Thursday, December 29, 2022

Wednesday, December 28, 2022

Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời?

Một ngày tưới cây bỗng nhớ một câu hát của Trịnh Công Sơn:

Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ghi dấu chân chim qua trời.

Câu hát vừa băng ngang đầu bỗng chợt nhớ Subhadda. Đó là một du sĩ ngoại đạo, vào đêm cuối cùng khi Đức Phật sắp viên tịch đã nghĩ rằng một con người vĩ đại một con người hy hữu có một không hai sắp từ giã cõi đời, nên vội vã cố vào tìm gặp để xin giải đáp một nghi vấn vừa khởi lên.

Trong kinh có nói hai ông tên là Subhadda. Một ông là đệ tử đã xuất gia khi lớn tuổi, trong đoàn tỳ kheo tùy tùng ngài Ca Diếp trên đường về Kusinara, nghe tin Đức Phật viên tịch và chung quanh khóc thương đã nói rằng khóc mà chi từ nay chúng ta được thoát khỏi hoàn toàn vị Ðại Sa-môn ấy, không bị phiền bởi những câu "Làm như thế này không hợp với các ngươi, làm như thế này hợp với các ngươi; nay thì muốn làm gì thì làm, không muốn làm thì không làm…

Khi du sĩ ngoại đạo Subhadda vào xin gặp Phật, ngài Ānanda chặn lại không cho. Phật mệt lắm rồi, thôi đừng làm phiền nữa. Ba lần xin gặp ngài Ānanda đều ngăn lại. Đức Phật nói ngài Ānanda cho vào vì biết rằng đây là một người đến để hỏi đạo chớ không phải làm phiền. Ngoại đạo Subhadda vào chúc tụng hỏi thăm xã giao rồi nêu tên những vị giáo chủ, khai tổ các giáo phái tiếng tăm và hỏi Phật rằng tất cả những vị này có phải là giác ngộ chưa, hay chưa giác ngộ, hay một số giác ngộ một số chưa, hay tự nhận mình đã giác ngộ.

Hai ngàn năm trăm năm trước cũng giống y hệt giang cư mận chúng ta ngày nay nhỉ. Nhưng vị du sĩ ngoại đạo này hỏi với một tinh thần là để học hỏi chớ không phải để… ném đá.

Và Đức Phật đã nói, thôi nào Subhadda, để chuyện ông nào đắc ông nào chưa đắc qua một bên đi, lắng nghe nè:

Trên hư không không từng có dấu chân chim.
Ngoài bát thánh đạo không có thánh nhân.
Vạn hữu không thể nào có sự vĩnh cửu.
Chư Phật không hề có sự dao động.
(PC 255, Phẩm Phật Đà)
(255. Ākāse padaṃ n’atthi samaṇo n’atthi bāhire, saṅkhārā sassatā n’atthi n’atthi buddhānaṃ iñjitaṃ.)
Sau đó thì du sĩ ngoại đạo Subhadda được xuất gia thọ đại giới với Đức Phật. Đó là vị đệ tử cuối cùng được Ngài tế độ vào phút… 89.

Vậy chuyện câu hát của Trịnh Công Sơn có liên quan gì ông Subhadda? Đó là không biết là Trịnh Công Sơn có nghe qua câu kinh “Trên hư không không từng có dấu chân chim” hay chưa, nhưng chim bay trên trời làm sao mà in dấu chân. Rõ ràng ở đây là một sự “từ bi bất ngờ” của Trịnh Công Sơn khi một ngày nhìn thấy trên khuôn mặt giai nhân nào đó quá trời dấu chân chim!!!

Câu nhạc ấy có lẽ là “tuổi nào ghi dấu chân chim quá trời”, bởi Phật nói trên hư không làm gì có dấu chân chim!
Nhị Tường 29/12/2022 

Friday, December 23, 2022

Cuộc đời ông già Nô-en

1. Tuần trước, bà nói nó hãy ngoan. Ông già Nô-en sẽ cho quà những đứa trẻ ngoan. Thế là nó cứ ngoan, và ngày nào nó cũng hỏi khi nào ông già Nô-en mới cho quà. Bà phải mỏi miệng trả lời là ngày 25. Nó không hình dung được ngày 25 là gì. Bà mở ipad và chỉ cho nó con số ngày tháng.

