
tắm. Lúc đó phải bốc thăm. Tôi thường xuyên liên tục mười lần tôi trật hết
chín. Có người nói cái trán tôi đen, hãm tài, xui lắm, còn có nốt ruồi sát phụ
sát cha nữa. Tôi nghèo từ hồi nhỏ, bây giờ yuổi này đối với tôi khái niệm giàu
nghèo không còn nữa, nhưng có cái xui, người mà ghét tôi thì chửi tôi không còn
nước non nào, còn người thương tôi thì đi đồn, giờ ổng có tiếng rồi chắc ổng
giàu. Cuối cùng rồi tôi tiếp tục tôi nghèo nữa. Tôi nói ra không phải để bà con
thương bà con cho. Bao nhiêu thí chủ hứa cho tiền in sách, thế rồi rút. Hứa cho
tiền Kalama, rồi cũng rút. Cái nghiệp tôi xui đến mức mà lây qua Kalama luôn. Nếu
đổi ông khác thì Kalama cất lên thành chùa tháp vàng rồi. Mà tôi có lợi lộc gì
đó đâu, tôi chỉ là founder thôi. Đâu có làm trụ trì ở đó đâu. Người khác về làm
giám quản ở đó chớ tôi ở châu Âu mà. Đó là nói về phước vật chất. Còn nói về
sức khỏe, tiên thiên (sức khỏe bẩm sinh từ trong bụng mẹ) của tôi tệ lắm. Tử vi
nói tôi tướng tinh con thỏ xương con gà. Nhút nhát, xương xẩu nhỏ xíu gầy yếu
lắm. Ở tuổi này năm tấc tôi không dám nhảy, sợ gãy xương. Nhưng có cái may năm
nay 50 tuổi tôi chỉ bị trục trặc một lần là đi mổ sạn thận thôi chứ không bị
như mấy bạn bè tôi. Nhiều ông mập ú mà bị mấy bịnh kỳ lắm: chảy máu cam, cao
máu, bị viêm xoang, bị bao tử triền miên. Một sư bạn lớn hơn tôi hai tuổi bị
táo bón từ 15, 17 cho tới bây giờ. Phải dùng tay móc là chuyện bình thường.
Biết nhau từ năm 80 tới giờ. Vị đó bây giờ hoàn tục rồi, một lần đi vệ sinh là
khổ. Sau này tôi về Mỹ có biết, có một gia tộc đó hồi đó bị nghiệp bỏn xẻn hay
sao mà táo bón nguyên cả dòng luôn. Đối với họ chuyện đi vệ sinh khó dữ lắm.
Tôi may mắn không bị bệnh gì hết, chỉ một lần đi mổ kidney stones sạn thận
thôi. Tôi cầu từ đây tới ngày tôi đi thì đừng có bị nữa. Nó không chọt lỗ thì
nó cũng rạch đường. Có ba cách: chọt lỗ, rạch đường, luồn ống. Lúc gây mê thì
không sao, tới lúc lấy ra thì thấy mười hai cái mặt trời nằm ngang.
Cho nên, tùy thuộc kiểu tu của mình, tùy thuộc
khuynh hướng tâm lý, tiền nghiệp của mình, mình vận dụng linh động ra sao để có
cái nền tảng tâm thức như thế nào đó, rồi từ cái nền tảng tâm thức đó ta tu tập
theo đường hướng không giống ai, nặng cái này, coi nhẹ cái kia. Chính vì không
giống nhau nên hành trình tu chứng không giống nhau. Hành trình tu chứng không
giống nhau thì giây phút thành tựu quả chứng cũng không giống nhau.
Có người sanh ra giỏi cực kỳ nhưng mà
bịnh, có người giỏi khỏe mà nghèo, có người giỏi giàu mà cái đầu chậm quá
v.v... . Cứ như thế thiếu một trong đó làm sao mà tu. Trong đời tôi, từ năm 80
đến giờ tôi gặp được đủ hết. Có người thiếu cả ba, có người được hai trong ba,
có người được một trong ba, có người ngon lành cả ba. Được cả ba thì sướng rồi.
