Friday, July 22, 2022

Chuông và lá

Chiều nay anh đem về bản phối. Nghe mà sững sờ

ĐỪNG NGHĨ

Đằng sau bài hát này là một câu chuyện buồn.
Chị đã làm bài thơ này khá lâu. Tôi từng mơ được một cuộc sống êm đềm mỹ mãn như chị. Vậy mà cuộc đời chị đã không còn suôn sẻ như xưa. 
Một ngày, tôi nhắn tin cho chị. Chị, làm thêm đoạn 2 đi. Em muốn phổ nhạc. Chị nói, lấy đâu ra? Thế rồi hôm sau chị gởi cho tôi đoạn 2, kèm chụp những tấm hình, cũng đẹp hệt như bài thơ. 
Hát lần nào cũng thấy buồn!



1/

Đừng hỏi về năm cũ
Thanh xuân qua lâu rồi
Chiếc lá vàng ẩm mục
Đang về cùng tinh khôi
Có lời kinh sám hối
Vang vọng giữa hồn tôi
Cúi hôn lên mặt đất
Tạ ơn hơi thở đầy
2/
Đừng nghĩ về năm cũ
Hoa đang tươi bên thềm
Cánh gió còn bay lượn
Trong bầu trời thơm sương
Có chiều len khói xám
Lay động thoáng trầm hương
Có trăng non vừa thức
Gọi đêm thong thả về.
Trịnh thị Cẩm.
June 10/2022.

Monday, July 18, 2022

ĐỜI CÓ BÀY CUỘC VUI?



Đêm qua mẹ không ngủ được, đến 3 giờ sáng. Không phải vì mẹ ngủ không được, mà vì mẹ thật sự không muốn ngủ. Cứ thức nghe pháp và thỉnh thoảng lại gọi Siri open Find My.

Ngày hôm qua có lẽ con bay một chuyến bay dài xuyên đêm từ Los đến NJ. Ở bên này là ban ngày, cứ chốc chốc mẹ lại gọi Siri. Không nhìn thấy con tức là con vẫn còn đang trên máy bay. Tới lúc thấy con trên Find My rồi mẹ mới thở phào. Vậy mà suốt đêm mẹ vẫn cứ nhìn con nhúc nhích trên Find My.
Dù con ở Mỹ đã 8 năm, nhưng mẹ vẫn biết con lại bắt đầu một hành trình đơn độc khác. Mẹ nhớ giao thừa đầu tiên xa nhà của con, con viết, con vẫn nhớ mẹ nói người ta sinh ra trên đời này một mình, nên cứ phải chấp nhận những hoàn cảnh khi chỉ có một mình, và rồi con chảy "mồ hôi mắt". Hôm nay là con lại đi một mình đến một miền đất mới, ở VN mình gọi là "nhận nhiệm sở". Ngày xưa sau khi tốt nghiệp, nhà nước phân công đi đâu thì phải đi đó, kể cả đi về miền núi. Nhưng cho dù cái nhận nhiệm sở heo hút đến đâu, cũng không dài như chuyến bay vừa rồi của con, mẹ thấy nó vắt ngang bề rộng của nước Mỹ. Hơn tháng nay mẹ trông chờ chuyến đi này của con, để biết con có thích ứng có tự mình sống được trên nước Mỹ hay không, những gì con học được trong mấy năm đại học, có giúp con tự mình kiếm sống được hay không, nhất là ở một bang mới, không phải là Cali nơi con đã quen và thích sống mấy năm nay, nơi con đã có bạn bè và con mèo yêu dấu....
Mẹ lo lắng vì mẹ biết con cũng lo lắng, đây không phải là một chuyến bay để đi du học, chỉ cần học, vô tư không âu lo, mà là một chuyến bay vào cuộc mưu sinh. Nhưng mẹ biết rằng dù mẹ hay con có lo lắng về công việc, về khí hậu hay phong thổ cũng đều vô ích, bởi ai cũng phải tự mình đối mặt mới những quả xấu quả lành của tiền nghiệp mình đã gieo. Chỉ mong con luôn mạnh khỏe, và sẵn sàng đương đầu mọi gian nan trong cuộc đời vốn dĩ buồn nhiều hơn vui này.
Cầu chúc con chân cứng đá mềm trên mọi nẻo đường. Cả ngày mẹ cứ lẩm nhẩm hát "Ta vẫn mong em về đấy cho đời bày cuộc vui." Mong cho chỗ nào con đến, đời cũng đều bày cuộc vui. Hãy tỉ mỉ và cẩn thận trong công việc, hạn chế sai sót. Làm cho người thì cẩn thận gấp nhiều lần hơn so với làm cho mình nghen con.
Và nhớ ăn ngủ đầy đủ đúng giờ, nhất là đừng có chảy "mồ hôi mắt". Mẹ iu Bống.

