Saturday, August 28, 2021

THỜI ĐIỂM (Paṭhamasamayasutta)



(Xem chánh kinh: )

Bản tiếng Việt dịch là “Các thời gian”, nhưng theo trong nội dung thì mình phải sửa lại là kinh Thời Điểm. Cái tựa Thời Điểm rõ nghĩa hơn, chữ ‘samaya’ có nhiều nghĩa, nhưng ở đây có nghĩa là thời điểm.

“Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn: Có bao nhiêu thời gian để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý? Có sáu thời gian, này Tỷ-kheo, để đi đến yết kiến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý. Thế nào là sáu?”

‘Cittabhāvanā’: tu tâm; ‘Manobhāvanā’: tu ý (cũng có thể dịch là ‘tu tâm’, cũng không sai).

Đức Phật dạy có những thời điểm thích hợp cần thiết cho cái chuyện mình đi đến gặp gỡ một người đã tu tập thành mãn, tu tập tới nơi tới chốn.

Quí vị có còn nhớ bài kinh Maṅgalasutta? Trong kinh đó có hai chỗ cần lưu ý cho bài kinh đang học, đó là “kālena dhammassavana” (tùy thời nghe pháp) hoặc là “kālena dhammasakaccha” (tùy thời đàm luận giáo lý). Rất nhiều người không hiểu chữ ‘kālena’ (tùy thời) nghĩa là sao. Trong kinh này Đức Phật giải thích:

Trong đời sống, chúng ta rất cần đến sự hỗ trợ từ người khác, đặc biệt là các vị minh sư thiện hữu, chứ chúng ta không thể nào tu một mình. Có sáu thời điểm thích hợp để chúng ta tìm đến học hỏi thỉnh ý với một vị đã tu tập đó là: Khi tâm ta bị ảnh hưởng, bị tác động, chi phối bởi năm Triền cái thì đó chính là thời điểm nên tìm đến vị đã có chiều dày tu tập.

Nếu đang vô sự thì thôi, còn nếu có một trong năm triền cái xuất hiện thì đó chính là thời điểm nên tìm tới vị ấy. Đương nhiên là chúng ta không cần thiết phải làm chuyện đó nếu chúng ta tự có khả năng dàn xếp giải quyết. Nhưng sở dĩ Ngài nhắc như vậy bởi có nhiều người khi có phiền não gì đó hoành hành chi phối tác động thì họ cứ ngồi gồng và chịu đựng. Đây là chuyện rất là không nên. Bởi vì có những trường hợp chúng ta đối diện với nó rồi giải quyết nó, mọi chuyện coi như suôn sẻ. Nhưng cũng có trường hợp chúng ta không có khả năng đó, chúng ta cần đến sự hỗ trợ của thầy bạn.

Chúng ta không nên tụ tập họp mặt một cách vô nghĩa vô ích. Chúng ta chỉ nên tìm đến với ai đó với một ý nghĩa thật sự là cần thiết, với một lý do một mục đích đàng hoàng cho chuyện tu tập, chứ chúng ta không thể tụ năm tụ ba tìm nhau để giải khuây, để tìm vui, để bớt buồn, để khuây khỏa.

Khi tìm đến thầy và bạn trong những thời điểm đó thì sự hỗ trợ của thầy bạn mới thật sự có ý nghĩa, có hiệu quả.

Ví dụ như mình biết vị đó giỏi, có điều kiện thì mình cũng nên lui tới gặp gỡ, nhưng có nhiều trường hợp cái tâm của chúng ta chưa sẵn sàng đón nhận gặp thì gặp vậy thôi chứ chúng ta không học được nhiều. Điều quan trọng là khi chúng ta gặp phải vấn đề, gặp phải sự cố trong tu học, thì sự gặp gỡ ấy mới thật sự có hiệu quả, có ý nghĩa.

Chẳng hạn mình đang ngồi thiền, mình nghe có một vị danh tăng hay thiền sư nào đến, có thể mình tới đảnh lễ, nhưng ý nghĩa hơn là mình vẫn tiếp tục sống chánh niệm với một mình mình. Mình chỉ nên gặp khi nào việc đó là thật sự cần thiết, thật sự hỗ trợ cái gì đó cho chuyện tu học. Có rất nhiều người sẵn sàng bỏ hết miễn là gặp gỡ được một người nổi tiếng, gặp gỡ một danh nhân, một danh tăng. Theo tôi đó không phải là chuyện cần thiết. Đối với một hành giả Tứ Niệm Xứ thứ thiệt chỉ có chánh niệm là chuyện lớn, chỉ có tu tập là chuyện lớn, ngoài ra gì cũng là nhỏ hết. Đó mới gọi là một hành giả miên mật, một hành giả tinh tấn chuyên cần. Bài kinh này có nhiều ý nghĩa mà mình phải lưu ý.