Nhưng những vị một trong ba hai trong ba thì ngao ngán lắm. Có vị bị suyễn, sau
hoàn tục và qua đời rồi. Trời đất ơi, ở miền Đông chùa nghèo, nhờ ổng mà tôi
biết cái thuốc Cortidasmyl. Trên rừng làm gì có thuốc, cho nên có bao nhiêu
tiền bạc khi về gia đình ổng mua một túi. Khi lên cơn ổng ngồi chống cái tay
thở nhìn như tượng nhân sư ở Ai Cập vậy. Môi tím, mặt tái mét, con mắt thất
thần còn tròng trắng thôi mà thở không được. Quơ tay kiếm thuốc nuốc cái ực lát
sau mới thở lại bình thường. Ông thì táo bón, ông thì viêm xoang ngồi gần nghe
mùi. Có vị thì sức khỏe tốt nhưng điều kiện vật chất thì túng … huyền thoại
luôn. Có vị thì cái đầu chậm. Nghe chỉ là ngồi nghe, vô lớp là ngủ. Vậy mà khi
nghe nói đi đào đất làm cỏ thì tỉnh như sáo. Còn vô lớp nhìn thầy nhìn bạn nhìn
bảng là con mắt sụp liền. Nói cách gì cũng không nhớ, đến nỗi coi việc học là
cực hình tra tấn. Trong khi đó có những người hiếu học, họ coi việc học là diễm
phúc là đặc quyền đặc lợi sung sướng. Có người nghe nói tới học là mặt tái mét
luôn, thà đi chăn trâu móc củ co củ súng chớ nghe học là sợ lắm. Vì sao vậy? Vì
tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý nó dẫn đến sự sai biệt đó trong cuộc đời của
mỗi người. Rồi đến lúc gặp Phật pháp, tu học cũng vậy. Tất cả do bổn nguyện mà
ra. Kinh nói. Kinh Appadana Tam Tạng cuốn 32, nói rằng tùy sở thích của mỗi
người. Sở thích từ đâu nó ra? Xin thưa, từ nhiều nguồn: Do mình cảm nhận cuộc
đời này ra sao mà nó hình thành chỗ ghét và chỗ thích không giống ai. Từ đó cái
nhu cầu của mình không giống ai. Tới lúc gặp Phật thì cái nguyện vọng không
giống nhau. Có người gặp Phật thì họ chỉ mong giải thoát sanh tử. Có người mong
muốn trở thành nhân vật đệ nhất biệt hạnh nào đó (thần thông, thiên nhãn, trì
luật, thần thông, đầu đà…). Trong các biệt hạnh, nếu phải lựa thì tôi thích cái
biệt hạnh nào nó mềm mềm chút. Như là đệ nhất trí tuệ, đệ nhất thần thông, đệ
nhất tài lộc, đệ nhất thiên nhãn chớ còn có nhiều đệ nhất kỳ lắm, như đầu đà,
phấn tảo… khổ lắm, nghe không khoái. Nói vậy thôi, riêng tôi không xin đệ nhất
gì hết, , chỉ xin gặp Phật mình đắc Tu-đà-hoàn là được rồi, đắc xong chết luôn
cũng được. Oải quá rồi. Không biết sắp chết hay sắp đắc mà càng lúc tôi càng
thấm khổ sanh tử, khổ già, khổ bệnh, muốn không được, thương phải xa, ghét phải
gần. Chưa kể khổ sa đọa. Như mấy con giun con trùn trong đất trong cống rãnh biết
chừng nào mới lên hả trời. Rồi thì mấy con vi sinh, yếm khí sống chỗ thiếu oxy,
hay như mấy con hàu bám trong đá, tôi nhìn mà ngán quá. Chui vào trong đó biết
chừng nào mới trở lên làm người. Một ngàn Phật ra đời cũng chịu thua. Đâu khác
gì gỗ đá. Chưa kể trong kinh kể có những loài như loài yểu mệnh. Sáng sinh
chiều chết. Có những loài vi sinh mắt thường không thấy cứ sanh ra rồi chết,
sanh rồi chết, không biết bao nhiêu ngàn tỷ kiếp sống mù mịt tăm tối. Khi được
làm người thì phải bao nhiêu lần sinh ly tử biệt, chốn giang đầu nhỏ lệ khóc
đưa nhau. Thương người ta mà phải nhìn người ta ôm cầm sang thuyền khác. Thương
người ta mà phải nhìn người ta đau bệnh tai nạn trước mặt mình mà mình cứu
không được. Thương người ta mà mình phải gạt lệ đi để họ ở lại… đủ thứ khổ
trong cuộc trầm luân khổ ải này.
Cho nên, tùy bổn nguyện của mình, nếu
còn muốn nấn ná nắm níu thì ok cứ quẩn quanh ít lâu, còn sợ quá tìm cách đi cho
mau lẹ. Chỉ có pháp môn Tứ Niệm Xứ, phải chánh niệm. Nhưng phải học giáo lý.