Nó trông chờ ngày tháng qua mau mà sao ngày tháng qua chậm quá. Ngày nào nó cũng hỏi, bà ơi, khi nào ông già Noel mới cho quà. Hôm kia bà phiền quá bèn dắt nó ra ngoài đường, nơi người ta bán đầy quà trên tấm bạt. Bà nói, lựa đi, ông già Noel đã đưa tiền cho bà để mua quà cho con rồi.

2. Cô giáo nó nói với các cháu hãy viết những điều ước vào tờ giấy. Ông già Noel sẽ mang quà đó đến vào ngày Giáng Sinh. Rồi cô giáo nó dặn mẹ nó hãy mua món quà nó thích, kín đáo mang đến lớp. Sẽ có ông già Nô-en tặng quà cho các cháu.
Mẹ nó mua chiếc đồng hồ báo thức, gói ghém vào trong hộp, rồi lẻn vào lớp nó giao cho cô giáo. Chiều đi học về nó nói:
- Con thấy mẹ đến đưa đồ cho cô. Cô nói, của Khải Như, rồi cô để lên kệ.
Mẹ nó cười ngất. Thôi lộ chuyện của ông già Nô en mất rồi.

3. Chiều nay bà đến trường đón nó. Chợt thấy ông bảo vệ lên tay xuống ngón chuyện gì đó bức xúc lắm với một vài phụ huynh. Mọi khi bà đến là ngồi xuống ghế trước trường chơi game chờ cho đến khi nó ra tìm bà. Hôm nay bà đến chỗ ông bảo vệ. Hôm nay có chuyện gì mà trông ông và các cháu có vẻ long trọng gay cấn vậy. Ông bảo vệ vẫn còn tỏ vẻ ấm ức:
-Hai vợ chồng đó, đi ô tô đó chớ. Mỗi lần tới đây thì chỉ trỏ, nói này nói kia ra vẻ lắm. Mua quà cho con mà mua cái xe hơi chút xíu.(Ông vừa nói vừa chụm ngón tay ra bộ như thể đang cầm cái gì đó to cỡ cái trứng gà). Thằng con nhìn thấy đứa nào cũng hộp quà thiệt to, trong khi quà của nó có chút xíu. Thằng nhỏ khóc.
- Dạ, mắc cười vậy. Mà sao ông có vẻ giận?
- Tui làm ông già Nô-en. Cô hiệu trưởng nhờ tui làm. Cổ nói, mặc bộ đồ vô phát quà một chút cho các cháu nó mừng, chớ thuê người phức tạp. Tui tròng bộ đồ vô phát cho các cháu. Phát cho thằng nhỏ cái xe chút xíu nó cầm nó khóc. Cái cha mẹ nó đi mua cái khác quay lại kêu tui mặc bộ đồ vô để phát lại. Đời nào tui làm chuyện đó.
4. Bà ơi, con có quà ông già Noen cho nè. Khải Như tung tăng chạy xuống tay giơ hộp quà. Vậy hả. Con có biết ông già Nô-en là ai không. Dạ biết chớ. Vậy hả. Ổng như thế nào? Ông già Nô- en kìa bà!
Khải Như giơ tay chỉ ông bảo vệ…

Photo:
-Hình Khải Như mua quà bằng tiền ông già Nô-en đưa cho bà ngoại.



-Cuốn sách của bà ngoại dịch, phát hành cách đây 22 năm vẫn còn mới và chưa hết.




Sống khôn thác thiêng

“Những gia đình nào mà có con cái hiếu thảo thì những gia đình đó được coi là gia đình [có] Phạm thiên”. Đó là câu trong bài kinh "Ngan...