(1) Khi bị dục tham chi phối

Khi nào mình bị dục tham chi phối, chi phối đến mức độ tự mình không thể giải tỏa được là mình phải tìm đến minh sư thiện hữu để được họ dạy cho những đề mục cần thiết. Chú giải ghi rất rõ, ví dụ như đang bị nặng lòng với tham dục (tình cảm nam nữ, nhu cầu vật chất, ái luyến xác thân) thì nên tu tập, nên được nghe nhiều về đề mục bất mỹ bất tịnh. Quán bất mỹ bất tịnh là tu hai đề mục: xác sống và xác chết. Xác sống là 32 thể trược, còn xác chết là các giai đoạn phân hủy của một tử thi. Thân mình chỉ là cái xác mà thôi. Đó là lý do tại sao trong trường hợp gọi chung một con người không xác định thì người Mỹ gọi là body, anybody, everybody. Con người đầu tiên chỉ là cái xác mà thôi, còn cái tinh thần thằng xấu thằng tốt thằng trí thằng ngu thằng dốt hay thằng giỏi thì chưa biết. Con người đầu tiên chỉ là cái xác cái đã. Quán đề mục bất mỹ bất tịnh là chúng ta quán về bản chất của xác sống và xác chết:

- Ngay khi cái thân này còn chưa chết thì nó đã là cái khối bất tịnh (tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, niêm dịch, nước ở khớp xương, nước tiểu). Ngay khi còn sống, cái da là cái bọc bên ngoài được mình tắm rửa tô trét phấn son, nước hoa mỹ phẩm xà phòng, còn bên trong là một đống bất tịnh mà chính mình còn gớm của mình thì nói chi là người khác. Quán bản chất của xác sống là có lòng nhờm gớm như vậy đối với cái thân này khi còn sống.

- Còn quán niệm về xác chết là cái thân này dầu có đẹp cách mấy thì khi tắt thở rồi nó phải trải qua các giai đoạn phân hủy từ sình trương, biến sắc, đổi màu, chảy nước, rã rời, và cuối cùng trở thành bộ xương trắng. Tệ hơn nữa là phân hủy thành một nhúm bột mà thôi. Khi mình thường trực sống trong tâm niệm như vậy thì đối với tất cả các tham ái liên hệ tới dục (ví dụ như tình cảm nam nữ, nhu cầu vật chất, ăn ngon mặc đẹp v.v...) sẽ đình chỉ. Có nhiều khi mình biết như vậy nhưng lúc nó trỗi dậy mãnh liệt thì mình cũng phải tìm đến thầy bạn.

Tôi biết có những người họ bị những chuyện nghe rất là nhẹ nhưng lại nặng đối với họ. Chẳng hạn như chuyện ăn uống, cơ thể của họ có nhu cầu lạ lắm, đến giờ không ăn là chịu không nổi. Mình tưởng lầm đó là nhu cầu sinh học, nhưng thật ra phần lớn là do cái tâm của mình. Có trường hợp nữa là họ chỉ nghe cái mùi đó, nhắc cái tên của thực phẩm đó là họ đã ngồi thiền không được, ví dụ họ thích bánh xèo, họ thích sầu riêng, họ thích ăn món đặc biệt nào đó, khi nghe nhắc tới hay nghe mùi là họ chịu không nổi. Trong những trường hợp đó cũng rất là nên gặp thầy bạn để hỏi, hỏi bằng cách nào để mình không còn tiếp tục lệ thuộc vào chuyện ăn uống nữa.

(2) Khi bị sân tâm chi phối

Khi mình tự xét thấy sao lúc này mình nóng tánh quá, hoặc từ nhỏ đến giờ mình nóng tánh quá, mình không thể tu hành với một nội tâm luôn luôn sôi sục như vậy; nếu tự mình học giáo lý, tự mình tu tập chánh niệm mà mình vượt qua được, mình giải quyết giải tỏa được lấn cấn đó thì tốt. Nếu không thì tìm đến thầy bạn để họ hỗ trợ cho mình

Về mặt lý thuyết ai cũng tưởng mình biết, thì cứ tu tâm từ thôi! Nhưng không đơn giản như vậy đâu quý vị. Cũng lý thuyết đó nhưng mình được nghe thầy bạn nhắc lại từ miệng của họ chứ không phải là từ cái nhận thức của mình thì mình sẽ có được những thay đổi lớn hơn là tự mình ngồi gồng, tự giải quyết vấn đề với riêng mình. Có những chuyện tôi biết nhưng tôi phải được nghe người khác nói thì mới ép phê. Ví dụ ai cũng biết tập thể dục là tốt, ai cũng biết ăn rau trái là tốt, bớt dầu mỡ chiên xào là tốt… nhưng khi nghe nhiều người cứ nhắc đi nhắc lại thì mình mới thay đổi chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt. Chứ còn mình chỉ sống thuần túy bằng cái biết của riêng mình, sống quanh năm trong bốn bức tường với riêng mình thì coi như là mình khó mà có được những thành tựu. Trong khi đó chỉ cần nghe người ta nhắc lại thôi.