Sống chết gì cũng phải học giáo lý rồi sống chánh niệm. Từ từ một ngày hai
ngày, một tuần hai tuần, một tháng hai tháng… sẽ có một ngày chánh niệm mạnh
thì trí tuệ phân tích nó sẽ trào ra. “Trí phân tích” ấy nói đơn giản là “hiểu
ra”. Chỉ sống chánh niệm cộng với kiến thức giáo lý. Đừng quán chiếu danh sắc
gì mệt lắm. Đang đi biết đi, đang rửa chén biết rõ đang rửa chén. Lúc đó có một
tâm trạng nào lướt qua thì biết đây là tâm tham, đây là tâm sân… Khi không có
gì nữa quay trở lại với sinh hoạt chính của mình: đang đi, đang mở cửa, đang
gãi, đang đánh răng… Lúc nào ngồi được thì ngồi. Xếp cái chân vô biết rõ mình
đang ngồi. Rồi theo dõi hơi thở. Thở ra biết là thở ra, thở vào biết là thở
vào. Chỉ quan sát chứ không điều khiển, không can thiệp. Để cho hơi thở tự
nhiên đi ra hết mức, đi ra hết mức thì nó đi vào, đi vào hết mức thì đi ra. Chỉ
thuần túy quan sát một cách khách quan, trung thực. Có như vậy thì mới có cơ
hội thấy ra sự có mặt của mình khổ trong từng phút. Vấn đề là hên xui. Nếu bổn
nguyện của anh tệ quá thì anh nghe cái pháp môn này anh nản, chẳng thấy có gì
thú vị. Nhưng nếu anh có duyên lành ba-la-mật thì anh thấy rằng không có một
đời sống nào hay hơn đời sống của một hành giả Tứ Niệm Xứ: làm gì biết nấy.
Trong kinh ghi rất rõ vị A-la-hán giống hệt thiền sinh ở điểm là chánh niệm
liên tục, làm gì biết nấy. Khi các ngài nhập thiền quả Phala samāpatti an trú
trong niềm an hưởng quả vị niết-bàn thì không nói, bình thường thì các ngài chỉ
sống chánh niệm làm gì biết nấy luôn luôn và luôn luôn. Ngài đâu còn phiền não
nào để trừ. Ngài không phải cố gắng chánh niệm, mà lúc đó chánh niệm là đời
sống duy nhất ngài không thể sống khác.
Chánh niệm có những điều đặc biệt:
Buổi đầu thì nó là cái gì đó mình phải nỗ lực cố gắng mới có. Bước hai, lâu dần
nó trở thành vốn sống tự nhiên, mình chánh niệm một cách tự nhiên và an lạc với
nó. Bước ba, bước quan trọng, nó trở thành nền tảng để trí tuệ làm việc. Ngày
xưa đi biết là đi, bây giờ đang đi mình biết tâm sân đang có mặt, lòng ganh tị
đang có mặt, lòng sợ hãi đang có mặt, lòng bủn xỉn đang có mặt… chính xác đến
như vậy. Khi anh biết như vậy thì tự nhiên anh hiểu thêm được những chuyện
khác: Tất cả những cái này đều là khổ. Bất cứ niềm đam mê nào dầu là thích giữ
lại hay muốn thoát ra khỏi cảm giác này đều là tham, là tập đế. Muốn hết khổ
thì đừng thích trong khổ đế nữa. Ba nhận thức này cộng lại chính là con đường
thoát khổ. Lúc đó, cái hiểu này không phải là do ông thầy nói hay do mình đọc
trong sách, mà nó chính là do tự thân mình bật ra hiểu. Cái hiểu đó không bằng
trí tuệ phàm phu mà là bằng trí tuệ thánh nhân. Nếu đó là trí tuệ Tu-đà-hoàn
thì lúc đó mình đã là vị Sơ quả. Vượt qua khỏi giai đoạn Sơ quả, chứng Tam, Tứ
quả là chuyện của ngày sau.
Ở đây không có cái gì gọi là sát trừ
phiền não mà là sự thay thế. Hồi đó giờ nhìn cái đó mình thấy nó hay, ngon, dở,
đẹp, xấu… Mình nhìn nó để mình thấy thích hay là ghét. Nhưng bây giờ mình thấy
nó là cái gì đó đang sanh diệt. Hồi đó giờ qua cách nhìn của mình mình thấy đây
là người thân, đây là kẻ thù, đây là thơm, đây là thối, đây là cái mình thích
đây là cái mình ghét… Nhưng lúc chứng quả Tu-đà-hoàn thì vị ấy thấy rõ ràng đây
là năm uẩn, không phải là cái gì đó gọi là tôi hay của tôi, mà đơn giản chỉ là
pháp thôi. Pháp hiện hữu, Pháp vận hành, không hề có nam nữ già trẻ đẹp xấu. Vị
ấy thấy rằng mọi thứ chỉ là những hiện tượng tâm sinh lý tùy thuộc vào các điều
kiện mà chớp tắt sinh diệt chớp tắt sinh diệt. Chỉ với cái thấy đó vị ấy mới
buông được cái thương thích, cái ghét sợ. Không sống chánh niệm thì làm gì có
cơ hội để thấy rằng mình chỉ là chớp tắt. Chưa biết đạo mình thấy mình là một
đường thẳng, đường thẳng ấy có chiều dài 50 năm, 70 năm thời gian. Biết đạo rồi
mình thấy đời sống của mình là sự ráp nối của những giây phút thiện và bất
thiện, buồn và vui, nhân lành quả lành nhân ác quả ác. Nhưng rốt ráo thì mình
sẽ thấy mình không còn là những cái đốm nữa mà là những cái chấm. Muốn chứng
thánh là phải tới mức độ thấy đó chỉ là những dấu chấm cộng lại làm nên bức
tranh có cái tên gọi là nam, nữ, đẹp xấu, già trẻ, khỏe bịnh, sang hèn, giàu
nghèo, giỏi dốt.