Saturday, July 16, 2022

KINH TẠNG VÀ CHÚ GIẢI

 

I. Luật Tạng (Vinayapiṭaka) có 8 quyển. Chú giải là Samantapāsādikā (1)

 

II. Kinh tạng (Suttantapiṭaka) có 25 quyển:

1.Trường Bộ Kinh (Dīghanikāya) có 3 quyển. Chú giải là Sumaṅgalavilāsinī (2)

2. Trung Bộ Kinh (Majjhimanikāya) có ba quyển. Chú giải là Papañcasūdanī (3)

3. Tương Ưng Bộ Kinh (Saṃyuttanikāya) có 5 quyển. Chú giải là Sāratthapkāsinī (4)

4. Tăng Chi Bộ Kinh (Aṅguttaranikāya) có 5 quyển. Chú giải là Manorathapūranī. (Hoàn Thành Điều Ý Nguyện) (5)

5. Tiểu Bộ Kinh (Khuddakanikāya) có 9 quyển.

- Tiểu Tụng Kinh (Khuddakapāṭha), có kinh sách Chú Giải gọi tên là Paramatthajotikā (Siêu Lý Quang Minh) (6)

- Pháp Cú Kinh (Dhammapada), có kinh sách Chú Giải gọi tên là

Dhammapadaṭṭha (7)

- Tự Thuyết Kinh (Udāna), có kinh sách Chú Giải gọi tên là Paramatthadīpanī (Siêu Lý Minh giải) (8)

- Như Thị Ngữ Kinh (Itivuttaka), có kinh sách Chú Giải gọi tên là Paramatthadīpanī (Siêu Lý Minh giải) (8)

- Kinh Tập (Suttanipāta) có kinh sách Chú Giải gọi tên là Paramatthajotikā (9)

- Thiên Cung Sự Kinh (Vimānavatthu), có kinh sách Chú Giải gọi tên là Paramatthadīpanī (Siêu Lý Minh giải) (10)

- Ngạ Quỷ Sự Kinh (Petavatthu), có kinh sách Chú Giải gọi tên là Paramatthadīpanī (Siêu Lý Minh giải) (11)

- Trưởng Lão Tăng Kệ (Theragāthā), có kinh sách Chú Giải gọi tên là Paramatthadīpanī (Siêu Lý Minh giải) (12)

- Trưởng Lão Ni Kệ (Therīgāthā), có kinh sách Chú Giải gọi tên là Paramatthadīpanī (Siêu Lý Minh giải) (13)

- Bổn Sinh (Jātaka), có kinh sách Chú Giải gọi tên là Jātakaṭṭhakathā (14)

- Đại Xiển Minh (Mahāniddesa), có kinh sách Chú Giải gọi tên là Saddhammapajotikā (Chánh Pháp Quang Minh) (15)

- Tiểu Xiển Minh (Cullaniddesa), có kinh sách Chú Giải gọi tên là Saddhammapajotikā (Chánh Pháp Quang Minh) (16)

- Vô Ngại Giải Đạo (Paṭisambhidāmagga), có kinh sách Chú Giải gọi tên là Saddhammapakāsinī (17)

- Thí Dụ Kinh (Apadāna) (Thánh nhân ký sự) , có kinh sách Chú Giải gọi tên là Visuddhajanavilāsinī (18)

- Chủng tộc chư Phật (Buddhavaṃsa), có kinh sách Chú giải gọi tê là Madhuratthavilāsinī (19)

- Tiểu Nghĩa Kinh (Cariyāpiṭaka) (Hạnh Tạng), có kinh sách Chú Giải gọi tên là Paramatthadīpanī (Chánh Pháp Minh Giải) (20)

Thêm:

-[Cẩm Nang Học Phật (Nettipakaraṇa)]

-[Tam Tạng Chỉ Nam (Peṭakopadesa)]

-[Milinda Vấn Đạo (Milindapañhā)

 

III. Vô Tỷ Pháp Tạng (Abbhidhamma Piṭaka) có 12 quyển và Kinh Sách Chú Giải gồm: 

(a) Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṅgani) có kinh sách Chú giải tên là
 Aṭṭhasālinī (21)

(b) Bộ Phân Tích (Vibhaṅga) có kinh sách Chú giải tên là Sammohavinodanī (22)

(c) Bộ Ngữ Tông (Kathāvatthu)

(d) Bộ Chất Ngữ (Dhātukathā)

(e) Bộ Nhân Chế Định (Puggalapaññatti)

(f) Bộ Song Đối (Yamaka)

(g) Bộ Phát Thú (Paṭṭhāna)

Từ bộ (c) – (g) có Kinh sách Chú giải kết tập lại với nhau gọi là Paramatthadīpanī (Siêu Lý Minh giải), một vài nơi gọi là   Pañcappakaṇaraṭṭhakathā (Chú giải Bộ Ngũ Kinh) (23)

Cả 45 quyển Kinh Tam Tạng có 23 quyển Kinh Sách Chú giải.

Tuesday, July 12, 2022

Công đức

Không thấy được sự có mặt ở đời này là khổ thì bao nhiêu công đức cũng chỉ là con đường sinh tử. 
Ai cũng cần đến nhiều công đức để sống an lành như ý nhưng nói rốt ráo thì công đức lớn nhất là tìm hiểu giáo lý và sống trong chánh niệm, thường trực biết rõ thân tâm đang thiện ác ra sao. 
Sống chánh niệm mới có cơ hội hiểu mình và đời chỉ là do các duyên mà có rồi cũng do các duyên mà mất đi. Hiểu được vậy sẽ thương được muôn loài mà lòng không ôm giữ ái luyến cái gì. 
Sống với chánh niệm mới có trí tuệ, từ bi. Cả hai pháp lành này là gốc của tất cả công đức ở đời.
#NKCBK

Sống khôn thác thiêng

“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...