Monday, July 10, 2023

GIÚP CHO CHÙA?



Điều đầu tiên trong phúc hành thiện sự là Dāna (Xả thí).

Đứng ở góc độ Phúc hành thiện sự, chúng ta nói mình làm Thiện. Tuy nhiên, về phía ba-la-mật (Toàn thiện) cũng có Dāna. Như vậy giữa thiện trong phúc hành tông và thiện của ba-la-mật có điểm nào khác biệt không?

Hãy nhớ khi chúng ta làm dana với tác ý (manasikara) là tạo thiện phước thì mình có quả phước. Quả phước gồm 3: sanh trở lại làm người, sanh về trời và giải thoát, tùy năng lực làm thiện của mình.

Còn khi chúng ta dana (xả thí) với tác ý ba-la-mật nghĩa là mình diệt một đạo quân ma. Trong người chúng ta có một đạo quân ma, chúng ta phải làm ba-la-mật để diệt, chứ không tạo phước nữa.

Trong các đạo quân ma, đầu tiên là Tham Dục. Tôi nhìn vô cái tham dục của tôi, tôi hành ba-la-mật xả thí,  tức là chúng ta dùng cái xả thí này để diệt đạo quân ma ẩn nấp trong con người của mình trong kiếp này, để mà thoát ra.

Tại sao gọi là Toàn thiện? Là bởi vì không còn mong cầu gì hết, chỉ muốn xả, buông, để mà giải thoát chứ không muốn hưởng.

Vì vậy khi chúng ta làm việc thiện -- Thiện hay toàn thiện-- chúng ta phải tác ý. Đức Phật nói phải có tác ý, chủ chốt cho mọi hành động. Nếu xả thí để diệt, thì hướng về phía Toàn thiện; còn để gieo trồng thì về phía Thiện, càng gieo càng hưởng, nhưng càng hưởng thì sẽ lún, nó sẽ trói cột mình.  

Vì tôi làm thiện để diệt Tham Dục của tôi, Dục lậu ngủ ngầm trong tâm tôi, tôi xả thí này để tôi buông, chớ không vọng móng gieo trồng để hưởng. Đứng góc độ làm thiện để diệt đội quân ma, diệt những pháp nghịch trong người của mình thì chúng ta làm ba-la-mật.

Chúng ta thường được nghe khuyến khích “làm phước đi con” mà không nghe nói “tu tập đi con”. Thậm chí người Phật tử đến chùa vẫn nói là họ đến để giúp chùa chứ họ đâu có nói họ đến để tu. Họ giúp người này người kia, giúp ông sư, họ toàn là ban bố, không bao giờ họ nói rằng họ tới chùa để tu.  Rồi khi họ không tới nữa, họ nói, chùa đó vong ơn bội nghĩa, tôi đã tới tôi giúp biết bao nhiêu. Họ cứ nghĩ tới chùa là làm phước, không nghĩ tới chùa là để tu tập. Có ai nói rằng Cấp-Cô-Độc, Visākhā tới chùa để làm phước giúp Đức Phật không? Không có. Vậy mà tư tưởng của nhiều người cứ nghĩ tới chùa để ban bố, trong chùa là toàn những người homeless vô gia cư, là cô nhi viện cần nuôi dưỡng. Từ đó họ nuôi dưỡng một suy nghĩ sai lầm là đến chùa để giúp chùa cứu chùa chứ không bao giờ nghĩ rằng tới chùa để học.

Tại sao lại như vậy? Tiên trách kỷ hậu trách nhân! Là bởi vì có những vị thầy vị sư đã làm như vậy, nên giờ đây người ta vơ đũa cả nắm, đến chùa để ban rải chớ không phải để tu để sửa thân ngữ ý của mình. Họ đâu có tác ý Toàn thiện mà chỉ có phước, sau này sanh thiên, hưởng hết. Họ không thấy được cái điểm chính yếu, họ sai lầm hết.  Sư tử trùng thực sư tử nhục! Đó là do những người trong chùa, người con Phật đã làm sai. Vì vậy nên mới có giới luật. Có 227 giới. Mỗi một giới luật đặt ra là từng vị con của Ngài, đệ tử của Ngài làm sai để rồi xã hội kêu rêu, nên Đức Phật gọi vào và bảo đừng làm như vậy nữa, và Ngài ban bố luật. Luật ra bao nhiêu là để dạy con của Ngài hoàn chỉnh lại và lo tu. Vậy mà Phật tử cứ nghĩ họ tới chùa là họ cho, họ bố thí, họ cứu giúp cho chùa, còn chùa thì phải van xin nịnh nọt để họ cho.

Nếu chúng ta hướng về phía bên trái (xem hình) thì chúng ta có phước nhân thiên; nhưng lại không tu ba-la-mật diệt cái tham dục của mình. Và khi đó không đủ để chúng ta chống nổi đội quân ma. Khi đội quân ma đánh vô là lủng thành trì liền.

Từ nay về sau chúng ta làm thiện là phải để diệt, chớ không để gieo để hưởng, không có đón nhận.

(Ghi lai rai bài PT65) 

No comments:

Post a Comment

Sống khôn thác thiêng

“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...