Để thực hiện được cái này thì chúng
ta phải quay lại bổn nguyện trên.
1) Đời đời gặp minh sư thiện hữu.
Minh sư có ba trường hợp:
- người dạy mình điều lành nhưng dù
bản thân họ không lành.
- họ là người lành nhưng chỉ có thể
dạy bằng thân giáo
- họ làm được điều họ nói
Thiện hữu là người trang lứa có thể
chia sẻ với mình cái họ hiểu, cái họ có, cái họ đã làm được, đã chứng được.
2) Đời đời sinh ra có điều kiện để
làm công đức
Khi cần tu thiền là có điều kiện;
cần bố thí là có điều kiện. Dù điều kiện của mình không bằng người ta, nhưng mà
mình đủ điều kiện để làm điều đó là được rồi. Nhiều người giàu nứt vách nhưng
kêu họ đi qua Miến tu hai tuần họ không có điều kiện. Trong số những Phật tử
tôi quen có không ít người như vậy. Họ có thể tài trợ cho chục hành giả, nhưng
bản thân họ không đi được. Do đó phải nguyện.
Cần học đạo là bèn có thầy bạn ngon lành trường lớp hẳn hoi. Cần giữ
giới là bèn có người hộ trì, hỗ trợ. Đừng có nói giữ giới không cần người hộ
trì, hỗ trợ. Có hai ông sư, một ông phát nguyện không giữ tiền, không giữ y dư,
thuốc men không cần giữ, ông thứ hai cũng vậy. Nhưng ông A có phước là lúc nào
cũng có người dõi theo từng bước chân, cần là có người hộ trì hỗ trợ, nên
chuyện giữ giới suôn sẻ lắm. Vị kia thì
thiếu triền miên, cuối cùng khi thiếu quá thì cái giới trở thành gánh nặng. Giữ
giới mà có điều kiện vật chất thì giữ giới dễ hơn. Nghèo quá cũng khó giữ giới
lắm. Ở nhà quê cũng phải bắt cá bắt tép, sống với ruồi muỗi kiến gián chuột bọ.
Nếu có tiền thì đâu có cọ chạm ma sát với những chuyện đó. Cái gì cũng cần có
điều kiện hết. Điều kiện làm thiện là nhiều thứ lắm: sức khỏe, vật chất, trí óc
phải ok.
Phải nguyện xin cho con khi cần bố
thí, giữ giới, nghe pháp là có ngay điều kiện. Dầu đang khổ nghèo nhưng cần
phải có liền.
3) Đời đời kiếp kiếp xin cho con gặp
được đối tượng để kính bái, tôn thờ. Một cư sĩ có thể là minh sư cho mình được,
nhưng một đối tượng để mình cúng bái phải là chư tăng. Gặp các ngài thạc đức
thạc học như ngài Hộ Pháp đâu phải dễ. Không phải có tiền là gặp ai cũng được,
muốn gõ cửa ai cũng được. Sai bét. Thiếu phước gặp cao nhân tự nhiên mình thiếu
thông tin. Tới lúc mình biết thì họ tịch rồi. Biết bao nhiêu người đến lúc biết
được Đức Thế Tôn như thế nào thì Ngài đã về Kusinara rồi. Không đủ duyên thì
không gặp được đâu. Và còn cái não trạng của mình nữa, não trạng đất sét thì
khi gặp chỉ biết cúng dường bữa ăn, chai dầu gió. Trong khi gặp cao nhân hiền
thánh thì lẽ ra mình phải biết lắng nghe, biết hành trì, biết quan sát, biết
học hỏi, biết noi gương, đằng này không. Ngài Hộ Pháp giỏi, ngài tu hay nhưng
nếu mình không có cái đầu thì gặp cũng như không. Nếu như có phước, gặp ngài Hộ
Pháp. ngài Tịnh Giác, Ngài Pa-Auk, ngài Ajahn Chah, ngài Ledi, bà Achan
Neb thì mình hỏi và học đã luôn, hỏi đã
luôn. Còn nếu như không có tần số, pw của các ngài thì gặp Phật cũng bằng
không. Phật trí vô biên, Phật lực vô cùng, Phật tâm vô lượng nhưng không thể độ
người vô duyên. Vì sao lại vô duyên? Từ bổn nguyện mà ra!
