Đầu năm viết một cái tút Pháp Lạc và Phây Lạc làm mích lòng thiên hạ quá. Thôi lỡ rồi, hôm nay mồng 5, chọc thiên hạ rồi bị ném đá cứ đổ thừa mồng 5 xui xẻo đi.
Bậc thánh làm thiện như một phản xạ, gặp thiện thì làm và quên. Còn phàm phu thì làm thiện xong thấy… đã. Bởi thấy đã nên khoe rùm beng cho thiên hạ biết để… đã thêm. Đọc tới đây thì có người sẽ bĩu môi, phàm mà đi so với thánh. Hoặc như em Kim Chi nói, “dạ em đang ở cõi thấp mà” Người nào như vậy thì đi chỗ khác chơi nha.
Bởi tớ đang nói về những người đang trên đường hướng tới quả vị thánh. Không so với thánh để phấn đấu thì một lũ phàm chúng ta chỉ tu (hú) với nhau thôi sao. Một thiện pháp ta đã làm xong, ta post Phây. Vì sao, nói thẳng luôn vì ta muốn khoe. Ta post là để cho người khác nó thấy. Ta viết là để cho một đối tượng nào đó đọc. Đôi khi nó ngụy trang bằng kiểu mời người khác tùy hỷ, và chia phước. Nhưng bản chất con người vốn ghen tị và bỏn xẻn, ta phước quá, ta post lên, nó ghen tị, nó sân si, sao nó tùy hỷ nổi. (Giống như tui, biết người ta thèm là đăng lên cho nó ghen tị chơi:)))) )
“Tay trái làm không cho tay mặt biết”, đó là tinh thần nên có khi làm phước thiện.
Đôi khi, ta phải nghĩ ra những lời ái ngữ mỹ miều để đăng lên lời biết ơn ai đó. Nếu không đăng, nó nói mình không biết ơn. Lần sau nó không thèm giúp nữa sao. Phải để ý xem tâm mình khi đăng những cái này có phải giống mời mọc kiểu bán hàng đa cấp không nhen. Bởi thế gian này cũng có người ban ơn với lý do để thiên hạ biết ơn mình.
Có người làm thiện là để người ta biết mình làm thiện. Dễ nhận ra lắm, cứ góp tiền ấn tống sách đi, rồi khi sách ra cầm lên việc đầu tiên là lật ngay trang những người đóng tiền ấn tống coi có tên mình không. Động cơ bí hiểm nào khiến mình làm việc này vậy? Ủa, đóng tiền ấn tống thì xong rồi, in ra ai đọc được thì tốt rồi, sao còn đi tìm tên mình vậy ta. Mà lỡ như không có thì ngồi hít vào thở ra coi tâm mình đang ra sao, có giống sóng biển trào bờ hông nhen.
Đôi khi ta đăng lên, để khoe với người khác là phước của ta nó dày đặc vậy đó. Sướng mà phải có người khác biết mình sướng là mới sướng. Còn như mình sướng mà thiên hạ tưởng mình khổ thì mình không chịu được đâu. Đứa kia nó sướng, ai cũng biết nó sướng, mình sướng hơn nó, mà chẳng ai biết, cũng tức lắm chớ chẳng chơi.
Nhưng, cái điều cốt lõi quan trọng ở đây, chúng ta đang sướng vì cái gì vậy? Có một cái hạnh phúc mang tên gọi là “Đăng Phây cho người ta thấy” hay sao? Nếu chúng ta thấy sung sướng vì điều đó, thì hỏng. Và nghĩ rằng, đăng như vậy cho bạn mình sung sướng, (nếu không phải là khen đểu) thì cũng làm hỏng bạn mình nốt. Chúng ta đang nuôi dưỡng tâm tham của nhau, đang vuốt ve lòng tự tôn, đang trát vôi vữa dày thêm cho bản ngã của mình.
