Được nghe các bài giảng của Sư Giác Nguyên (Toại Khanh), được đọc các bài thơ của Rabindranath Tagore dịch sang tiếng Việt của Nhị Tường, được nghe tiếng hát ấm áp chở đầy tâm cảm của Tạ Quang Sơn, nhưng đây là lần đầu tiên được đọc và nghe trong cùng một lúc tác phẩm của cả ba vị mình kính mến.
Thật là một hạnh ngộ hiếm hoi và không muốn giữ hạnh ngộ đó làm của riêng. Để san sẻ đến anh chị em và các cháu, tôi mạo muội ‘download’ bài hát theo đường link youtube từ FB Tạ Quang Sơn. Hy vọng tác giả video 'dienkhanhquetoi' vì tinh thần văn nghệ sẽ không buồn.
Mời anh chị em và các cháu nghe Chuông và Lá, thơ Toại Khanh, nhạc Nhị Tường, hòa âm Anh Vũ với tiếng hát của Tạ Quang Sơn QS Ta:
Lần thứ hai tôi được nghe một ca khúc do bạn tôi thu âm và chuyển cho tôi…cũng là lần thứ hai tôi được biết thêm tác phẩm của cặp đôi thơ-nhạc mà trước đó tôi chưa hề biết cũng như chưa được nghe qua.
“Tình khúc hiên mây” (thơ Toại Khanh - phổ nhạc Nhị Tường) là những tiếng gõ nhịp trầm buồn “Dầu muốn dầu không…Dầu muốn dầu không…” tiếp nối nhau như tiếng vọng Bát Nhã “sắc-không…, không-sắc” (…sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc…) và rồi cuối cùng “ngày về đất lạnh gì cũng như pha”.
Tôi được bạn gởi bài thơ thứ hai của Toại Khanh - “Chuông và lá” - do Nhị Tường phổ nhạc.
“Tôi ôm tục niệm về sơn tự
Thả dần theo những tiếng chuông rơi..
….
Về đâu, cũng cứ là non thẳm
Bên cầu biên giới bóng chiều loang
Nhặt lá rừng thông nhen chút lửa
Ngó chuyện đời trong chút bụi tàn...”
(“Chuông và lá” - Thơ Toại Khanh - trong thi tập “Khi nhà sư qua sông”).
Sau này khi được biết nhà thơ Toại Khanh là một tỳ kheo pháp danh là Giác Nguyên, tôi chợt hiểu cái “đốn ngộ” và cái vô thường ẩn tàng trong thơ của ông. Nhưng tôi vẫn muốn cảm nhận ông là một nhà thơ làm thơ hơn là một sư thầy làm thơ.
Cũng như tôi muốn nghĩ đến một PTT với “Động hoa vàng”, “Đoạn trường vô thanh” bất hủ hơn là là sư Tuệ Không làm thơ….cho dù ông không còn là Tuệ Không của một ngôi chùa nào đó.
Không phải vô tình mà nhạc sĩ Nhị Tường lại chọn “Tình khúc hiên mây”, “Chuông và lá” trong nhiều bài thơ của Toại Khanh để phổ nhạc. Tôi nghĩ đã có một mối giao-hòa-tương-thắm của cô với 2 bài này để rồi từ thơ chuyển thành những cung bậc thấm lòng người.
Hơn thế tôi cũng đã nghe Nhị Tường trong vài ca khúc của cô - chỉ với cây đàn guitare - phổ từ thơ của Dã Quỳ Nguyên Giang (“Tay mẹ ngày xưa”), Huyền Không Đạo Hữu ("Trả…"), …tôi lại hiểu thêm một tác giả với “Phật tánh từ tâm” (trước đó là nhạc sĩ Võ tá Hân hoặc cố nhạc sĩ Phạm Duy trong “Đạo ca”, “Thiền ca”)
“Chuông và lá” được bạn Tạ Quang Sơn trình bày với phần hòa âm, phối khí của Anh Vũ. Không như bài “Tình khúc hiên mây” được cất kỷ đến 10 năm mới trình làng.
Một ca khúc hay vẫn là ý và tứ do tác giả chuyển tải trong đó - nhưng đây là một bài thơ nên phải nói đến cái tài hoa của ngưởi phổ nó thành nhạc. “Chuông và lá” cũng vậy ý-tứ đều có cái gì đó mênh mông, nhưng mong manh, mang chút “thiền tánh” ...và nhạc thì chậm rãi như từng nhịp đời. Hay hơn nữa là giọng ca đặc biệt của TQS đã nâng ca khúc lên một tầm cao hơn...thấm hơn. Hòa âm tốt, âm thanh hay.
Xin được giới thiệu với các bạn một ca khúc mới qua phần trình bày của Tạ Quang Sơn.
Cảm ơn nhà thơ Toại Khanh, nhạc sĩ Nhị Tường và cảm ơn QS Ta đã chuyển bài hát.
Hôm qua. Hai chị em ở hai mặt của địa cầu tâm sự chuyện thầm kín qua what'up.
-Em có biết hồi đó chị M. bạn chị gởi chị cất giùm mấy cái bao cao su trong ví của chị bị mẹ phát hiện không?
Nhỏ em ồ lên. Rồi sao nữa chị?
- Mẹ im lặng. Sau này mẹ hỏi. Chị nói là của chị M gởi nhờ cất giùm.
-Rồi mẹ có tin không?
- Chị không biết, chắc là không tin. Nhưng mẹ nói rằng, mẹ cất đúng lại vị trí trong cái giỏ rất lộn xộn đồ đạc của chị.
-Vì sao?
-Vì mẹ sợ lúc chị cần chị tìm không thấy.
-Ôi mẹ ơi.
Hai đứa cười ngả nghiêng. Chỉ là mẹ! Chỉ có mẹ!
Chúng nó không biết đó là một ngày mẹ nó rất là sốc. Một ngày cô đơn, một ngày ngập đầy hồn ăn năn tưởng chừng mình đã thiếu sót điều gì đó khi dạy con. "Một ngày quạnh hiu chết chậm trong đời". Nhưng sau đó lòng hỏi lòng, mình đang ở thế kỷ nào đây chứ? Thời của ông Khổng đã qua lâu quá rồi. Không thể nào... ayoniso manasikara được.