Vì vậy, khi tỳ kheo bị sân tâm chi phối (sân ở đây không chỉ riêng chuyện hờn giận căm ghét ai đó, mà sân ở đây là bất mãn trong năm dục, tức là bực bội người, cảnh, vật, chuyện này chuyện nọ) thì đề mục được gợi ý thường nhất là tu tập từ tâm. Và chúng ta cũng phải biết chuyện này, tôi cho rằng quí vị phải ghi lại cái này, đó là, khi nói đến chuyện đối phó tham dục thì trong kinh thường Đức Phật nhắc đến đề mục bất tịnh. Không phải đối phó với dục tham là chỉ có đề mục bất tịnh bất mỹ. Đây là những đề mục được Ngài gợi ý vì Ngài nhắm tới những đối tượng phổ thông phổ biến phổ cập chứ đây không phải là giải pháp duy nhất để giải quyết. Để đối phó với phiền não với năm triền cái, với tham dục, với bất mãn trong năm dục, với hôn thụy thì không chỉ có một cách. Ví dụ như một người chỉ có tu tập đề mục hơi thở, biết rõ hơi thở vào ra, biết rõ mình thở ra ngắn hay dài, biết rõ mình thở vào ra với cảm xúc gì, biết rõ mình thở vào ra với tâm trạng gì thì họ chỉ chuyên tâm đề mục đó, họ hoàn toàn có thể đối phó với năm triền, hoàn toàn có thể chấm dứt trăm phần trăm phiền não mà không mắc mớ gì tới từ tâm, không mắc mớ gì tới mấy chục đề mục bất tịnh bất mỹ hết.

Nhiều người không học kỹ cứ tưởng đối với tham dục, đối với niệm đam mê trong năm dục thì mình phải niệm bất tịnh bất mỹ, đối với tâm sân thì chỉ có một cách là tâm từ. Đó là hiểu sai. Bởi vì đó là những đề mục dễ kiếm và dễ hiểu mang tính gợi ý, mang tính tham khảo thôi. Chứ còn quí vị bắt buộc phải đồng ý với tôi là có người chỉ tu đề mục bốn niệm xứ, họ không chuyên về từ tâm, nhưng khi mình chuyên tu Tứ Niệm Xứ thì mình hoàn toàn có thể đè nén, trấn áp, giải tỏa được sân tâm. Phải tin chuyện đó. Không hề có phút giây nào họ tu tâm từ hết, họ chỉ chuyên tâm chánh niệm thôi, sân biết là sân, tham biết là tham, thiện biết là thiện, biết rõ tâm tư cảm xúc của mình. Chuyên tâm chánh niệm thì tự nhiên những cái đó cũng lắng xuống.

Sáu đề mục được nhắc đến trong đây là những đề mục mang tính gợi ý cho những trường hợp phổ biến. Nhiều người sơ cơ không biết đạo đọc vô kinh này họ hơi khó chịu, bởi họ thấy đang giận như điên mà bắt rải tâm từ sao rải nổi. Chính bản thân tôi cũng vậy, khi tôi đang nổi điên lên, tôi đang giận đang phiền đang buồn chuyện gì đó mà bắt tôi rải tâm từ tôi rải không được nhưng tôi niệm đề mục chết thì lại hết. Trong kinh cũng xác định như vậy. Chính quý vị cũng có thể kiểm chứng. Bất-cứ-đề mục-nào trong bốn niệm xứ cũng đều có thể giúp ta trấn áp và dứt điểm tuyệt đối phiền não, chỉ tùy mình tu ở mức nào thôi. Chứ không phải cứ là tu tâm từ để diệt tâm sân, tu bất mỹ bất tịnh để diệt tham dục. Đó chỉ là gợi ý cho những trường hợp phổ biến. Chứ cứ học bài bản kiểu vỡ lòng rồi đi cãi chày cãi cối thì phiền lắm. Người mình hay bị bệnh đó nặng lắm, không biết thì cãi theo kiểu dốt, hoặc mặc cảm tự ti tôi không biết gì, tới hồi biết ba mớ thì coi cái biết của mình là toàn bộ vũ trụ và chính mình là cái rốn của vũ trụ. Vậy là chết rồi. Hơn nữa, kinh nói như vậy nhưng mình phải động não suy tư xem có hợp lý hay không.

Như vậy khi nào vị tỳ kheo bị lòng bất mãn chi phối thì có đề mục gợi ý đó là nên tu từ tâm.