Bây giờ bà con muốn cầu giải thoát
thì chuyện đầu tiên là học giáo lý căn bản và sống chánh niệm. Chỉ hai cái này
thì lý tưởng giải thoát mới mạnh. Mạnh là vì khi học giáo lý thì mới thấy được
hiện hữu là khổ và không muốn luân hồi nữa. Không học giáo lý, không sống chánh
niệm thì có nguyện cũng như vẹt sáo nhồng cưỡng, yếu lắm, vì chưa thực sự ngán
sợ luân hồi.
Chúng sanh có 3 hạng cầu giải thoát:
-Hạng hạ căn thấy khổ quá ngán quá
nên mới cầu giải thoát (Hạng này chán khổ-khổ)
-Hạng trung căn thấy cái vui mong
manh, cái đẹp cái mình thích quá mong manh bèn cầu giải thoát. Không muốn chơi trò chơi trẻ con đó nữa (Hạng
này sợ hoại-khổ)
-Bậc thượng căn là thấy được sự vô
nghĩa vô ích vô vị vô duyên của hiện hữu nên họ cầu giải thoát.
(Còn hạng không thuộc vào ba hạng
trên “tôi là ai mà yêu quá đời này” thì tào lao không tính. Họ lọt xuống địa
ngục ba ngàn lần vẫn muốn luân hồi.)
Bậc thượng căn chán cái hành-khổ. Không
liên hệ gì cảm xúc, mà vì họ thấy bản chất bất toàn bất trắc vô duyên tẻ nhạt
nên chán cái hành-khổ. Họ thấy mọi thứ ở đời do duyên mà có, có rồi lại mất. Có
để làm gì? Có để mà mất chứ không có cái ý nghĩa gì hết. Các nhà hoạt động
chính trị họ hứa họ sẽ đưa ra một cơ chế, đường lối biến đất nước thành phú
cường, thế giới này thành một thiên đường tại thế… họ hứa tùm lum nhưng đó là cách nghĩ thế gian chứ
trong kinh Đức Phật dạy rất rõ: Có ở đâu trong cõi Dục mà sướng bằng các cảnh trời;
có ở đâu trong Tam giới mà ngon lành bằng các cõi Tịnh Cư của thánh A-na-hàm; có
tầng thiền nào hơn được tầng Phi-tưởng-phi-phi-tưởng. Vậy mà chính Ngài xác
nhận, các hành là vô thường, có rồi phải mất. Một bài kinh chư tăng hay thường
đọc trong đám tang hay lắm:
Aniccā vata saṅkhārā (All things are
impermanent)
uppāda-vaya-dhammino, (They arise
and pass away)
uppajjitvā nirujjhanti (Having arisen they come to an end)
tesam vūpasamo sukho (Their coming
to peace is bliss)
Các hành là vô thường. Mọi hiện hữu ở
đời này tất thảy đều vô thường. Uppāda-vaya-dhammino, bởi vì bản chất các hành
sanh diệt, có rồi mất. Uppajjitvā nirujjhanti, sau khi xuất hiện thì bèn biến
mất. Tesam vūpasamo sukho, câu này mới cực hay. Tesam tiếng Mỹ là ‘their’ (số
nhiều), nghĩa là ngày nào cái sanh cái diệt đó mà mất đi thì cái đó mới thật sự
là ‘vūpasamo sukho’, sự biến mất của cái sanh và diệt đó mới chính là sự an lạc
thật sự. Sự an lạc này không nói về cảm giác cảm xúc, mà nói về bản chất -- không
còn thích ghét sướng khổ nữa. Đó mới là an lạc.
Mọi hiện hữu ở đời đều là vô thường.
Bởi vì bản chất của nó chỉ là sanh diệt mà thôi.
Có rồi để mất.
Không còn sanh diệt nữa thì mới thật sự là an lạc.