Tôi có một người bạn Phây. Cách đây mười năm hơn bạn ấy đăng đều đều những thiện pháp (khóa tu, hành hương, cúng dường trai tăng…). Tôi đến ngưỡng mộ ghê gớm, mà không hề biết mặt bạn ấy. Tuyệt không hề có hình bạn ấy trong những cuộc thiện pháp ấy. Thế rồi mấy năm nay không thấy đăng nữa. Tôi hỏi thăm, dạo này không làm gì nữa sao. Bạn ấy nói, dạ em vẫn nhưng không lưu hình nữa. Tôi cho rằng đây là một bước trưởng thành về mặt tâm linh. Ngày xưa lưu giữ hình ảnh vì thấy nó trọng đại thiêng liêng quá. Nhưng bây giờ thì thấy cả việc chụp hình những thiện pháp ấy cũng là điều vô bổ hoàn toàn. Thời gian chụp hình và thời gian xem hình đã lỡ mất những thời khắc quan trọng của tâm. Một trong những lý do chúng ta phải sống chánh niệm vì chúng ta không biết mình chứng đắc lúc nào. Giống một câu nói trong kinh thánh, hãy tỉnh thức đợi chờ, vì ngài sẽ đến lúc ta không ngờ. Không biết chứng đắc lúc nào nhưng chắc là không thể chứng đắc lúc ta ẹo để chụp hình và lúc coi hình lại. Trừ phi chúng ta có căn duyên nhiều đời nhiều kiếp nhìn thấy nụ cười nhe răng mà hình dung ra bộ xương sọ rồi chứng thánh luôn.
Tôi đã mất ngày cả hôm qua để xem lại những tấm hình cũ trong mấy mươi năm qua. Scan một vài tấm để chia sẻ cho bạn bè cũ. Dưới chân tôi hiện giờ còn hơn 20 cái albums chưa dọn dẹp. Thế là để truy tầm về quá khứ tôi sẽ mất ít nhất hai ngày trở lên, nếu tôi không bắt mình dừng lại.
Sống chánh niệm không cho phép ta truy tầm về quá khứ. Và tất nhiên cũng không nên vẽ ra một tương lai khi nó chưa hề đến. Cũng em Kim Chi nói, mai mốt ta nằm liệt giường thì nhìn hình ảnh cũ tâm hoan hỷ sanh lên v.v... Thiệt không. Lúc đó ai đổ bô dọn giường lau chiếu thay tã cho ta và ai cầm cái điện thoại, cái kính lúp, mở facebook, lật lại tìm cái trang nào đã đăng thiện pháp ấy cho ta hoan hỷ. Một ngày họ mở cho ta xem mấy lần, ta hoan hỷ được mấy giây hay cả ngày. Liệu lúc đó ta có còn trí nhớ để nhớ cái đứa trước kia mần chung một thiện pháp, sau khi đọc tút này nó hủy kết bạn mất tiêu?
Chúng ta sống như thế nào sẽ chết như thế ấy. Đừng để vui buồn của mình lệ thuộc vào thói quen, vào thế giới ảo, vào những điều ảo. Nói thật đó. Nếu cả đời chúng ta quẩn quanh trong nhà bán kính 100 mét, sống chánh niệm trong khi ăn khi uống, trước khi ngủ, sau khi thức dậy v.v... ta sẽ chết trong cái bán kính 100 mét đó với những gì thường nhật.
Tất nhiên là những gì đang làm ta vui, như chuyện đăng Phây cho người ta like, mắc mớ gì không làm. Đúng là trông nó vô hại, nhưng nó đã hại mình. Một khi có ai đó like là lòng mình như mở hội. Nghe người ta sadhu là phê lắm luôn. Từ đó nó kích thích mình sa vào những chuyện vô bổ. Mục đích thiện pháp của mình sẽ bị mờ đi, và lâu dần biến tướng ra mục đích ‘cúng phây’ hồi nào không hay. Nó là tấm màn vô minh che chắn không cho mình nhận diện rõ chính mình và nó lôi kéo mình vào một sự dễ duôi bất tận.
PS: Viết là viết cho mình và cho người, không có ý định cào xước mụt ghẻ của lòng ai hết nha.