Khi có tín, tấn, niệm, định, tuệ thì tự nhiên mình có hướng giải tỏa khi các phiền não tấn công. Tự nhiên như vậy, chứ không nhất thiết phải từ tâm mới đối phó với tâm sân. Một người thường trực sống với trí tuệ và chánh niệm về danh sắc thì tự nhiên khi họ gặp cơ hội cần bố thí là họ bố thí liền, không cần phải tu từ tâm thì lúc đó mới bố thí. Họ cứ tu tập niệm xứ một cách miên mật, khi gặp cơ hội bố thí là tự nhiên họ có từ tâm, có tâm bi để bố thí. Khi chánh niệm và trí tuệ ngon lành rồi thì gặp chuyện cần nhẫn nại là họ nhẫn nại, cần phải yêu thương thì họ yêu thương, cần tha thứ là họ tha thứ, cần nhẫn cần xả thì họ làm được liền. Bởi vì với một nội tâm thành tựu được tín, tấn, niệm, định, tuệ thì thiện pháp nào cũng có. Tuy nhiên, tùy vào khuynh hướng tâm lý mỗi người mà khả năng thiện của họ tới đâu. Có những người khi sống chánh niệm, tu tập niệm xứ lâu ngày thì bất cứ cơ hội nào làm được điều thiện là họ không từ chối. Nhưng có những trường hợp có những người tu tập niệm xứ lâu ngày họ giữ giới rất tốt, họ phục vụ rất tốt, nhưng họ bố thí rất là yếu bởi vì bản tánh của họ là bủn xỉn keo kiệt rất nặng. Cho nên khi họ tu tập ngon lành, thiện pháp nào ở họ cũng phát triển được nhưng riêng khoản bố thí họ làm không được. Hoặc có những người do tánh cao ngạo tự đại quá nặng nên khi họ tu tập niệm xứ lâu ngày, thiện pháp nào ở họ cũng tự nhiên thành tựu, nhưng riêng cái khoản khiêm tốn cung kính người khác thì họ không có được.

Tất cả các hạnh lành của mình đều có thể tự phát trên nền tảng của chánh niệm và trí tuệ. Nhưng tùy vào căn cơ của mỗi người mà những thứ thiện pháp tự phát ấy cái nào mạnh hơn cái nào, cái nào yếu hơn cái nào. Học A-tỳ-đàm kiểu vỡ lòng thì mình rất dễ bị vướng kẹt, đây là 25 Tâm sở Tịnh hảo, đây là Tín, Niệm, Tàm, Úy, Vô tham, Vô sân, Hành xả, đây là Vô lượng phần, đây là Giới phần v.v... mình thấy nó là cái gì đó rất là độc lập. Nhưng thật ra trong thực tế tu chứng thì nó không máy móc như vậy. Khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần, nếu mình là một người có nền tảng chánh niệm và trí tuệ thì tự nhiên cái phản ứng của mình trước sáu trần sẽ mang tính tích cực hơn người không có tu tập. Tích cực nghĩa là, tự nhiên khi gặp hoàn cảnh cần tâm từ thì tự nhiên tâm mình có khuynh hướng là thương yêu là bao dung; mình gọi khuynh hướng đó là tâm từ. Khi mình thường xuyên tu tập Tứ Niệm Xứ thì khi gặp bối cảnh, môi trường, cần phải làm cái chuyện mà người ta thường làm chuyện bậy thì tự nhiên lúc đó mình không làm chuyện bậy. Tự mình có đủ tàm úy, tự mình có đủ điều kiện tâm lý để mình tránh, đó được gọi là Giới phần. Tự nhiên lúc đó có chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng đủ để cho mình không làm chuyện bậy. Khía cạnh tâm lý lúc mình không làm bậy đó được gọi là giới phần. Khía cạnh tâm lý lúc mình bao dung thương yêu người khác thì được gọi là từ tâm. Còn mình cứ khư khư học theo bài học vỡ lòng của con nít, mình thấy đó là những cái rất riêng biệt, khó tu tập. Thật ra đó là những phản ứng tâm lý rất tự nhiên của một người sống chánh niệm, cộng với ba-la-mật.

Khi anh có Ba-la-mật ngon lành rồi cộng với Tứ Niệm Xứ ngay trong hiện tại, gặp chuyện cần có Vô lượng phần là có ngay, gặp chuyện cần có Giới phần là có ngay, gặp chuyện cần có trí tuệ là có ngay. Đó là lý do vì sao một người cầu đạo giải thoát phải có ba-la-mật. Khi anh có ba-la-mật đầy đủ cộng với đời sống của hành giả Tứ Niệm Xứ ngay trong hiện tại thì phản ứng tâm lý của anh trước 6 trần rất là ngoạn mục, rất là tích cực, rất là hướng thượng. Tu là tu như vậy.

Hôm nay là chúng ta có dịp để nói hơi nhiều về mối tương quan chặt chẽ giữa kiến thức A-tỳ-đàm và pháp môn Tứ Niệm Xứ (Tuệ Quán). Khi ba-la-mật đầy đủ rồi ngon lành rồi, cộng với nếp sống hiện tại của mình là một hành giả Tứ Niệm Xứ thì phản ứng của mình trước sáu trần rất là tích cực. Mỗi khía cạnh tích cực ấy được Đức Phật gọi tên bằng những mỹ từ như tín, tấn, niệm, định, tuệ, kham nhẫn, hành xả v.v...