Người thiếu duyên vô phước thì sanh
ra vào cái thời không được nghe pháp, không chịu nghe, không nghe được đúng cái
chỉnh sửa được cái đầu của mình, hoặc nghe giáo pháp cao siêu thâm hậu mà không
tự mình chỉnh sửa được. Tôi giảng cho bà con cũng như bắn đạn chài, trúng ai
thì trúng. Không phải tôi huệ căn, mà tôi làm thầy chùa quá lâu rồi. Đời tôi
khổ quá nên tôi thấm. Quí vị có thể không khổ bằng tôi, hoặc là có khổ nhưng lo
nghĩ chuyện khác. Tôi nhắc lại, phải học giáo lý, sống chánh niệm, để làm một
việc thôi: thấy cái thân này là khổ, là gánh nặng, có để mà mất. Tất cả những gì
quí vị yêu nhất thích nhất trên đời này có rồi cũng có để mà mất. Mất theo hai cách:
mình bỏ nó, nó bỏ mình. Nó không còn nữa hoặc là nó biến dạng thành ra thứ khác
không còn như mình mong đợi đến nỗi mình chán nó không còn muốn sở hữu luôn. Áo
quần, giày dép … lúc hàng hiệu lúc mới mua thì nâng niu, sau một tuần là thấy
gớm rồi, đế giày thì dơ, vớ thì bốc mùi trong đó. Phải liên tục sống trong nền
tảng nhận thức rằng tất cả những gì mình yêu thích đều sẽ có rồi mất. Với nền
tảng nhận thức ấy thì buổi đầu thấy rất là bi quan tiêu cực. Mới biết đạo mà nghĩ
đến cái chết, nghĩ đến cái vô ngã vô thường, sớm muộn gì mình cũng bỏ nó mà đi,
nghĩ đến bất tịnh hư hao bất mát thì nản lắm; nhưng nếu liên tục sống trong
nhận thức như vậy của hành giả tuệ quán thì sẽ có một ngày vẫn tiếp tục thấy
như vậy nhưng không phải là bi quan nữa mà sự an lạc. Cái an lạc ở đây nghĩa là
không còn nặng lòng về nó nữa. An lạc của người tu không phải mát lạnh nổi da
gà, muốn bay bổng… Mà an lạc là có một ngày anh thấy rằng tất cả cái đắng chỉ
tồn tại không quá một sát-na, tất cả cái ngọt không tồn tại quá một sát-na. Chẳng
qua là nhiều cái đắng nó tiếp nối nhau kéo dài một ngày hai ngày mà mình gọi
tên nó là nỗi khổ là niềm đau là cơn trầm
uất là nỗi ám ảnh. Thật ra tất cả những cái đó chỉ là chuỗi tiếp nối của vô số sát-na
tâm lý. Một ngày nào đó quí vị thấy mình chỉ là một nắm cát, chỉ là một túi hạt
é hạt chia mà thôi. Mình thấy rằng mình chỉ là chùm ánh sáng chớp tắt chớp tắt xanh
vàng đỏ tím nhưng hiện hữu trong từng giây đồng hồ. Phải thấy như vậy. Thấy không
phải do được tuyên truyền nhồi sọ rỉ tai tẩy não mà chính mình thấy như vậy. Chính
cái thân này lúc nóng lúc lạnh lúc khó chịu lúc dễ chịu, lúc tê mỏi lúc thoải
mái. Còn cái tâm này lúc buồn lúc vui lúc bực mình lúc thanh thản. Phải liên
tục thấy rằng nó là đồ giả. Trừ bất đắc kỳ tử, trừ chết hôn mê, còn nếu tỉnh
táo mình thấy cái chết nó chỉ là cái sự rời rã của nắm cát, của một đống bọt nước
mà thôi. Lúc đó không tiếc nuối, không sợ hãi. Phải đến cảnh giới đó!
Có chuyện đặc biệt thế này, anh càng
có nhiều cái anh thích càng nhiều người để anh thương thì anh càng nhiều cơ hội
để khổ vì tiếc nuối sợ hãi. Sợ nó ra đi bỏ lại mình, sợ mình ra đi bỏ lại nó. Có
một câu thần chú mời quí vị xăm: Chỉ có
buông bỏ mới sống an lạc. Chỉ có buông bỏ mới chết thanh thản. Nếu tự xét thấy
mình không có khả năng buông bỏ thì ngay bây giờ phải hạn chế sở hữu những thứ
khó buông bỏ.
Trong đây chắc tầm U60, dù quí vị là
học trò của cao tăng nào thì cũng gần chết hết rồi. Nhà, xe của quí vị sắp sang
tên cho người khác rồi. Quí vị bắt buộc phải thuộc lòng câu thần chú này. Phải niệm
và canh cánh bên lòng câu thần chú ấy.
Hôm nay quí vị không thấy thấm,
nhưng một ngày nào đó sẽ thấy câu này giúp ích cho mình nhiều lắm. Tôi thiết
tha đề nghị quí vị nên ghi nhớ, bỏ qua uổng lắm. Bởi vì cả đời học giáo lý nhiều
khi chỉ chốt lại trong vài câu ‘tâm ấn’ mà thôi. Nhà xe sang tên được thì sang
tên. Bớt mua sắm sở hữu. Bớt đem vào, nên đem ra.