(3-4) Khi bị hôn trầm thụy miên, trạo cử phóng dật chi phối

Hôn thụy: buồn ngủ, làm biếng.

Các đề mục được nhắc đến trong đây chỉ là những gợi ý mang tính tham khảo cho những trường hợp phổ biến chớ không phải là duy nhất là tuyệt đối.

Chánh tạng không nói, nhưng trong Chú giải có cho những gợi ý như thế này và giải thích là Ngài muốn nói như vậy. Tôi thích bài kinh này ở điểm Ngài không nói rõ cách nào để đối phó tham dục sân hận hết. Những đề mục tôi nói nãy giờ toàn là Chú giải giải thích kinh này gợi ý như vậy, chứ Đức Phật không nói sống chết mình phải tu tập đề mục nào để giải quyết phiền não nào. Ngài chỉ nói chung chung thôi, còn Chú giải thì nói cụ thể:

- Khi bị tham dục chi phối thì tu tập đề mục bất mỹ bất tịnh trên xác sống xác chết.

- Khi bị sân tâm thì nên tìm đến vị có tu tập để họ nhắc nhở cho mình pháp môn từ tâm.

- Khi bị buồn ngủ, lười biếng thì nên tìm đến những vị đã chứng, để được hướng dẫn tu tập đề mục ánh sáng.

Đề mục ánh sáng là gì? Hành giả tự mình tự kỷ ám thị rằng tôi đang ngồi giữa ban ngày, tôi đang ngồi giữa một vùng ánh sáng. Vị đó để mắt để tâm vào một cái đốm sáng, một ngọn lửa, thay vì niệm lửa thì niệm ánh sáng: “sáng, sáng, sáng, aloka, aloka...” Hoặc cách thứ hai là tự kỷ ám thị “tôi đang ngồi giữa trưa nắng ngoài trời trống”. Khi suy niệm như vậy thì vị đó không buồn ngủ nữa.

 Trạo hối (uddhacca-kukkucca) là hai phiền não phóng dật hối hận cộng chung lại, lăng xăng không tập trung là trạo cử, hối là lòng ray rứt bất an về những chuyện mình đã làm và không chịu làm.

(5) Khi bị hoài nghi chi phối

Hoài nghi: hoang mang nghi hoặc; hoang mang không biết pháp môn này có đúng không, sư phụ dạy có đúng không, tu tập như vậy có dẫn tới kết quả gì hay không, người như mình tu hành có đắc gì hay không.

Nhiều vị định nghĩa hoài nghi trong 5 Triền cái mà gắn Tam bảo vô thì không được. Vì sao, vì muốn đắc được thiền thì anh phải tránh được năm triền cái. Có những lúc không có Phật ra đời người ta vẫn có đắc thiền. Muốn đắc thiền thì phải giải quyết được năm triền, trong đó có hoài nghi. Nếu định nghĩa hoài nghi mà có dính tới Tam bảo thì trong thời kỳ không có chư Phật ra đời người ta làm sao đắc thiền. Nhiều vị học một cái mẫu định nghĩa hoài nghi là hoài nghi trong Phật pháp tăng, hoài nghi trong Tam học, hoài nghi trong Bốn Đế, 12 duyên khởi. Định nghĩa đó rất đúng, nhưng trường hợp nào mình xài định nghĩa đó cho chữ hoài nghi. Có những trường hợp chúng ta không thể bê nguyên xi định nghĩa đó áp dụng cho chỗ khác.

Trong Chú giải nói để đối phó với hoài nghi thì tự mình, hoặc nên tìm đến vị đã có tu chứng để được dạy cho ân đức Tam bảo. Bài kinh này nói đến người đang sống trong thời kỳ Đức Phật. Trong trường hợp đó người đó phải được học kỹ hơn về ân đức Tam bảo, đây là những hành giả trong thời kỳ Đức Phật mà thôi. Còn nếu những hoang mang nghi hoặc của mình mà không liên hệ đến Tam bảo thì mình phải giải quyết nó theo hướng khác. Ví dụ hoài nghi về sư phụ, hoài nghi về pháp môn thì bắt buộc mình phải dùng kiến thức giáo lý, coi thử lời dạy của sư phụ, của cuốn sách đó, lời dạy đó, cái kỹ thuật hành trì đó có đúng với kinh điển hay không. Phần đó là phần của mình chứ không thể nào đi nhờ người khác được.

(6) Khi tâm bị vướng kẹt trong năm triền

Sau khi nói đến năm triền cái thì Ngài dạy cái thứ sáu, đó là khi nào tâm bị vướng kẹt trong năm triền cái thì mình phải tìm đến vị đã đắc chứng, hoặc đang tu tập (Manobhāvanā: tu tâm tu ý).

 “8. Lại nữa, này Tỷ-kheo, trong khi Tỷ-kheo y cứ nơi tướng nào, do tác ý tướng ấy, các lậu hoặc được đoạn diệt, không có gián đoạn, vị ấy không biết, không thấy tướng ấy, trong khi ấy, sau khi đi đến Tỷ-kheo đã được tu tập về ý, vị ấy cần được nói như sau: "Thưa Hiền giả, y cứ nơi tướng nào, do tác ý tướng ấy các lậu hoặc được đoạn diệt, không có gián đoạn, tôi không biết không thấy tướng ấy.”

Chỗ này rất quan trọng, chúng ta không có ba-la-mật, chúng ta lại không có được nghe chánh pháp, chúng ta không được gặp minh sư thiện hữu đặc biệt là chư Phật, từ đó, khi 6 căn tiếp xúc với 6 trần thì chúng ta luôn luôn sống trong cái ảo: cái này ngọt, cái này đắng. Chúng ta trốn chạy cái đắng, chúng ta đi tìm kiếm cái ngọt. Chúng ta có những phân biệt đây là nam, là nữ, là đẹp là xấu, cao thấp, trắng đen dài ngắn trong ngoài… chúng ta hoàn toàn sống trong chế định, hoàn toàn sống trong tục đế từ vô lượng kiếp. Những khía cạnh đó chỉ là hiện tượng của các pháp chứ không phải bản chất. Một người chứng thánh là phải có cái nhìn xuyên thấu bản chất của vạn hữu, đây là danh, đây là sắc, cả danh lẫn sắc đều do duyên mà có, có rồi phải mất. Đó là thấy được các pháp qua khía cạnh bản chất.

Chúng ta có hai cách để nhìn về thế giới này: nhìn nó trên lớp vỏ hiện tượng và nhìn vào bề trong bản chất. Ví dụ, nói theo bản chất, “đây là H20, đây là Oxygen”, còn nói theo hiện tượng: “đây là sương, đây là mưa, đây là hơi nước…”. Có học đạo, có tu tập thì chúng ta mới có thể nhìn thấu thế giới này qua bản chất. Còn không thì chúng ta chỉ sống trong hiện tượng mà thôi. Trong trường hợp đó Đức Phật gọi hiện tượng đó là ‘tướng’.

Khi chìm sâu trong khía cạnh hiện tượng, cũng một người đó mà khi thì mình nhìn để thương khi thì mình nhìn người đó để giận; nhưng đối với hành giả Tứ Niệm Xứ thì họ nhìn người đó họ đắc quả. Cũng hiện tượng đó, cũng vẻ ngoài đó, cũng ngoại tướng đó thôi, nhưng có người nhìn vào để khởi lên cái tâm thương thích tham ái. Có người nhìn hình ảnh đó, con người đó để bực mình bất mãn; nhưng có người nhìn con người đó để đắc quả. Nhìn mà để thương để ghét là anh bị kẹt vào cái hiện tượng rồi. Chỉ có hành giả quán chiếu trên khía cạnh bản chất nên anh ta mới chứng quả được.

Đoạn kinh này nói gì? Nhiều khi chúng ta sống quá nặng về hiện tượng, bắt buộc chúng ta phải tìm đến gặp các vị đang tu chứng hoặc đã thành tựu thì họ mới có thể hướng dẫn cho mình.

Mỗi người chúng ta đều có những đam mê, có người thích chơi tem, có người thích tiền xưa, có người thích sưu tập đồ cổ, có người thích sưu tập rượu, thuốc lá xì gà, nước hoa, hoặc xe v.v... Có một hành giả người Mã Lai rất mê chơi tem, khi anh ta đi tu tập trong thiền viện thì anh ta không còn chơi tem nữa. Đi tay không vào thiền viện thì lấy tem đâu mà chơi. Bữa đó vị thiền sư có việc xuống văn phòng, anh ta cũng xuống văn phòng, thấy trong thùng rác có cái bao thư trên đó có con tem rất là đẹp. Anh ta thò tay cầm lên coi. Vị thiền sư đứng kế bên. Anh ta nói: Con có một bộ sưu tập tem rất là lớn, rất là giá trị. Con tem này độc đáo, in đẹp và nguyên vẹn thế này, nếu cách đây chừng một năm mà gặp con tem này thì con có thể điên lên được. Bởi vì con tem này được gởi đến từ đất nước nhỏ nào đó mà chúng ta không có điều kiện sưu tập con tem loại này.

Vị thiền sư nói: Thế giới bao la đừng vùi chôn mình vào một mảnh giấy nhỏ như vậy.

Ngài chỉ nói như vậy thôi. Chính câu nói đó đã đánh động lay tỉnh anh hành giả đó. Từ đó về sau, rời thiền viện về anh không còn đụng tới tem nữa. Câu chuyện về anh hành giả Mã lai đó chính là điều thứ 6 trong bài kinh này. Khi chúng ta chìm sâu trong thế giới hiện tượng chúng ta không ra được. Lúc đó chúng ta cần đến một sự hỗ trợ tối thiểu từ ai đó. Ngài nói nhẹ nhàng thôi, thế giới này bao la lắm, đừng vùi chôn đời mình, con người mình, tương lai mình trong miếng giấy nhỏ xíu như vậy. Mặc dù người chơi tem có nhiều cách biện minh, “chơi tem là chúng ta đang chạm vào những thế giới của văn hóa, của lịch sử, của triết học, của tư tưởng của nghệ thuật v.v...” nhưng đó là cách nói của người chơi tem của người mê tem. Còn trong nhận thức của một hành giả Tứ Niệm Xứ thì đó chỉ là miếng giấy nhỏ xíu bằng ngón tay được dán lên trên phong bì để bưu tá viên theo đó gởi thơ giùm mình thôi.