Cái rốt ráo nhất trong đạo Phật dành
cho phàm phu đó chính là đời sống của một hành giả Tứ Niệm Xứ. Đó là giai đoạn sau
cùng: giai đoạn Tuệ học trong Tam học. Trong chặng cuối này, tám phần mười đụng
đâu dính đó. Tu là tu tâm chứ không phải tu tướng, tuy nhiên phải để ý thân xác
của mình. Đừng ham ngồi lâu, không tốt cho sức khỏe. Cái quan trọng không phải
là ngồi bao lâu mà là khả năng chánh niệm có bền bỉ hay không. Một ngày mà quí
vị chánh niệm được 16 tiếng tư thế sinh hoạt lúc đi lúc đứng lúc nằm lúc chia
đều một cách hợp lý và khoa học thì quý hơn là ngồi một lèo 10 tiếng mà chánh
niệm chưa đủ 10 tiếng. Hơn nữa lúc ra khỏi 10 tiếng đó thì lăng xăng. Đừng so bì
với thánh nhân. Thánh nhân nhập định 7 ngày là chuyện của thánh, người ta là
thánh nếu có vì vậy mà bịnh thì cũng là thánh, có chết cũng ngon hơn mình cả tỷ
lần. Đừng ham ngồi lâu. Quan trọng là pháp môn nào phù hợp với mình, cũng đừng
thần tượng “thầy tôi” nổi tiếng. Trước hết phải mở chánh kinh ra coi, mình tu
theo chánh kinh được hay không. Nếu thấy mình tu theo được chánh kinh thì không
cần phải thầy. Vì tất cả các thầy đều trao truyền cho mình kinh nghiệm cá nhân
của họ, mà kinh nghiệm cá nhân thì luôn luôn có mang những dấu vết đặc thù, kèm
theo những sở trường sở đoản của họ lồng ghép trong đó. Mình mê thầy đó quá, mê
đường lối tiếng tăm của thầy đó quá, bèn cõng nguyên cục riêng tư đặc thù ấy của
ổng về làm kỹ thuật tu chứng, trong khi nó không thích hợp mới đau chứ. Hãy nhớ
mình không phải là con chuột bạch. Hãy mở Kinh Tứ Niệm Xứ của Trường Bộ Trung
Bộ xem có hiểu hay không, nếu không có hiểu thì kiếm người mình tin cậy mà hỏi.
Nhưng theo tôi là nên hạn chế đọc sách thiền. Tôi dịch bộ Kinh Nghiệm Tuệ Quán để
cho cho bà con tham khảo, chớ tôi tuyệt đối không mong bà con lấy bộ sách đó
làm sách gối đầu giường. Bởi vì, với khoảng 20 tác giả thì mình thấy đã khang
khác nhau rồi, nếu tôi dịch 1000 tác giả thiền sư thì quí vị có nước điên luôn.
Lắm thầy thì nhiều ma. Quí vị đọc tham khảo thôi. Để bổ sung vào cái tủ sách
thiền học của VN vốn dĩ chưa được phong phú cho lắm, cho nên tôi phải làm cái
chuyện đó chứ thực bụng không muốn, đó là giới thiệu cho bà con một số “kinh
nghiệm vui vui” của các vị thiền sư. Chớ đừng xem những kinh nghiệm trong đó là
toàn bộ là tất cả của các vị thiền sư đó. Tôi có dịp tiếp xúc với một vài
người, ví dụ tôi từng hầu chuyện hòa thượng Viên Minh, tôi từng gặp cụ Bùi
Giáng lúc đó tôi ở kê bên chùa Dược Sư. Trước 10 giờ cụ tỉnh táo lắm, khi nói
chuyện mình thấy cụ không giống như những gì cụ viết. Bùi Giáng lúc say không giống
Bùi Giáng lúc tỉnh. Bùi Giáng lúc nói chuyện không giống Bùi Giáng lúc Bùi
Giáng viết. Tôi cũng có gặp cụ Sơn Nam ngoài đời, phải nói là cụ nói chuyện super
chơn chất luôn, có xen lẫn một hai tiếng chửi thề nhẹ nữa. Không có ai biết
rằng cụ là người đã viết Hương Rừng Cà Mau. Hơn thế nữa, phải nói cụ Sơn Nam là
một thi sĩ thuộc hàng độc đáo của VN, khi mà ngôn từ đời thường của cụ không hề
giống ngôn phong của cụ khi cụ làm thơ. Cụ là một thi sĩ có thể là gần như duy
nhất của VN khi người ta chỉ căn cứ vào một bài thơ của cụ. Một bài thơ mà cụ không
muốn gọi đó là thơ mới ghê chớ. Chối từ phủ nhận đứa con của mình không muốn
người ta gọi tên. Đó là lời tựa cho quyển Hương Rừng Cà Mau.