Trong 5 trường hợp đầu khi tâm bị ám ảnh bởi 5 triền cái chúng ta cần đến sự hỗ trợ của minh sư thiện hữu đã đành rồi, mà trong trường hợp thứ 6, khi phát hiện ra mình đang sống quá nhiều, quá lậm, đang bị ghim sâu gắm chặt trong thế giới hiện tượng thì chúng ta cũng cần đến sự hỗ trợ của thầy bạn. Năm điều đầu là nói về thiền Chỉ. Riêng điều thứ 6 thuộc về thiền Quán. Năm điều đầu thuộc về Định, điều thứ 6 thuộc về Tuệ.

Đọc kinh mà đọc cho tới nơi tới chốn thì không kinh nào mà không quan trọng. Chẳng hạn như kinh này, nếu đọc một mình mình không ngờ nó lớn chuyện như vậy. Điều 6 là từng bước lìa bỏ thế giới hiện tượng để đi sâu vào thế giới bản chất. Trong vô lượng kiếp chúng ta đã chết lên chết xuống với thế giới hiện tượng, chúng ta bị mắc bẫy, chúng ta bị lừa dối với thế giới hiện tượng, từ đó chúng ta mới có thích (tham) và ghét (sân), tham sân ở đâu thì si núp lùm kế bên đó. Bây giờ biết Phật pháp rồi, có học có hành trì chúng ta không tiếp tục lún sâu chết chìm trong thế giới hiện tượng nữa.

(Cre: Nhị Tường)

 

Saturday, August 14, 2021

NGÀI UPALI



Hễ nhắc đến ngài Upāli là mình phải thuộc câu thần chú này 

Giải thoát không thể có nếu thiếu tuệ; tuệ không thể có nếu thiếu định; định không thể có nếu thiếu giới, giới không thể có nếu thiếu luật.

VÔ TƯỚNG TÂM GIẢI THOÁT

Việc tiếp tay cứu trợ cũng đã xong, vậy mà khi họ biết và tìm tới với những hoàn cảnh quá là hoàn cảnh thì không thể từ chối được. Thế là xuất tiền túi... Tự hứa không đọc mạng nữa, toàn những chuyện thương tâm. Phải an trú vào niệm xứ, vào kinh điển, mới qua được những ngày tháng bi thương này.

-------------------- 



Vô tướng tâm giải thoát là gì? Trong Chú giải giải thích, Animittācetovimuttīti balavavipassanā, Vô tướng tâm giải thoát nghĩa là Tuệ quán miên mật.

‘Balavavipassanā’: tuệ quán miên mật.

Balava’: mãnh liệt.

Có ba hạng hành giả:

- Bậc hạ: thời gian thiền tọa thiền hành tùy thuộc cái đồng hồ. Sau khi hết giờ thiền tọa thiền hành thì quậy bung lụa, ăn chơi, karaoke, đua xe… trở về với bản năng.

- Bậc trung: ngoài giờ thiền tọa thiền hành thì quẩn quanh trú xứ làm việc lành như nghe pháp, quét dọn, xem kinh….; vì còn thất niệm nên gọi là bậc trung.

- Bậc thượng: không có giờ thiền tọa hay thiền hành mà họ thiền tọa cho đến bao giờ thấy đủ họ đứng dậy đi; đi bao giờ cho thấy đủ thì họ đi nằm hoặc đi làm việc gì đó. Trong suốt một ngày tâm tư của hành giả bậc thượng không có hề có sự khác biệt nào giữa phút giây này với phút giây khác. Ngay từ trên giường là biết rõ tôi đang nằm, biết rõ tâm trạng cảm xúc của tôi như thế nào, hoặc nằm theo dõi hơi thở ra vào ra vào. Khi thấy đủ rồi thì vị này bước xuống giường thì và bắt đầu một ngày mới với toàn bộ chánh niệm. Hạng này được gọi là Balavavipassanā – tuệ quán miên mật.

Đức Phật dạy, một người an trú trong tuệ quán miên mật như vậy thì họ không có tiếp tục sống trong sự ôm ấp chấp giữ thế giới hiện tượng nữa. Thế giới hiện tượng là những gì làm cho mình khổ, “cái đó là cái tôi thích”, “cái đó là cái tôi ghét”, “đó là người tôi thương”, “đó là người tôi không ưa”, “cái này đắt tiền, cái này rẻ tiền”, “tại sao cho tôi cái này mà không cho tôi cái kia”…, đó được gọi là chấp tướng. Một vị hành giả tu tập tuệ quán miên mật thì vị đó không bị trói buộc bởi những ngoại tướng phân biệt như vậy nữa. Bởi vì ở đây là vô tướng mà, vô tướng tâm giải thoát nghĩa là không bị chấp vào các ngoại tướng tục đế chế định, biến kế sở chấp thi thiết nữa. Cái chén mẻ hay cái chén lành họ thấy giống nhau, thức ăn vừa miệng hay không vừa miệng đối với họ giống nhau. Không phải họ u mê mất trí lú lẫn hay khờ khạo như đứa bé, không phải họ không biết canh khoai khác canh chua khác canh bí, mà không phân biệt nghĩa là ‘sao cũng được’. Họ biết hết nhưng sao cũng được. Hồi nãy nghe nói trưa nay ăn mướp xào với măng nhưng bây giờ nhà bếp báo không có măng thì họ thấy cũng bình thường. Người kia mới sáng nặng lời với họ, bây giờ háy nguýt lườm liếc họ thấy cũng bình thường. Người kia quý mến họ lắm, đi ngang kính cẩn chào miệng cười rất thân thiện, họ thấy cũng bình thường. Cứ phần mình mình đi, chuyện mình mình làm, đường mình mình đi. Đó gọi là vô tướng, không còn phân biệt. Tất cả đối với họ chỉ là danh sắc, chỉ là năm uẩn, chỉ là sanh diệt thôi. Bởi vì, có ba hạng: 1. Khi chưa biết đạo thì chạy theo cái thích và trốn cái ghét; 2. Biết đạo ba mớ thì quan tâm đến cái thiện, ghét cái ác; 3. Hạng cao cấp nhất, trong mắt của họ thiện ác buồn vui chỉ là cảnh sanh diệt mà thôi. Đối với họ cảnh buồn vui đề là cảnh đề mục. Ví dụ họ đang theo dõi đề mục hơi thở, thở ra biết rõ đang thở ra, chỉ quan sát chứ không điều khiển, hơi thở ra hết cỡ tự động nó vào, nó vào hết cỡ tự động nó ra. Có như vậy mới thấy cái thân này không phải của mình. Mình có nghĩ tới nó hay không nó vẫn cứ ra cứ vào. Lúc đang theo dõi như vậy thì có một tâm sân bực mình xuất hiện biết đây là sân.

Người không học giáo lý thì khỏi nói, họ cứ nghĩ sáng hôm nay tôi buồn quá, trưa nay tôi có nhiều chuyện buồn quá, tuần này tôi có nhiều chuyện buồn quá, năm nay tôi nhiều chuyện buồn, tháng này tôi nhiều chuyện buồn, nãy giờ tôi bực mình quá, nãy giờ tôi vui lắm v.v... Đơn vị thời gian của người không học giáo lý hoặc không tu tập Tứ Niệm Xứ rất dài. Đối với người tu tập Tứ Niệm Xứ thì họ thấy khác, đơn vị thời gian không còn là ngày giờ mà là trong từng khoảnh khắc tâm lý: tâm tham đang có mặt, tâm sân đang có mặt… Nhưng lên ở mức rốt ráo họ thấy tâm sân vừa biến mất. Bởi vì khi mà ta nhận diện đây là tâm sân thì lúc đó tâm sân đã mất nhường chỗ cho cái tâm nhìn nó. Không bao giờ có hai tâm cùng một cho nên khi thấy tâm sân có mặt thì lúc đó tâm sân đã mất tiêu rồi, cái tâm thấy nó đã thế chỗ cho tâm sân.

Nắm được mấy cái này lỡ mai mốt có bị trọng bệnh thì ôm cái này mà sống, mai mốt có đi thiền viện thì cũng ôm cái này mà tu. Phải nắm được giáo lý để mai mốt có trôi dạt cuối trời, một nơi không có thầy bạn tăng ni chùa miểu thì vẫn có cái để tu. Chứ còn căn bản giáo lý không có, lúc còn trẻ thì sao cũng được chứ già bịnh rồi thì tu cái gì.

Vô tướng tâm giải thoát là vậy đó, khi vị đó tu tập tuệ quán một cách miên mật tinh tấn rốt ráo thì đối với vị đó không còn cái gì gọi là ngoại tướng để chấp nữa, bởi vì những gì mình thấy nó đều là vừa mất đi, vừa diệt đi mà. Ngày xưa nó còn vuông tròn dài ngắn xanh vàng đỏ tím, còn bây giờ mọi thứ mình vừa thấy nó thì nó đã mất rồi. Cho nên đây là lý do vì đâu một người tu tập đã tuệ quán miên mật, (balavavipassanā) thì gọi là vô tướng tâm giải thoát. Nhìn thấy cái gì cũng là không có ngoại tướng, nhìn là mất tiêu.


Sống khôn thác thiêng

“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...