“Phong sương mấy độ qua đường phố,
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...”
(*)
Tôi mê bài đó như thánh kinh. Tại sao
tôi đem cụ Bùi Giáng cụ Sơn Nam ra tôi nói? Bởi vì bản thân họ lúc này lúc
khác, đừng coi sách của Bùi Giáng là toàn bộ con người của Bùi Giáng. Đừng nghe
ông Sơn Nam nói chuyện mà phán rằng đó là toàn bộ con người của cụ Sơn Nam. Sai!
Phải đọc cụ Sơn Nam, phải gặp cụ Sơn Nam, nếu cần phải sống gần cụ Sơn Nam.
Sống gần cũng phải còn tùy thuộc ổng có coi mình là người thân, là học trò, là
bạn vong niên hay chỉ coi mình là kẻ qua đường là hàng xóm, khi đó lại là khác
nữa. Các vị thiền sư cũng y chang như vậy. Những gì các ngài giảng ra được người
ta ghi âm chép xuống, có người dịch Việt ra. Quí vị đọc vô lại coi đó là cẩm
nang tu chứng là khuôn vàng thước ngọc, là kỹ thuật hành trì là chết. Mình không
phủ nhận giá trị của những cuốn sách đó. Dừng lại mức tham khảo thì tốt, xa hơn
thì nguy. Cách nấu một nồi canh chua, mình cũng nên dừng lại ở mức tham khảo
thôi, vì dân miền tây nấu khác dân Sài Gòn. Vì Sài Gòn là chỗ họp mặt, chỗ giao
lưu của các dòng văn hóa ẩm thực từ muôn phương đổ về. Canh chua của Sài Gòn
ngọt ngay, me thì ít nhưng họ bỏ cà chua, khóm, nấm, đường. Không chua xé mây
thì không phải canh chua miền tây. Canh chua Đà Nẵng thì hầu hết nấu bằng cà,
có nơi không xài rau om thì xài rau cần. Nếu mình coi canh chua Đà Nẵng là
khuôn vàng thước ngọc thì mai này vô trong nam ăn canh chua chịu nổi không. Ăn
ở SG rồi về miền Tây thấy họ nấu mình nói họ nấu trật hay sao.
Chỉ nhớ rằng, Đức Phật dạy canh chua
chỉ một vài nguyên liệu đơn giản thôi: thứ làm chua, rau mùi, phụ liệu. Thứ làm
chua thì có me, mẻ, giấm, chanh, lá giang… Rau mùi thì có ngò gai, tần dày lá,
ngò om. Phụ liệu thì gồm những thứ bà
con thích ăn chay thì nấm, ăn mặn thì thịt cá. Phụ liệu là tùy chọn thôi. Trong
Tứ Niệm Xứ của Trường Bộ và Trung Bộ, Ngài chỉ nói vắn tắt ba thứ rau mùi, gia
vị làm chua và phụ liệu căn bản thôi. Nhưng qua đến các ngài thiền sư thì thêm
vô đậu bắp, còn giải thích thêm đậu bắp như thế nào, giá ốm hay giá mập, nấm nở
hay nấp búp, tàu hủ sống hay tàu hủ chiên… Nói chung qua đến thiền sư thì kinh
nghiệm nấu chanh chua nó lên đến 100 trang giấy cahier luôn. Đức Phật thì chỉ nói đơn giản thôi: gia vị làm
chua, rau mùi và nguyên liệu tùy chọn, hết. Người mê canh chua Đà Nẵng thì cắm
đầu vô canh chua Đà Nẵng họ coi đó là vũ trụ là nguyên lý, là con đường duy
nhất giác ngộ giải thoát. Ra Huế thì còn chết nữa, không cay không phải là Huế.
Bịnh trĩ mà ăn đồ Huế là chết luôn. Cho nên mình phải nhớ cái căn cơ thể trạng
của mình coi hợp với cái gì. Đừng cắm đầu thờ phụng một thứ. Quan trọng là phải
quay về nguồn gốc nơi Đức Phật cái đã.
Giảng xong chữ Nguyện rồi. Kỳ sau
tùy duyên tôi thích cái gì thì tôi giảng cái đó.
=================
(*) Trong
khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên này sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả
Tới Cà Mau - Rạch Giá
Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khí mù như sương
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút
Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
Điệu hò… ơ theo nước chảy chan hoà
Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê…
Sơn Nam